03/09/2024
BỐ MẸ HẠN CHẾ NÓI NHỮNG CÂU NÀY VỚI CON NHÉ.
1. “Đừng làm Bố Mẹ phải xấu hổ vì con”
Rất nhiều bậc cha mẹ mắc phải sai lầm này. Bố Mẹ nghĩ rằng họ đang nhắc nhở con cái mình có những hành vi tốt hoặc ngăn cản những trò nghịch ngợm của chúng. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng các cụm từ cực đoan kiểu như “không được làm cho Bố Mẹ xấu hổ”, bạn đang gây tổn thương về mặt tình cảm cho chính con bạn. Chưa kể tới việc trong tương lai chúng cũng phải luôn cố gắng làm những việc để có được sự chấp thuận của bạn và điều này ảnh hưởng đến những mối quan hệ trong cuộc sống của chúng sau này.
2. Con chậm chạp như rùa, con ngu như bò, con phá phách như con khỉ con…”
Có bao nhiêu cách Bố Mẹ so sánh con mình khi bạn không hài lòng? Tất cả điều này dẫn đến một điều: trẻ em sẽ cảm thấy bối rối về chính bản thân mình, nó sẽ cảm nhận được một điều rằng mình là một món đồ chơi, và người ta có thể làm tất cả mọi điều người ta muốn với nó. Vào lúc bắt đầu của cuộc đời, con bạn sẽ tiếp nhận mọi điều người khác nói mà không có suy nghĩ riêng của mình, chúng tin cậy vào bạn 100%. Thay vì nói với con rằng nó là một kẻ ngốc, hãy nói “Để mẹ giúp con, để mẹ giải thích cho con nhé” và con sẽ vui với điều đó.
3. “Sao mẹ lại đẻ ra đứa con như thế này nhỉ?”
Nếu bạn từng nghĩ hay nói điều này với con, bạn thực sự không xứng đáng làm mẹ. Tất cả chúng ta đều có những thời điểm cảm thấy vô cùng tiêu cực và bất lực trong việc dạy dỗ con cái. Tuy nhiên, hãy đừng bao giờ dại dột nói những câu như “sao mẹ lại sinh ra đứa con như thế này”, “mẹ ước gì không sinh ra con”… Lý do đơn giản bởi chính bản thân bạn cũng biết, những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực kia chỉ là nhất thời, không phải là toàn bộ suy nghĩ của bạn. Do đó, đừng khiến con phải cảm thấy như bạn thực sự hối tiếc vì đã sinh ra chúng. Với một đứa trẻ mà đến bố mẹ cũng nói không cần, chúng sẽ càng phát sinh những hành vi tiêu cực, bất chấp.
4. “Sao con không thể giống anh/em của mình được hả”
Khi nói những câu như vậy, hầu hết các bậc Bố Mẹ đều đang có ý muốn nêu gương tốt cho con, khích lệ con học tập theo người anh/em ruột của mình. Câu nói này đặc biệt hay xuất hiện trong một gia đình có hai anh/chị em, một đứa trẻ cư xử tốt và một đứa không bằng. Tuy nhiên, hiệu quả của câu nói này hoàn toàn ngược lại. Khi nói những câu so sánh như vậy, cha mẹ đã vô tình làm con tổn thương và gián tiếp đẩy hai đứa con của mình vào thế đối địch. Kết quả là, đứa trẻ hư sẽ càng có phản ứng tiêu cực, cố tỏ ra hư hỏng để khẳng định mình “KHÁC” với đứa còn lại.
5. “Con chẳng làm được gì tử tế cả / Con luôn thua cuộc”
Cuối tuần, nhà bạn có khách, Cô con gái giúp bạn làm bếp và vô tình làm cháy một món ăn ngon. Tiếc của, bạn ngay lập tức trách cứ “Con chẳng làm được gì ra hồn” trước mặt mọi người.
Bị chê là “ngu dốt” và “vô tích sự” thì chẳng ai thích cả. Với bố mẹ, việc nhiếc móc như vậy thường xảy ra nhằm mục đích làm con cảm thấy xấu hổ. Nhưng nếu bị chê bai quá nhiều trẻ sẽ dần hoài nghi về năng lực bản thân và càng không muốn phấn đấu.
Vì vậy, dù bực tức và thất vọng đến mấy thì cha mẹ cũng nên kiềm chế cảm xúc. Cố gắng sử dụng những từ ngữ và câu nói mềm mỏng hơn để vừa giúp con hiểu được mình đã làm sai và cảm thấy “có lỗi”, vừa không gây ra sự xấu hổ, tổn thương cho con.
6. “Chuyện vớ vẩn thế mà cũng buồn”
Mẹ cảm thấy không thể hiểu nổi vì sao cậu con trai lớp 10 lại giận dỗi bạn gái chỉ vì Cô bé đã quên không nhắn tin cho cậu. Vì chuyện đó mà cậu bé hậm hực, đóng sầm cửa phòng khi vừa đi học về và không ăn uống gì. Dưới con mắt của người lớn chúng ta đó là điều cực “vớ vẩn”. Vậy nhưng trước khi thốt ra câu nói “Có thế mà cũng buồn”, mẹ hãy thử cân nhắc: khi bản thân mình đang buồn bực chuyện gì, nếu không nhận được sự cảm thông, an ủi mà thay vào đó là những lời chỉ trích thì cảm xúc sẽ thế nào?
7. “Đừng có bôi tro trát trấu lên mặt bố/mẹ”
Nói cách khác, bạn thông báo cho con mình: “Con là sự xấu hổ của bố/mẹ”. Trẻ em thường nghe những câu như vậy sẽ luôn muốn mọi người nhìn thấy thật ra mình là người thế nào, bên cạnh đó, nếu chúng nhận được sự chú ý của một ai đó, chúng không biết phải làm gì với điều ấy. Chúng lẩn tránh, khép kín, và lạc hướng. Đứa trẻ ấy không có sự lựa chọn, nó chỉ có thể là sự xấu hổ của người khác. Khi bạn nói như thế, bạn làm tổn thương con của bạn.
8. “Khi bố/mẹ bằng tuổi con, bố/mẹ làm điều này giỏi hơn hẳn”
Trong con mắt của trẻ dưới sáu tuổi, cha mẹ chính là những vị thần theo đúng nghĩa đen. Các hành vi ứng xử, mối quan hệ với người khác đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các câu nói mà bạn sử dụng.
Ví dụ, nếu bạn liên tục đề cập đến những thành tích của mình khi còn nhỏ, bạn có thể gieo vào lòng con mình thái độ ganh đua không tốt đồng thời cũng đóng khung con bạn trong sự tuyệt vọng về khả năng của bản thân. Mặc dù điều này không hẳn là có hại khi chúng còn nhỏ nhưng vô hình chung sẽ tác động nhiều đến hành vi trong cả cuộc đời sau này vì nó khuyến khích chúng bằng mọi cách theo đuổi các mục tiêu làm hài lòng người khác hơn là theo mong muốn của cá nhân. Không cần phải nói cũng biết được cuộc sống như vậy mệt mỏi thế nào.
9. “Bố/mẹ không muốn nghe thấy tiếng của con”
Chắc chắn sẽ có những lúc con bạn nghịch ngợm, la hét bất kể thời điểm nào. Những lúc này, bạn không nên tạo ra các ranh giới mà ngăn cản chúng thể hiện bản thân hoặc cố gắng kiềm chế chúng.
Bằng cách nói với con rằng Bố Mẹ không muốn nghe chúng la hét, bất kể hoàn cảnh nào, bạn đang vô tình cho chúng thấy chúng không được chào đón trong cuộc sống của bạn. Trong tâm trí đang phát triển của một đứa trẻ, điều này có xu hướng tạo ra cảm giác tội lỗi.
Thay vì sử dụng những lời này, Bố Mẹ nên nhẹ nhàng giải thích với con mình và đề nghị hãy cố gắng giữ im lặng một chút vào lúc này.