25/09/2018
NUÔI CON TỈNH THỨC - NUÔI CON HẠNH PHÚC
Trích bài giảng sáng nay với các cha mẹ trường Vinschool.
* Trẻ em sinh ra, đôi khi là để thực hiện những ước mơ dang dở mà ba mẹ chưa làm được. Hai bà mẹ ngồi nói chuyện với nhau, hỏi thăm con cái dạo này thế nào, một người khoe con tôi học rất giỏi và y như rằng ngay sau đó ta sẽ về ép con mình học cho thật giỏi. Ta so sánh con tôi, con anh học tiếng Anh ở trường Úc, trường Mỹ, có gia đình còn quyết đưa con sang Mỹ để học. Và chính điều này làm trẻ rất căng thẳng và mệt mỏi. Mỗi đứa trẻ, có đứa thích Toán, văn, có đứa thích thể thao, mỹ thuật, hội hoạ. Đôi khi ta nuôi con cún 1-2 năm là ta biết khi nào nó cần đi tè, khi nào nó cần ăn. Mà ta lại quên, không nhận ra con mình thích gì hay đôi khi bỏ qua luôn sở thích của con. Ta biết con cún thích gì vì nuôi cún ta không có ai để hỏi, để so sánh, và than phiền.
* Trẻ em được tạo nên từ chính ba mẹ, khi nằm trong bụng mẹ, trẻ là 1 phần của người mẹ. Cảm xúc mẹ vui, buồn, nóng giận, tạo nên chính đứa trẻ đó. Khi được 6 tháng trong bụng mẹ, em đã biết quan sát cảm xúc, hành động và tâm trạng của mẹ. Ba mẹ hạnh phúc, ba mẹ không hạnh phúc, ba mẹ hay gây sự, em đều biết hết và tạo nên một phần tính cách khi em chào đời.
* Trẻ em sinh ra là hoàn toàn tinh khiết, em không biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Nhưng trong quá trình nuôi dạy (mà ta đa phần nuôi dạy con trong vô thức, chưa thật sự tập trung vào hiện tại để nuôi dạy trẻ một cách tỉnh thức), bé quan sát môi trường xung quanh, quan sát ba mẹ, anh chị em của mình và thẩm thấu vào bên trong tạo nên ứng xử và hành động của bé. Khi bé vài tháng tuổi, bé nhìn ba mẹ, quan sát được phản ứng và suy nghĩ của ba mẹ. Khi bé 2 tuổi, bé lắng nghe tiếng nói của ba mẹ và biết được tâm trạng của ba mẹ như thế nào. Khi ba mẹ trò chuyện về công việc ở nhà, tám với hàng xóm về một vài thông tin tiêu cực, ta nghĩ trẻ con không biết gì, bé đang chơi đấy, mà bé quan sát, lắng nghe, vầ tiếp thu một cách vô thức tất cả những năng lượng xung quanh. Vô hình chung, chính những năng lượng tiêu cực đó sẽ quyết định hành động mà bé sẽ làm. Cứ từng chút như vậy, một giây sẽ ảnh hưởng đến một phút, một phút ảnh hưởng đến một giờ, 1 giờ ảnh hưởng đến 1 ngày, 1 ngày ảnh hưởng đến 1 năm, vài năm sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của bé. Đôi khi đứa trẻ 3 tuổi, ba mẹ ghét hàng xóm, trẻ cũng cảm nhận được điều đó, và khi gặp đứa trẻ bên hàng xóm, trong lòng chúng tự dưng muốn nhảy vài nhau để chiến đấu. Trẻ hấp thụ hết tất cả những thông tin, năng lượng mà ba mẹ tạo ra một cách vô thức.
* Khi ba mẹ bận rộn, ta quăng cho con cái ipad, máy tính bảng để con chơi, rồi sau đó ta đòi lại, con khóc ré lên, tiếng khóc làm ta đau lòng, ta lại đưa ipad, điện thoại cho con chơi. Cứ dần dần như vậy sẽ hình thành nên ký ức của trẻ, hình thành nên chính đứa trẻ mà ta than phiền sao cả ngày cắm mặt vô ipad. Con cái chính là trách nghiệm của ba mẹ, và ta cần xem lại, nhìn nhận lại vấn đề khi nuôi dạy con của mình.
* Trẻ em sinh ra, bị ảnh hưởng từ ba mẹ và môi trường xung quanh mình. Ví dụ như tôi sinh ra ở Ấn Độ, ba mẹ tôi nói ngôn ngữ Ấn, nên tôi cũng nói tiếng Ấn. Còn nếu tôi sinh ra ở Việt Nam, tôi sẽ nói tiếng Việt. Trẻ em không có ranh giới nào. Chính ba mẹ tách riêng người Ấn, Việt, Lào mới hình thành nên người Việt, Ấn, Lào. Ba mẹ ăn chay, con sẽ ăn chay, ba mẹ ăn mặn, con cũng sẽ ăn mặn, ba mẹ theo đạo, con cũng sẽ theo đạo. Đứa trẻ hiện tại chính là do ta, những người làm ba mẹ tạo nên.
👉 Vậy làm sao để nuôi trẻ một cách tỉnh thức?
* Đầu tiên là hãy ngừng than phiền về trẻ. Cách hành động, phản ứng của trẻ được hình thành từ chính việc quan sát và copy hành động của ba mẹ mà ra
* Hai là hãy ngưng so sánh, mỗi đứa trẻ có một tài năng riêng
* Ba là hãy ngưng phản ứng/ đối phó với hành động của trẻ. Giây phút chúng ta phản ứng lại sẽ hình thành nên ký ức tiêu cực trong trẻ, và trẻ sẽ hành động y như vậy sau này. Thay vào đó hãy nhẹ nhàng làm bạn với con và phân tích cho con hiểu. Cứ từng chút như vậy, sau này con sẽ biết thế nào là đúng, là sai và hình thành nên sự hiểu biết trong con
* Hãy tạo nên môi trường an lành nhất có thể trong ngôi nhà của bạn. Trang trí nhà một cách an yên, với những thông điệp trên tường, trẻ sẽ tiếp thu từng ngày và sau này con sẽ trở nên hiểu biết. Hãy tưởng tượng cảm giác khi ta ở chùa/ nhà thờ, ta không nghĩ gì về quá khứ, tương lai, vấn đề và chỉ tập trung vào giây phút an yên hiện tại. Thay vào đó, khi ta ở bữa tiệc, trong bar, ta hoà mình vào tiếng nhạc xập xình, đầu óc ta bị những suy nghĩ điều khiển, nào là cô gái đó thật xinh đẹp, nào là uống rượu gì. Ta sẽ không thể ứng xử như tại bar khi vô chùa và ngược lại. Do đó, tạo nên môi trường, không khí an lành trong ngôi nhà là vô cùng quan trọng. Hãy ngồi thiền cùng con mỗi ngày 15 phút, để góp phần tạo nên môi trường an lành đó trong ngôi nhà để con hình thành nên thế giới quan của mình.
* Cuối cùng, hãy dành thời gian bên con, cùng con chơi, cùng con trò chuyện tích cực và lạc quan, dạy con tôn trọng người khác, tôn trọng xã hội, thiên nhiên, dạy con ứng xử văn minh, yêu thương và giúp đỡ.