Tạp chí Xưa và Nay số 568 (tháng 10/2024)
Tạp chí Xưa và Nay
Nearby schools & colleges
Quận
Ngõ 45 Nguyên Hồng
Phố Tây Bùi Viện, P. Phạm Ngũ Lão, Q, Da Kao
Bangkhen, Bangkok
Quận
Quận
70000
Quận
Bui Vien Street
700000
Tạp chí chuyên đề về Lịch sử VIệt Nam của Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam
Operating as usual
Tạp chí Xưa và Nay số 567 (tháng 9/2024)
TẠP CHÍ XƯA & NAY | VĨNH BIỆT NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU ¤ PLEASE DO NOT RE-UPLOAD! Vui lòng không đăng tải lại dưới mọi hình thức.Rất cảm ơn các anh chị, các bạn đã ủng hộ chúng tôi trong suốt thời gian qua!
Sáng nay 28/9/2024, Ủy ban Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu đã công bố và trao Giải thưởng lần thứ XII - năm 2024 cho công trình khảo cứu “Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” của 2 tác giả VÕ NGUYÊN PHONG & CÙ THỊ DUNG duới sự tổ chức thực hiện của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nuớc.
Cuốn sách do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản và phát hành, dày 552 trang, được bố cục thành 2 phần với 4 chương. Trong đó phần 1 là “Vùng Sài Gòn - Gia Định: Từ sơ khởi đến năm 1859”, phần 2 là “Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn thời Pháp thuộc (1859 - 1945)”. Các chương trong cuốn sách theo thứ tự là “Những tiền đề hình thành vùng đất mới”, “Sài Gòn - Gia Định trước thời Pháp thuộc”, “Tổ chức hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn” và “Quy hoạch đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn”.
Đến tham dự có đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử cùng các cơ quan báo chí và truyền thông. Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao công trình nghiên cứu với tâm huyết và sự lao động sáng tạo của các tác giả đã đóng góp cho lịch sử, văn hóa của đất nước, khu vực Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, những nghiên cứu này sẽ giúp thành phố có thêm kho tư liệu quý làm cơ sở hoạch định chiến lược, chính sách văn hóa, xã hội phát triển của thành phố trong thời gian tới…
Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu do Giáo sư Trần Văn Giàu sáng lập năm 2002, với mục tiêu trao giải cho các tác giả với các công trình nghiên cứu về lịch sử và lịch sử tư tưởng tại Nam Bộ, khu vực cực Nam Trung Bộ (từ Ninh Thuận đến Cà Mau).
Xin chúc mừng hai tác giả là những nhà nghiêu cứu trẻ, cộng tác viên thân thiết của tạp chí Xưa và Nay, đã vinh dự được nhận giải thưởng danh giá này.
Vô cùng thương tiếc Nhân sĩ - Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu (1920-2024)
BÀN VỀ 300 MẪU ĐẤT CÔNG TRONG
TRUYỀN THUYẾT BÀ RỊA
•Nguyễn Đình Thống - Hồ Viết Hùng
1. TRUYỀN THUYẾT VỀ BÀ RỊA KHÔNG CÓ CĂN CỨ KHOA HỌC ĐỂ ĐƯA VÀO LỊCH SỬ
Trong quá trình biên soạn Địa chí tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 25-9-1998, Ủy ban nhân dân tỉnh BR-VT đã tổ chức một cuộc hội thảo về Nhân vật chí. Kết quả từ cuộc hội thảo cùng kết quả nghiên cứu trong 7 năm tiếp theo, các tác giả Địa chí tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định: Bà Rịa là một địa danh; những tài liệu viết về truyền thuyết bà Nguyễn Thị Rịa không có căn cứ khoa học để đưa vào lịch sử⁽¹⁾. Riêng về địa danh Bà Rịa, sách đã dành một chuyên mục dài 23 trang “Về nguồn gốc địa danh Bà Rịa” từ trang 833 đến trang 856, khẳng định:
1. Địa danh Bà Rịa chỉ xứ đất hay vùng đất (xứ Bà Rịa);
2. Địa danh Bà Rịa chỉ địa hình (núi Bà Rịa);
3. Địa danh Bà Rịa chỉ công trình xây dựng (chợ Bà Rịa);
4. Địa danh Bà Rịa chỉ đơn vị hành chính (tỉnh Bà Rịa, thị xã Bà Rịa,…)⁽²⁾
Những luận điểm trên đây đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu, được lãnh đạo tỉnh chấp thuận như một quan điểm chính thống, là căn cứ để các cấp lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham khảo khi hoạch định chủ trương, chính sách ở địa phương⁽³⁾.
2. VỀ 300 MẪU ĐẤT CÔNG, ĐƯỢC CHO LÀ DO BÀ RỊA KHAI PHÁ
Truyền thuyết về bà Rịa lưu truyền trong dân, được sách báo chép theo đều cho rằng công đức lớn của bà là đã khai phá được 300 mẫu ruộng, vì không có con nên bà để lại làm ruộng công cho làng, nhờ vậy bà được chúa Nguyễn tôn vinh, đem tên bà đặt làm tên cho tỉnh (tỉnh Bà Rịa).
Trong cuộc Hội thảo ngày 7-10-1998 tại xã Tam An⁽⁴⁾ do Huyện ủy Long Đất chủ trì, bàn về việc trùng tu mộ Bà Rịa, chúng tôi đã trao đổi với mười vị lão làng, cao tuổi nhất là cụ Võ Văn Phát (86 tuổi), cụ Trương Vạn (86 tuổi), cụ Huỳnh Văn Bộ, 66 tuổi,… đều sinh trưởng ở xã Tam An. Bản Truyền thuyết về Bà Rịa được cụ Huỳnh Văn Bộ chép tay đề ngày 6 tháng Ba âm lịch năm Giáp Tý (1984), cụ chép lại từ bản chép tay của cụ Tư Phò, người cùng làng, đã qua đời. Xin lược trích theo bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ: “Ban đầu (bà cùng đoàn người) khai phá Mô Xoài, Đông Bắc dinh Phủ 5km, tức là phần ruộng Đồng Xoài thuộc Long Điền, Long Kiên, kế đến Mỹ Khê, gần 10.000 thước về phía Đông, nằm sát Kho Vua, Bưng Bạc. Đợt (khai phá thứ) II, Bà Rịa một lần nữa xung phong hướng dẫn đoàn người khai phá tiếp phần đất trống Mỹ Khê trên 300 mẫu ruộng, chạy dài về Đông Nam hơn 10.000 thước, phỏng độ hai đợt gần 1.500 mẫu ruộng vườn”⁽⁵⁾.
Sách báo đề cập về nhân vật bà Rịa đều chép theo truyền thuyết này, có đôi chỗ khác biệt về niên đại. Tài liệu thành văn có niên đại sớm hơn cả chép về truyền thuyết này là cuốn Địa chí tỉnh Bà Rịa và thành phố Cap Saint-Jacques, in năm 1902 . Tài liệu này đã bị các tác giả bộ Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh bác bỏ: “Tác giả Địa chí bà Rịa 1902 đã sai lầm khi nói đất bà Rịa mới có hơn trăm năm nay, “một bà tên là Rịa tới lập làng Phước Liễu rồi mất vào năm Gia Long thứ 2 tức 1803”... Sự sai nhầm về “bà Rịa mới lập làng Phước Liễu từ 1789” được đính chính mạnh nhất khi tìm thấy địa danh Bà Rịa và Đất Đỏ đã được ghi vào danh mục “các họ đạo của xứ Đồng Nai từ 1747”. Trong danh mục ấy còn ghi rõ Bà Rịa có 140 giáo dân và Đất Đỏ có 350 người theo đạo Công giáo”.⁽⁷⁾
Sử sách địa phương chép truyền thuyết bà Rịa khá sớm là cuốn Châu Thành đấu tranh và xây dựng (1945-1985): "Theo thư tịch cổ, bà Rịa người gốc Phú Yên theo gia đình vào Nam tìm đất sống từ năm 1680. Gia đình bà vào tại làng Mỹ Khê (Tam Phước, Long Đất). Bà Rịa cùng với nhân dân đã khai phá rừng rậm lập ruộng vườn, xây dựng làng xóm. Năm 1698, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh) được chúa Nguyễn Phúc Chu cử kinh lý đất phía Nam khi quân đổ bộ lên Phước Lễ, lúc đó vừa bị một trận lụt lớn, các cầu đều bị trôi, đường đi lại bị hư hỏng. Bà Rịa đã huy động nhân dân trong vùng tu sửa đường sá, bắc lại các cây cầu để quân chúa Nguyễn qua sông; cảm kích công trạng này chúa Nguyễn đã ra sắc phong cho bà Rịa "hàm Nghè" danh dự và cho bà được mang họ Chúa (tức họ Nguyễn). Từ đó bà được nhân dân quý trọng, tiếng vang khắp vùng. Năm 1759 bà Rịa qua đời, bà không có con cái, 300 mẫu ruộng của bà được sung vào công điền và chia cho người nghèo. Dân làng nhớ ơn góp sức lập miếu thờ bà bên đường, nay thuộc địa phận xã Tam Phước, huyện Long Đất”.⁽⁸⁾
Chuyện 300 mẫu ruộng công là có thật, nhưng chuyện Bà Rịa khẩn được 300 mẫu ruộng làm ruộng công cho làng chỉ là truyền thuyết. Theo Địa bạ tỉnh Biên Hòa, huyện Phước An được lập vào năm 1836 (77 năm sau khi bà Rịa qua đời theo truyền thuyết) thì làng Phước Liễu (được cho là nơi bà khai phá và chết ở đó) số ruộng thực canh chỉ có 126 mẫu, trong đó đất công điền là 8,2 mẫu⁽⁹⁾. Truyền thuyết (và các sách chép theo) chép: sau khi bà qua đời, vì không có con, bà đã sung toàn bộ (hơn 300 mẫu đất) vào công điền là không có cơ sở lịch sử.
Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết 300 mẫu đất công ở huyện Phước An có được là do công cuộc cải tạo sông Xích Lam (sông Ray) dưới triều Minh Mệnh, từ năm 1828: “huyện Phước An [tỉnh Biên Hòa] có một con suối đầu nguồn nối liền với huyện Long Khánh nguyên có trên 300 mẫu ruộng tốt, lại có đất màu mỡ, có thể khai khẩn thành ruộng, nhưng đã lâu đất cát bồi lấp, mùa thu nước lụt tràn đầy, khó thể cày cấy. Vâng lệnh khám thực, trù biện nhân công vật liệu, đốc bắt dân huyện Long Khánh và một tổng Phước An họp đủ 500 tên, nhân lãnh việc đồng áng khởi công khai đào”⁽¹⁰⁾. Đến năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), khẩn được 300 mẫu, vua ban dụ sung làm đất công, cho dân nhận lãnh cày cấy và nộp thuế: “cứ số nguyên trước phát cho tù phạm, liệu đem trích ra ruộng đã thành điền, cấp giao cho nhận làm, đợi sau khi được gặt, một nửa nộp vào kho công, một nửa được tự hưởng, không phải cấp lương ăn; còn bao nhiêu chiểu theo các xã thôn gần đó, sức cho nhận lĩnh cày cấy nộp thuế, sung làm ruộng công chia cấp cho lính và dân, cho đều được lợi”⁽¹¹⁾.
Sách Đại Nam nhất thống chí, chép về 300 mẫu đất công như sau: “Sông Xích Lam: ở cách huyện Phước An 31 dặm về phía đông, đoạn giữa qua sông có cầu dài 70 trượng 5 thước là chỗ đường bộ đi qua: ở hạ lưu cầu, sông chảy ngoặt sang phía nam 3 dặm làm hải cảng Xích Lam... Ở bờ phía Đông trước kia bị úng hủy, không tiện cho việc nông, năm Minh Mệnh thứ 19 mới khơi cho nước úng theo sông mà tiêu, khẩn được hơn 300 mẫu ruộng hoang làm ruộng công cho các xã thôn phụ cận.” ⁽¹²⁾
Sông Xích Lam là Sông Ray mà hạ lưu phía đông của nó bao gồm các xã vùng Long Điền, Đất Đỏ. Khu vực này xưa là bưng bàu với câu ca: “Bao giờ Bưng Bạc hết sình, Bàu Thành hết nước chúng mình hết thương”, nhờ “khơi cho nước úng theo sông mà tiêu”, khẩn được 300 mẫu, làm ruộng công. Những nguồn sử liệu xác thực trên cho biết rõ nguồn gốc 300 mẫu đất công ở Long Điền - Đất Đỏ không phải do bà Rịa khai phá (như truyền thuyết).
3. KHÔNG PHA TRỘN TRUYỀN THUYẾT VÀ LỊCH SỬ
Về tính không xác thực của truyền thuyết, các tác giả Địa chí tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sự phê phán xác đáng. Trong chuyên khảo này, ngoài vấn đề 300 mẫu đất công đã nêu, chúng tôi nhấn mạnh thêm 3 điểm, thường được sách báo dẫn theo, pha trộn truyền thuyết vào lịch sử:
3.1. Về xuất xứ tài liệu: bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ chép “theo văn kiện, năm Minh Mệnh thứ 12” là không có cơ sở. Bộ Minh Mệnh chính yếu không có một dòng nào ghi như vậy. Các bộ sử sách của Quốc sử quán triều Nguyễn đều không chép sự kiện này.
3.2. Không có việc Bà Rịa huy động dân bắc cầu cho Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất Nam bộ (1698)⁽¹⁴⁾. Thời điểm Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược vùng đất Nam bộ (1698), các nghiên cứu đều cho biết, ông hành quân bằng đường biển, khi đó chưa có đường bộ. Sách Đại Nam thực lục chép, cuối năm 1748 mới bắt đầu mở đường thiên lý (đường bộ) từ Gia Định về Kinh: “Đất Gia Định nhiều nơi lầy lội. Khi mới mở mang, đường bộ chưa thông, hành khách đi lại vất vả, việc báo cáo về biên cương cũng không tiện. Chúa sai Hữu Doãn ngắm đo địa thế, chăng dây lấy thẳng bắt đầu từ phía bắc Tất Kiều đến địa phận Hưng Phước [Mô Xoài], tùy chỗ mà đặt trạm, gọi là đường Thiên lý”⁽¹⁵⁾. Thêm nữa, tháng Hai (ÂL) là giữa mùa khô, không có mưa lũ làm trôi cầu.
3.3. Không có sắc phong hàm nghè, ban “họ Nguyễn”, lấy tên bà Rịa đặt thành tên tỉnh: Các tác giả Địa chí tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tra cứu toàn bộ Thư mục Thần tích, Thần sắc (phần tỉnh Bà Rịa đầu thế kỷ XX) tại Viện Hán Nôm, mang ký hiệu Q4-18XX, ML, không có văn bản nào về vị phúc thần, nhân thần tên gọi bà Rịa hay Nguyễn Thị Rịa. Thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn không có tỉnh Bà Rịa, chỉ có huyện Phước An, phủ Phước Tuy. Tỉnh Bà Rịa do thực dân Pháp đặt, lấy theo tên họ đạo Bà Rịa. Thời ấy, lớp thông ngôn, thư ký cho thực dân Pháp đều được chọn trong số giáo dân biết tiếng Pháp, hiểu biết ban đầu của các quan chức thực dân về xứ sở này đều thông qua các giáo dân cộng tác với thực dân Pháp.
4. NÊN ỨNG XỬ VỚI TRUYỀN THUYẾT NHƯ THẾ NÀO
Truyền thuyết là đề tài thường được báo chí khai thác với những tít giật gân, câu khách, bất chấp sự thật lịch sử. Xin dẫn một ví dụ: Báo Phú Yên, thứ bảy, ngày 07-06-2008 đưa tin: Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Tìm hiểu danh nhân Nguyễn Thị Rịa tại nguyên quán Phú Yên, nội dung như sau: “Ngày 6/6 (2008), bà Nguyễn Thị Hồng Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về Phú Yên tìm hiểu về danh nhân Nguyễn Thị Rịa quê gốc Phú Yên đã có công lao góp phần xây dựng vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu cuối thế kỷ XVII. Nhiều tư liệu chính sử có đề cập đến bà Nguyễn Thị Rịa - nguyên quán Phú Yên (1665-1759) đã có công lao khai khẩn vùng đất Mỗi Xuy (hay còn gọi là Mì Xoài) và tên bà (nhân danh) được nhân dân đặt tên cho vùng đất ấy (…). HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có những buổi làm việc tiếp theo để có những cứ liệu tin cậy nhằm tôn vinh nhân vật anh hùng lao động thời mở đất phương Nam thế kỷ XVII Nguyễn Thị Rịa trong chương trình hướng về cội nguồn dưới ánh sáng Nghị quyết 5 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII, để nâng cao niềm tự hào về lịch sử dựng nước đã qua và tiếp sức cho công cuộc đổi mới hôm nay⁽¹⁷⁾.
Tiếp đó, Báo Phú Yên thứ tư, ngày 13-08-2008, có bài “Nguyễn Thị Rịa - Người khai phá xứ Đàng Trong thế kỷ XVII” của Thạc sĩ Phan Thanh Bình, đăng nội dung chính mà HĐND tỉnh Phú Yên đã cung cấp cho đoàn đại biểu HĐND tỉnh BRVT, xác định bà Nguyễn Thị Rịa là danh nhân tỉnh Phú Yên, người có công khai phá vùng đất Bà Rịa, được lấy tên bà đặt cho vùng đất ấy. Tham khảo toàn văn trên Website Báo Phú Yên, có thể thấy toàn bộ những tư liệu mà HĐND tỉnh Phú Yên đã cung cấp cho đoàn đại biểu HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong chuyến đi tìm hiểu đó không có gì khác hơn những truyền thuyết đã lưu truyền, chắp vá mà công trình khoa học Địa chí tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bác bỏ. Xin dẫn một đoạn trong bài viết để thấy tính thiếu nghiêm túc trong khoa học, tùy tiện xuyên tạc lịch sử: “Về Bà Rịa, Trịnh Hoài Đức đề cập như sau: bà Rịa người Phú Yên (1665-1759). Năm 15 tuổi (1670) thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bà có mặt trong đoàn lưu dân từ Dinh Trấn Biên (Phú Yên) vào nam lập nghiệp. Nơi đến là vùng đất rộng lớn, có địa hình lồi lõm phức tạp, nổi tiếng là vùng nước độc, chướng khí, có nơi đầm lầy lau sậy mịt mù, có rất nhiều thú dữ. Khi đặt chân đến vùng rừng thiêng nước độc này, bà lao vào công việc khai khẩn ở vùng rừng núi Đồng Xoài (xã Hòa Long), tiếp đó hướng về hướng biển đến Lữ Khê⁽¹⁸⁾ rồi mở rộng ra vùng Gò Xoài - Phước Liễu (xã Tam An - do hai xã An Nhất và Tam Phước hợp nhất)⁽¹⁹⁾ và tiếp tục khai hoang đến Láng Dài - Xuyên Mộc. Đặc biệt, bà Rịa huy động dân chúng sửa chữa cầu cống, đường sá bị hư hỏng nặng do bão lũ, giúp đoàn quân của Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành nhiệm vụ. Bà Rịa không rõ họ gì, có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, là người đức độ có uy tín khắp cả vùng. Với những công trạng đó, bà được Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1752) phong tước Hàm Nghè và sắc phong cho mang họ nhà Chúa, từ đó có tên là Nguyễn Thị Rịa⁽²⁰⁾.
Chúng tôi đã đọc lại toàn bộ 3 tập Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, 1972), không có đoạn nào như trích dẫn, chỉ có 4 đoạn nhắc đến Bà Rịa với tư cách là một địa danh, nguyên văn như sau:
“Đất Gia Định có 5 trấn riêng biệt: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên. Trong đó tên đất cũng nhiều, nhưng theo cư dân ở đây thường nói thì chỉ gọi đất Biên Hòa là Đồng Nai, Bà Rịa; (…)
“Bà Rịa (Bà Địa) là vùng đất có tiếng tuyến đầu biên giới của trấn Biên Hòa, cho nên các phủ ở phía bắc có câu ngạn ngữ: Cơm Nai Rịa, cá Rí Rang. Ấy là lấy xứ Đồng Nai và Bà Rịa (Bà Địa) làm tên đầu để gọi cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ vào trong đó. (…)
“Bà Rịa (Bà Địa) là đất Lục Chân Lạp xưa, xét Tân Đường thư chép: "Nước Bà Lịa (婆利) ở ngay phía đông nam Chiêm Thành, từ Giao Châu đi thuyền theo ven biển qua các nước Xích Thổ, Đan Đan là đến. Xứ ấy đất rộng, đảo nhiều, còn gọi là Mã Lễ, đây có tục xâu tai đeo hoa, dùng một khúc vải cát bối quấn ngang lưng. Phía Nam miền ấy có nước Thù Nại, sau niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường (651-655) thì bị Chân Lạp thôn tính.” Cứ theo như lời nói ấy mà suy thì các tục ấy giống như phong tục của Cao Miên và Đê Man ngày nay, mà địa điểm đất đai cũng thế. Tra theo Chính vận thư thì chữ "lợi” (利) được phiên âm là "lực địa thiết” tức "lịa”, vậy nghi chữ "Bà Rịa” (Bà Địa) tức là nước "Bà Lịa” xưa⁽²¹⁾.
“Năm Mậu Tuất, Thế Tổ Cao hoàng đế nguyên niên (1778), quân nhà vua đem bộ binh khắc phục Gia Định, lúc ấy ngụy quân Tây Sơn do Đô đốc Châu, Hổ tướng Hãn, Tư khấu Oai còn cho thủy binh qua lại dọc theo dòng sông Phiên An, Biên Hòa, và Định Tường để quấy nhiễu. Tháng 3, Hộ giá ngụy Tây Sơn Phạm Ngạn từ Quy Nhơn vào tiếp viện, đến địa đầu xứ Bà Rịa, dùng chiến hạm lén qua sông Phước Lộc đến vùng chùa Nguyễn Tuyên ở huyện Tân Long⁽²²⁾.
Bản dịch mới nhất do Phạm Hoàng Quân dịch, chú giải và khảo chứng, Nxb Tổng hợp TPHCM xuất bản năm 2018 cũng trung thành về nội dung, có chú dẫn và khảo chứng liên quan đến vùng đất Bà Rịa, song không có một dòng nào nhắc đến nhân vật Nguyễn Thị Rịa. Chỉ riêng chi tiết này đã đủ thấy sự hoang tưởng và xuyên tạc lịch sử như Báo Phú Yên đã nêu.
Những cố gắng của những người yêu mến truyền thuyết Bà Rịa nhằm khai thác những giá trị truyền thống từ truyền thuyết là điều đáng quý. Nhưng điều đó chỉ thật sự đáng quý khi khai thác được đúng giá trị, khơi được đúng mạch nguồn. Đương nhiên là không thể khai thác những giá trị không tồn tại.
CHÚ THÍCH
1. Thạch Phương và Nguyễn Trọng Minh chủ biên, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội (2005).
2. Nay là thành phố Bà Rịa
3. Trong số tác giả, Hội đồng biên tập, Hội đồng khảo duyệt có những người từng sống nhiều đời ở Bà Rịa, từng là lãnh đạo cao nhất của tỉnh, từng chỉ đạo nhiều công trình nghiên cứu, như: Nguyễn Trọng Minh (đồng chủ biên); Phạm Quang Khải (Hội đồng biên tập); Phạm Văn Hy, Đỗ Quốc Hùng (Hội đồng khảo duyệt),…
4. Nay là xã Tam Phước, huyện Long Điền.
5. Trích từ bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ, sinh năm 1932 tại ấp Hắt Lăng, xã Tam Phước, huyện Long Điền.
6. Monographic de la province de Ba Ria et de la Ville du Cap Saint - Jacques, Sai Gon, Imprimerie L.Ménard, 1902.
7. Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 1987, tr 141.
8. Châu Thành đấu tranh và xây dựng, Nxb Đồng Nai, 1988, tr 13-14. Chúng tôi đã trao đổi với các tác giả tham gia biên soạn cuốn sách này (Lê Phải và Trần Toản) thì được biết, “theo thư tịch cổ” là các bạn đồng nghiệp đã dẫn theo một số cuốn sách viết trước đó, nhưng cũng không nhớ chắc là cuốn sách nào.
9. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn, tỉnh Biên Hòa, Nxb Tổng hợp TPHCM, tr.281-282.
10. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 11, Sđd, tr.206.
11. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 4, Sđd, tr.152, 153.
12. Quốc sử quán triều Nguyễn (1992): Đại Nam nhất thống chí, Viện Sử học và Nxb Thuận Hóa, Tập V, tr.60.
13. Quốc sử quán triền Nguyễn (1994), Nxb Thuận Hoá, Huế.
14. Truyền thuyết chép: “năm 1698, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh) được cử kinh lý vùng đất phía Nam, lúc đó vừa bị một trận lụt lớn các cầu đều bị trôi, đường đi lại bị hư hỏng. Bà Rịa đã huy động nhân dân trong vùng tu sửa đường sá, bắc lại các cây cầu để quân chúa Nguyễn qua sông, cảm kích công trạng này chúa Nguyễn đã ra sắc phong cho bà Rịa "Hàm Nghè" danh dự và cho bà được mang họ Chúa (!) (tức họ Nguyễn).
15. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, Tập 1, tr. 155 [Tất Kiều là Khu vực cầu Sơn, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh hiện nay]
16. Đúng ra là Mô Xoài. Do tác giả viết sai.
17. Nguồn:http://www.baophuyen.com.vn/Trangch%E1%BB%A7/Ch%C3%ADnhtr%E1%BB%8B/tabid/76/GId/76/itemIndex/-1/NId/25458/Default.aspx
18. Truyền thuyết Bà Rịa ghi là Mỹ Khê, không có tài liệu nào ghi là
Lữ Khê như bài viết.
19. Xã Tam An không phải do hai xã An Nhất và Tam Phước hợp nhất như bài viết, mà hợp nhất từ 3 làng Phước Hưng, Phước Trinh, Phước Liễu.
20. Nguồn:http://www.baophuyen.com.vn/Trangch%E1%BB%A7/Ph%C3%BAY%C3%AAn%C4%90%E1%BA%A5tNg%C6%B0%E1%BB%9Di/tabid/94/GId/94/itemIndex/-1/NId/27831/Default.aspx
21. Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hoá Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản, Sài Gòn, tập Thượng tr.35
22. Trịnh Hoài Đức (1972), sđd, tập Hạ, tr.40-41
Tạp chí Xưa và Nay số 566 (tháng 8/2024)
DỊCH TRẠM PHÚ VINH,
CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO
Trong số 7 dịch trạm được thiết lập trên đường thiên lý đi qua tỉnh Phú Yên dưới thời phong kiến, thì dịch trạm Phú Vinh là công trình có kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn. Đây là dịch trạm duy nhất còn tồn tại cổng thành, bờ tường bao quanh, bãi cỏ dành cho ngựa trạm, khuôn viên nhà trạm, giếng nước và các bậc tam cấp đi lên nhà trạm... tạo thành hệ thống kiến trúc độc đáo của một dịch trạm đảm nhận chức năng vận chuyển thư từ, công văn hoặc đón tiếp và phục vụ các đoàn sứ bộ, các quan lại của triều Nguyễn đi kinh lý.
Dưới triều Nguyễn, hệ thống dịch trạm dọc theo đường thiên lý trải dài từ kinh đô Huế đến các địa phương trong cả nước có 148 dịch trạm. Trong đó, 107 dịch trạm đã có từ triều vua Gia Long, 38 dịch trạm dựng đặt thêm dưới thời vua Minh Mạng, 1 dịch trạm đặt thêm dưới triều vua Thiệu Trị và 2 dịch trạm đặt thêm dưới thời vua Tự Đức. Việc đặt tên các dịch trạm cũng được triều Nguyễn qui định thống nhất trong cả nước là lấy từ đầu hoặc cuối của tỉnh gắn với tên địa phương. Vì vậy, hệ thống dịch trạm đi qua tỉnh Phú Yên dưới triều Nguyễn gồm 7 dịch trạm đều gắn với chữ Phú, mỗi trạm cách nhau khoảng 20 dặm đến 36 dặm. Theo chiều dài từ bắc vào nam, lần lượt các dịch trạm ở Phú Yên là:
Trạm Bình Phú: được lập từ thời Gia Long, nằm trên đèo Cù Mông, giáp ranh tỉnh Bình Định, cách trạm Bình Điền của Bình Định 30 dặm (tương đương 15 km).
Trạm Phú Khê: đặt ở thôn Bình Thạnh (xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu ngày nay). Trên đường thiên lý, trạm Phú Khê nằm giữa núi Yên Beo và núi Ông Ba Kinh, cách trạm Bình Phú 24 dặm (khoảng 12 km).
Trạm Phú Đường: đặt tại thôn Khoan Hậu, huyện lỵ Đồng Xuân cũ từ thời Gia Long. Năm 1822, vua Minh Mạng đổi tên là trạm Phú Thường, cách trạm Phú Khê 28 dặm (khoảng 14 km).
Trạm Phú Tân: đặt tại thôn Phú Tân (nay thuộc xã An Cư, huyện Tuy An), cách trạm Phú Đường 27 dặm.
Trạm Phú Vinh: đặt tại thôn Phú Vinh (nay là thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, TP. Tuy Hòa), cách trạm Phú Tân 31 dặm (khoảng 16 km).
Trạm Phú Thịnh: đặt ở thôn Trường Thịnh (nay thuộc phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa). Thời Gia Long gọi là trạm Phú Đê, đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824) đổi là Phú Thịnh, cách trạm Phú Vinh 23 dặm (khoảng 12 km).
Trạm Phú Hòa: đặt trên dãy núi Đại Lãnh trên đèo Cả từ thời Gia Long, cách trạm Phú Thịnh 23 dặm.
Theo qui định của triều Nguyễn, tất cả các dịch trạm ở Phú Yên cũng như hệ thống dịch trạm trên cả nước do ty Bưu Chính của bộ Binh quản lý. Nhà Nguyễn cũng qui định chặt chẽ chế độ chức dịch nhà trạm, đặt trạm, đường chạy trạm, điểm trạm, trưởng trạm, phu trạm, ngựa trạm. Các dịch trạm ở Phú Yên được cấp từ 30 đến 100 người tùy theo mức độ đường sá hiểm trở. Mỗi trạm được cấp 4 con ngựa để phục vụ việc vận chuyển công văn. Mỗi trạm được cấp một bài trạm, một mặt bài khắc danh hiệu của trạm ấy, dưới khắc giờ, ngày, tháng để tiện việc tiếp nhận ống trạm mà chuyển đi. Ban đầu thẻ bài trạm được khắc bằng gỗ nhưng từ năm 1820 trở đi, thẻ bài trạm được khắc bằng ngà voi hoặc sừng trâu.
Dịch trạm Phú Vinh và các dịch trạm ở Phú Yên được triều Nguyễn qui định xây dựng ngay bên đường cái quan để thuận tiện cho việc chuyển đổi công văn. Năm 1830, vua Minh Mạng chuẩn định lại quy thức việc xây dựng dịch trạm, theo đó trạm Phú Vinh được xây dựng gồm: nhà trạm kết cấu 2 gian 3 chái, mái lợp tranh; lòng ngang 5 thước, dọc 6 thước 5 tấc, đằng trước đằng sau, bên tả bên hữu sàn gác thứ 2 đều 4 thước 9 tấc, sàn gác thứ 3 đều 3 thước 2 tấc, cột cái 13 thước, dài 3 trượng 5 thước 2 tấc, rộng 2 trượng 1 thước 2 tấc. Trước trạm có treo biển ghi tên Trạm Phú Vinh, chữ được sơn son thếp vàng. Giữa sân trạm có cột cờ treo cờ cả ngày lẫn đêm để phu trạm có thể nhận ra từ xa. Xung quanh trạm được bao bằng tường rào, bốn góc có bốn chòi gác để sớm phát hiện các phu trạm đang tới nhằm nhanh chóng chuẩn bị tin tức, công văn. Trạm Phú Vinh nằm ở khu vực gần núi, nên được xây dựng cổng và tường bao quanh khá kiên cố.
Trong chuyến khảo sát vào tháng 4-2022, chúng tôi phát hiện cổng dịch trạm Phú Vinh còn tương đối nguyên vẹn, được xây dựng bằng chất liệu đá, gạch thẻ và hợp chất như các công trình xây dựng của triều Nguyễn. Hiện tại, cổng dịch trạm Phú Vinh cao 3m, rộng 2,5m, độ dày 1m5. Bên cạnh cổng chính, 2 bên có các cửa giả. Từ cổng chính, bờ tường kéo dài 2 bên còn khá nguyên vẹn dường như bao bọc mặt phía đông của dịch trạm. Phía trong cổng còn các bậc tam cấp dẫn lên nhà trạm. Trong khuôn viên trạm dịch Phú Vinh còn lưu lại dấu tích chuồng ngựa, nhà bếp, khu vực ở của phu trạm. Đặc biệt, nước dùng cho sinh hoạt được tận dụng từ các dòng suối chảy tự nhiên đưa xuống nhà trạm cung cấp quanh năm không cạn.
Qui mô của dịch trạm Phú Vinh được xây dựng vào loại dịch trạm lớn, quy củ. Triều Nguyễn cấp đủ 100 dân phu để phục vụ, có đến 4 ngựa trạm thay nhau vận chuyển công văn, thư từ đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và kịp thời trong hai chiều. Về tổ chức, đứng đầu dịch trạm là Cai đội, giúp việc có một Phó đội và các phu dịch lo việc qua lại giữa các trạm. Về sau, Cai đội đổi thành Dịch thừa còn Phó đội đổi thành Dịch mục. Cờ hiệu, nghi trượng của trạm theo qui định: 2 lá cờ đuôi nheo thêu tên “Trạm Phú Vinh” và “Mã thượng phi đệ”, 1 lá cờ hiệu, 3 cái lệnh đồng, 3 thanh đoản kiếm, 10 ngọn giáo dài và 5 chiếc dao nhọn.
Về cơ chế hoạt động của dịch trạm Phú Vinh chịu trách nhiệm vận chuyển công văn, giấy tờ và tin tức từ triều đình, những nhu cầu vận chuyển riêng tư như thư từ, bưu phẩm, bưu kiện của dân và kể cả quan lại đều không được phép. Riêng quan lại đi công vụ thì được phép nhờ phu trạm vận chuyển hành lý. Dịch trạm luôn chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu để nghênh tiếp và đưa tiễn các quan làm nhiệm vụ. Vận chuyển công văn, giấy tờ tại trạm Phú Vinh được gọi là chuyển đệ, mức độ chuyển đệ được quy định rõ từ tối khẩn tới bình thường để nhà trạm theo đó bố trí phương tiện và thời gian thực hiện. Nếu phu trạm chậm trễ trong việc chuyển tin tức sẽ bị phạt, nhẹ nhất cũng bị cai đội nọc ra đánh bằng gậy. Trường hợp chạy tin khẩn phu trạm được phát thêm nhạc đồng, chuông đồng hoặc kèn đồng để người dân biết đường tránh dẹp. Thuyền đò ngay cả khi đã qua sông nghe tiếng nhạc rung cũng phải quay lại đón. Ngoài ra phu trạm còn được phát thêm cờ hiệu, màu sắc quy định tính chất khẩn cấp của tin tức, ví dụ cờ nền đỏ thêu chữ đen "Mã thượng phi đệ" là tin tối khẩn cấp, cờ màu lam thêu chữ đỏ mức khẩn cấp chỉ vừa vừa. Trong trường hợp chuyển tin quân sự quan trọng, phu trạm phải cắm thêm lên trên cờ Vũ hịch được làm từ lông cánh gà (chọn từ những chiếc lông dài và đẹp nhất của gà trống, khâu lại thành một mảng quấn khắp ngọn cờ). Tại các bốt gác tại dịch trạm, mỗi khi thấy có Vũ hịch đang phi thì phải lập tức chuẩn bị ngựa trạm và cắm sẵn Vũ hịch lên chóp cờ, chờ tin đến là lập tức đi ngay.
Để đảm bảo tốc độ truyền tin, triều đình cho phép ngựa trạm phi nhanh hết tốc độ, không cần tránh người đi đường, nếu người nào không tránh kịp bị ngựa xéo chết thì phu trạm cũng không bị truy cứu. Triều Nguyễn qui định những nhân viên phái đi việc công bằng phương tiện ngựa trạm từ kinh thành Huế đến Phú Yên, chế độ tối khẩn thì 3 ngày 11 giờ, khẩn vừa thì 4 ngày 5 giờ, đi thường thì 5 ngày 3 giờ.
Lính trạm, phu trạm được tuyển ngay tại địa phương xung quanh nơi đặt trạm. Họ làm việc theo nghĩa vụ, không được cấp gạo, lương và quần áo riêng. Nguồn sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp hoặc thủ công nghiệp của gia đình, ngoài thời gian chạy trạm. Thường ngày, tại trạm chỉ có một số lính trạm thường trực để lo việc hỏa tốc, những người khác trực ở nhà sản xuất. Khi có hiệu lệnh mà lính trạm đến chậm, tùy theo thời gian chậm trễ mà bị phạt nặng hay nhẹ.
Dịch trạm Phú Vinh cho đến nay không còn đảm nhận vai trò bưu chính vận chuyển công văn, thư từ nhưng hệ thống kiến trúc còn lại để chúng ta khẳng định một thời kỳ trước đây dịch trạm này đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển ngành bưu chính Phú Yên dưới triều Nguyễn. Các ngành chức năng cần có qui hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy giá trị di tích công trình kiến trúc duy nhất còn lại trong hệ thống các dịch trạm dưới triều Nguyễn trên địa bàn tỉnh Phú Yên phục vụ phát triển du lịch.
————————
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 15, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1992.
2. Lê Quang Định, Hoàng Việt thống nhất dư địa chí, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006.
4. Lịch sử Việt Nam (tập V), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013
5. Lịch sử Bưu điện tỉnh Phú Yên, Nxb. Bưu điện, 2005.
“CẦU LỜI NÓI THẲNG” TRONG LỊCH SỬ
•Châu Quân
Khi bàn về “Chiếu cầu lời nói thẳng” dưới triều đại nhà Tây Sơn, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn có bài viết “Bàn về Chiếu cầu lời nói thẳng của triều đại Tây Sơn” đăng trên trang báo điện tử Bình Định ngày 16/10/2005, trong bài viết có đoạn: “Trong lịch sử loài người, bất kỳ một vị hoàng đế nào sau khi lên ngôi cũng đều có chiếu chỉ an dân như chiếu cầu hiền, chiếu khuyến học, chiếu khuyến nông… đó là việc thường tình, dễ hiểu, dễ thấy, nhưng nhà vua phải ra một chiếu chỉ như “Chiếu cầu lời nói thẳng” thì quả là hiếm thấy, hình như chỉ thấy xuất hiện ở thời đại triều Tây Sơn mà thôi.
Chớ nên ngây ngô nghĩ rằng: Các vị hoàng đế của các triều đại khác trong xã hội của họ đều là những người nói thẳng nên không cần có chiếu cầu lời nói thẳng. Chỉ có thể giải thích: hoặc là họ sợ những lời nói thẳng, hoặc là họ chẳng cần thiết lời nói cong hay là lời nói thẳng miễn là nói thế nào cho họ vừa lòng”.
Thật ra vấn đề không chỉ là như vậy! Sách Đại Việt sử ký toàn thư tập 1 (Nxb KHXH, 1983, tr.292) chép: “Mùa hạ, tháng 4 năm Bính Thìn (1076), vua Lý Nhân Tông xuống chiếu “Cầu lời nói thẳng”. Đáng tiếc là sử cũ không ghi rõ nội dung cụ thể của tờ chiếu này và văn bản này hiện nay không còn nên chúng ta không được biết tỉ mỉ thái độ cầu thị của “vị vua giỏi của triều Lý” như các sử thần đã nêu trong bộ sử trên. Như vậy cách đây 944 năm, “chiếu cầu lời nói thẳng” đã được vua nhà Lý ban bố.
Dưới thời nhà Lê, vào ngày 26 tháng 2 năm Kỷ Dậu (1429), vua Lê Thái Tổ ra lệnh cho các ngôn quan (quan giữ trách nhiệm khuyên răn vua và đàn hặc các quan): “Nếu thấy trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, ngược hại lương dân, thưởng công phạt tội không đúng, không theo đúng phép xưa, hay các đại thần, quan lại, tướng hiệu, quan chức trong ngoài không giữ phép, nhận hối lộ, nhiễu hại lương dân… thì lập tức dâng sớ đàn hặc ngay”. (ĐVSKTT, tập II, Nxb KHXH, 1985, tr.300).
Về hình thức, đây chỉ là lệnh của vua, chưa phải là chiếu, nhưng cũng có giá trị như chiếu và nội dung của lệnh này đã bao hàm tinh thần “cầu lời nói thẳng”. Hơn nữa việc dùng ngôn quan cũng đã có nghĩa vua có ý cầu lời nói thẳng.
Ngày 27 tháng 5 năm Mậu Ngọ (1438), vua Lê Thái Tông (1434-1442) vì thấy có nhiều tai dị bèn xuống chiếu cho thần dân cả nước. Trong tờ chiếu, vua cho rằng “những tai dị đó phải chăng có nguyên nhân ở việc vua không lo sửa đức để mọi việc bê trễ, do quan tể phụ bất tài xếp đặt không điều hòa; do nạn hối lộ công khai mà hình ngục có nhiều oan trái; do làm nhiều công trình thổ mộc để sức dân mệt mỏi; do thuế khóa nặng nề mà dân túng thiếu. Vậy tất cả các đại thần, các quan viên văn võ các ngươi nên chỉ ra những lỗi lầm kể trên, cứ thẳng thắn nói hết, đừng kiêng nể gì. Nếu có điều gì tiếp thu được, nhất định sẽ khen thưởng cất nhắc. Dẫu có ngu đần vu khoát, cũng không bắt tội. Ngõ hầu có thể xoay chuyển được lòng trời, chấm dứt được tai biến, để nước nhà mãi mãi hưởng phúc lớn vô cùng vậy”. (ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.351-352).
Năm 1443, vua Lê Nhân Tông (1443-1459) lên ngôi, nhà vua tuổi còn nhỏ, Thần phi Nguyễn Thị Anh được tôn làm Hoàng thái hậu, buông rèm chính sự. Thái hậu đã thay mặt vua xuống Chiếu cầu lời nói thẳng từ đại thần và nhân dân để giúp vua giữ yên đất nước: “Mới rồi trời hiện điềm tai biến như sao sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, có điều không lợi cho dân không? Hay là phụ quốc đại thần điều hòa trái lẽ nên khí âm dương không hài hòa mà đến thế chăng? Hay là việc ngục tụng không công bằng, hối lộ công khai, xử án còn nhiều oan uổng mà đến nỗi thế chăng? Hay là chức thú lệnh chưa được người giỏi, làm bừa trái phép, nhiễu hại dân chúng mà đến nỗi thế chăng? Hay là bọn cung nữ oán hờn chưa thả chúng ra nên hại tới hòa khí mà đến nỗi thế chăng? Có phải là bọn gièm pha âm mưu xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất chưa được rửa oan mà đến nỗi thế chăng? Hay là vì bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện chăng? Kẻ tiểu nhân được tiến dùng, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng. Bọn phi tần lộng hành mà cửa sau bỏ ngỏ chăng. Lệnh cho khắp quan lại, quân dân, đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng trời, dập hết tai biến, hãy thẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn giấu, để giúp trẫm sửa những điều thiếu sót”. (ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.358).
Mùa hạ, tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1462), nhân có tai biến về mưa đá và sấm chớp, vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) cũng xuống Chiếu cầu lời nói thẳng. Rất tiếc sử cũ không cho biết nội dung cụ thể của tờ chiếu này, song lại cho biết một chi tiết lý thú: ngay sau khi vua ban chiếu, một vị quan Đô úy là Hoàng Thanh đã dâng tờ sớ trình bày ý nguyện:
– Thuận âm dương để đón khí hòa.
– Gần kinh diên để tôn kính học.
– Chọn con nối để giữ vững gốc nước.
– Tiết kiệm của dùng để chi cho kinh phí.
– Thận trọng chức thú lệnh để chăn dân.
– Thường xuyên huấn luyện để nghiêm võ bị.
– Đặt đồn điền để chứa lương cho biên giới.
Cả bảy điều trên, vua đều tiếp nhận cả (ĐVSKTT, tập II, tr.400).
Thời Lê – Trịnh, vào tháng 5 năm Canh Tý (1720), vì đại hạn, chúa Trịnh Cương trưng Cầu lời nói thẳng, “cho phép văn võ bách quan được dâng thư niêm phong điều trần về chính sự, cứ nói rõ ràng hết lời về việc được,việc hỏng, việc hay, việc dở, không được giấu diếm kiêng kỵ”. (Lịch triều tạp kỷ, tập II, Nxb KHXH, 1975, tr.13).
Thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), mặc dù chính sử không ghi cụ thể, nhưng trong sách Đại Nam thực lục đã ghi chép về chúa như sau: “Chúa mới giữ chính quyền, chiêu hiền đãi sĩ, cầu nói lời hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế mà giao dịch, bớt việc hình ngục, trăm họ không ai không vui mừng”. (ĐNTL, tập 1, Nxb Giáo dục, 2007, tr.106).
Không chỉ lắng nghe lời hay lời thẳng của quan dân mà đối với người nước ngoài có tấm lòng với đất nước ông cũng rất để tâm lắng nghe, cụ thể là những lời đề nghị của nhà sư Thích Đại Sán được ông mời từ Trung Hoa sang. Theo đề nghị của chúa, sư đã có những kiến nghị nhằm chấn chỉnh triều chính, điều đó đã làm thay đổi rõ rệt trong chính sách trị nước của triều đình: “Nước ta phép tắc dân tình vốn bị khiếm khuyết, nay được lão hòa thượng vì chúng ta mà lấy lễ pháp của Trung Hoa chỉ dạy cho 18 điều, nay đem khắc trước phủ để văn võ bá quan và người dân biết, ngoài ra làm 24 thẻ bài phân loại ghi rõ, nếu như kẻ nào vi phạm người bị hại có thể kiện, bất luận là hoàng thân quốc thích văn võ bá quan hay thứ dân, đều căn cứ theo pháp luật mà trị tội”. (Hải ngoại kỷ sự, Nxb Đại Học Huế, 1963, tr.54).
Dưới thời nhà Nguyễn, ngay lúc mới lên ngôi, vua Minh Mạng (1820-1840) đã có chiếu viết: “Ta nghe nói đường lối mở thì nước trị, lấp lại thì nước loạn… Ta tự thẹn vì mình nhỏ mọn, kính nối nghiệp lớn, những chăm chăm sợ rằng nhận lấy sự phó thác quá nặng, nên thường cùng các quan huân cựu đại thần sáng sớm đã mặc áo, trưa muộn mới ăn cơm, sửa sang việc chính trị, nay gặp lúc khí trời trái tiết, dân sự ít vui, chẳng phải tại vì trong chính sự có khuyết điểm hay sao? Có những ân tình của dân chưa biết đến chăng? Người ta muốn thấy hình dáng, tất phải nhờ có gương sáng, vua muốn nghe theo lỗi mình, hẳn phải đợi người bầy tôi nói thẳng.
Vậy chuẩn cho các quan văn võ ở kinh từ tứ phẩm trở lên, ở ngoài các quan thành, doanh, trấn đều nghĩ cố gắng cùng đua nhau thưa lên xem có phải là lỗi ở tại ta… Các ngươi đều nên chỉ bảo thẳng chỗ ta sai trái, không phải kiêng nể, cùng là chính sự thiếu sót, dân tình đau khổ đều cho phong tâu một thể. Ta sẽ thân tự xem chọn sửa cho kỳ được…”. (Trích lại từ tạp chí Xưa & Nay số 47, tr.41).
Qua một vài dẫn chứng nói trên, có thể nói rằng “Chiếu cầu lời nói thẳng” đầu tiên ở nước ta được ban bố trước triều đại Tây Sơn tới gần 720 năm, và được các triều đại thực hiện liên tục. Việc ban chiếu (hay ra chỉ dụ) là việc làm tương đối thường xuyên ở nhiều triều đại. Có thể xem đây là một việc làm truyền thống của bất cứ triều đại cầm quyền nào quan tâm tới lợi ích của đất nước và của dân tộc.
——————-
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đại Việt sử ký toàn thư tập l, Nxb KHXH, 1983.
- Đại Việt sử ký toàn thư tập II, Nxb KHXH, 1983
- Lịch triều tạp kỷ tập II, Nxb KHXH, 1975.
- Đại Nam thực lục tiền biên tập 1, Nxb Giáo Dục, 2007.
- Hải ngoại kỷ sự, Nxb Đại Học Huế, 1963.
- Tạp chí Xưa & Nay, Hội KHLSVN, số 47.
Click here to claim your Sponsored Listing.
Videos (show all)
Location
Category
Contact the school
Telephone
Website
Address
181 Đề Thám, Phường Phạm Ngũ Lão, Q1, Tp. HỒ CHÍ MINH
Ho Chi Minh City
TTC Building, 1 Tân Thuận, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7
Ho Chi Minh City, 700000
Fanpage chính thức của EVOL Edu - Tổ chức giáo dục về tư duy, kỹ năng và tài chính
280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5
Ho Chi Minh City, 70000
Upload, download các bài giảng, giáo án, trắc nghiệm, đề thi, đề thi đại học và thi học sinh giỏi, cù
42 Mạc Đĩnh Chi
Ho Chi Minh City, 700000
Tôi Tài Giỏi! Bạn Cũng Thế! là một hành trình đột phá trong học tập và cuộc sống, dành cho học sinh t
Ho Chi Minh City, 08
Trang này dành cho các bạn nói thoải mái những gì mình nghĩ mà không dám nói; có nói cũng không ai lắng nghe. Hãy đọc và cảm nhận niềm vui
32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường 01, Quận Gò Vấp, Thành Phố Hồ Chí Minh
Ho Chi Minh City, 700000
BLUE GALAXY GROUP là tổ chức giáo dục được thành lập từ năm 2009 chuyên cung cấp các chương trình học
Tòa Nhà Sài Gòn Pavillon 53-55 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Q. 3, Tp. HCM
Ho Chi Minh City, 700000
Thành lập năm 1965, EF là tổ chức Giáo Dục lớn nhất thế giới với các chương trình Du Học Quốc Tế
Room 112, 1st Fl. , HCMC Open University, 97 Võ Văn Tần Street, Ward 6, District 3, HCMC
Ho Chi Minh City, 600
Solvay Brussels School, also known as Solvay Business School and Vietnam-Belgium Master programs, is an ULB's faculty providing top European Master's programs.
Ho Chi Minh City, 848
Cồng thông tin du học toàn diện cho các bạn muốn đi du học. Liên hệ: [email protected]
180 Nguyễn Công Trứ
Ho Chi Minh City
A legal English course for those who want to work in a professional legal working environment and pursue a career in law seriously!!!
216/105 Hòa Hưng, P. 13, Q. 10
Ho Chi Minh City, 700000
Kỹ năng thực. Kết quả thực. Bất cứ khóa học nào!