06/12/2023
Có hai thứ mà dễ cảm nhận được về cái tâm của người làm, là cơm tấm & bản vẽ.
---
Sáng hay tranh thủ đi sớm (do ở xa), nên thường tôi đến trước giờ làm khoảng 1 tiếng. Thời gian này dư giả để tản bộ xung quanh mấy trường đại học để kiếm gì ăn sáng, làm ly cf rồi lên lớp. Món dễ tìm & dễ ăn nhất thường là cơm tấm.
Mà cơm tấm ngon hay dở chủ yếu phụ thuộc vào sườn nướng & chất lượng hạt cơm. Chính vì đơn giản, nên làm nó ngon hay dở dễ nhìn ra lắm.
Thường tôi nhìn một phần ăn (hay nhìn một bản vẽ) sẽ nhìn ra luôn tâm tư của người bán, vd họ muốn bán theo kiểu vừa phải & lời vừa vừa, hay muốn bán ăn ngon & lấy giá cao, hoặc đồ ăn dở nhưng muốn lời nhiều. Nhìn cái biết liền. Ngoài ra, nếu ae chịu để ý thì quan sát cách bố trí chỗ nấu, chỗ để khách ăn, sắc diện người nấu...cũng có thể đoán định được chất lượng đồ ăn thế nào.
Bán cơm tấm cũng như bán thiết kế thôi. Cái tâm của ae định đối xử với khách hàng như thế nào, họ cũng nhìn ra hết. Xem bản vẽ cũng như nếm món ăn vậy. Ae định đầu tư ít, rồi dùng AI bịp khách thay vì bỏ nhiều công sức ra tư duy giải pháp, nhìn cái biết liền. Rồi khi thấy ae hời hợt thiếu "tâm", tư lợi quá thì người ta đơn giản là đến một lần rồi thôi, hay chọn chỗ bán khác.
Vài dòng nhân sáng tản bộ qua Nguyễn Chí Thanh & ăn cơm tấm vỉa hè.
Ngày làm việc vui ha.
---
Ps1: tôi cũng không kén chọn mấy, nhưng chỗ nào bán đồ ăn dở thì tôi sẽ nhớ. Tương tự cách ghi nhớ với các ae hay xuất hiện trên page này.
Ps2: cmt hay sẽ được thả tim, dở nhưng tâm không xấu mặt sáng láng sẽ được thả like, cmt hay xinh trai đẹp gái sẽ được thả "thương".
Ps3: hài hước duyên dáng sẽ được thả haha. Cmt vô thưởng vô phạt thì kệ ae. Làm ad ngứa mắt _ block 😌.
05/12/2023
Mặt bằng nên gọn gàng, mạch lạc, logic, rõ ràng. Khi nào mình thấy được cái đẹp của mặt bằng, thì sẽ cảm được vẻ đẹp của thiết kế.
05/12/2023
Cafe sáng
---
1. Công việc (tưởng như) ổn định, hóa ra lại không ổn định lắm. Mặt trái của ổn định có thể là "nghèo", hoặc "chán" ổn định. Vd nhiều ae dù ngán chỗ làm của mình đến tận cổ, nhưng ae vẫn không dám off, vì ae muốn "ổn định". Sợ ra ngoài bươn chải thì bấp bênh.
2. Thật ra sự bấp bênh cũng có mặt lợi là khiến mình sẽ phải động não. Đó là cách tốt để "đầu óc" không bị cùn đi. Vd điển hình là bạn ra đường gặp một con chuột vỉa hè thì mới thấy là nó nhanh, mạnh cỡ nào & rất khó bị tiêu diệt. Cơ bản vì cuộc sống của nó bấp bênh quá (lúc nào cũng bị đuổi giết).
[Cái này thì Wall Disney có vài bộ phim rất nổi tiếng là "Tiểu thư & kẻ lang thang" hay "Alladin". Thường thì các cô tiểu thư hay bị hấp dẫn bởi các mánh sinh tồn của mấy gã lang thang].
3. "Quan trọng là thần thái" hóa ra lại khá đúng. Tiếp xúc với một người thì thần thái của người đó nói lên cuộc đời & tư duy. Lời nói có thể xạo l được, nhưng nhìn "thần thái" qua ánh mắt, cử chỉ...thì khó nói dối được.
4. Làm việc nhiều khiến tinh thần tinh anh, ánh mắt sắc bén, nhìn người chuẩn xác. Ăn nhậu nhiều chỉ khiến mặt mũi mỡ màng, bụng to, cằm bắt đầu có nọng.
5. Dù nam hay nữ, thì cũng nên giữ cho mình gọn gàng ha. Thừa cân, quá khổ chỉ biểu hiện một tinh thần dễ dãi, nuông chiều bản thân quá mức...
---
Quên, page này chuyên phác thảo chứ có chuyên đạo lý đóe đâu. Bài này không phải để nói ae mạnh dạn bỏ chỗ làm đâu nhé 😎. Ai thích gì thì cứ làm nấy thôi.
Hình: từ phác thảo đến máy tính.
Ngày làm việc vui ha.
04/12/2023
Thế nào là nhà dành cho người hướng nội:
- Tường rào xung quanh cao 3m, đủ để cản tầm nhìn, tránh sự xoi mói của ae hàng xóm nhiều chuyện.
- Nền được nâng cao lên khoảng 1m2 so với vỉa hè.
- Tất cả không gian sinh hoạt đều quay về sân trong.
- Mái bằng & có cầu thang lên mái để ngồi uống cf.
- Giữa sân trong sẽ trồng cây Sala hoặc cây bơ (tôi thích thế).
- Có hàng hiên rộng, đi từ phòng này qua phòng kia bằng hàng hiên tiếp xúc trực tiếp mưa nắng, muỗi mòng...
- Garage đủ rộng để nhét đủ 2 ô tô & 2 mô tô. Có kệ dài để dụng cụ độ xe.
- Mặt tiền hầu như bịt kín nhưng vẫn chừa khe cửa nhỏ để ae nào tò mò thì cúi xuống rồi nhìn lên 😌.
03/12/2023
Trình tự phác thảo, từ tay đến máy tính
---
Giai đoạn phác thảo tay nên dừng ở mức rõ hết các ý muốn & tính được các kích thước của khối tích không gian. Sau đó nên chuyển sang giai đoạn 2: cụ thể hóa.
Giai đoạn 2 thì công cụ phác thảo tay không còn là lợi thế để nghiên cứu & tư duy về không gian nữa. Mà cần mô hình chính xác. Các kích thước cần được chi li hơn, các cấu trúc cần dc thấy rõ hơn. Do đó, autocad & sketchup (hay công cụ dựng 3d tương tự) sẽ là lựa chọn tối ưu cho giai đoạn này. Ai làm thêm mô hình nghiên cứu nữa thì càng tốt.
Mô hình 3d bằng Sketchup sẽ giúp người vẽ tiếp tục tư duy sâu hơn về các phác thảo tay ban đầu. Khi đó các bạn sẽ tính được các thứ phức tạp tốn rất nhiều công khi vẽ tay, vd như đường giao mái hay việc xoay nhiều góc để kiểm chứng về khối.
Hình: vd minh họa các bước phác thảo tay mặt bằng đến cụ thể hóa bằng Sketchup.
23/08/2023
AI vẽ khá đúng bao cảnh,
chỉ có cái là nó làm ad trẻ ra 20t thoy 😌
22/08/2023
Cafe tối
---
1. Câu hỏi khiến mình luôn phải động não: "thế thì có gì đặc biệt ?"
2. Ae học design muốn rèn luyện năng lực bóc tách, phân tích, nhận xét vấn đề thì nên viết lách hàng ngày. Các suy nghĩ thường tản mạn & lan man, muốn hệ thống lại thì cần trình bày nó thành văn bản. Vừa có thứ để lưu lại vừa củng cố tư duy logic.
3. Nhiều ae kts già hói cũng vẫn viết lách lòng vòng, lặp từ, lặp ý, câu văn rối rắm khó hiểu...nghĩa là bình thường xử lý công việc cũng không logic lắm.
4. Còn việc ai đó viết hay nói sai chính tả chứng tỏ người đó đọc ít. Ít cả văn học lẫn sách chuyên ngành. Vốn từ và khả năng diễn đạt được hình thành từ vốn đọc trước.
5. Người sao thì viết vậy. Rất khó để đứa học lớp năm fake được giọng văn của một giáo sư đại học. Còn nếu nó lừa được mình thì có nghĩa là bạn xứng đáng bị lừa.
6. Viết hay nói mà không có dẫn chứng, ví dụ cụ thể, cơ sở lập luận đáng tin thì không cần nghe tiếp, mất thời gian.
7. Đưa vấn đề ra (như chê người khác dốt) thì phải nêu luôn giải pháp làm tốt hơn, còn không thì chọn im lặng cũng là cách hay. Khi nào rõ ràng thông suốt, rành rẽ mọi chuyện thì phát biểu cũng không muộn. Nhiều ae vội vàng chứng tỏ mình thông minh quá mà chưa kịp nghĩ ra giải pháp gì, thì ghìm ghìm cơn hứng khởi lại đã nhé 😎.
8. Đi cf với bạn mà người khác chỉ nhìn vào điện thoại, là lỗi của bạn, không phải của họ. Có thể ra về hoặc ngồi lướt điện thoại giống họ, cũng. Không phàn nàn rồi chê người ta kém văn minh.
9. Người khác từ chối bạn cũng là lỗi của bạn, không phải của họ. Vd bạn xăm mình là quyền của bạn, nhưng họ không nhận bạn vào làm việc là quyền của họ. Tự nhiên đi kêu khóc thì vô duyên quá.
10. Thật ra hỏi thẳng, "tôi được lợi gì ?" Nó lại tránh được việc khó xử trong khá nhiều trường hợp bị nhờ vả. Dĩ nhiên cũng cần cân nhắc đúng người đúng việc.
11. Thường lợi mình thì làm, nhưng lợi mình mà không lợi người thì đừng nên làm, nếu đủ định lực. Vì chỉ lợi mình thì lâu dần đóe ai coi bạn ra gì. Trong lòng mất hình tượng thì sau này khó làm ăn.
21/08/2023
Thẩm mỹ kiến trúc (p7) _ kiến trúc phương Tây.
---
Thay vì đắp cả núi xi măng phồn thực lên công trình, châu Âu vẫn có rất nhiều các công trình thanh lịch có thể học được.
Hình: internet.
21/08/2023
Ai cũng mơ mộng chỉ cần phác thảo vài nét bay bổng là coi như xong công trình. Nhưng sự thật không phải vậy đâu.
SỰ THẬT VỀ CÁC BẢN VẼ PHÁC THẢO TAY
---
Tôi thấy ông kts nào cũng mơ ước là mình chỉ cần vẽ tay ra vài nét, xong sẽ có đứa khác nâng niu bản vẽ đó, mang đi khuất mắt mình và tự động xử lý hết các vấn đề đau não, xong triển khai nó ra thành hồ sơ hoàn chỉnh...
Kts già lẫn trẻ đều có mong ước này.
Nhưng thiết kế một công trình mà đơn giản vậy sao ?
Đến đây chắc sẽ có vài bạn phản bác là sao tui thấy Renzo Piano, Frank Ghery hay Tadao Ando cũng chỉ phác thảo vài nét về công trình họ thiết kế đấy thôi ? Mà công trình vẫn lên hoành tráng lung linh ?
Tôi cũng không phản đối, nhưng khó mà so sánh tương đương như vậy. (Đơn giản vì không thể thấy Bill Gates đi ăn tiệm phở mà mình vẫn hay ăn, thì mình đánh giá là ổng giàu ngang mình được).
Nên thực tế là nhìn các bản vẽ phác thảo tay vài nét để giải quyết một vấn đề phức tạp như một dự án kiến trúc, tôi chỉ xem chúng như một phần rất rất nhỏ của dự án thôi. Giống như lớp nước nóng để tráng bình trà cho ấm lên vậy.
Sau đây là vài sự thật về các bản phác thảo tay đậm chất art lòe mắt thiên hạ:
1. Bản vẽ tay bay bổng trong vài phút kia, sau khi được vẽ lại cẩn thận đúng kích thước thì hóa ra sai bét về tính toán công năng lẫn kỹ thuật. Đó là chưa kể đến một loạt các yếu tố khác sẽ xuất hiện, mà chỉ khi ngồi chỉn chu ngay ngắn, tư duy cẩn thận thì nó mới lòi ra.
Khi đó thì bạn sẽ nhận ra là bản vẽ tay ban đầu nó khá ngớ ngẩn, chứ không thần thánh như mình nghĩ đâu.
2. Thiết kế kiến trúc bản chất là xử lý một loạt các vấn đề khác nhau thành một cấu trúc liên kết nhuần nhuyễn và hợp lý. Đó chắc chắn là một quá trình dài hơi cần bỏ ra rất nhiều sức lực để tính toán và tư duy.
Nên rất tiếc đó không phải là một cảm hứng bất chợt đến trong đầu nhà thiết kế, khi họ nhìn chiếc lá rụng trong cơn gió nhè nhẹ của một buổi chiều mùa thu, rồi vẽ ra phương án.
3. Nên nhìn tay kts nào chỉ cần nhìn vào khu đất đang cần thiết kế và nhanh tay phác thảo ra phối cảnh công trình trong vài nốt nhạc, rồi trao cho cdt với ánh mắt ngước lên trời đầy tự tin, thì bản vẽ đó cũng sớm vào sọt rác thôi, tin tôi đi.
4.Bản vẽ phác thảo, chỉ đáng tin khi người thiết kế sử dụng chúng để củng cố cho cái phương án đang dần hình thành qua từng lớp suy nghĩ được bóc tách cẩn thận. Và hãy giữ chúng đúng vai trò của chúng là gợi mở và dẫn lối.
5. Thêm nữa, chúng chỉ có giá trị, khi chính người thiết kế vẽ lên, và cũng chính họ sẽ vứt bỏ bản phác thảo đầu tiên khi phác thảo lên các bản thứ 2,3,4,5...với chiều sâu càng ngày càng tăng dần.
6. Nói vậy để nếu ai trao cho bạn một bản vẽ phác thảo vội vàng, phác trong vài phút, với sự tự tin vô bờ. Bạn nên trả lại và yêu cầu họ ngồi xuống, vẽ cẩn thận các kích thước ra.
Thao tác đơn giản này sẽ biến một người từ tự tin hoàn toàn thành đau khổ hoàn toàn, cũng nhanh như khi họ hào hứng phác thảo ra vài nét vớ vẩn kia vậy.
7. Hình là bản vẽ phác thảo đầy hào hứng của tôi, và sau khi tôi cân nhắc chán chê về kỹ thuật, phong cách, khả năng thi công, kết cấu, vòng đời sử dụng & cả phòng cho đứa cháu đột ngột xuất hiện của chủ nhà....tôi đã mạnh dạn vẽ cmn một bản vẽ khác hoàn toàn.
8. Cực nhất của khâu design là ngồi cẩn thận vẽ từng nét trong autocad để tính toán chính xác từng chút một về công năng và xử lý kết cấu chịu lực, hộp gen kỹ thuật, chất liệu & vật liệu sẽ áp dụng. Cứ vẽ một nét là đã phải nghĩ cho 4,5 vấn đề cùng lúc.
Chứ có phải phác thảo tay một phát là xong hết chục vấn đề đau não đâu trời ơi.
---
Ngày làm việc vui.
20/08/2023
Cổ điển & hiện đại.
----
Bữa trước trong lớp phác thảo có tranh luận tí về kiến trúc hiện đại & kiến trúc có hơi hướng cổ điển. Nên tôi viết lách tí.
1. Tôi gọi là kiến trúc có hơi hướng cổ điển vì chúng ta đang ở thời hiện đại, nghĩa là chúng ta sử dụng công nghệ và vật liệu hiện đại để giải quyết câu chuyện ở quá khứ. Vd đơn giản là ngày xưa dùng nhiều sức người thì nay máy móc đã thay thế gần hết. Các tượng, phù điêu, gờ chỉ...xưa làm bằng tay thì nay có thể đúc sẵn, in 3d hay sản xuất hàng loạt...Nên chúng ta chỉ làm cho có hơi hướng thôi chứ không đúng bối cảnh để hình thành nên loại kiến trúc này, cho dù nhiều ae cuồng cổ điển vẫn cố làm sao cho càng giống xưa nhất có thể càng tốt.
2. Kiến trúc hay nội thất cần thực chất thì nó mới "đẹp". Vd sờ tay vào mảng tường đá thấy mát lạnh, cảm nhận được sự rắn chắc tự nhiên khác hẳn với việc sờ tay vào thấy rỗng tuếch, nhạt nhẽo của các bề mặt nhựa giả đá.
3. Như vậy có nghĩa là thời đại ngày nay là thời của kiến trúc hiện đại, vì chúng tự do & giải quyết các câu chuyện của thời đại tốt hơn (khác với tính trật tự, tầng bậc trong bối cảnh cổ điển). Ngoài thực tế thì loại hình kiến trúc này cũng chiếm đa số, bối cảnh nào thì kiến trúc đó.
4. Bức tường bằng đá cần phải xây bằng đá "thật", thì thiết kế công trình cũng phải "thật". Công trình ở bối cảnh thế kỉ 21 muốn có hơi hướng của các phong cách xưa thì nên học tinh thần & các thủ pháp xử lý giải quyết vấn đề của thế hệ trước, chứ không nên sao chép bê nguyên con rồi hỉ hả là tuân thủ tuyệt đối các tỉ lệ xưa.
Hài hước nhất là các ae cuồng cổ điển lấy luôn cái tỉ lệ của các thức cột Hi Lạp xưa rồi đem đi áp đặt phân tích các công trình khác. Làm như vậy cũng chỉ như con vẹt học nói thôi.
5. Một cô gái có thể đẹp, giàu, giỏi; khi đó cô ấy sẽ là tiểu thư. Nhưng để trở thành công chúa thì phải có dòng dõi quý tộc, cái này không cố gắng hay fake được. Một anh nông dân giàu vẫn có thể xây một công trình lớn rồi đặt tên là lâu đài, nhưng không ai xem anh í là quý tộc cả.
6. Với tôi, kiến trúc cổ điển cần thanh thoát, tĩnh lặng, uy nghiêm & làm cho con người nghiêm chỉnh lên. Để làm được loại kiến trúc này, người thiết kế cũng nên có những tính cách tương tự.
Oái ăm cái là ae làm loại hình này hiện nay toàn các bác thích ăn nhậu, thích show off, thích phồn thực vẽ gái khỏa thân sai tỉ lệ...rồi đắp lên nhiều tấn xi măng trong cơn hứng khởi mơ về thế giới ngập tràn thạch cao & gia huy fake.
7. Thôi quay lại với chuyện thiết kế kiến trúc. Hiện đại hay hơi hướng cổ điển luôn là hai xu hướng tồn tại khách quan trong xã hội. Dù muốn hay không thì chúng vẫn luôn hiện diện. Khi con người quá chán ngán với những cột tròn, vòm cong, gờ chỉ...thì họ sẽ khao khát tìm cái mới như Rem Koolhas, Calavatra, Ghery... Còn khi họ cảm thấy đã đi xa quá rồi, các kiến trúc bắt đầu làm họ cảm thấy hơi kém thân thuộc & lạc lõng như các công trình của Hadid...thì họ sẽ quay lại tìm về các giá trị truyền thống đã được kiểm nghiệm về độ an tâm, an toàn.
8. Tôi thích Indochine, tropical và các công trình Pháp thuộc...không có nghĩa là tôi cố gắng làm y chang các thể loại này. Nhiều ae cứ hỏi là phong cách này có phải là Indochine không, rồi a làm Indochine thì a làm ở giai đoạn nào...nghe mệt mỏi quá.
Kiến trúc nên được làm một cách trôi chảy tự nhiên từ các kiến thức tích lũy được của nhà thiết kế. Nếu nó tốt, thì may cho xh, còn nếu nó chẳng vừa mắt ae thì nó cũng vẫn được xây thôi 😌.
---
Vài dòng nhân lúc cf sáng.
Ai làm mất hứng _ block.
18/08/2023
một cái bảng đơn giản vẫn có thể nói lên nhiều thứ quan trọng
16/08/2023
TRÌNH TỰ PHÁC THẢO PHỐI CẢNH TỔNG THỂ
Ra đời đi làm, càng có nhiều "quan hệ chất lượng" càng có lợi, cái này ai cũng biết. Nhưng "chất lượng của mối quan hệ" phụ thuộc vào bản thân mình chứ không phải bên đối tác, thì chưa chắc nhiều người nhận ra.
Vd bạn nhận được một job xịn, được trả phí cao là do bản thân bạn xử lý được việc khó _ chứ không phải bên kia họ giàu quá, thương người quá nên chi mạnh tay. Bạn được mời tham gia sự kiện này, hội nhóm kia...là do bạn đảm đương được cái người ta cần trong các việc đó chứ không phải do họ rảnh. Ít ai chịu tốn thời gian, chi phí, công sức... mà chẳng đổi lại gì cả.
Nói có vẻ phũ, nhưng nếu nghĩ theo hướng trao đổi tương đương thì tự nhiên thấy mọi chuyện đều rõ ràng hơn.
---
Thoy mới sáng ra nói đạo lý nhiều quá cũng k hay 😌. Tặng ae các bước phác thảo phối cảnh tổng thể để luyện tập. Mỗi ngày luyện nhiều một chút để khi có việc cần lấy ra xài khỏi bỡ ngỡ 😎.
---
Ngày làm việc vui.
16/08/2023
Nhà dân gian miền Nam & "Mộng Viễn Đông" của người Pháp
---
1. Xem triễn lãm tranh "Mộng Viễn Đông" của các họa sĩ Pháp thời đầu thế kỉ 20 xong; mới thấy Việt Nam hiện lên đầy hiền hòa, thơ mộng, rực màu nhiệt đới. Trong các bức vẽ, công trình kiến trúc hầu như không xuất hiện làm nhân vật chính mà chỉ làm nền cho khung cảnh & sinh hoạt.
2. Điều kiện tự nhiên hình thành nên lối sống, lối sống phát sinh văn hóa, văn hóa sản sinh ra kiến trúc. Sống ở đâu, tin cái gì & muốn trở thành ai thì ra kiến trúc đó.
Nhìn hình của tiến trình nhà ở dân gian Nam bộ, tính từ mốc thế kỉ 18 trở về trước thì đặc trưng của ta là Nhà gọn nhẹ bằng gỗ, gạch nung, đất, đá khai thác tại chỗ, mái lá.... Do vật liệu sẵn, gọn nhẹ, dễ xây dựng...dân hiền hòa, chủ yếu sống nhờ làm nông hay chài lưới. Điều kiện sống cũng êm ả, ít bị chiến tranh hay giặc cướp, giao thông thì bằng ghe xuồng là chủ yếu...nên nhà ở cũng đơn giản, không cần quan tâm đến an toàn lắm. (Cái này được nói khá kỹ trong cuốn "Tản mạn kiến trúc Nam bộ", ai thích có thể tìm đọc thêm).
Ở miền Bắc cùng thời kì thì còn có các công trình kiểu khác như cung điện, đền đài, chùa miếu hay thành lũy, vì chiến tranh liên miên, lại gần phương Bắc nên tính ra nó lại có "đặc trưng hơn". Miền Nam thì ảnh hưởng bởi người Khơ me & đạo Phật, ít bị Khổng giáo chi phối, nên xem ra tính cách dân nó cũng ít chua ngoa hơn ngoài kia 😎.
3. Sau đến khi Pháp xâm lược, đô hộ thì miền Nam mới bắt đầu hình thành đường xá nên giao thông nhanh hơn, sản lượng sản xuất cũng nhiều hơn. Đâm ra xuất hiện nhiều phú ông hơn xưa. Nhờ đó mà nhà cửa được cải thiện dần dần về thẩm mỹ. Những ngôi nhà đẹp nhất đến giờ, phần nhiều là các công trình Art Deco hay cổ điển Pháp còn sót lại.
4. Triễn lãm tranh "Mộng Viễn Đông" đang diễn ra tại Park Hyat từ 14-17/8, vào cửa tự do, chỉ cần đăng kí mail. Ae nào ở SG nên đi xem.
5. Hình: concept nhà ở Bình Dương. Khi điều kiện đầy đủ hơn, thì phần "hồn" được chăm chút kĩ hơn. Cũng khó nói với một anh đang chạy grab về các giá trị mà một kiến trúc đẹp mang lại. Không phải vì anh í không hiểu, mà đó là cái anh í chưa cần.
---
Ngày làm việc vui.
15/08/2023
Netflix
---
Hôm nay ae trong lớp phác thảo chém gió về phim rôm rả quá, tôi cũng viết vài dòng về mấy bộ phim xem gần đây nhé.
Xem kiến trúc mãi cũng ...mệt, nên gần đây tôi chuyển hướng sang các phim tài liệu hay ẩm thực.
Có 2 serie phim khá hay về ẩm thực, được kể dưới dạng các câu chuyện ngắn. Mỗi câu chuyện về một món ăn, gắn với kỉ niệm hay cuộc đời một ai đó.
Phim nhẹ nhàng dễ xem, không lên gân lên cốt _ là sự lựa chọn rất tốt để xem mỗi tối một tập rồi đi ngủ.
---
Phim đầu tiên: Quán ăn đêm (hiện đã có 3 seasons). Phim về một người đàn ông trung niên, chỉ mở quán từ 12h đêm đến 7h sáng hôm sau. Quán bán mỗi bia với súp miso thịt lợn, nhưng ông chủ sẵn sàng nấu tất cả các món mà khách yêu cầu. Cứ xem một tập là lại biết một món ăn với một câu chuyện đời mới. Vote 8,0. (Phim này có cả bản Trung, trước có trên FPT play, nhưng không hay bằng bản Nhật).
Phim thứ hai: Những nhà hàng trong sách đỏ. (Phim này tôi đang xem dở). Phim về một anh chàng trung niên xấu trai, công chức bình thường, năng lực cũng tầm tầm. Nhưng được cái tốt bụng hiền lành nên thường bị đồng nghiệp nhờ vả lợi dụng. Anh này sống với vợ và con gái, thường bỏ rơi ảnh vào cuối tuần để đi xem ca nhạc. Thế nên ảnh hay lang thang đi các vùng lân cận, rồi tạt đại vào một quán ăn xập xệ nào đó _ mà thường không ngờ đó lại là các quán ăn ngon...
Vote 7,5.
Ps1: các phim làm lại của Hàn, Trung, lấy từ phim Nhật gốc...đều dở hơn. Vd cái phim "em đã đến cùng cơn mưa", qua bản Hàn thì...sến vãi. Còn phim "quán ăn đêm" như đã nói ở trên của TQ làm thì gượng ép, lên gân quá.
Ps2: mở một bộ phim bất kỳ đang "hot" trên Netflix thì rất khó có thể lọc được một phim hay mà không dính dáng đến bạo lực hay tình dục.
Ps3: Có một phim ban đầu rất hay là phim "Vệ sĩ", khai thác câu chuyện một anh lính trở về từ Afghanistan, mang theo vết thương tâm lý vì những gì đã chứng kiến ở chiến trường. Khi về nước thì ảnh được phân làm vệ sĩ cho một chính khách nữ, lại chính là người ban hành các chính sách, đưa binh lính ra chiến trường. Gia đình anh lính thì tan vỡ, do cô vợ không chịu nổi tính khí thất thường của anh này, nên đã có người khác, dù giữa họ đã có 2 đứa con. Còn ông bạn cùng chiến đấu được giải ngũ của anh lính, lại chính là tay ám sát bà chính khách, để trả thù cho đồng đội đã thiệt mạng vì các chính sách của bà ta. Dĩ nhiên ám sát hụt, và anh lính đã chứng kiến bạn mình tự sát vì thế...Chuyện cứ thế diễn tiến khá hấp dẫn. Cho đến khi, anh lính... ngủ với bà chính khách.
Xem đến đây thì tôi mất hứng quá nên thôi không xem nữa. Khi đã lên giường rồi thì chuyện phía sau nó cũng nhạt nhẽo thôi.
Ps4: hôm nay vẫn đang trong kì nghỉ nên phá lệ post bài không liên quan đến kiến trúc 😎
15/08/2023
Nhắn các bạn đang học vẽ thiết kế 😎
14/08/2023
L'Amant
---
Đã có lúc đoàn làm phim L'Amant (người tình) thấy kinh phí dành cho việc quay ngoại cảnh tại Việt Nam là quá cao, họ muốn chuyển qua quay tại một nước khác như Myanmar, Thái hay Indo...cho rẻ hơn. Nhưng sau khi đi khảo sát nhiều nơi thì họ không thể tìm ra được nơi nào có được cái không khí đậm đặc chất Á đông thời thuộc địa như ở VN, cụ thể là Sa Đéc...như bối cảnh của câu truyện đã mô tả.
Và phần tiếp theo đã là lịch sử, bộ phim trở thành một trong những chuyện tình kinh điển nhất thời thuộc địa.
Sau này sau khi xem lại phim tôi không còn để ý nhiều đến các cảnh nóng, tâm lý nhân vật hay diễn xuất nữa, nhưng cái khung cảnh về buổi chiều nắng gắt chiếu qua bức mành sáo xuyên vào phòng qua lớp hành lang rộng thì tôi khá nhớ.
Cái không khí mờ ảo cao thoáng với quạt trần lơ lửng dễ làm người ta có cảm xúc với nhau hơn. Kể cả trong Indochine hay L'Amant thì cái không khí này mới là cái giá trị nhất để kết nối các nhân vật với nhau.
Sau này thì điều kiện không cho phép, theo kiểu đất chật người đông nên nhà thường thấp, không có hành lang, cũng không dùng quạt trần mà dùng máy lạnh; các chi tiết trang trí vốn cần nhiều thời gian, cần chậm chậm để cảm như gờ chỉ, lan can con tiện, mái đón, ô văng...thì hóa ra trở nên xa xỉ & có vẻ dư thừa trong thời buổi mà cái đóe gì người ta cũng muốn nhanh.
Nên khi có dịp thiết kế một công trình có khuôn viên rộng, chắc do cũng đã già, tôi thường chừa nhiều hành lang, sử dụng mái dốc & tạo nhiều nơi để người dùng có thể ra ngoài ngồi nhiều hơn suốt ngày nằm trong phòng máy lạnh xem Netflix hay Tiktok.
---
Hình: concept nhà ở Bình Dương mà các bạn đã thấy các bản sketch tay trên page này.
Trong cuốn sách sắp phát hành, tôi sẽ phân tích về cách tiếp cận vấn đề, cách vẽ sketch & các giải pháp áp dụng cho công trình. Coi như một case study cho việc từ phác thảo ý tưởng mơ hồ (vẽ tay) đến phương án chính xác bằng máy tính (vẽ máy).
---
Ngày làm việc vui.
12/08/2023
"Skin in the game"
---
Câu này người ta hay dùng với nghĩa là bạn chấp nhận rủi ro của riêng bạn trong cuộc chơi. Khi thực hiện một hành động nào đó (nói hay thực hành), thì việc bạn thực sự tham gia vào cuộc chơi, cùng chịu các rủi ro của nó, thì bạn đáng tin cậy hơn. Vd bạn khuyên người khác mua mã chứng khoán A, thì bạn cũng là người đã mua mã đó rồi.
Ở mặt khác, thì tôi xin nói thêm là bạn sẽ thấy thú vị hơn, vui hơn nếu bạn có "skin in the game". Vd trong một tập thể, khi mọi người tổ chức một trò chơi chung, tính chất nó hơi khó tí (như kéo co, tìm mật thư, lập đội thi nấu ăn...), thì sẽ có 2 dạng thành viên. Dạng đầu tiên là sợ mệt, lười nên từ chối tham gia và đứng quan sát thôi. Dạng hai xắn tay áo xông vào việc. Dạng hai sẽ phải đối diện với các khó khăn, mệt mỏi, tốn sức của kéo co hay làm đồ ăn, chia nhau đi tìm mật thư...Kết thúc cuộc chơi thì ae dạng hai mệt bở hơi tai nhưng mặt ai cũng hớn hở & ra về với cả đống trải nghiệm, kỉ niệm để kể cho nhau nghe. Còn dạng một thì thấy ae chơi vui quá, cũng muốn tham gia lắm nhưng lỡ lười ban đầu nên ra về với hai bàn tay trắng, tuy đỡ mệt hơn.
Vd trên cũng đúng luôn trong các lớp học của tôi. Cho dù là đồ án thiết kế hay vẽ phác thảo, thì lớp luôn có dạng "skin in the game" & dạng hai là người quan sát. Có vài bạn chọn quan sát những bạn khác vật vã làm bài, thực hiện đồ án thay vì cùng vật vã với họ. Đó là lựa chọn của mỗi người thì thôi không bàn, lựa chọn nào thì kết quả đó.
Nhưng nếu muốn trở thành người đáng tin cậy hơn, ít nhất là với chính mình, thì cần có "skin in the game". Các lớp học luôn luyện cho các bạn các kĩ năng & kiến thức cần thiết để xử lý & giải quyết vấn đề. Kĩ năng vẽ phác thảo là một ví dụ. Bạn không làm cho bản thân quen với việc vẽ thể hiện ý tưởng mình ra giấy, thì rất có thể sẽ rơi vào một tình huống khó xử trong cuộc họp với khách hàng _ khi bạn nói mãi mà họ vẫn không hiểu, cần vẽ ra vài nét đơn giản để diễn tả ý đồ.
Lúc này sẽ là dấu hỏi lớn của đối tác về năng lực thiết kế của bạn, designer mà vẽ không ra được ý đồ ?
Việc tự hào mình tuy là designer nhưng vẽ tay rất xấu, hoặc không biết vẽ tay, không biết vẽ phác thảo...thì cũng tốt thôi. Nhưng khi nào bạn bớt tự hào và muốn có "skin in the game" trong các việc trên thì inbox cho tôi nhé 😎.
Quên, chỉ tiếp các bạn đã đi làm nhé.
---
Hình: chính chủ để ae không nhầm tôi với tay kts già hói nào khác
Nice weekend.
10/08/2023
Cafe sáng
---
Hôm trước có bạn hỏi là anh có lời khuyên gì cho các bạn sv mới vào trường không. Hôm sau bên trường lại hỏi là câu nói truyền cảm hứng của th là gì (để bình chọn gv tiêu biểu), tôi mới ngồi nghĩ thử xem đó giờ mình có nói câu gì có chút động lực không.
Kết quả là nghĩ mãi không nhớ được mình có câu nào viral tí, trừ câu "các anh chị lấy bài ra cho tôi xem" =))
---
Hình: dự án Kha Hostel khoảng năm 2018. Lúc này vẫn còn là thầu thi công. Sau khi nhận vài công trình thì tôi nhận ra là, thi công không phải việc hợp với mình.
Đi làm thì sẽ có việc hợp, việc không. Có đầy việc chúng ta không hề có kinh nghiệm gì cả, vd việc tổ chức thi công với tôi hay việc viết thuyết minh báo cáo dự án tiền khả thi với vài a chị khác. Nhưng khi không có đường lùi, thì phải tiến, và đã tiến thì phải làm chăm chỉ hết mình. Thêm nữa là có phàn nàn hay chửi bới nhiều thì cũng không đi đến đâu, công việc phải bắt tay vào xử lý thì nó mới xong được, phải không ạ ?
Rồi sau khi trải qua xong các chuyện đau đầu này thì chúng ta đã khác. Vd như tôi đã có kinh nghiệm thi công còn a chị thì rốt cuộc cũng biết viết thuyết minh...
---
Vài dòng, nhân ngồi cf sáng & thấy lại bức hình này.
Ngày làm việc vui.
09/08/2023
Cafe chiều. "AI" vs "vẽ bằng tay"
---
1. Vấn đề mệt mỏi nhất của nghề kiến trúc không phải là khâu làm concept; mà là khâu triển khai, chỉnh sửa, cập nhật hồ sơ...
Vd vẽ ra cái phối cảnh đẹp long lanh xong rồi, thì đến các công đoạn triển khai kỹ thuật thi công như: tính kết cấu, bóc tách các cấu tạo, cân nhắc biện pháp thi công, chọn lựa chất liệu, vật liệu, màu sắc...phù hợp với túi tiền của dự án; khâu này mới mệt và đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì nỗ lực trong thầm lặng, mệt gấp nhiều lần khâu làm concept. Tôi nói thầm lặng vì nó ít hào quang hơn đoạn làm concept đầu tiên. Mà dân chuyên thì sẽ hiểu thành bại về kinh tế của dự án nằm phần lớn ở đoạn này.
2. Hiện nay các ứng dụng AI tập trung chủ yếu vào khâu tạo hình ảnh concept. Các hình ảnh của dự án được tạo ra từ các AI thông dụng như ChatGpt (để tạo kịch bản), Midjourney (tạo hình ảnh từ kịch bản), Canva (trình bày concept)...vẫn chủ yếu là ảnh phối cảnh. Mà dân chuyên đều biết là từ các ảnh phối cảnh đó ra một phương án hoàn chỉnh [gồm mặt bằng công năng; mặt cắt thể hiện rõ cấu trúc, cấu tạo các không gian; các bảng thống kê về các thông số của dự án như công suất phục vụ, khối tích, diện tích, mức tiêu thụ năng lượng...)], sẽ còn rất rất xa.
3. Theo quan sát của tôi thì AI hiện đang mới phát triển đến vỏ ngoài của công trình, tương lai nó sẽ binh được mặt bằng hay triển khai luôn được cấu tạo thì chưa biết.
4. Tôi thấy các khóa học về ứng dụng AI trong kiến trúc khá hút hàng, nhưng hình như chỉ được một thời gian ngắn. Vì nếu chỉ dừng ở khâu tạo ảnh 3d long lanh thì cũng không tiết kiệm được sức lực bao nhiêu, vì bản chất muốn win được dự án thì phải trình bày trọn vẹn một cái concept "khả thi" kia. Các ảnh 3d siêu thực tạo ra từ AI Midjourney vẫn chỉ là phương án so sánh thôi.
5. Thời này có dự án để báo giá đã là tốt rồi, nhưng nếu ae nghĩ là làm báo giá thì chỉ cần làm phiên phiến thôi, dùng AI chạy ra 1001 phương án phối cảnh đập vào mặt khách hàng để họ ngạc nhiên chơi, thì có lẽ ae nhầm mất rồi.
Khách hàng cũng như mình thôi, họ nhìn hàng AI lại không phân biệt được hay sao ?
Là tôi thì muốn nhìn thấy được các nỗ lực của nhà thiết kế cho dự án của mình hơn là nhìn một đống "ma nơ canh" được sản xuất từ AI.
6. Anyway, bài này cũng không phải để phê phán gì ae đang tiên phong trong lĩnh vực tìm hiểu & ứng dụng AI trong kiến trúc. Rõ ràng là thời đại nào công nghệ đó, như thời của vẽ tay bị máy tính thay thế, và giờ là thời của AI. Người nào vào thị trường sớm thì có cơ hội thắng cao hơn.
7. Về cá nhân, tôi vẫn theo dõi và hi vọng các AI về triển khai, thống kê...sớm phát triển. Khi đó thì tôi sẵn sàng trả phí để sử dụng chúng. Còn giờ thì tôi vẫn thích ngồi ngẫm nghĩ và vẽ concept bằng tay lắm. Việc vẽ tay này giúp tôi đối thoại với bản thân tốt hơn & nó làm tôi suy nghĩ cẩn thận hơn về các chi tiết mà tôi định đưa vào công trình.
8. Ngoài ra thì có vài nỗi đau thật sự đáng giá. Vd như nỗi đau của cơ bắp sau vài giờ tập Gym. Ae nào tập gym căng thẳng xong tắm phát rồi duỗi chân trên sofa hẳn sẽ thấm cảm giác này. Sự mệt mỏi của lao động tạo ra thành quả cũng vậy, vẽ vời tư duy mệt óc, đau lưng mỏi tay thật...nhưng ra thành quả sẽ làm mình rất vui. Vì ae cảm nhận được mình tiến bộ lên.
9. Hãy tưởng tượng toàn bộ niềm zui trên hầu như biến mất vì ae dùng Chat Gpt để viết yêu cầu & nhờ MidJourney để chiết xuất phối cảnh, tất cả chỉ mất 30s. Và nếu ae nhận kết quả từ hai ông AI kia xong mà vẫn thấy không ưng thì nó lại cho ae 1001 cái khác, chọn mệt nghỉ.
Giờ thì ae sẽ có nỗi đau khác, là sự mệt mỏi phải chọn lựa quá nhiều.
10. Theo tôi thì nỗi đau này không đáng giá bằng nỗi đau khi ae vẽ bằng tay & tư duy sâu, vật vã với mỗi một nét vẽ sai...
---
Dài quá nên thôi dừng ở đây nhé.
Ae nào muốn trải qua các "cơn đau đáng giá" qua việc vẽ tay phát triển ý tưởng thì cmt bên dưới nhé 😎, khóa thứ hai vẫn đang mở đăng kí.
Khóa đầu thì ae thấm đòn rồi, đang vừa vẽ vừa khóc =))).
08/08/2023
Miệt mài vẽ tay, vận may sẽ tới ! 😌😎
, tặng các bạn trình tự vẽ phối cảnh 2 điểm tụ nhé.
08/08/2023
Hlv nổi tiếng Mourinho đã nói là "nếu bạn kiểm soát được hàng thủ, bạn sẽ kiểm soát được cuộc chơi". Còn tôi thì nói là bạn kiểm soát được mặt bằng, bạn sẽ kiểm soát được bản phác thảo thiết kế.
Nhiều ae khi vẽ phác thảo thường lười, nên vẽ phác công trình theo hướng vẽ kí họa (tức là vẽ bắt nét), mà không tư duy theo cấu trúc khối. Vd ae có thể phác rất nhanh công trình nhưng lại vẽ từ cái cửa sổ hay cái lan can trước, rồi từ đó vẽ lan ra. Vẽ kiểu này thì đã sai tỉ lệ một chỗ sẽ dẫn đến sai nhiều chỗ khác & không thể vẽ đúng phối cảnh của những chỗ giao cắt khối này với khối khác. Nên càng vẽ càng rối & rơi vào "mê đạo". Có muốn chỉnh sửa cũng không biết nên lần lại từ chổ nào, vì chỗ đóe nào cũng sai cả. Vì vậy vẽ dạng bắt nét chỉ để chơi thì tốt, còn không dùng nó trong thiết kế được.
Ở chiều ngược lại; tư duy đúng, có lợi cho người làm kiến trúc là tư duy theo cấu trúc của khối với đầy đủ các diện của nó & sự liên kết với các khối khác thế nào. Đây cũng là mấu chốt của việc design: xử lý công năng & hình khối. Hai cái này không thể phiên phiến được. Nên muốn kiểm soát hết được công trình thì phải tuần tự dựng đúng từ mặt đáy (mặt bằng), lên khối tích phần thân & xử lý kết thúc bằng mái. Điều này cũng đúng với trình tự thi công thực tế luôn nên sẽ giữ cho các bạn sự mạch lạc trong tư duy khi vẽ.
Hình: bản vẽ phác thảo mặt đáy của phối cảnh trục đo & phối cảnh 2 điểm tụ. Không kiểm soát tốt cái này thì phối cảnh dựng lên vô nghĩa, vì nó sai tùm lum.
Khi rảnh sẽ post tặng các bạn trình tự dựng phối cảnh 2 điểm tụ.