30/03/2021
RẮN ĐỘC RẮN, NGUY HIỂM KHÔN LƯỜNG
Đối với loài rắn có lẽ nhiều người cũng không xa lạ, một số hộ dân còn nuôi rắn để làm kinh tế. Cũng chính vì thế mà việc bị rắn cắn thường hay xảy ra, nhất là vùng miền núi, nơi có nhiều môi trường sống cho các loài rắn. Do đó sau khi bị rắn cắn việc sơ cứu tại chỗ và đến viện sớm là một chuyện vô cùng quan trọng, nó quyết định đến tiên lượng cũng như biến chứng mà rắn cắn gây ra.
Đó là trường hợp anh Nguyễn Văn N, 56 tuổi, địa chỉ Làng lầm, Xã Nghĩa Lâm, Huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Tiền sử khỏe mạnh, Từ 16 giờ ngày 26/11 bệnh nhân đi làm ruộng mía, giẫm phải rắn lục màu xanh, đuôi đỏ bằng ngón chân cái, bệnh nhân bị cắn nhiều vết vào mặt trong mu bàn chân trái, sau cắn đau nhiều (VAS 7/10), sưng nề, nóng đỏ, lan lên tận gối, chảy máu không cầm. Sau 6 giờ bị rắn cắn, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh Viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An trong tình trạng tỉnh mệt, vẻ mặt hốt hoảng, lọ sợ, đau nhiều chân trái, kiểm tra mặt trong bàn chân T có 6 vết cắn, còn rỉ máu, chân sưng nề nhiều, chảy máu trong cơ, tấy đỏ lan tận gối T, chu vi cổ chân T 26 cm so với 20 cm cổ chân P, nước tiểu ít. Xét nghiệm rối loạn đông máu nặng, Test đông máu 20 phút tại giường không đông, Fibrinogen ngoài ngưỡng xác định, PTs 18s, PT% 46, INR 1.64, tiểu cầu thấp (20 G/L) CK 500 (U/L). Creatinin 120 mcmol/L.
Bệnh nhân được xử trí bằng bất động, truyền dịch, truyền tiểu cầu máy, truyền plasma tươi, giảm đau, phòng uốn ván. Nhận định đây là một trường hợp nặng vì diễn biến nhanh, nhiều vết cắn, sưng đau lan rộng một nửa chi chỉ sau 6 giờ.
Bệnh nhân được hội chẩn dùng huyết thanh kháng nọc rắn lục tre tinh chế. Sau khi truyền 40 lọ huyết thanh giải độc, được theo dõi sát trong quá trình giải độc, bệnh nhân đỡ đau nhiều ( từ VAS 7/10 xuống VAS 2/10), đỡ sưng nề nhiều (chu vi cổ chân sau truyền từ 26 cm-> 23 cm). Các xét nghiệm dần cải thiện, sau 24 giờ dùng huyết thanh chân đỡ phù nề, hết đau, các xét nghiệm trở về bình thường (Fibrinogen 2.33 g/l, PT 11.3 s, PT% 98.8, INR 1.01, Creatinin 70, tiểu bình thường
Theo Ths.BS Nguyễn Văn Thủy. Trưởng khoa Chống độc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết nhiều trường hợp mất thời gian đi tìm thầy lang, lá thuốc, dùng hòn đá chữa rắn cắn, trích rạch, gây điện giật, chữa bằng mẹo,... đặc biệt là mất thời gian chờ đợi xem tác dụng của các biện pháp sơ cứu trong khi đó, hiện tại khoa Chống độc bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã triển khai sử dụng HUYẾT THANH KHÁNG NỌC RẮN. Việc sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn trong những giờ đầu mang lại hiệu quả cao. Vì vậy khi bị rắn cắn, chúng ta nên đưa bệnh nhân đến viện càng sớm càng tốt.
-Các biện pháp sơ cứu tạm thời khi bị rắn cắn:
+ Cố gắng xác định được loại rắn đã cắn: màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách thức tấn công.
+ Ngay sau khi bị cắn, rửa trong chậu nước vài phút hoặc kết hợp dội nước hay dưới vòi nước chảy.
+ Động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng.
+ Không để bệnh nhân tự đi lại, nới lỏng quần áo, nếu cần thiết có thể cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.
+ Bất động chân, vùng bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn)
+ Áp dụng các biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn (Rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển)
+ Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế, đồng thời duy trì băng ép, bất động và để thấp hơn vị trí của tim.
+ Nếu bệnh nhân khó thở thì hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy, nặng hơn có thể bóp bóng đặt ống nội khí quản.
🚑🚑🚑🚑🚑🚑🚑🚑🚑🚑🚑🚑🚑🚑🚑🚑🚑
Khi bị rắn cắn, chúng ta hãy nhanh chóng đứa bệnh nhân đến Khoa Chống độc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để được dùng HUYẾT THANH KHÁNG NỌC RẮN sớm trong những giờ đầu tiên.