05/03/2022
BẠCH MÃ 2018 – NHIỀU BÀI HỌC TỪ MỘT CHUYẾN ĐI
Trích: Face Nguyễn Thuỳ Trang
Những câu chuyện cổ ngàn đời từ Đông sang Tây vẫn thường có chung motif “đăng cao”. Đó là con đường kết nối với Thiên giới, là nơi cư ngụ của thần linh, các bậc cao nhân, là đích đến đầy khổ hạnh trong những cuộc hành hương, là nơi giúp nhân sinh gạt bỏ bụi trần để đối diện với khoảnh mênh mông bé nhỏ của tâm hồn. Nên, Khổng Tử từng bảo: “Kẻ nhân thích núi, kẻ trí thích biển”.
Từ khi đến Huế học tập và làm việc, không hiểu sao, tôi luôn ao ước một ngày nào đó sẽ được lên Bạch Mã. Có lẽ, cái tên Bạch Mã bắt đầu xuất hiện trong tôi qua những câu chuyện của mẹ. Mẹ bảo, trên đỉnh núi lúc nào cũng có những đám mây trắng hình ngựa, đó là những con ngựa của ông tiên nào đó trên trời xuống núi đánh cờ, vì mải đi xa tìm cỏ non, đàn ngựa đã không kịp quay về thiên giới cùng chủ, đành đứng chờ mãi năm này qua năm khác trên đó. Dân gian gọi tên ngọn núi Bạch Mã cũng vì thế. Câu chuyện truyền kì về Bạch Mã luôn làm tôi háo hức mỗi khi nghĩ đến. Sau khi kết thúc bốn năm Đại học, mùa hè 2010, đứng trước những lựa chọn của cuộc đời, có thể một ngày tôi sẽ xa Huế và không biết khi nào hạnh ngộ, tôi quyết định thực hiện mơ ước của mình. Tư trang sẵn sàng, balo gọn nhẹ lên đường. Đến chân núi, tôi hụt hẫng vì biết rằng con đường lên Bạch Mã đang tu sửa nên không được phép vào. Chuyến đi Bạch Mã đầu tiên của tôi khép lại ngay từ đầu.
Tám năm sau, tôi nhận được lời mời khám phá Bạch Mã cùng võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do với tư cách là một nhà nghiên cứu – thành viên Hiệp hội Nghiên cứu Văn học và Môi trường Asean (Association for the Study of Literature and the Environment-Association of Southeast Asian Nations). Khỏi phải nói tôi vui mừng cỡ nào. Nhiều năm tháng trôi qua, giấc mơ Bạch Mã của tôi bị khuất lấp giữa vô vàn những mối bận tâm, lo toan khác của đời sống, giờ lại được khơi lên rạo rực. Ban đầu, tôi chỉ đơn thuần nghĩ rằng, việc đi cùng các võ sinh của Nghĩa Dũng Karate-Do cũng sẽ giống như một chuyến du lịch trải nghiệm tôi được đồng hành cùng những người bạn trẻ tuổi, mạnh mẽ, hòa đồng, vui tính. Nhưng tôi đã nhầm. Bạch Mã 2018 mà Nghĩa Dũng Karate-Do mang đến cho tôi còn nhiều hơn thế!
Điều đầu tiên mà Nghĩa Dũng Karate-Do đã dạy tôi là tính kỉ luật. Trước khi khởi hành, cô Nguyễn Thị Tịnh Thy luôn dặn tôi nhớ đến đúng giờ và chấp hành những quy định của cả đoàn, đặc biệt là sư trưởng Nguyễn Văn Dũng. Bốn giờ sáng, tôi có mặt tại võ đường, bất ngờ thấy mọi người đã xếp hàng đông đủ, nghiêm ngắn bước lên xe. Từng chiếc xe đưa đoàn từ căn nhà số 8 Trương Định đến chân Bạch Mã, khi vừa đến điểm tập kết, các bạn đã nhanh chóng tập hợp đội hình, yên lặng nghe những lời căn dặn của thầy. Tính kỉ luật là điều cần thiết cho một chuyến đi an toàn khi số lượng người tham gia hơn 200 thành viên, thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều vùng miền, có cả võ sinh và cả khách mời. Chúng tôi leo núi phải đi từng hàng theo thứ tự, phân chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm quản lí thành viên của mình sao cho luôn nằm trong tầm mắt. Ngay cả đến lúc xuống thác Ngũ Hồ, đây là đoạn đường nguy hiểm nhất hành trình, phải neo dây bám vào sườn đá để đi, mọi người vẫn phải xếp hàng, trật tự, nghiêm túc, tuyệt đối không đùa giỡn và không làm mất tinh thần đồng đội. Tương tự như thế, khi xuống thác Đỗ Quyên (với 689 bậc thang, độ cao 300 mét, có đoạn dốc dựng đứng gần 70 độ nghiêng), bất kể ai, từ thành viên đến khách mời, nếu không nghiêm chỉnh chấp hành kỉ luật sẽ bị phạt, nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì bị đuổi về. Khi cần thiết, sư trưởng Nguyễn Văn Dũng nghiêm nghị như một vị tướng đang chỉ huy đoàn quân ra trận, “quân lệnh như sơn”, tiếng nói của thầy hùng hồn, dứt khoát, ai ai cũng tâm phục khẩu phục. Ba ngày rong ruổi qua các sườn núi, khe suối, thác dốc của Bạch Mã, đoàn chúng tôi vẫn bình an vô sự, không hề xảy ra bất kì trục trặc nào, dù là một vết xước nhỏ. Tôi nghĩ thành công đó là nhờ sư trưởng đã luôn nghiêm khắc với học trò và tất cả mọi người đều ý thức và cố gắng để không làm những gì trái quy định. Đây là điều quan trong đối với các võ sinh, nhưng cũng rất thiết yếu đối với mỗi người. Trong một tập thể đông đảo, kỉ luật chính là sợi dây gắn kết bền bỉ, hài hòa nhất.
Điều thứ hai, chuyến đi Nghĩa Dũng Karate-Do còn dạy tôi là ý thức bảo vệ môi trường. Trong mỗi hành trang mà các võ sinh mang theo đều có sẵn những túi ni-long. Thầy Nguyễn Văn Dũng luôn căn dặn: không được hái hoa, bẻ cành và đi đến đâu, nếu thấy rác, mọi người hãy gom vào túi, vứt đúng nơi quy định. Dọc đường, tôi tình cờ thấy một bạn, vai đeo ba lô nặng, nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, nhưng khi gặp một vỏ bánh của ai đó đã làm rơi, một tay chống gậy hướng xuống, một tay nhanh chóng nhặt rác lên bỏ vào một bên túi, tiếp tục bước đi cho kịp cùng đồng đội. Hành động nhỏ nhưng đã làm tôi xúc động vô cùng. Từng vỏ bánh kẹo, chai nước giải khát, rác nhựa không tiêu hủy được đều được các bạn nhặt lại, giữ sạch núi rừng nguyên sinh. Mặc dù đoàn chúng tôi sinh hoạt ăn uống, nấu nướng, ngủ nghỉ tại đây nhiều ngày, nhưng đến lúc rời khỏi khu vực cắm trại, từng huấn luyện viên trưởng luôn đôn đốc các võ sinh dọn dẹp cẩn thận. Bao giờ kiểm tra mọi thứ đã gọn gàng, sạch sẽ, đoàn mới tiếp tục lên đường. Điều này hoàn toàn trùng khớp với nguyên tắc “ba không” trên những biển báo của Bạch Mã: “Không giết gì ngoài thời gian; Không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp; Không để lại gì ngoài những dấu chân”. Bạch Mã là rừng Quốc gia đang được nhiều du khách trong và ngoài nước chú ý với nhiều lượt tham quan mỗi ngày, nhưng theo quan sát của tôi, Bạch Mã vẫn giữ được không khí trong lành, xanh – sạch cũng nhờ những hành động nhỏ như thầy trò Nghĩa Dũng Karate-Do đã làm.
Hòa cùng với các thành viên của võ đường, tôi – từ một người “xa lạ” trong giới võ thuật, trở nên thân quen, gắn bó. Chúng tôi đã sống trong không gian biệt lập với phố thị, không vô tuyến truyền hình, smartphone, internet… Chỉ có nhóm người quây quần bên nhau, gom củi nấu ăn, uống và tắm nước suối trong vắt, mát lành. Đêm xuống, chúng tôi sinh hoạt tập thể, đàn hát, nghe thầy dặn dò rồi mắc võng nằm ngủ. Ở đây, tôi không hề thấy sự phân biệt, so đo, đố kị nào. Những tỵ hiềm như vô nghĩa, chỉ có tình người và người, tình người với thiên nhiên. Qua những ân cần, chăm sóc của những huynh trưởng đối với các võ sinh, tôi còn ngộ ra rằng, “kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình” (Nam Cao). Cứ nhìn hành động lặn lội ngàn cây số từ Sài Gòn ra Huế của anh Lê Thanh Phong, tôi thực sự ngưỡng mộ và cảm kích. Là người anh cả của các võ sinh, anh về Bạch Mã vì lời hứa với thầy: “Bất cứ khi nào thầy gọi con, con sẽ có mặt!”. Sự xuất hiện đột ngột của anh trong đêm giữa Lầu Bát Giác như nhắc nhở chúng tôi về lòng thành kính, tận trung và nghĩa tình. Những con người trong võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do như một đại gia đình, gắn bó máu thịt, ân tình, ân nghĩa, thương yêu. Khi leo núi mệt, người khỏe mạnh sẽ gánh bớt hành lý cho những người yếu hơn. Khi đi qua một trạm dừng chân, chúng tôi luôn nhận được những lời động viên, khích lệ: “Gắng lên! Còn một đoạn nữa thôi”, hay “Đi hết bậc này là đến chân thác đó”, rồi trao nhau từng chai nước, hay một miếng lương khô ít ỏi. Đến bữa, các huấn luyện viên trưởng sẽ là người hướng dẫn các võ sinh nấu nướng, cơm sống ăn sống, cơm cháy ăn cháy, sướng hay khổ đều cùng nhau chia sẻ. Ban đêm, cũng chính các huấn luyện viên trưởng là người thức sau cùng, kiểm tra từng lều trại, chịu trách nhiệm canh gác và đảm bảo an toàn cho mọi người.
Nghĩa Dũng Karate-Do còn cho tôi thấy, đây không chỉ là một võ đường thị uy sức mạnh và thế quyền dũng mãnh, mà còn là một võ đường tu luyện tâm hồn. Vì sao Bạch Mã lại được lựa chọn làm biểu tượng của võ đường? Câu hỏi này hẳn nhiều người thắc mắc. Nhưng nếu đã từng chứng kiến hình ảnh vị sư trưởng già bộ hành lên núi để tự tay thắt từng chiếc đai đen cho các môn sinh, ta mới thấy được niềm kính trọng mãnh liệt của các võ sĩ Karate-Do đối với thiên nhiên. Cách sư trưởng nâng niu từng huyền đai, thắt buộc cẩn thận cho các môn sinh thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và tình thương của người thầy được truyền vào trong đó. Trước buổi lễ phong đai trang trọng ấy, khi mây vẫn còn lửng lờ trên đỉnh núi, mặt trời tròn vạnh tươi nguyên còn kín kẽ ngàn tia nắng chưa kịp b**g tỏa, lá vẫn đẫm sương, những thế quyền được tung lên giữa muôn trùng cây cỏ, tiếng phất tay của những “chiến binh áo trắng” hòa trong tiếng gió, những tiếng thét “ki-ai” vọng lên đỉnh núi huyền thoại, muôn trùng đại ngàn đáp trả ngân vang, trầm bổng. Trên nền trời trong vắt, xanh ngần, các võ sinh như những chú ngựa trắng oai hùng, tô điểm đẹp đẽ giữa núi rừng. Và trong khoảnh khắc bình minh của ngày mới, chúng tôi lĩnh ngộ bài học đầu tiên: “Thiên nhiên là người thầy vĩ đại”! Bạch Mã đã trở thành võ đường thiêng liêng giúp các võ sĩ tu dưỡng tâm pháp, mở rộng tâm hồn, hòa nhịp cùng đất trời để nhận ra sự hùng vĩ và kỳ ảo của thiên nhiên, để bám chặt vào đó mà vươn vai vững chãi, tự tin. Huy hiệu in trên những chiếc áo kimono càng khẳng định hơn điều đó. Hình thoi vuông màu đỏ ở ngoài, hình tròn màu trắng nằm trong, ngầm thể hiện tư tưởng Thiên – Địa – Nhân. Màu đỏ biểu tượng mặt trời, màu trắng biểu tượng cho mặt trăng. “Mục đích sau cùng của quá trình rèn luyện, tu dưỡng là: Thân dẻo dai cường kiện, Trí sáng ngời nhật nguyệt, Tâm tĩnh lặng vô ưu”. Bạch Mã đặt các võ sĩ trước những thử thách để định vị bản ngã, kiểm tra sức mạnh, phát lộ những điểm yếu, thanh tẩy dục vọng, mang lại cho họ một cơ thể và linh hồn khỏe khoắn, thiện lương. Nó dễ khiến tôi liên tưởng đến các đạo sĩ Yogi trên dãy Hi Mã Lạp Sơn. Phúc lành sẽ đến từ quá trình tu luyện tâm hồn!
Mọi người vẫn thường bảo, Bạch Mã là ngọn núi linh hồn của Nghĩa Dũng Karate-Do, nhưng theo tôi, Bạch Mã còn là kho báu vô giá của Nghĩa Dũng đường, và của tất cả mọi người. Bạch Mã là nơi bồi thấm nguồn năng lượng tâm linh dồi dào nhất; là nơi rèn luyện kĩ năng sống cho những người trẻ tuổi; nơi gắn kết tinh thần đồng đội, tình thầy – trò, tình yêu thiên nhiên sâu đậm. Suốt chặng đường, thầy Nguyễn Văn Dũng luôn nhấn mạnh với các môn sinh: “Thầy không muốn các môn sinh của mình bị gọi là võ biền, mà phải văn võ hài hòa. Minh triết thiêng liêng này được thể hiện sâu sắc trong phương pháp và chương trình huấn luyện võ thuật của Nghĩa Dũng đường. Để được phong huyền đai, ngoài thi đấu ra, các võ sinh Nghĩa Dũng Karate-Do phải trực tiếp bộ hành lên Bạch Mã – nơi sẽ diễn ra lễ trao huyền đai. Và kết thúc chuyến chinh phục Bạch Mã, mỗi thành viên đều phải viết bài thu hoạch. Có thể đó là thơ, là tiểu luận, bút ký, bài cảm nhận… Bằng cách này, thầy đã chứng minh nhân cách và khí chất của một võ sĩ không chỉ thể hiện qua sức mạnh cơ bắp, mà còn thể hiện qua tâm hồn văn chương tinh tế, khoáng đạt, bay bổng. Đồng thời, Nghĩa Dũng Karate-Do đã biến một Bạch Mã địa danh trở thành một biểu tượng tinh thần linh thiêng, huyền diệu của võ sĩ đạo.
Tôi đã đi giữa bình minh trên núi, đã tan trong sương giữa những hoàng hôn. Tôi đã qua núi vẫn còn thấy núi, đối diện với quả núi sừng sững trước mặt, khi đến gần, lại choáng ngợp bởi một quả núi khác, ôi, mình nhỏ bé biết chừng nào! Tôi đã ăn từng hạt cơm trắng trên Vọng Hải Đài mênh mông… Nhìn vầng trăng tháng năm tròn vạnh giữa vũ trụ bao la, gió rít giữa đại ngàn, tôi đong đưa mình trên chiếc võng mắc qua những cành cây, dưới chân thác Đỗ Quyên; nghe tiếng nước bắn vào đá xối xả, râm ran. Tôi đã chứng kiến những đường quyền mạnh mẽ, dẻo dai của các môn sinh Nghĩa Dũng Karate-Do giữa triền thác cheo leo như những cánh chim dứt khoát, kiên cường. Từ trong thế quyền bay bổng ấy, triết lí mạch nguồn của Nghĩa Dũng Karate-Do được khơi gợi, đánh thức. Sức mạnh của con người – dẫu có uy lực, hiên ngang đến đâu, cũng luôn hạn hữu trước thiên nhiên. Dù trên đỉnh Bạch Mã hay dưới chân Đỗ Quyên, các võ sinh của Nghĩa Dũng Karate-Do vẫn toát lên nét diệu vợi – đó là nét đẹp của những con người biết lấy mình làm điều khiêm nhường trước sự hùng tráng của tự nhiên!
Cảm ơn duyên phận đã mang đến cho tôi chuyến đi ý nghĩa, quý giá này!
Nguyễn Thùy Trang
(Khoa Ngữ Văn - Đại học Sư phạm Huế,
Thành viên Hiệp hội Nghiên cứu Văn học và Môi trường Asean)