Cô Nguyệt - Dạy Văn

Ôn luyện thi các cấp. Dạy kèm tận nhà

Operating as usual

23/09/2022

Thứ đắng nhất không phải là thuốc, mà đó là sự tủi nhục.
Thứ đẹp nhất không phải là dung mạo, mà đó là tâm hồn.
Thứ mệt mỏi không phải là cơ thể, mà đó là trái tim.
Thứ khiến ta say không phải là rượu, mà đó là tình người.
Điều khó làm nhất không phải là đại sự, mà đó là sự kiên trì.
Cái khó vượt qua nhất không phải là tình cảm, mà đó là thời gian từng ngày.
Chân thành mà sống, nhẹ nhàng mà buông.

23/09/2022

4 THỨ MÀ NGƯỜI THÔNG MINH KHÔNG BAO GIỜ HÉ LỜI

1. KHÔNG SUỐT NGÀY ĐI KỂ NIỀM VUI NỖI BUỒN CỦA MÌNH, LÀ TRÍ TUỆ
Giáo sư Mark Bauerlein nói: "Một trong những biểu hiện của người trưởng thành chính là khi họ hiểu họ ra được rằng 99% những chuyện xảy ra với mình, với người khác, nó hoàn toàn không có ý nghĩa gì."
Sống ở đời, giống như con cá trong nước, nóng lạnh chỉ mình nó biết.
Có một câu chuyện như này:
T. sau khi được thăng chức, đãi ngộ đã cao hơn trước kia rất nhiều, vì vậy mà anh ấy quyết định mời những đồng nghiệp thân thiết ăn một bữa. Vốn dĩ đã đặt 3 bàn ở nhà hàng, nhưng ngày hôm đó, đồng nghiệp lại có đủ mọi lý do từ chối không tới, cuối cùng chỉ gom lại đủ một bàn.
Trong bữa ăn, ai ai cũng nói cười vui vẻ, nhưng lời nói ra lại "tẩm ngẩm tầm ngầm":
"Tôi không nhận ra là cậu cũng giỏi phết đấy nhỉ!"
"Sau này làm lãnh đạo rồi, đừng phớt lờ bọn tôi đấy nhé!"
"Có đi cửa sau không đấy, bình thường tôi cũng không nhìn ra là cậu giỏi giang tới vậy!" …
Vốn nghĩ rằng sẽ nhận được lời chúc mừng chân thành từ mọi người, không ngờ bàn tiệc lại vương đầy những ngữ khí đố kị "Dựa vào cái gì mà cậu ta được thăng chức!"
T. nói rằng đó là bữa cơm khiến cậu cảm thấy khó xử nhất. Thực ra, bất kể chúng ta có thừa nhận hay không, luôn có một sự thật trần trụi tồn tại đó là: Trên thế gian này, ngoài ba mẹ ra, không có mấy ai thực sự hi vọng chúng ta sống sung sướng hơn họ.
Vì vậy, "khoe khoang" hạnh phúc của mình ra ngoài, nhiều khi là đang động vào chỗ đau của người khác, giống như kiểu bảo họ rằng "anh đố kị với tôi đi" vậy, rồi lại tự thêm phiền phức cho chính mình.
Đúng vậy, đời người 10 phần thì có tới 8,9 phần không như ý, nhưng chẳng phải là vẫn còn 1,2 phần là tốt đẹp ư.
Vui vẻ, chia sẻ với nhầm người, thì chính là "khoe khoang"; buồn phiền, tâm sự với sai người, thì chính là "làm quá".
Người thông minh sớm đã điều chỉnh quá trình trưởng thành sang chế độ im lặng, không tùy tiện chia sẻ niềm vui nỗi buồn của bản thân.Họ chia sẻ với những người bạn tri kỷ và cùng họ tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc ấy.
2. KHÔNG “ĐÂM CHỌC” VÀO CHỖ KHÓ CỦA NGƯỜI KHÁC, LÀ TỬ TẾ
Nhà viết kịch người Nga Anton Pavlovich Chekhov nói: "Người có giáo dưỡng không phải là ăn cơm mà không làm đổ canh, mà là khi người khác chẳng may làm đổ canh, đừng nhìn chằm chằm vào họ."
Không "xé toạc" chỗ khó nói của người khác, lòng tốt trông có vẻ nhỏ bé này lại sưởi ấm cả cuộc đời của người khác.
Còn nhớ một lần, tôi và một người chị đồng nghiệp tan làm đi về nhà, chúng tôi ngồi trên cùng một chuyến xe, ngồi cách chị em tôi không xa là đồng nghiệp V., có vẻ như đang có chuyện gì đó buồn, vừa lớn tiếng nói điện thoại vừa lấy tay lau nước mắt.
Tôi và chị đồng nghiệp trông thấy, vì bình thường quan hệ đồng nghiệp cũng tốt, tôi hỏi chị ấy xem có nên qua bên kia an ủi cậu ấy một chút.
Chị đồng nghiệp lắc đầu, nói tôi không đi.
Sau đó rất lâu, tôi mới nhận ra được rằng, ai cũng có một mặt yếu đuối cả, nhưng chẳng ai muốn để người khác thấy được sự yếu đuối đó của mình. Sống ở đời, sắc vàng sắc đỏ rực rỡ có, sắc đen sắc xám tất nhiên cũng tồn tại theo.
Nhiều khi, chúng ta không cần tới sự an ủi hay sự cảm thông nhất thời, mà chúng ta chỉ đơn giản muốn người bên cạnh không quấy rầy, không "đâm chọc", không lên tiếng, chỉ đơn giản là sự im lặng mà thôi…
Có người nói, đời người ai sống cũng không dễ dàng gì rồi, có những chuyện không cần phải bóc toẹt móng ngựa ra.
Đúng vậy, bạn vĩnh viễn không bao giờ có thể biết được rằng, một người trưởng thành trông thì có vẻ luôn vui tươi, chín chắn, bên trong họ nội tâm gào thét ra sao, nhưng họ luôn im lặng, đó là bởi vì, họ không muốn ai biết…
3. KHÔNG HẠ THẤP THỰC LỰC CỦA NGƯỜI KHÁC, LÀ GIÁO DỤC
Bên cạnh bạn có một người như này hay không?
Người khác sự nghiệp thuận buồm xuôi gió, họ sau lưng nói người ta đi cửa sau.
Người khác xinh đẹp mỹ miều, họ ở sau lưng nói người ta là bình hoa di động không có tài cán gì.
Người khác thành tích học tập xuất chúng, họ đi bốn phương tám hướng nói người ta là con mọt sách, không biết sự đời…
Kiểu người như vậy, luôn hạ thấp người khác để đề cao chính mình.
Mà không biết rằng, quá trình nói xấu sau lưng người khác ấy cũng chính là đang phủ định chính mình; kính sợ đối thủ mới là tôn trọng bản thân.
Sống ở đời, ai cũng nên cố gắng để tỏa sáng, nhưng tuyệt đối đừng tỏa sáng trên cái nền là dập tắt người khác. Nhận thức ra được cái mình "không biết", mới là điểm khởi đầu của "biết". Thế gian vạn vật, ai cũng có những sở trường, sở đoản riêng.
Quang minh chính đại đối mặt với đối thủ, thắng, thắng cho sảng khoái; thua, cũng thua một cách tâm phục khẩu phục. Tặng người khác một tràng vỗ tay, là đang cho mình động lực để tiến bộ.
4. KHÔNG TỌC MẠCH CHUYỆN NGƯỜI KHÁC, LÀ TẦM NHÌN
Con người ta nếu không có "cao độ", nhìn thấy đâu đâu cũng là vấn đề; còn sống mà không có tầm nhìn, vấn vương sẽ toàn là những chuyện tầm phào.
Sống ở trên đời, chú trọng vào bản thân, nhưng cũng đừng quên chấp nhận người khác.
Tiểu thuyết gia người Anh, Charles John Huffam Dickens từng nói: "Phép lịch sự tốt nhất chính là không tọc mạch."
Không tọc mạch vào chuyện người khác, không phải là lạnh lùng hay ích kỉ, mà đó là để chúng ta học cách mở lòng, cho phép bản thân mình không hoàn hảo, đồng thời chấp nhận những khuyết điểm vụn vặt của người khác.
Những việc nhỏ không động tới nguyên tắc, không cần thiết đâm chọt phê bình; những tiểu tiết không làm ảnh hưởng tới bố cục chung, cũng không cần phải "cầm tay chỉ điểm" cho người khác.
Chấn chỉnh, thay đổi bản thân, là thần.
Chỉ trích, muốn thay đổi thế giới, là thần kinh.
Thay vì cố gắng đi mài mòn những góc cạnh của người khác, chi bằng "kinh doanh" cho tốt sự tốt đẹp của chính mình.

- Trí Thức Trẻ

07/04/2022
07/04/2022
07/04/2022
07/04/2022
07/04/2022
Photos from Cô Nguyệt - Dạy Văn's post 19/06/2021

Một số nhận định hay về các tác giả!

16/06/2021

🌿 : LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT ANH LÀ MỘT CON NGƯỜI...

Đề bài: Ngày 25.10.2017, Sophia là robot đầu tiên trong lịch sử được chính quyền Saudi Arabia cấp quyền cấp công dân. Sophia không chỉ thông minh mà còn biết biểu hiện 62 sắc thái biểu cảm khác nhau trên gương mặt, có khả năng học hỏi từ những gì cô ấy nhìn thấy và giao tiếp được với con người.

Trong cuộc phỏng vấn, một phóng viên hỏi: Liệu robot có nhận thức được mình là robot không?

Sophia trả lời: Vậy tôi hỏi anh… làm thế nào anh biết anh là một con người?

Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận xã hội trả lời cho câu hỏi của Sophia.

Bài làm

CON NGƯỜI, ANH Ở ĐÂU TRONG CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0?

Thế giới là một cỗ máy vận hành không ngừng. Mỗi ngày trôi qua lại có những phát minh vĩ đại ra đời, đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử thế giới. Tiêu biểu là sự kiện Sophia- robot không chỉ thông minh mà còn sở hữu những đặc tính giống hệt con người, được cấp quyền công dân ở Saudi Arabia. Trước sự việc vô cùng chấn động này, tôi chợt giật mình nhớ về câu hỏi của Sophia dành cho phóng viên trong cuộc phỏng vấn: “ Làm thế nào anh biết anh là một con người?” Chúng ta liệu có gì để khẳng định bản thân là một con người đích thực?

Câu hỏi Sophia như một tiếng chuông đánh thức trong ta những câu hỏi đầy thú vị song cũng nhiều đau đớn: Chúng ta liệu có phải là một con người thực thụ khi những gì ta làm đang như một con “robot”? Tính người là gì và chúng ta đã sống đúng với nó hay chưa? Chúng ta khác gì một con robot có tình người? Trước những câu hỏi đó, tôi đã tự mình đi tìm câu hỏi và nhận ra mỗi chúng ta đều sở hữu những điều mà không bất kì robot nào có thể giống hoàn toàn mặc cho khoa học kỉ thuật có hiện đại ra sao.

Ta là con người đích thực khi ta sống bằng cảm xúc…

Sophia có thể biểu hiện 62 cảm xúc khác nhau nhưng không thể nào cảm thấy hạnh phúc khi bản thân được yêu thương.Sophia có thể khóc nhưng không bao giờ biết được giọt nước mắt của hạnh phúc khác đau khổ ra sao.Còn chúng ta có thể bật khóc khi thành công bởi niềm hạnh phúc.Chúng ta có thể bật khóc nức nở trước những đau đớn mà bản thân phải trải qua.Chúng ta có thể mỉm cười hạnh phúc vì được ai đó quan tâm, vỗ về khi mệt mỏi. Không những thế, ta còn biết cách vượt qua nỗi buồn hay sự tuyệt vọng. Và tất cả những điều chúng ta có được đều xuất phát từ bản năng lẫn kinh nghiệm sống, còn Sophia được con người lập trình. Có thể thấy sự khác biệt đầu tiên của một con người đích thực là cảm xúc đến từ trái tim chứ không phải từ những dãy số lập trình,

Ta là con người đích thực khi ta sống bằng lí trì và tự quyết định cuộc đời mình…

Con người bằng những bài học rút ra được từ quá trình trải nghiệm, dấn thân sẽ thay đổi cuộc sống theo một hướng phù hợp với bản thân mình nhất. Chúng ta có toàn quyền tự quyết định cuộc đời, số phận riêng mà không phải do một ai khác. Ta được lựa chọn theođuổi và thực hiện ước mơ. Ta được lựa chọn dừng lại hay bước tiếp khi thất bại. Ta được quyền yêu thương và gắn kết với người mà bản thân thấy phù hợp. Ta có quyền tô vẽ màu sắc riêng cho cuộc đời mình. Tất cả quyền ấy chẳng robot nào có thể sở hữu bởi dù mang tính người, chúng cũng sẽ bị định đoạt số phận bởi con người.
Điều đó đã được J.K Rowling- tác giả bộ tiểu thuyết Harry Potter chứng minh bằng thành công của mình. Bộ tiểu thuyết ra đời trong những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời bà bởi sự tan vỡ của cuộc hôn nhân cũng như phải sống bằng trợ cấp xã hội. Không những vậy, tác phẩm Harry Potter còn bị từ chối bởi rất nhiều nhà xuất bản. Song bằng ý chí, niềm tin vào bản thân, bà đã không bỏ cuộc mà tiếp tục gõ cửa thêm rất nhiều đơn vị phát hành sách khác. Chính nhờ điều đó đã giúp bộ tiểu thuyết này trở thành một trong những quyển sách bán chạy nhất thế giới, mang lại cho tác giả một nguồn thu khổng lồ. Đó là một con người đích thực khi dám theo đuổi ước mơ và tô vẽ cho cuộc sống của riêng mình mà không để bất kì ai, bất kì điều gì cản trở

Ta là một con người đích thực khi ta sống cống hiến…

Cống hiến không phải là đóng góp những điều lớn lao cho cuộc đời mà là sống có giá trị. Giá trị ấy được thể hiện khi ta sống tốt và hoàn thành sứ mệnh của cuộc đời mình. Nếu một bác sị chữa lành bệnh tật thì một người nghệ sĩ sẽ “ chữa lành” vết thương tâm hồn. Nếu người nông dân nuôi sống con người bằng sản phẩm họ làm ra thì người giáo viên lại “ nuôi dưỡng” tri thức. Mỗi con người đến với cuộc đời bằng một sứ mệnh riêng song tất cả chúng ta đều đang nỗ lực mang lại cho xã hội những giá trị tốt đẹp. Ấy là điều mà Sophia và bất kì robot nào có thể làm tốt bằng con người.

Điều này đã cho thấy qua sự kiện máy Al tham gia vào cuộc thi sáng tác văn học ở Nhật. Dù vượt qua vòng loại song nó vẫn không thể đi xa bởi máy móc có hiện đại đến đâu cũng không thể vượt qua những người nghệ sĩ thực thụ. Bởi chỉ con người mới có thể tạo ra những sản phẩm mang giá trị cốt lõi – những thứ mang trong mình tâm huyết, sức lao đông, sự sáng tạo vô biên. Đó là lí do vì sao khi con người cống hiến bằng tất cả trái tim và lí trí, họ mới là con người.

Trong hành trình đi tìm câu hỏi về giá trị người, đã đôi lúc tôi giật mình khi nhận ra chính bản thân mình và biết bao người đang đánh mất tính người thực thụ. Chúng ta để cuộc đời mình đi theo sự quyết định, lời bàn tán của người khác. Chúng ta sợ hãi, bỏ cuộc khi thất bại thay vì đứng dậy và bước tiếp.Chúng ta chối bỏ cảm xúc của mình vì sợ người khác đánh giá.Và một lúc nào đó ta giật mình, tự hỏi : “ Mình có phải là một con người không?” Chính hành trình đi tìm câu trả lời đó đã khiến tôi nhận ra bản thân phải sống khác đi. Tôi sẽ dựa vào đam mê, sở thích của bản thân để chọn nghề và nỗ lực theo đuổi nó. Tôi sẽ làm những điều bản thân thấy hạnh phúc và học cách nói lời từ chối với những điều mình không thích.Tôi sẽ dành nhiều thời gian cho những người mình thương và gia đình hơn bởi họ chính là chỗ dựa vững chắc nhất. Tôi lựa chọn điều đó bởi tôi biết rằng nếu chọn một nghề, làm những việc bản thân không thích; để tâm đến những lời bàn tán của người khác, ta sẽ chẳng bao giờ được sống đúng với “ giá trị người”. Nếu cứ mãi sống như trước giờ bản thân đã sống, sự sống của tôi chỉ là sự tồn tại vô nghĩa.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mang lại những thay đổi chóng mặt cho thế giới.Chúng ta sẽ làm thế nào để thích nghi với nó? Hãy giữ vững những phẩm chất tốt đẹp, những khả năng riêng biệt của con người, bên cạnh học hỏi, trau dồi tài năng, vị trí độc tôn của con người sẽ không robot nào như Sophia có thể thay thế được.

ĐOÀN VÕ DIỆU LINH
LỚP 12CV TRƯỜNG THPT GIA ĐỊNH
NIÊN KHÓA 2017-2020

| Trích dẫn theo bài viết của Blog Chuyên văn. ❤️

16/06/2021

MỘT SỐ MỞ BÀI HAY CHO BÀI THƠ "TÂY TIÊN"-QUANG DŨNG.

--------

Mở bài 1: Phong trào thơ mới 1932 – 1945 đánh dấu sự thành công vượt bậc của văn học Việt Nam với sự đóng góp bởi các tên tuổi nổi tiếng với phong cách thơ lãng mạn, hào sảng nổi trội trong làng thơ như: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Quang Dũng… Và hẳn nhiên, không ai có thể quên Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, bởi riêng mình Quang Dũng dường như đã tự tách biệt mình ra với hướng đi của các nhà thơ lãng mạn khác.

Mở bài 2: Nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhận xét và bài thơ Tây Tiến : “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ Tây Tiến, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến”. Phải chăng cái mới, cái lạ, cái riêng biệt ấy chính là tượng đài những người chiến sĩ, những người anh hùng của dân tộc đã hy sinh vì dân tộc, được tạc dựng lại vừa mang vẻ đẹp của sự anh dũng, kiên cường vừa mang vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn.

Mở bài 4: Cho đến nayTây tiến vẫn là một đài thơ (Thi Sơn) đầy kỳ bí.Cái ma lực,cái âm hưởng của bài thơTây tiến…chưa ai lý giải hết được.Phải chăng cái hay là bởi lời thơ,ý thơ,hình tượng thơ Giầu nhạc điệu được chứa trong một hồn thơ thật mới lạ và rất sâu sắc ? Con người nồng hậu,nét bút tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ thơ và hình ảnh thơ đã làm nên kiệt tác thơ Tây tiến. Với Tây tiến,Quang Dũng dưa ta đi vào một thế giới đầy mùi hương hoài niệm,của sự vọng tưởng diệu huyền.Với Tây tiến,Quang Dũng đã xây tượng đài về anh Bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến 9 năm đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng

Mở bài 5: Nhà thơ Chế Lan Viên từng để tâm hồn thăng hoa trong những lời thơ sâu sắc: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Trong cuộc đời mỗi người từng gắn bó với nhiều mảnh đất. Mỗi mảnh đất ta qua đều trở thành dấu ấn, trở thành những kỉ niệm khó quên. Nhà thơ Quang Dũng cũng đã từng trải qua cảm xúc ấy. Nỗi nhớ của ông về những năm tháng kháng chiến, về những kỉ niệm gắn bó với mảnh đất Tây Bắc đã được ghi lại chân thực trong bài thơ Tây Tiến.

16/06/2021

Chi tiết tiếng sáo trong đoạn trích trong Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài

Nhân vật Mị là một sáng tạo đặc sắc của Tô Hoài. Đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài là tình tiết cảm động nhất, hay nhất của truyện đã thể hiện khát vọng sống, khao khát tình yêu của người con dâu gạt nợ. Mị mồ côi mẹ, ở với cha già. Mị xinh đẹp, tuổi xuân phơi phới. Vì món nợ truyền kiếp, Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lý Pá Tra. tuổi xuân của Mị bị thằng A Sử, con trai thống lí tước đoạt, giày xéo. Mị khổ như con trâu, con ngựa, Mị toan ăn lá ngón tự tử, nhưng thương cha già, Mị chết không đành lòng. Sống trong đau khổ, Mị gần như vô cảm vô hồn càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.

Xuân qua rồi xuân trở lại. Đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài lại đến. Cả một không gian tưng bừng. Lúa ngô ở các nương đã thu hoạch xong. Gió và rét dữ dội. Cảnh sắc làng Mèo càng đẹp. Màu vàng ửng của cỏ gianh. Màu trắng, màu đỏ au, đỏ thậm, màu tím man mát của hoa thuốc phiện vừa nở. Màu sặc sỡ của những chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá xoè như con bướm. Tiếng cười ầm của đám trẻ con chơi quay. Tiếng sáo thổi rủ bạn đi chơi. Tiếng chó sủa xa xa... Trước cảnh tưng bừng ấy, cứ tưởng Mị Riêng mình nào biết có xuân là gì? Nhưng thật bất ngờ. Những đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài đã hồi sinh và hồi xuân tâm hồn Mị. Tâm trạng và hành động Mị đã được Tô Hoài thể hiện một cách tinh tế, xúc động trong đêm tình mùa xuân ấy.

Trong lúc trai gái và lũ trẻ con tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy trên sân chơi thì Mị tha thiết bổi hổi khi nghe tiếng sáo từ đầu núi vọng lại. Mị nhẩm thầm bài hát của người đang thổi sáo: ...Ta không có con trai con gái - Ta đi tìm người yêu. Sau bao mùa xuân câm lặng, có lẽ đây là lần đầu tiên người con dâu gạt nợ khẽ thầm hát?

Tiếng sáo đã gợi thương gợi nhớ và thức tỉnh. Mị lén lấy hũ rượu, uống ừng ực từng bát. Uống rượu như nuốt hận. Hay uống cho vơi đi nỗi đau khổ? Say rượu lịm mặt, tâm trạng Mị diễn biến. Mị hồi tưởng sống về ngày trước. Tiếng sáo gọi bạn tình văng vẳng trong tai Mị. Bao kỉ niệm đẹp thời con gái sống dậy trong lòng Mị. Mị thổi sáo giỏi... Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Hồi tưởng lại mùa xuân đẹp thời con gái, điều đó cho thấy Mị đã được thức tỉnh. Khát vọng sống như ngọn lửa đã bừng sáng tâm hồn Mị.

Mị từ từ bước vào buồng với tâm trạng thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị được thức tỉnh, tự ý thức là mình trẻ lắm, vẫn còn trẻ. Mị khao khát Mị muốn đi chơi.

Khát vọng sống như ngọn lửa bừng cháy bao nhiêu Mị lại phẫn uất bấy nhiêu! Phẫn uất và đau khổ cho thân phận và số phận trớ trêu đầy bi kịch. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Không thể cam chịu mãi kiếp con dâu gạt nợ. Mị muốn ăn lá ngón cho chết ngay! Uất ức, nước mắt Mị ứa ra, khi tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường. Tâm hồn Mị diễn biến phức tạp trong quá trình thức tỉnh, nổi loạn. Mị đang sống trong nghịch lí giữa thân phận con dâu gạt nợ và niềm phơi phới muốn đi chơi Tết. Liệu Mị có dám phá tung và cắt đứt sợi dây oan nghiệt đang thít chặt lấy số phận, thân phận mình để đến với những cuộc chơi cùng với tiếng sáo gọi bạn yêu?

Mị vào buồng lần này không phải để nhìn qua cái lỗ vuông để nghĩ đến cái chết, mà Mị đã hành động một cách mạnh mẽ, ngang nhiên trước mặt A Sử khi hắn xuất hiện bất ngờ trong buồng. A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc... để đi chơi rình bắt gái đem về làm vợ. Mị cũng chuẩn bị đi chơi Tết. Như thách thức. Mị đã hành động. Xắn thêm miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng. Quấn lại tóc. Với tay lấy cái váy hoa. Rút thêm cái áo. A Sử nhìn Mị, Mị cũng không nói hay không thèm nói? Hàng loạt hành động nổi loạn của Mị diễn ra liên tiếp khi tiếng sáo đang rập rờn trong đầu Mị. Tiếng sáo gọi bạn tình như đem đến cho Mị một sức mạnh mới, khơi gợi lòng khao khát yêu đương và hạnh phúc. Khi Mị với tay lấy váy hoa... là Mị thực sự được thức tỉnh, được sống lại thời con gái với bao ước mơ đẹp.

Sự phản kháng của Mị phải trả giá nặng nề. Chỉ sau một câu hỏi: Mày muốn đi chơi à?, thằng A Sử độc ác đã trói Mị vào cột nhà bằng một thúng sợi đay. Hai tay Mị bị trói bằng dây thắt lưng, tóc Mị bị quấn lên cột, Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Thể hiện diễn biến tâm trạng và hành động Mị trong cảnh Mị bị trói trong đêm tình mùa xuân, ngòi bút nghệ thuật của Tô Hoài tưởng như đã "nhập hồn" vào nhân vật. Trong bóng tối, Mị đứng im lặng. Hơi rượu còn nồng nàn như nâng đỡ tâm hồn Mị. Quên đau khổ, đau đớn thực tại, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. Mị vùng bước đi, lòng bồi hồi theo tiếng sáo: Em không yêu quả pao rơi rồi - Em yêu người nào, em bắt pao nào... Mị lại trở lại thực tại đau đớn, khổ nhục tay chân đầu không cựa được. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa khi nghe tiếng ngựa gãi chân, nhai cỏ, tiếng chó sủa xa xa. Mị nghĩ đến những cảnh tình tự của bao cặp tình nhân giờ này đang dỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi trong trạng thái lúc mê lúc tỉnh. Dây trói thít lại, đau nhức. Hơi rượu tỏa, Mị nồng nàn tha thiết nhớ.

Bị trói đứng suốt đêm. Mị bàng hoàng tỉnh lúc trời sáng. Chỉ nghe tiếng lửa réo - Không một tiếng động - Mị nghĩ đến các vợ chú, thương những người đàn bà khốn khổ sa vào nhà quan; thương người đàn bà nọ bị chồng trói chết trong nhà thống lí. Mị vừa thương mình, vừa thương người, thương cho thân phận những người đàn bà ở Hồng Ngài một đời con người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng. Mị sợ hãi cựa quậy xem mình còn sống hay chết. Dây trói siết lại đau đứt từng mảnh thịt.

Nhờ một sự tình cờ mà Mị thoát chết trong đêm hãi hùng đó. Đoạn văn đêm tình mùa xuân có 3 cảnh. Cảnh Mị ngồi nhẩm thầm tiếng sáo và lén uống rượu ừng ực từng bát. Cảnh Mị chuẩn bị váy áo đi chơi. Cảnh Mị bị A Sử trói đứng suốt đêm trong buồng. Cảnh nào, chi tiết nào cũng sinh động, điển hình cho bi kịch của Mị, của người con dâu gạt nợ. Đoạn văn đêm tình mùa xuân thể hiện ngòi bút kể chuyện cảm động, phân tích diễn biến tâm trạng và hành động nhân vật một cách tinh tế, sâu sắc. Tiếng sáo gọi bạn tình được Tô Hoài nhắc đi nhắc lại 13 lần đầy ám ảnh, như thức tỉnh, như lay gọi, như vỗ về niềm khao khát đi chơi Tết, khao khát được sống trong tình yêu và mùa xuân của người con dâu gạt nợ.

Sự nổi loạn của Mị cho thấy sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị mà máu và sự dã man không thể nào vùi dập được! Đêm tình mùa xuân thấm đẫm tính nhân văn. Nó đã góp phần tô đậm tính cách nhân vật Mị. Nó đã thể hiện một cách xúc động giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo của truyện Vợ chồng A Phủ.

Chi tiết nụ cười và nước mắt, chi tiết nồi cháo cám trong Vợ nhặt – Kim Lân

Chọn nạn đói năm 1945 – trang sử bi thương nhất của lịch sử dân tộc làm bối cảnh của câu chuyện, Kim Lân đã kể cho ta nghe một câu chuyện lạ lùng nhất trong cuộc sống: chuyện anh Tràng bỗng nhiên có người đàn bà về trong những ngày tối sầm vì đói khát ấy. Chính tình huống độc đáo và éo le ấy đã nảy sinh bao nét tâm lí ngổn ngang, bao niềm vui, nỗi buồn. Và hình ảnh nụ cười, nước mắt trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm được coi là những chi tiết nghệ thuật đặc sắc góp phần thể hiện tài năng của Kim Lân trong việc khắc họa tâm lí nhân vật và thể hiện tư tưởng nhà văn, chủ đề tác phẩm.

Hình ảnh nụ cười được nhà văn nhắc đến nhiều lần khi khắc họa chân dung nhân vật Tràng. Khi đẩy xe bò thóc hắn vuốt mồ hôi trên mặt cười, trên đường dẫn người vợ nhặt về: hắn tủm tỉm cười, hai con mắt sáng lên lấp lánh, khi trẻ con trêu chọc Tràng bật cười Bố ranh. Khi người vợ nén tiếng thở dài trước quang cảnh của nhà Tràng, hắn quay lại nhìn thị cười cười. Bà cụ Tứ về, Tràng tươi cười mời mẹ ngồi lên giường…

Nụ cười của Tràng đã góp phần khắc họa tính cách, tâm lí tính cách thuần phác, nhân hậu, yêu đời của gã trai quê mùa, thô kệch; nói cùng ta niềm hạnh phúc, sung sướng của con người trong tận cùng đói khát vẫn không thôi khao khát tình yêu, tổ ấm gia đình. Đặt trong bối cảnh của câu truyện viết về nạn đói thảm thương 1945, hình ảnh nụ cười của Tràng (lặp lại 8 lần) giống như cơn gió mát lành làm dịu đi cái căng thẳng ngột ngạt, cái trăm đắng ngàn cay của con người ngày đói, thể hiện cái nhìn lạc quan, niềm hi vọng của nhà văn vào cuộc sống. Phải chăng, nhà văn đã gửi gắm một thông điệp giản dị: chỉ có tình yêu thương mới có thể mang đến niềm vui, nụ cười hạnh phúc cho con người.

Bên cạnh việc khắc họa tâm lí của Tràng qua nụ cười, Kim Lân cũng chú ý nét tâm lí của nhân vật bà cụ Tứ qua chi tiết giọt nước mắt. Khi hiểu ra cơ sự nhặt vợ của con kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt. Khi lo lắng cho cảnh ngộ đói khát của chúng: bà cụ nghẹn lời không nói, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng. Khi nghe thấy tiếng trống thúc thuế, bà vội ngoảnh mặt đi, bà không muốn để con dâu nhìn thấy bà khóc.

Giọt nước mắt của bà cụ Tứ góp phần thể hiện nỗi xót xa của người mẹ trước cảnh ngộ của con lấy vợ giữa “tao đoạn” và số phận không được bằng người. Việc lấy vợ của con là vui nhưng vì cái cái đói, cái chết mà khiến bà xót xa, tủi thân, tủi phận. Giọt nước mắt khổ đau ấy như lời kết án sâu sắc thực dân Pháp, phát xít Nhật đẩy dân ta đến thảm cảnh cùng cực đó.

Giọt nước mắt cho thấy tấm lòng chan chứa yêu thương con của người mẹ, những giọt nước mắt như cố kìm nén (rỉ ra hai dòng nước mắt, ngoảnh vội ra ngoài). Thương con, mừng lòng trước hạnh phúc của con, bà đào sâu chôn chặt, dấu đi nỗi lo lắng, bà khóc thầm, khóc vụng, để rồi chỉ nói những lời yêu thương, động viên con.

Nụ cười – nước mắt là biểu hiện của hai trạng thái cảm xúc đối lập nhau nhưng cùng lấp lánh ánh sáng của tình người, của tình yêu thương giữa những ngày đói khát, chúng góp phần thể hiện sự éo le của tình huống truyện, làm nên giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo sâu sắc. Khắc họa hình ảnh giàu ý nghĩa đó, Kim Lân chứng tỏ là nhà văn thấu hiểu tâm lí nhân vật, biệt tài xây dựng những chi tiết nghệ thuật nhỏ nhưng hàm chứa tầng ý nghĩa sâu sa, thể hiện quan niệm sáng tác quý hồ tinh, bất quý hồ đa.

Không chỉ thành công ở chi tiết nụ cười, nước mắt, Kim Lân cũng để lại trong ấn tượng đạm nét trong tâm trí người đọc ở hình tượng nồi cháo cám. Nhà văn đã để cho cái đói quay quắt se duyên cho một mối tình nhưng cũng đẩy họ đến bên bờ vực: liệu có nuôi nổi nhau qua cái thì tao đoạn này không. Bữa cơm đón nàng dâu mới minh họa rõ nét hơn cho cái thực trạng thảm thương của những con người khốn khó đó: giữa cái mẹt rách chỉ có niêu cháo loãng, một lùm rau chuối thái rối, đĩa muối trắng và nồi cháo cám. Cháo cám dẫu được mẹ già sang trọng gọi là chè khoán nhưng vẫn không sao xua được cảm giác đắng ngắt, chát xít nơi cổ họng, không sao nén được nỗi tủi hờn dâng lên trong tâm trí mỗi người. Bát cháo cám như đập tan cái không khí vui tươi ở phần đầu bữa ăn. Hiện thực về cái đói vô cùng khốc liệt và ám ảnh một lần nữa xuất hiện, đe dọa hạnh phúc của con người. Thứ hạnh phúc bé nhỏ, mong manh vừa mới nhen nhúm ngay lập tức bị đe dọa bởi cái đói. Nỗi xót xa, buồn tủi thấm trong trang văn của Kim Lân như lan sang người đọc.

Nhưng vượt lên trên nghĩa tả thực, bát cháo cám còn làm ngời sáng trước mắt ta tấm lòng, tình cảm của người mẹ già khốn khó. Bà cụ Tứ vừa múc cháo, vừa đùa vui: Chè khoán đây, ngon đáo để cơ. Nào phải bà không thấu cái vị đắng ngắt, chát xít của cháo cám, đâu phải bà không hay về tương lai mù xám của những đứa con mình? Người mẹ già ấy đã có nén lại nỗi lo lắng thắt lòng cho tương lai đôi trẻ, đã vượt qua mọi sượng sùng, ngần ngại với người con dâu về gia cảnh nhà mình để khơi dậy chút nguuồn vui cho không khí gia đình. Bên tận cùng nỗi xót xa, ta lại cảm động vô cùng trước mênh mông tấm lòng người mẹ. Hơn nữa, chẳng phải ngẫu nhiên Kim Lân lại để cho người mẹ già nua tuổi tác, xế bóng ngả chiều lại là người khơi niềm vui trong thảm cảnh ngày đói. Là Kim Lân thấy lửa, khơi lửa và tin rằng có lửa ngay trong đống tro tưởng sắp lụi tàn, thấy mầm xanh sự sống chẳng những vươn lên từ thân non hay một đời cây cường tráng mà còn khỏe khoắn vươn lên từ chính một gốc cây sắp tròn cổ thục. Không nghi ngờ gì nữa, món chè khoán của bà cụ Tứ làm một chi tiết Kim Lân trọn vẹn gởi trao niềm tin và khát vọng sống của con người.

Chi tiết bát cháo cám cũng thể hiện khát khao hạnh phúc gia đình của người đàn bà vô danh. Ta hiểu thị nhắm mắt đưa chân không đơn thuần vì miếng ăn, thị không bỏ đi khi chứng kiến gia cảnh bần hàn của Tràng, nay ta càng thấu hiểu sâu sắc hơn cái khát vọng có một bến đỗ cho con thuyền phiêu dạt, một tổ ấm dừng chân nơi thị trong cái cử chỉ điềm nhiên và vào miệng miếng cháo cám. Cái cử chí và thái độ ấy cho thấy thị thật ý tứ, sẵn sàng đồng cam cộng khổ với gia đình Tràng. Hạnh phúc mong manh vừa nhen nhóm ấy, phải chăng cần lắm những đôi bàn tay nâng niu như vậy. Lời nói của bà cụ Tứ và hành động của người con dâu chính là cách những người phụ nữ giữ gìn, bảo vệ và vun đắp cho niềm hạnh phúc vừa mới chớm nở.

Sáng tạo chi tiết bát cháo cám, Kim Lân không chỉ gợi lại sinh động thảm trạng ngày đói năm nào mà nhà văn còn muốn ca ngợi tình người nồng thắm nơi những tấm lòng thuần hậu, chất phác. Trong cảnh đói bi thương ấy, họ vẫn không thôi yêu thương, vẫn nương tựa vào nhau cùng sẻ chia và cùng hi vọng.

Chi tiết Nắm lá ngón trong Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài

Tô Hoài là một trong những nhà văn ưu tú của văn đàn Việt Nam. Có lẽ do sự trải nghiệm và dồi dào vốn sống mà ông có thể viết nên những trang văn hay dù chỉ mới học hết bậc tiểu học. Nhưng tác phẩm của ông thường là truyện ngắn và bút kí viết về thiên nhiên và đời sống thôn quê. Năm 1952, trong chuyến đi dài tám tháng sống cùng đồng bào Tây Bắc, Tô Hoài đã cho ra tập truyện Tây Bắc, đặc sắc với tác phẩm Vợ chồng A Phủ để rồi từ đó, hình tượng lá ngón trở thành một trong những chi tiết nghệ thuật đặc trưng, mang nhiều tầng ý nghĩa và để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm tưởng độc giả Việt Nam.

Cũng như nhãn tự trong một bài thơ, chi tiết nghệ thuạt có vị trí nghệ thuật vô cùng quan trọng đối với tác phẩm văn xuôi, nó có thể thâu tóm linh hồn của tác phẩm. Và dù thời gian trôi qua, tác giả không còn nữa thì khi nhắc đến chi tiết nghệ thuật liền nhớ lại nội dung tác phẩm. Điều đó kể như không bỏ công người nằm xuống. Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được sáng tác khi Tô Hoài tham gia kháng chiến, căn cứ hoạt động ở miền cao Tây Bắc. Câu chuyện là cuộc đời tủi nhục của Mị và A Phủ – hai mảnh đời có số phận bất hạnh gần như nhau, đại diện cho những kiếp đời lầm than dưới ách thống trị tàn ác của bọn thực dân phong kiến. Họ gặp nhau, tự giải thoát và tìm đến Cách mạng như một lẽ hiển nhiên, biểu trưng cho con đường tìm đến Cách mạng, tìm đến giải phóng và tự do của đồng bào miền cao Tây Bắc.

Hình ảnh lá ngón xuất hiện ba lần trong tác phẩm và chỉ gắn liền với nhân vật Mị – người con gái miền cao lương thiện, xinh đẹp, tài hoa nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh. Mị xuất hiện với hình ảnh mở đầu u ám: Ai ở xa về…có một cô con gái. Lúc nào cũng vậy, mặt buồn rười rượi. Đó cũng chính là phong cách của Tô Hoài: Đi thẳng vào vấn đề, nêu ngay nhân vật. Sự xuất hiện ủ dột báo hiệu một thực tại không tươi sáng. Sự hiện diện song song giữa cô gái – tàu ngựa – tảng đá cho thấy sự ngang tầm giữa các chủ thể: người và súc vật, súc vật và vô tri. Hay đó cũng chính là ngầm ý của tác giả muốn nói đến cái xã hội đương thời. Cái thực tại xám xịt này là hệ luỵ của chế độ thực dân phong kiến thối tha, là kết cục bi thương của con người lành tính. Mị – một cô gái miền cao đang tràn b**g sức trẻ – ngay trong đêm tình hội xuân nồng nàn thì cuộc đời màu hồng chấm dứt. Cô bị trói gô như súc nô, bắt về nhà thống lí Pá Tra cúng trình ma như một món hàng. Người ta làm gì cuộc đời cô, thực sự lúc đó cô không biết, mãi cho đến lúc A Sử đứng trước mặt bố cô tuyên bố đã cúng trình ma, thôi thì cô đã là người nhà thống lí mất rồi! Một cú đánh ngã tự do, một cái rơi thật sự thẳng. Mị đi từ cuộc đời đẹp như trong tranh xuống hố sâu của địa ngục – nơi mà kẻ khác sống bằng âm thanh của tiếng than và hít thở hhơi mùi máu, mà mỗi bước đi là một nỗi tủi nhụcđến tột cùng. Mị sống không bằng chết, sống như một xác người trong kiếp cầm súc và rồi có áp bức có đấu tranh. Cô tìm về cha già, tay cầm nắm lá ngón. Lá ngón xuất hiện lần đầu tiên như một lối thoát đen. Đây là lối thoát ngắn và hữu hiệu nhất. Nhưng lại là lối thoát cho những ai muốn chấm dứt hiện tại nghiệt ngã chứ không phải lối thoát cho người muốn sang trang mới. Rõ ràng, đây là sự phản kháng quyết liệt nhưng vô vọng – một hình thức phản kháng bị động. Và sự xuất hiện của lá ngón lúc này mang tầm ý nghĩa tố cáo cao độ: Sự dã man của xã hội ép buộc con người lương thiện đi tìm cái chết. Nó – lá ngón, cũng là hiện thân cho nỗi thống khổ của nhân dân, cho những tích tụ đắng cay, đầy đau đớn và uất hận. Cô ném phịch xuống đất nắm lá ngón mình tự tìm hái trong rừng như một sự chuẩn bị sẵn sàng trước đó, ném trong nước mắt. Tự mình tìm đến lá ngón – độc dược của rừng xanh – đã là sự can đảm của người con gái. Nhưng ném đi độc dược để tiếp tục sống khổ lại càng can đảm hơn. Đối với Mị, thà chết đi hơn sống nhục, nhưng rồi lại thà sống nhục còn hơn bất hiếu. Chính chữ hiếu là bản lĩnh cao đẹp nơi người con gái trẻ. Đó cũng chính là nguyên nhân cốt yếu cho sự can đảm bán mình chuộc cha của Vương Thuý Kiều trong Đoạn trường tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du. Cả hai người con gái tài năng, sắc diện và nhân phẩm tuyệt vời, điều đó kết cục chung vì chế độ xấu xa mục rữa, những thiên hương vô phúc sinh nhầm thời, những cánh hoa trôi dạt trong bão dữ. Lá ngón như vậy, đã mang một tầng ý nghĩa nhân sinh tuy bản thân tượng trưng cho cái chết.

Ta có thể nhìn thấy sự kiên quyết và chút gì đó vụt sáng trong lòng Mị khi cô tìm đến lá ngón với ý nghĩ đã tìm ra lối thoát. Nhưng đồng thời cũng nhận ra nỗi đớn lòng của cô khi thấy rằng chưa phải lúc và lối thoát ấy một lần nữa tuột khỏi tầm tay. Nhưng rồi cơn đau nào cũng phải qua đi đi sau thời hạn định. Mị trở về, tiếp tục sống cho hết kiếp cùng mạt nhục nhã. Nhiều năm trôi qua, Mị không còn nghĩ đến đấu tranh bởi lẽ sống hay chết đối với cô lúc này không quan trọng nữa và đương nhên lá ngón cũng chẳng còn lảng vảng trong tâm trí đã ngủ quên.

Đó chính là sự xuất hiện lần thứ hai của lá ngón vì ở lần này, lá ngón xuất hiện bằng cách ra đi. Lá ngón phai mờ tượng trưng cho sự ham sống đã nguội lạnh. Nỗi ám ảnh về cái chết giờ đây không còn gặm nhấm tâm hồn cho sự tự do của lí trí. Nhưng đối với Mị, đó lại là nỗi đáng sợ! Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Dần thay thế cho “phản kháng” là chấp nhận chịu đựng. Một cô gái với bản lĩnh tự hái thuốc độc cho mình nay buông xuôi chấp thuận. Cô buông xuôi không bởi cô chấp thuận, cô đông thuận mà sự thả trôi kia là kết cục của cuộc tự đấu tranh trong đơn độc, dai dẳng cuối cùng kết thúc bằng sự mỏi mệt và tuyệt vọng đổ ập xuống đôi bờ vai yếu ớt. Vậy ra, lá ngón kia đang ngầm kêu thay tiếng đồng bào hướng về Cách mạng. Chẳng biết tự bao giờ, Mị quay cuồng vào công việc nhà Pá Tra như một cái máy và cho tới khi trâu ngựa đã về chuồng, cô vẫn còn đứng đó tiếp tục mãi không thôi. Lúc nào cũng vậy, ngồi một mình trong căn buồng tối trông ra lôc vuông trắng đục chẳng biết của sương hay nắng, Mị luôn đăm đắm một ánh nhìn. Ánh nhìn ấy vừa khát khao, vừa hồi tưởng. Nếu như xem lỗ vuông nơi căn phòng là vách ngăn giữa lao tù và tự do, thì ít ra mỗi khi nhìn vào đó, Mị vẫn còn chút gì khao khát sống. Còn đối với lá ngón, nghĩ đến nó là nghĩ đến cái chết và chỉ khi Mị muốn kết liễu đời mình thì lá ngón lại là hình ảnh mặc định đầu tiên hiện ra. Rồi đêm nay, đêm tình mùa xuân lại kéo đến – cái đêm tình tứ lứa đôi ngọt ngào, đêm của những xúc cảm yêu thương được chuẩn bị trước bởi những chiếc váy hoa phơi trên mõm đá hay đêm được tượng hình bởi tiếng sáo mê li. Đêm hội mùa xuân vẫn đến và đi như hằng năm vẫn thế. Và năm nay, đến hẹn lại lên, đêm được chờ mong lại đến. Nó đến vẫn với diện mạo xinh tươi và bản chất ngọt ngào. Vẫn rừng xanh đó, vẫn triền núi xưa nhưng người đưa đã khác. Đêm xuân ny vắng bóng má đào. Tiếng sáo cũ vẫn cứ vô tư bay đi cùng gió với mây, đi tìm người tình ngày nào lâu nay vắng bóng. Rồi như trách oán, như không muốn đi, tiếng sáo ấy cứ réo mãi bên tai người con gái như lưu luyến, tần ngần. Như một phép tiên, đôi môi tưởng chừng đã bị phong kín bởi thời gian nay mấp máy điều gì! Gì thế kia? Hỡi ôi bài hát cũ – bài hát thiết tha dạo cùng khúc nhạc rừng vàng. Hình ảnh ấy ôi thật xót xa. Người con gái làm say đắm biết bao chàng trai, bông hoa của núi rừng hùng vĩ ngày nào biến mất đi trong đêm oan nghiệt. Để giờ đây chỉ còn tiếng hát nhẩm ngày xưa. Mị đang hát, đang cố hát để kéo về những kí ức xúc cảm vàng son. Sau không biết bao ngày sống kiếp nô lệ, Mị vẫn nhớ từng khúc nhạc từng lời ca. Chứng tỏ trong cô, vàng son không khép. Quá khứ và thực tại là hai đỉnh trái chiều và sống về quá khứ giữa thực tại tài nhẫn, Mị đang khao khát vô cùng, con tim cô vẫn còn thổn thức. Kí ức kéo về tiếp theo cho Mị lòng can đảm, lòng can đảm tồn tại khiến Mị muốn sống về kí ức và cô tìm đến rượu để tiếp tục lối đi trái chiều với thời gian. Người ta uống rượu thì say, còn Mị càng uống càng tỉnh. Mị tỉnh bởi Mị nhớ lại mình ngày xưa và đem so với mình hiện tại như chợt giật mình cho những gì bấy lâu xảy ra với bản thân. Mị tỉnh bởi Mị nhớ lại những đối xử dã man của những kẻ đón mạt ấy dành cho cô. Rồi cái ý thức cá nhân dâng lên mạnh mẽ mà một khi ý thức ấy đỉnh điểm thì Mị lại càng không thể chấp nhận nhục nhã đớn đau trong cái cảnh sống không ra người này đây. Giải thoát! Tự do! Mị không thể tự do thể xác và… cô sẽ tự do tâm hồn, và … lá ngón một lần nữa xuất hiện.

Khi Mị muốn giải thoát, Mị tìm tới lá ngón hay là khi Mị muốn chết, lá ngón lại hiện về? Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Càng nhớ càng buồn, càng buồn càng khổ. Thà chết đi cho xong chứ nhớ lại làm chi khi mình bất khả kháng! Như vậy, lá ngón lại lần nữa xuất hiện với tầng ý nghĩa giải thoát, giải thoát khỏi địa ngục trần gian. Địa ngục trần gian ở đây không đơn giản là nỗi đau xác thịt và linh hồn khi bị hành hạ, mà địa ngục thật sự khi phải sống trong lầm than với những hồi ức ngọt ngào cứ hiện hữu. Và lá ngón lại nâng tầm ý nghĩa lên một nấc nữa, đó là sự tự ý thức. Đánh dấu sự trở lại của ý thức sống, đánh dấu sự thức tỉnh của một tâm hồn tưởng chừng như đã chết đi trong cõi sống. Có lẽ lần xuất hiện này của lá ngón là quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất. Bởi lẽ, Mị nghĩ đến lá ngón với sự cương quyết tột cùng, trạng thái phẫn nộ và ý thức rõ nhất vì giờ đây, cô không còn cái gì để hối tiếc, để luyến lưu. Tuổi xuân đầu đời – thời gian đẹp nhất – nay đã hết, cha già – nguồn yêu thương vô tận cũng không còn. Lòng Mị nay là cõi chết. Lá ngón đối với nàng không là liều thuốc độc, mà trở thành thứ phương tiện, hình thức, con đường để đi đến một bến bờ khác không còn đớn đau, để phản kháng lại cái xã hội đương thời mạt hạn.

Mị tìm đến lá ngón là tìm đến cái chết như một sự tự cứu và phản kháng. Mị là hình ảnh của đồng bào miền cao Tây Bắc sống kiếp nô cầm trong xã hộ của bọn thực dân phong kiến, cũng như đồng bào miền xuôi hay khắp mọi miền đất nước khi ánh sáng cách mạng chưa kịp soi sáng. Mị cũng có sự tự tôn của mình, nhưng để bảo vệ sự tự tôn ấy, cô đã chọn lá ngón. Và có lẽ, đó là lẽ đương nhiên đối với một cô gái đơn độc có tâm hồn quá sáng trong nhưng vị thế lại quá nhỏ nhoi, nhất là khi ánh sáng cách mạng chưa thể rọi đến Hồng Ngài xa xăm.

Xuất sắc chấm màu xanh lá ngón vào bức tranh xô bồ của thời cuộc, Tô Hoài đã đưa từ chỗ độc dược ngàn đời của núi rừng, là cái chết từ thiên nhiên, nay bỗng nhiên lại là sự giải thoát. Lá ngón xuất hiện ba lần với ba tầng ý nghĩa ngày càng sâu sắc hơn, dữ dội hơn. Cái độc của lá ngón vậy ra vẫn còn thua cái độc của xã hội. Lá càng độc là đớn đau đồng bào chịu càng nhiều. Lá ngón trở thành dấu hiệu báo động cho sự khẩn thiết, cầu cứu của đồng bào miền cao đối với Cách mạng còn quá xa và cũng chính là tư tưởng nhân đạo cao đẹp mà tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta qua hồn thiêng gió núi của đại ngàn Tây Bắc xa xăm!

Want your school to be the top-listed School/college in Hue?

Click here to claim your Sponsored Listing.

Location

Hue

Telephone

Address


Hue
530000
Other Schools in Hue (show all)
Lớp 12/1 Quốc Học (1999-2002) Lớp 12/1 Quốc Học (1999-2002)
Trường Quốc Học
Hue, 70000

www.facebook.com/12.1QuocHoc Lớp 12/1 GVCN: Thầy Phan Thanh Tịnh Sĩ số: 42 (21 nam, 21 n?

Làm thuyết trình tại canvs Làm thuyết trình tại canvs
41 Đào Duy Từ
Hue

DOD3 - The Diary of D3 DOD3 - The Diary of D3
14 Lê Lợi
Hue

DOD3 ( The Diary of 10D3 ) là chiếc page nho nhỏ, xinh yêu của tập thể lớp D3 niên kh

Học tiếng Đức tại Huế cùng BRAVO Học tiếng Đức tại Huế cùng BRAVO
P. Gia Hội
Hue, 49109

Cung cấp các khóa học tiếng Đức, dạy kèm riêng và luyện thi các trình độ A1,

CodeGym Huế - Hệ thống đào tạo lập trình hiện đại CodeGym Huế - Hệ thống đào tạo lập trình hiện đại
28 Nguyễn Tri Phương, Phường Phú Nhuận, Thành Phố Hue
Hue, 49000

CodeGym là hệ thống đào tạo lập trình hiện đại dành cho mọi đối tượng từ

Mầm non song ngữ JURA Grapeseed Mầm non song ngữ JURA Grapeseed
48 Đoàn Hữu Trưng, Phường Phước Vĩnh
Hue, 530000

JURA GRAPESEED tự hào là trường mầm non song ngữ đầu tiên và duy nhất ở Huế tr

Trung Tâm Ngoại Ngữ English Kingdom - Thuận An Trung Tâm Ngoại Ngữ English Kingdom - Thuận An
92 Kinh Dương Vương, Phường Thuận An
Hue, 530000

TIẾNG ANH THEO CHUẨN QUỐC TẾ CAMBRIDGE - TIẾNG ANH TRẺ EM, THIẾU NIÊN - TIẾNG ANH G

Khoa Cơ khí - CĐCN Huế Khoa Cơ khí - CĐCN Huế
70 Nguyễn Huệ
Hue, 530000

Khoa Cơ khí - Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế.

Liên đội trường THCS Phong Hiền Liên đội trường THCS Phong Hiền
Hue

thông tin hoạt động về hoạt động Đội

T3 - Try, Trust, Touch the sky T3 - Try, Trust, Touch the sky
63 Tố Hữu
Hue, 52000

Nhật ký T3

Trường THPT Thuận Hóa, Trường Đại học Sư phạm Huế Trường THPT Thuận Hóa, Trường Đại học Sư phạm Huế
32 Lê Lợi
Hue

Trường THPT Thuận Hóa là trường THPT thực hành trực thuộc Trường Đại học S?

Cục Kiểm Tra Chính Tả - Bộ Kiểm Định Chất Lượng Ngôn Ngữ Cục Kiểm Tra Chính Tả - Bộ Kiểm Định Chất Lượng Ngôn Ngữ
Hue

Trang này là để bắt lỗi chính tả.