06/10/2021
“VŨ KHÍ BÍ MẬT” ĐẰNG SAU CHƯƠNG TRÌNH HOMESCHOOLING
(Xin đóng góp bài tiếp theo cho các cha mẹ homeschooling)
Nelson Mendela có câu nói nổi tiếng: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới”. Dựa vào ý này, tôi muốn khẳng định “Chương trình homeschooling có thể là một công cụ để PH Việt Nam đi tắt đón đầu trong giáo dục”.
Nếu bạn đã hài lòng với chương trình MOET, và với việc dạy tiếng Anh trong trường công, thì không có gì để nói. Nhưng nếu bạn mong ước con được khám phá những chương trình phổ thông khác hiện đại hơn, cũng như sử dụng tiếng Anh tốt hơn, thì học bổ sung chương trình homeschooling của nước ngoài có thể là một lựa chọn có hiệu quả (ROI) cao. Xin chia sẻ quan điểm của tôi để bạn hiểu hơn về lợi ích của các chương trình phổ thông online từ nước ngoài.
1. Tính khai phóng: Mỹ là nơi cung cấp các chương trình phổ thông online nhiều nhất và tốt nhất thế giới. Việt Nam không có trường phổ thông dạy online, ở Anh, Úc, Canada có lác đác vài trường, không nhiều lắm. Mỹ là thiên đường của các trường phổ thông online, dành cho học sinh học từ xa hoặc dành cho các học sinh chọn học homeschooling. Các trường đều xây dựng chương trình trên triết lý giáo dục phương Tây, nhấn mạnh tư duy độc lập và tư duy phản biện của người học. Giáo dục của nhiều nước mạnh ở châu Á cũng kém hơn Mỹ về tính khai phóng. Có thể bạn ngạc nhiên, nhưng những nền giáo dục châu Á như Singpaore, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Hong Kong, Đài Loan… dù có thành tích vang dội trong các kỳ khảo sát quốc tế (như PISA), nhưng vẫn bị kéo lùi lại bởi những phương pháp học vẹt, nhồi nhét, học trò thụ động khi đặt câu hỏi… và đây là điểm khác rất lớn giữa giáo dục châu Á với giáo dục phương Tây. Giáo dục Mỹ mở mang và gợi mở cho người học dựa trên các thành quả nghiên cứu từ các trường đại học hàng đầu, và tôn trọng tư duy độc lập của người học. Cho nên, học bổ sung chương trình của phương Tây, như chương trình Mỹ mang đến cho con cái chúng ta thêm những thứ thậm chí còn tốt hơn những gì mà học sinh các nước trọng điểm châu Á đang học: là tính khai phóng.
2. Tiếng Anh phổ thông: Việc chỉ học tiếng Anh, thậm chí tiếng Anh học thuật kiểu IELTS không có lợi thế bền vững bằng việc học các môn khoa học bằng tiếng Anh. Một người Việt IELTS 8.0 không có những lợi thế như người Singapore cũng IELTS 8.0 nếu người Việt chỉ học môn tiếng Anh để lấy điểm IELTS, trong khi người Singapore học hầu như toàn bộ chương trình phổ thông bằng tiếng Anh. Chúng ta không nên nghĩ rằng cùng mức điểm IELTS là khả năng sử dụng tiếng Anh là bằng nhau. Học chương trình phổ thông bằng tiếng Anh có lợi ích thiết thực cho tiếng Anh giao tiếp và tiếng Anh công việc sau này. Chương trình phổ thông bao gồm rất nhiều những khái niệm, tình huống “phổ thông” mà sau này trong cuộc sống sẽ cần dùng tới. Nếu chỉ học môn tiếng Anh để “hớt váng” được mặt ngôn ngữ bề nổi, sẽ không có được khả năng diễn đạt các tình huống, khái niệm, chi tiết bằng tiếng Anh như học chương trình phổ thông bằng tiếng Anh. Nhiều người học tiếng Anh trình độ cao nhưng không thể diễn đạt được các khái niệm như “quang hợp”, “địa tầng”, “lên men”, “hình thoi”, “đối xứng”… đơn giản vì đã bỏ qua không học chương trình phổ thông bằng tiếng Anh. Mà tiếng Anh giao tiếp thường xoay quanh những vấn đề rất “phổ thông”, cho nên nắm được bí mật của tiếng Anh trong chương trình các môn học phổ thông cũng là nắm được bí mật để giao tiếp bằng tiếng Anh với một đẳng cấp cao hơn việc chỉ đuổi theo IELTS 8 chấm.
3. Chi phí tiết kiệm: Bạn đầu tư bao nhiêu % thu nhập gia đình cho việc giáo dục con cái? Chính phủ các nước đầu tư ngân sách quốc gia ở mức độ khác nhau cho giáo dục: Việt Nam khoảng 6%, Nhật Bản và Hàn Quốc 4-5%, trung bình các nước OECD khoảng 5%, riêng Singapore tới 20%. Nếu thu nhập của gia đình là 100 triệu/tháng, việc dành 50 triệu (50%) cho chi trả học phí trường quốc tế có thể là gánh nặng tài chính. Trong trường hợp như vậy, giải pháp học MOET cộng thêm homeschooling chương trình nước ngoài (vài chục tới vài trăm USD/tháng) có thể là một giải pháp học tập smart, giúp việc quản lý tài chính gia đình cân bằng hơn, cũng như việc học có hiệu suất đầu tư (ROI) cao hơn rất nhiều so với thông thường.
4. Giải pháp linh hoạt: Vì là chương trình cộng thêm, cho nên sự ràng buộc cũng ít. Bạn có thể dừng chương trình bất cứ lúc nào, hoặc đổi sang chương trình khác theo nhu cầu và sở thích. Có hàng chục, thậm chí hàng trăm trường online ở Mỹ để bạn lựa chọn. Dù có khác nhau chút ít về nội dung, phương pháp và mục tiêu, nhưng các chương trình đều xoay quanh chương trình Common Core của Mỹ, và tương đương nhau. Các chương trình cũng được thiết kế với nhiều lựa chọn phù hợp với nhiều nhóm học sinh với hoàn cảnh và quỹ thời gian khác nhau, nên bạn có thể chọn nhiều hoặc ít dịch vụ hỗ trợ tùy nhu cầu.
5. Tự thiết kế trường quốc tế của riêng mình: Bằng việc sử dụng chương trình của các trường homeschooling của Mỹ như một cái khung cơ bản, bạn có thể tự thiết kế nên trường quốc tế riêng cho con mình. Chúng có thể là công thức: chương trình MOET cộng thêm chương trình Homeschooling, hoặc homeschooling hoàn toàn, homeschooling tất cả các môn, hoặc chỉ 1 hoặc 1 số trong số các môn Ngôn ngữ Anh, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội (Xin lưu ý là chương trình phổ thông Mỹ tích hợp các môn thành Khoa học tự nhiên – Science và Khoa học xã hội – Social Studies nên số lượng môn học rất gọn).
6. Học online là “vua”: Xu hướng học tập trong vài chục năm tới sẽ là học online (có thể kết hợp thêm offline). Học online có nhiều tiện lợi cho phép người học tham gia học mọi lúc, mọi nơi, học trọn đời, và tiết kiệm chi phí hơn hẳn so với học truyền thống (do hàng triệu người có thể cùng khai thác mà tài nguyên học tập không bị hao mòn, vơi cạn). Trừ những ngành học đặc thù, học đại học online các ngành kinh tế, kinh doanh, quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, tâm lý học, giáo dục… qua hình thức online chẳng có gì bất lợi hơn so với việc phải sang tận trường nước ngoài để học. Nhiều trường đại học lớn có những khóa học trước đây chưa bao giờ dạy online giờ đã dạy online cho sinh viên toàn cầu như British Columbia (Canada), Melbourne (Úc)… Giáo dục online sẽ là tương lai của giáo dục thế giới, cho nên học online từ bậc phổ thông sẽ tạo ra những kỹ năng về việc học chủ động, học sử dụng công nghệ, học suốt đời… rất tốt cho học sinh sau này. Nhiều người phản đối học online, nhưng điều này là vô ích. Nó là xu thế không thể đảo ngược trong và sau dịch COVID-19 này, và chúng ta phải học cách thích nghi với nó bằng cách hạn chế những nhược điểm đang có để tập trung vào lợi ích của giáo dục từ xa mang lại.
Tóm lại, homeschooling sử dụng nền tảng của chương trình của phương Tây còn rất mới với đại đa số người dân Việt Nam. Sự hồ nghi, kháng cự luôn luôn có. Chỉ cần cha mẹ nhìn thấy được cơ hội nó mang lại, thì có thể tận dụng nó để đi nhanh hơn, thậm chí giúp con vượt lên các nền giáo dục châu Á khác còn đầy chất truyền thống như Singapore, Hàn, Nhật, Trung Quốc… Không giống như trường quốc tế, chỉ phục vụ cho một nhóm thiểu số học sinh vì chi phí đắt đỏ, học từ xa chương trình phổ thông của Anh/Mỹ có chi phí phù hợp với số lượng rất lớn học sinh Việt Nam, do vậy tôi mong nhiều em học sinh được tiếp cập với nó để Việt Nam tiến nhanh hơn.
(ST)