25/09/2022
𝐓𝐑Á𝐈 𝐓𝐈𝐌 𝐍Ồ𝐍𝐆 𝐇Ậ𝐔 𝐂Ủ𝐀 𝐓𝐑Ẻ 𝐍𝐇Ỏ.
-----
Lúc này là thời điểm giao mùa, cái thất thường của thời tiết làm nhiều bạn nhỏ khó chịu, uể oải. Mệt mỏi là thế, nhưng các con vẫn trao cho nhau vô vàn cử chỉ quan tâm đầy chân thành.
Cậu bé K vừa mới trải qua một đợt bệnh, sáng bước vào sân trường, vẫn còn đứng nấn ná bên mẹ. Bỗng nhiên, cậu bé nở nụ cười, bước đi khỏe khoắn hẳn lên khi nghe tiếng gọi của một anh học cùng lớp: “Em K đến rồi, K ơi, vào đây!”. Quên cả ôm tạm biệt mẹ như mọi ngày, cậu bé ôm balo đi nhanh về phía cửa lớp, nơi đó có anh B.L đang đứng chờ sẵn.
Em P.Y hôm nay còn mệt vì đêm qua nghẹt mũi khó ngủ, muốn ôm mẹ thật lâu thật lâu trước khi vào trường, có hai anh lớp lớn luôn đứng trước cửa hô to mỗi sáng: “Cô ơi, em P.Y đến rồi! Em P.Y đến rồi!”, khiến màn chia tay của hai mẹ con được rút ngắn lại, em P.Y hớn hở vào trong lớp với hai anh.
Giờ ra sân chơi, cô bé 2 tuổi tên M đứng dựa vào bức tường trước sân, dáng vẻ chưa muốn ra sân chơi. Bé Ngh học cùng lớp, nhanh chóng với tay lên kệ lấy đôi dép của bạn rồi chạy lại để ngay ngắn đôi dép dưới chân bé M, M mỉm cười, xỏ dép nắm tay Ngh bước ra sân cát.
Đang chăm chú chơi trong lớp, nghe tiếng B.N ho, bạn An ngồi gần đưa bàn tay bé nhỏ của mình lên vỗ vỗ, xoa xoa vào lưng cho B.N, đôi mắt trong trẻo của An nhìn B.N đầy vẻ thấu cảm.
M.H bị bệnh phải nghỉ học hai ngày, ngày nào các bạn cùng lớp cũng hỏi cô: “Cô ơi, sao M.H nghỉ hoc? Cô ơi, khi nào M.H đi học?”. Sáng đó, M.H vừa xuất hiện trước cổng cùng với mẹ, Tyfa - bạn thân của M.H- reo lên sung sướng: “M.H đi học rồi! M.H đi học rồi!”. Câu bé M.H nở nụ cười ngượng ngịu đầy hạnh phúc, khoe những chiếc răng sún của mình.
Rõ ràng, bằng tình yêu trong trẻo và trái tim nồng hậu, trẻ đã tiếp thêm hơi ấm cho sức khỏe thể chất và tinh thần của nhau.
Heo may tháng 9-2022.
(★) Hình ảnh: Hoạt động của trẻ tại Đồng Dao.
17/09/2022
𝐌Ộ𝐓 𝐇Ạ𝐓 𝐌Ầ𝐌 𝐗𝐔Ố𝐍𝐆 𝐓𝐑Á𝐈 ĐẤ𝐓.
Tác giả: Sue Barker.
Trích từ: Star Weavings mùa Thu-Đông năm 2010.
-----
Ngày xửa ngày xưa, có một hạt mầm rơi xuống Trái đất này. Giống như một con rồng bay, hạt mầm nhỏ có những chiếc cánh. Hạt mầm lăn lăn, quay quay, rơi rơi…. rồi dừng lại ở một nơi tuyệt vời, nơi đất sẫm màu và ẩm ướt, ở ngay cạnh một con suối nhỏ. Dừng lại ở đây, hạt mầm chờ đợi những giọt mưa xuân, chờ đợi ánh trăng sáng và chờ đợi những tia nắng mặt trời ấm áp.
Ở ngay bên trong hạt mầm đã có một cái cây đứng sẵn, nó có đủ thân, cành và những chiếc lá. Tất cả đều được gói gém trong một cái hạt nhỏ xíu, chờ đợi ngày được lớn lên thành chính mình. Những chiếc cánh đã từng đưa hạt mầm bay lượn trong gió, nay đã rụng xuống, và một chú kiến đang vừa tò mò khám phá những chiếc cánh này, vừa nghĩ tới món côn trùng ngon miệng cho bữa trà của mình. Hạt mầm vẫn chờ, vẫn đợi những giọt mưa rơi xuống, làm mềm làn da của mình, để cái cây được chào đời.
Chẳng bao lâu, những cơn mưa tắm mát cho hạt mầm, và mặt trời sưởi ấm cho nó. Chỉ trong vài ngày, hai cái chồi màu trắng nhú ra khỏi vỏ hạt. Chúng nhô ra, vươn thẳng lên phía thiên đường, cắm sâu xuống lòng đất tối. Tới đêm trăng tròn, chồi nhú lên khỏi mặt đất và nhìn trăng mỉm cười… trăng cũng cười đón chào chồi non.
Cái cây nhỏ lớn lên theo ngày tháng, từ mùa xuân, qua mùa hạ, tới mùa thu và rồi mùa đông. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Thi thoảng, một cành cây rơi xuống, và những con côn trùng ăn vỏ gỗ. Nhưng mỗi khi thu đến, cây lại khoác trên mình chiếc áo vàng cam rực rỡ, như thế một ngọn lửa đang cháy, báo hiệu giao mùa. Mùa đông sắp tới, và những hạt mầm mới đang sẵn sàng nhú ra từ những cành cây, chẳng bao lâu nữa sẽ lại rơi xuống trái đất, như chúng vẫn làm mỗi năm vậy.
Hạt mầm rơi xuống trái đất bao năm trước đây, và cây đã mọc lên cao lớn. Giờ đây, khi trăng mỉm cười với cây, những lá cây bao lấy ánh trăng và giấu vào tán lá. Bạn có thể nhìn thấy khi bạn đứng dưới gốc cây và ngước nhìn lên. Ẩn trong cây là bao điều bí mật.
Cả trăm năm về trước, cây đã đứng ở đó kể từ lúc hạt mầm rơi xuống đất. Giờ đây cây đã lớn cao, vươn rộng. Đàn cừu vẫn thường nghỉ ngơi dưới tán cây mát mẻ. Cây đã chứng kiến dòng suối cạn khô và cây đã run rẩy qua bao mùa đông lạnh giá… nhưng cây chẳng hề than thở. Có đôi khi, bạn có thể nghe cây thì thầm trong gió.
-HẾT-
(★) Hình ảnh sưu tầm.
01/09/2022
🤎ĐỒ𝐍𝐆 𝐃𝐀𝐎 -【𝟓】𝐍Ă𝐌: 𝟏 𝐇À𝐍𝐇 𝐓𝐑Ì𝐍𝐇 𝐋𝐀𝐍 𝐓Ỏ𝐀 𝐘Ê𝐔 𝐓𝐇ƯƠ𝐍𝐆💚
---------------
Chia sẻ của ba bé Sơn và Hòa:
"Từ ngày đầu tiên đi học của bé lớn tại trường Đồng Dao đến nay đã được hơn 1 năm, nhưng ấn tượng tốt đẹp từ những giây phút ban đầu vẫn còn đọng lại trong tôi, đặc biệt là ấn tượng về thời gian chuyển tiếp, làm quen với trường.
Với việc đặt ra khoảng thời gian chuyển tiếp này, tôi cảm nhận được sự quan tâm của các cô nhằm giúp cho những đứa trẻ có được sự sẵn sàng trước những thay đổi lớn, đó là sự thay đổi nhịp điệu hàng ngày và môi trường xung quanh, từ đang ở trong sự bảo bọc hoàn toàn của gia đình đến tiếp xúc sơ khai với xã hội như bạn bè, cô giáo, từ môi trường quen thuộc của ngôi nhà đến môi trường lạ lẫm của ngôi trường. Thời gian chuyển tiếp này còn giúp ba mẹ cảm thấy yên tâm hơn khi sắp phải gửi gắm con ở một môi trường xa lạ. Ba mẹ biết một ngày của con ở trường sẽ diễn ra tuần tự như thế nào; cảm nhận được các cô giáo tỉ mỉ, chu đáo khi chăm sóc các con ra sao; cảm nhận được sự chăm chút cho những bữa ăn dinh dưỡng của các con cũng giống như những bữa ăn ở nhà mà mẹ tự tay chuẩn bị; ba mẹ còn tham gia làm thủ công – làm ra những món đồ chơi an toàn và lành mạnh cho con. Có camera quan sát nào sánh được bằng những trải nghiệm trực tiếp của ba mẹ?"
🪵 Hình ảnh do phụ huynh cung cấp 🌿
31/08/2022
🤎ĐỒ𝐍𝐆 𝐃𝐀𝐎 -【𝟓】𝐍Ă𝐌: 𝟏 𝐇À𝐍𝐇 𝐓𝐑Ì𝐍𝐇 𝐋𝐀𝐍 𝐓Ỏ𝐀 𝐘Ê𝐔 𝐓𝐇ƯƠ𝐍𝐆💚
---------------
Trích chia sẻ của ba bé Bảo Bảo:
"Ngày đầu con đến trường Đồng Dao Steiner khoảnh khắc ấy, nụ cười ấy như khắc sâu vào tim ba khi bước đi còn chập chững của cô bé 18 tháng tuổi.
Thời gian lặng lẽ trôi nhanh, ba lại tiếp tục công tác tại nước ngoài, thật may mắn khi Bảo Bảo được nuôi dưỡng trong sự yêu thương ấm áp từ các cô giúp con phát triển toàn diện về trí tuệ và cảm xúc."
🪵 Hình ảnh do phụ huynh cung cấp 🌿
29/08/2022
🤎ĐỒ𝐍𝐆 𝐃𝐀𝐎 -【𝟓】𝐍Ă𝐌: 𝟏 𝐇À𝐍𝐇 𝐓𝐑Ì𝐍𝐇 𝐋𝐀𝐍 𝐓Ỏ𝐀 𝐘Ê𝐔 𝐓𝐇ƯƠ𝐍𝐆💚
---------------
Chia sẻ của mẹ bé SH, Oct và May:
"Gặp được Đồng Dao Steiner là một duyên lành, vì những điều mình thấy mình "khó khăn" nhất với các trường khác, vô tình Đồng Dao đáp ứng được hết. Mình gửi 3 bạn nhỏ của mình tại Đồng Dao. Điều mình nhận lại là các con được trải nghiệm vui, khỏe, hồn nhiên, hạnh phúc. Các con được các cô thương dù có những lúc các con quấy khóc. Mỗi ngày đón con mình luôn được các cô cập nhật hôm nay con ăn ngủ ị ra sao. Lâu lâu các cô gửi mình báo cáo về tình hình con trên trường. Đặc biệt trong vòng 10 tháng qua gia đình mình có 3 đám tang liên tục, chuyện đưa đón các con đi học và chăm sóc các con là một thử thách lớn. Cũng nhờ các cô Đồng Dao luôn yêu thương, nuôi dưỡng, để ý, chăm sóc mà các con vượt qua giai đoạn thay đổi và biến động về lịch sinh hoạt một cách thiện lành trọn vẹn."
🪵 Hình ảnh được chụp tại Đồng Dao Steiner 🌿
28/08/2022
🤎ĐỒ𝐍𝐆 𝐃𝐀𝐎 -【𝟓】𝐍Ă𝐌: 𝟏 𝐇À𝐍𝐇 𝐓𝐑Ì𝐍𝐇 𝐋𝐀𝐍 𝐓Ỏ𝐀 𝐘Ê𝐔 𝐓𝐇ƯƠ𝐍𝐆💚
---------------
Chia sẻ của ba mẹ bé Bánh Mì:
"Kể từ khi con đến trường, sinh hoạt trong gia đình chúng tôi có một thay đổi lớn trong việc ăn uống của con. Thay vì ngẫu hứng và thay đổi liên tục, tôi lên thực đơn cố định cho gia đình. Bên cạnh đó, tôi cũng định lượng rõ ràng cho mỗi bữa ăn, hạn chế việc cho con ăn quá no. Thay đổi này đã giúp cho việc nội trợ nhẹ nhàng và có tổ chức hơn. Con cũng ăn ngon miệng và hiệu quả hơn trong từng bữa ăn. Một thay đổi tưởng chừng rất nhỏ nhưng đã cải thiện chất lượng cuộc sống của gia đình chúng tôi rất nhiều."
🪵 Hình ảnh được chụp tại Đồng Dao Steiner 🌿
27/08/2022
🤎ĐỒ𝐍𝐆 𝐃𝐀𝐎 -【𝟓】𝐍Ă𝐌: 𝟏 𝐇À𝐍𝐇 𝐓𝐑Ì𝐍𝐇 𝐋𝐀𝐍 𝐓Ỏ𝐀 𝐘Ê𝐔 𝐓𝐇ƯƠ𝐍𝐆💚
---------------
Trích lời chia sẻ của ba mẹ bé Đồng Thiên Kim - học sinh cũ của trường:
"Mỗi lần chở con đến trường sớm, tôi thích nhìn hình ảnh cô cầm chổi quét rác trước sân, tiếng chổi nhẹ nhàng xào xạc trong buổi sáng trong lành mát rượi, xen lẫn tiếng chào của cô của con, cảm giác gần gũi và ấm áp lắm!
Các bạn nhỏ của trường đều được gắn kết với nhau thông qua giờ chơi 'Sinh hoạt vòng tròn'. Cô trò cùng nhau nắm tay và đọc thơ hoặc hát vang bài hát sinh hoạt vui vẻ với nhau. Chúng tôi ấn tượng với giờ chơi này vì đi học về tối nào con cũng rủ ba mẹ 'Sinh hoạt vòng tròn', và chỉ ba mẹ các bài hát bài thơ... Cảm giác của chúng tôi khi nắm tay cùng nhau lạ lắm, yêu thương lan truyền qua từng cái nắm tay... Nếu các gia đình có thể bỏ bớt điện thoại và gắn kết như thế, thật sự thế giới này có thêm nhiều đứa trẻ và ba mẹ hạnh phúc lắm."
🪵 Hình ảnh do phụ huynh cung cấp 🌿
21/08/2022
𝐂𝐇Ạ𝐘 𝐍𝐇𝐀𝐍𝐇 𝐇𝐀𝐘 𝐁ƯỚ𝐂 𝐂𝐇Ậ𝐌?
Sáng nay đi ngang qua một ngôi trường lớn, nhìn thấy tấm băng rôn đỏ rực thông báo về cuộc thi chế tạo robot. Bất giác trong đầu tôi hiện lên hình ảnh buổi lễ mang tên Dấu ấn tuổi mầm non dành cho bốn bạn nhỏ sáng hôm qua tại Đồng Dao.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tốc độ trở thành một trong những tiêu chí quan trọng của nhiều người. Người lớn cuốn vào cuộc đua tốc độ, kéo theo cả những đứa con bé nhỏ của mình, với nhiều kỳ vọng đặt lên đôi vai bé nhỏ của chúng. Những đứa trẻ bước đi còn chưa vững, chưa tự xúc ăn, chưa biết tự mặc quần áo, thậm chí chưa có đủ thời gian thưởng thức đủ thiên nhiên của 4 mùa… bỗng phải còng tấm lưng yếu ớt cõng luôn cái balo đầy sách vở, bị đẩy luôn vào vòng tốc độ của cuộc đua tài kiến thức, thứ mà nhiều cha mẹ cho rằng cần phải trang bị luôn từ lúc còn nhỏ, để mai này tiến cho nhanh hơn người. Cùng lúc, cuộc sống số đã và vẫn đang là trào lưu ở cả người lớn và trẻ em.
Cùng trong một thế giới ấy, ở một môi trường nhỏ có 4 đứa trẻ đã được thư thả trải nghiệm những gì chúng cần vào những năm đầu đời. Suốt 5 năm qua, hàng ngày chúng được tập luyện đứng lên, bước đi – vấp ngã – đứng lên cho đến khi vững vàng, được chạy, được nhảy, được leo trèo cho tới khi thuần thục. Chúng được tự tay gấp gọn quần áo, thu xếp đồ dùng, được giúp bạn cùng lớp bới chén cơm, rót ly trà thơm và nhận lấy nụ cười của bạn…Chúng tự tin hẳn lên bởi tự học được trong cả quá trình rèn luyện của mình. Và chúng biết phía sau chúng có những người lớn luôn yêu thương, chấp nhận và tin tưởng vào khả năng của chúng.
Chúng thấy được mọi thứ gần gũi trong cuộc sống được chuyển hóa qua bàn tay của con người: từ thực phẩm nấu thành bữa ăn ngon, từ miếng vải sợi len thành món đồ dùng được… Và chúng còn cảm nhận được sự thay đổi từ chính cô giáo của chúng. Ngày nào cử chỉ của cô còn qua loa, vội vàng, lời ăn tiếng nói còn gấp gáp, thì nay con người cô đã trở nên từ tốn, điềm đạm và chân thật hơn. Cô giáo đã trưởng thành cùng với chúng.
Chưa hết, mỗi ngày tâm hồn và trí tuệ chúng được tưới tẩm trong thế giới của cổ tích. Từ đó chúng hiểu rằng nhân sinh phải trải qua trần ai mới có được hạnh phúc, cái thiện phải dũng cảm đấu tranh mới thắng được cái ác… Mỗi ngày, mỗi ngày, hành trình chuyển hóa của các nguyên mẫu cổ tích ấy thấm vào chúng.
Nhìn lại 5 năm qua, cuộc sống các con như một thước phim quay chậm, rất chậm… mà đậm chất organic để các con nhận thức, thẩm thấu theo cách riêng, nhịp riêng của mình. Đó là một chặng đường cho phép các con từng bước bồi đắp nội lực cho riêng mình, cho hôm nay và cả chặng đường dài phía trước.
Hành trình ấu thơ của các con được khép lại bằng một dấu ấn đậm màu cổ tích. Hình ảnh hai anh em Hansel và Gretel đầy trí tuệ, nhân từ và quả cảm sẽ để lại dấu ấn trong tâm hồn các con. Các cô tin như thế khi nhìn thấy ánh mắt con rạng ngời, nụ cười con an nhiên và mái đầu con ngẩng cao. Con đường phía trước các con sẽ có nhiều chông g*i, nhưng cô tin rằng các con sẽ luôn hướng tới những điều tốt đẹp của cuộc sống như hoa hồng, hoa lys.
Sài gòn, sáng chủ nhật 21-8-2022.
-HẾT-
10/08/2022
𝐆𝐈Á𝐂 𝐐𝐔𝐀𝐍 ĐỜ𝐈 𝐒Ố𝐍𝐆.
Giác quan đời sống là một trong 4 giác quan nền tảng của con người. Giác quan này cho ta cảm nhận sâu sắc về cơ thể và sức khỏe của mình, cảm nhận được nỗi đau, cơn đói, cơn khát, cái mệt mỏi...của cơ thể.
Để nuôi dưỡng giác quan đời sống của trẻ, thì cho trẻ ăn đủ chất, mặc đủ ấm thôi vẫn chưa đủ. Hơn thế nữa, con cần phải được nuôi dưỡng trong một đời sống có nhịp điệu ổn định ngay từ những năm tháng đầu đời.
Trong cuốn sách 𝘛𝘩𝘦 𝘐𝘯𝘤𝘢𝘳𝘯𝘢𝘵𝘪𝘯𝘨 𝘊𝘩𝘪𝘭𝘥, tác giả 𝘑𝘰𝘢𝘯 𝘚𝘢𝘭𝘵𝘦𝘳 (*) đã viết như thế này khi nói về nhịp điệu dành cho trẻ: “Với trẻ sơ sinh, thời gian quý báu khi con được đung đưa trên một chiếc ghế, trong một cái nôi và được nghe những bài hát ru là lúc con được đáp ứng nhu cầu về nhịp điệu; khi con được bú mẹ là lúc con được trải nghiệm một cách mạnh mẽ nhịp đập từ trái tim của mẹ. Con lớn lên một chút, những bài đồng dao, những bài hát có nhịp điệu và những trò chơi cũng mang lại cho con nhịp điệu. Nhưng trên hết thảy, con cần một ngày sinh hoạt có nhịp điệu. Trong ngày có thời gian chơi, ngủ nghỉ, ăn uống, không hẳn là một thời khóa biểu cố định, mà hơn thế những hoạt động này được sắp xếp theo mô thức trình tự phù hợp với lối sống của gia đình. Trong gia đình cần nỗ lực để mang lại nhịp điệu sống ổn định cho trẻ, bởi vì sức khỏe tổng thể trong tương lai của con phần lớn phụ thuộc vào nhịp điệu sống của con lúc nhỏ”.
Cũng trong phần Nhịp điệu này, bà Joan Salter cũng nêu rõ về giấc ngủ của trẻ nhỏ: “Cũng như mọi loài sinh vật non trẻ, trẻ em cần được ngủ nghỉ phù hợp nếu trẻ được phát huy tối đa nguồn lực của mình. Tốt nhất là duy trì thói quen cho trẻ đi ngủ trước 7h tối, hoặc là 8h tối. Trình tự trước giờ ngủ có thể sắp xếp như sau: ăn tối, có thể kể chuyện hay ngồi chơi với cha, sau đó vào giường ngủ. Trình tự này nên được thiết lập ổn định từ những năm đầu đời”.
Nhịp điệu về dinh dưỡng cũng được bà đề cập tới như sau: “Tầm quan trọng của các cữ bú (giờ bú sữa của trẻ) đã được đề cập, và nên áp dụng ngay từ những tháng đầu tiên khi trẻ mới chào đời. Các cữ bú theo nhu cầu của trẻ trong 1,2 hay 3 tháng đầu luôn dọn đường cho việc xây dựng nhịp điệu một cách tự nhiên bởi trẻ tìm thấy được nhịp điệu riêng của mình. Cha mẹ cần nhận ra nhịp điệu này và từ đó tiếp tục bồi đắp. Từ đó thiết lập nhịp điệu cho bữa ăn khi trẻ lớn hơn”.
Cây cối chắc khỏe, tràn đầy sức sống, chịu được nắng mưa gió bão bởi cây luôn sống trọn vẹn với nhịp điệu của đất trời, tắm đủ nắng gió, sương giá của ngày và đêm, của 4 mùa trong năm. Trẻ em cũng vậy, các con rất cần một nhịp điệu sinh hoạt ổn định và hài hòa, để giác quan đời sống của con được phát triển lành mạnh.
(*) 𝘑𝘰𝘢𝘯 𝘚𝘢𝘭𝘵𝘦𝘳 là một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn cho các bà mẹ mang thai và chăm sóc trẻ. Bà có chuyên môn trong lĩnh vực điều dưỡng và làm việc với người di cư từ nhiều quốc gia. Bà là người sáng lập và điều hành Gabriel Baby Centre, một trung tâm cho những bà mẹ mang thai và chăm sóc trẻ ở Melbourne từ năm 1976. Bà đặc biệt quan tâm đến việc nuôi dưỡng trẻ trong môi trường gia đình.
(★) Hình ảnh: Trẻ tại Đồng Dao Steiner.
05/08/2022
𝐆𝐈Á𝐂 𝐐𝐔𝐀𝐍 𝐂Â𝐍 𝐁Ằ𝐍𝐆.
Nếu như giác quan vận động là cảm nhận về chuyển động, về cơ thể của mỗi người, thì giác quan cân bằng là cảm nhận sự cân bằng trong mỗi con người. Hai giác quan này có mối quan hệ qua lại với nhau.
Nếu hai giác quan này, đặc biệt là giác quan cân bằng, không được hỗ trợ và nuôi dưỡng đúng thời điểm, trẻ sẽ có những biểu hiện sau:
• Vận động khó khăn, cử động lóng ngóng.
• Không có khả năng tự bắt chước.
• Khó tham gia vào các trò chơi sáng tạo cùng với những trẻ khác.
• Phát âm khó khăn.
• Ngồi không vững.
• Rơi vào trạng thái thẫn thờ, không theo kịp hoạt động chung của tập thể.
• Dễ bị shock khi bị phản ứng mạnh.
• Hay lo sợ.
• Dễ rơi vào cảm giác vô vọng, bị ra rìa.
Trong cuốn sách 𝘗𝘢𝘳𝘦𝘯𝘵𝘪𝘯𝘨 𝘈𝘥𝘷𝘦𝘯𝘵𝘶𝘳𝘦𝘴 có đoạn viết: “Giác quan cân bằng là sự cảm nhận cân bằng trong mỗi người, cảm nhận sự an toàn, để từ đó mỗi người có thể tự tin và thoải mái di chuyển. Những trẻ em có giác quan cân bằng bị ảnh hưởng sẽ thiếu nền tảng của năng lực giao tiếp xã hội sau này, thiếu sự thấu cảm, kém nhạy bén với nhu cầu nội tại của người khác”.
Vì vậy, ngay trong thời ấu thơ, hãy cho trẻ cơ hội được tự vận động: lật, bò, ngồi, đứng, đi, leo trèo trong không gian an toàn. Cho con được thấy người lớn làm những công việc thực tế, cần thiết trong nhà, trong trường để con có cơ hội bắt chước theo. Nhưng thế vẫn chưa đủ, cần dành cho con tình yêu, những lời nói đẹp và những cử chỉ bao dung, khích lệ. Để con có đủ can đảm và tự tin bước lên phía trước.
(★) Hình ảnh: Vận động thăng bằng ở Đồng Dao Steiner.
09/07/2022
"Giáo dục là thắp lên một ngọn lửa, chứ không phải là chất đầy một chiếc thuyền."
-Triết gia Socrates-
25/06/2022
𝐍𝐔Ô𝐈 𝐃ƯỠ𝐍𝐆 𝐗Ú𝐂 𝐆𝐈Á𝐂.
“Khi không có gì để trao đi
Ngoài tình yêu từ trái tim bạn
Một cái chạm nhẹ nhàng
Chính là tất cả” (*)
(*) Thơ của Athey Thompson.
Thi thoảng lại có mẹ hỏi cô, mẹ nên làm gì để nuôi dưỡng xúc giác cho con đây.
Mẹ ơi, đúng là làn da mỏng manh của con rất cần được nuôi dưỡng. Bởi nó không chỉ đơn giản là làn da, mà hơn thế nữa nó là cơ quan cho con hiểu và kết nối với thế giới xung quanh.
Nuôi dưỡng đơn giản thế này mẹ nhé:
🧦 Đồ vải dành cho con: từ quần áo, khăn tắm, vớ,… đều nên bằng chất liệu cotton mềm mại. Khi sợi vải/ bông mòn rồi, mẹ lại thay mới cho con mẹ nhé.
🎨 Đồ chơi của con cũng nên mua hoặc làm từ vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, vải cotton,…
💚 Ngày nào con sổ mũi, mẹ hãy bắt chước các bà, các mẹ khi xưa, cài cho con một cái khăn mù xoa bên ngực áo, để lau cho êm thay vì lau khăn giấy dễ làm rát da con.
🤎 Hãy ôm hôn con nhẹ nhàng, đừng vì yêu con quá mà cắn, mà hôn cho đã thèm, mẹ nhé!
👐 Khi con vấp ngã, mẹ cũng đau lắm, nhưng đừng đánh ghế, đánh bàn, đánh… Cứ nhẹ nhàng ôm con vào lòng thì nỗi đau của cả hai mẹ con sẽ được xoa dịu.
Sự nhẹ nhàng, ấm áp từ trái tim và đôi bàn tay mẹ chính là những dưỡng chất thượng phẩm nuôi dưỡng xúc giác của con.
(**) Hình ảnh sưu tầm.