
TẾT ĐOAN NGỌ - 端午节duān wǔ jié
Tết Đoan Ngọ (còn gọi là Tết Đoan Dương) được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, là một trong bốn ngày lễ truyền thống lớn nhất Trung Quốc cùng với Tết Nguyên Đán, Tết Thanh Minh và Tết Trung thu. Mỗi địa phương ở Trung Quốc có phong tục ăn tết Đoan Ngọ khác nhau, nhưng nhìn chung có một số phong tục dân gian thịnh hành rộng rãi. Mời các bạn cùng Đinh Hương HSK tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa, phong tục dân gian và các từ vựng liên quan đến Tết Đoan Ngọ nhé.
1. Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ
Giả thuyết về nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ được lưu truyền rộng rãi và phổ biến nhất là truyền thuyết Khuất Nguyên. Tương truyền vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên, Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hóa nổi tiếng. Là người có tính khí cương trực, Khuất Nguyên luôn can ngăn Nhà Vua và bị gian thần hãm hại nên Ông bị đày xuống Giang Nam. Trên đường đi đày, nghe tin nước Sở mất Ông buồn bã gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn vào đúng ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Để tưởng nhớ Khuất Nguyên, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm người dân tổ chức các hoạt động tưởng niệm ông, chính là ngày Tết Đoan Ngọ ngày nay.
2. Phong tục dân gian trong ngày Tết Đoan Ngọ
- Đua thuyền rồng: là hoạt động nổi bật và náo nhiệt nhất của người Trung Quốc trong ngày tết Đoan Ngọ. Tương truyền, khi biết tin Khuất Nguyên tự vẫn, người dân tổ chức chèo thuyền ra sông để cứu nhưng không thành, kể từ đó, mỗi năm vào đúng ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch người dân đều tổ chức lễ hội đua thuyền rồng để tưởng nhớ đến vị trung thần này.
- Ăn bánh ú (Bánh gio): sau khi Khuất Nguyên tự vẫn, vì để bảo vệ thân xác ông tránh bị tôm cá ăn nên người dân đã dùng lá và gạo nếp gói thành bánh nếp thả xuống sông làm thức ăn cho tôm cá, món bánh nếp đó được đặt tên là bánh ú và trở thành món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ. Bánh ú có hình 3 góc, vị mặn gần giống bánh chưng trong ngày tết cổ truyền ở Việt Nam, được gói từ gạo nếp, thịt lợn, trứng muối, nấm, hạt dẻ, đỗ xanh...
- Đeo túi thơm: Túi thơm được may thành hình 3 góc giống bánh ú, bằng vải và chỉ ngũ sắc, bên trong đựng các loại thảo dược và hương liệu tạo nên các mùi thơm đặc trưng. Người Trung Quốc quan niệm đeo túi thơm vào Tết Đoan Ngọ để xua đuổi sâu bọ, rắn rết và tà ma.
Ngoài ra còn rất nhiều phong tục dân gian khác như: Uống rượu Hùng Hoàng để tiêu độc; treo lá ngải, bùa trừ tà trước cửa nhà để xua đuổi tà ma; đeo vòng bện ngũ sắc cho trẻ con để may mắn...
3. Từ mới liên quan đến tết Đoan Ngọ
端午节 Duān wǔ jié Tết Đoan Ngọ
屈原 Qū Yuán Khuất Nguyên
赛龙舟 Sài lóng zhōu Đua thuyền rồng
粽子 Zòng zi Bánh Chưng (Tiếng Việt chỉ bánh Chưng ngày tết cổ truyền)
粽叶 Zòng yè lá d**g
糯米 Nuò mǐ gạo nếp
香包 Xiāng bāo túi thơm
昆虫 Kūn chóng sâu bọ, côn trùng
艾草 Āi cǎo lá ngải
邪恶 Xié'è tà ma
4. Điều đặc biệt
Tết Đoan Ngọ được liệt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và nhân loại. Từ năm 2008, Trung Quốc quy định Tết Đoan Ngọ là ngày lễ âm lịch được nghỉ 01 ngày hàng năm cùng tết Thanh minh, tết Trung Thu.
让我携⼀缕粽香,温馨你生活的角落,祝你端午节快乐!