09/07/2024
Du lịch là một lĩnh vực hiện đang rất cần, cũng như đang thu hút rất nhiều nhân lực trẻ. Thị trường du lịch rất đa dạng và có nhiều tiềm năng trong những năm gần đây, với các bạn sinh viên ngành ngôn ngữ Ý thì đây là một trong những cơ hội việc làm triển vọng trong bối cảnh hiện tại. Vì thế với sự động viên từ nhà trường, sự hỗ trợ đáng quý về kinh phí từ các đối tác công ty du lịch, các đoàn thể, tổ chức, khoa Ngữ văn Tây ban nha - Italia đã tổ đợt học tập thực tế tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho sinh viên
🎯Ngày đầu tiên trong buổi tập huấn nghiệp vụ, giảng viên hướng dẫn là cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh phó trưởng khoa, cùng với sự hiện diện đáng quý từ các thỉnh giảng khách mời là thầy Trần Thế Doanh, giảng viên đến từ trường Đại học Văn Lang và là một hướng dẫn viên du lịch tiếng Ý kì cựu; không thể thiếu được là sự chia sẻ rất tâm tình đến từ anh Nguyễn Công Danh là hướng dẫn viên với nhiều năm kinh nghiệm, cùng các anh chị HDV kì cựu khác vô cùng tâm huyết với nghề, cũng như đại diện của các công ty du lịch trong nước có hoạt động trong thị phần du lịch khách Ý, và cuối cùng là sự góp mặt háo hức mong đợi từ các sinh viên khoa Ý. Trong buổi tập huấn này, sinh viên được tiếp cận gần hơn với ngành nghề HDV qua cách đặt vấn đề và giải đáp thắc mắc tới từ các thầy cô giảng viên, anh chị hướng dẫn viên và đại diện các công ty du lịch
Vậy các yếu tố cần và đủ để trở thành một HDV lành nghề đó là gì?
Điều chắc chắn phải có đó là: Sự chuẩn bị, không chỉ về sự chuyên nghiệp trong nghiệp vụ-kĩ năng, trong kiến thức-ngôn ngữ, mà cả trong thái độ và tư duy, để đáp ứng được những yêu cầu cần và đủ trong công việc: như cần sự hợp tác hài hòa giữa HDV và các mối quan hệ khác trong công việc ( như với khách, điều hành, trưởng đoàn, tài xế,...); cần sự linh hoạt khi tính chất ngành nghề làm việc trực tiếp với con người; cần biết cách quản lý thời gian một cách chuyên nghiệp bài bản; biết cách giải quyết vấn đề trong các tình huống đa dạng; cần có kỹ năng kiểm soát cảm xúc và giải tỏa áp lực; cần học cách lắng nghe học hỏi và tôn trọng sự khác biệt, cách truyền đạt bằng ngôn ngữ-cử chỉ để tránh xung đột về văn hóa; cũng như quan trọng không kém là cần biết kỹ năng bảo vệ bản thân trong các tình huống. Bên cạnh đó, phải có đủ sức khỏe, đủ kiến thức về ngôn ngữ cũng như văn hóa, xã hội, biết chọn lọc thông tin đưa ra để thuyết minh theo hướng đúng, đủ, súc tích, cũng như chọn lựa các chủ đề hấp dẫn, thu hút để thuyết minh.
🎯Ngày thứ hai trong chương trình tập huấn nghiệp vụ du lịch, sau khi tích lũy những kiến thức từ ngày tập huấn đầu tiên, các bạn sinh viên trong khoa đã có cơ hội để đi, trải nghiệm và học hỏi trực tiếp từ thực tế. Trải nghiệm nghề hướng dẫn viên trên cung đường từ thành phố Hồ Chí Minh về Bến Tre, quan sát và học hỏi kinh nghiệm từ thầy cô hướng dẫn, tích lũy những kiến thức mới trên đường tour. Chuyến đi này là chuyến đi kết hợp giữa học tập và trải nghiệm thú vị, ví dụ như trải nghiệm tham quan lò làm gạch, tham quan xưởng làm kẹo dừa địa phương, nghe đờn ca tài tử, ăn trái cây, trải nghiệm đạp xe và đi xuồng chèo trên những con kênh rợp bóng dừa, hay tham quan nghề dệt chiếu, và thưởng thức ẩm thực miền Tây, tìm hiểu về đời sống, phong tục của người dân địa phương.
Và cùng lắng nghe góc nhìn từ một số bạn sinh viên, để biết họ đã học được gì từ hai buổi tập huấn này:
🧑🎓 “Đoàn mình lên xe di chuyển từ HCM về Bến Tre trên đoạn đường khoảng 2 tiếng 30 phút, bản thân em thực sự đã học được rất nhiều qua hai buổi tập huấn do khoa tổ chức và đầu tư thật nhiều cho chúng em, em không chỉ học và tiếp cận được những kiến thức về nghiệp vụ du lịch, biết được những kĩ năng, những quy tắc, những chú ý trong công việc ngành nghề này, mà bên cạnh đó chúng em còn học được rất nhiều những kiến thức bổ ích liên quan, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Như trong chuyến đi đến thành phố Bến Tre, thuộc lưu vực dòng sông MêKông, chúng em hiểu rõ hơn về dòng sông chảy qua quê hương mình, như cái tên của dòng sông là Cửu Long, nghĩa là dòng sông có chín nhánh chảy trong lãnh thổ Việt Nam, tượng trưng cho chín chú rồng uốn lượn trên mảnh đất này, mang lại sự dồi dào, phì nhiêu màu mỡ cho vùng đất, nơi có dòng sông ngự trị, tới ngày nay thì chỉ còn lại bảy nhánh sông mà thôi, nguyên do bởi sự bồi tụ của phù sa theo thời gian”
👨🎓Một sinh viên khác chia sẻ: - “ Giờ quan sát để ý và nhờ chuyến đi thực tế này em mới biết thì ra ở Bến Tre cây dừa được người dân tận dụng triệt để tới thế. Lá và thân để làm đồ thủ công hoặc lợp ngói; trái thì cho nước, cái dừa để ăn hoặc làm bánh kẹo, mứt, ép lấy dầu dừa; xơ dừa để làm thảm; vỏ thì làm nguyên liệu đốt, hay bột vỏ dừa và tro tạo thành đất sạch bón cho cây, gáo dừa còn dùng làm than hoạt tính sản xuất trong nhiều lĩnh vực như kem đánh răng chẳng hạn hoặc dùng làm thủ công mỹ nghệ... thế mới thấy cây dừa Việt Nam mình hữu dụng thế đấy ạ, chẳng bỏ đi thứ gì cả, người dân Việt Nam mình thì thật sáng tạo và cần mẫn”
👩🎓 “Trên đường đi công việc của người hướng dẫn là giới thiệu những điều thú vị và hấp dẫn cho đoàn, băng qua những ngôi mộ được xây giữa các thửa ruộng, biết được phong tục mai táng của địa phương, hiểu được đặc trưng vùng miền và nhìn thấy được yếu tố tâm linh được thể hiện mạnh mẽ trong cộng đồng... những kiến thức như này thực sự trước giờ chúng em tiếp cận khá nông và có những thứ chưa từng được biết nếu không có buổi tập huấn ngày hôm nay, chúng em cảm ơn rất nhiều”
👨🎓 “Du khách nhiều khi không biết những điều tưởng chừng rất đơn giản, vậy mới thấy được vai trò của người HDV trong việc hiểu được sự khác nhau về văn hóa để hướng dẫn tận tâm và chính xác trong công việc ạ, ví dụ trong việc thưởng thức trái cây có các vị khác nhau thì cũng cần lưu ý thứ tự khi ăn để có trải nghiệm tốt nhất: như nên ăn những trái có vị nhẹ trước như khóm, bưởi, chôm chôm, sau đó có thể ăn chuối, mít, xoài để không bị mất đi vị ngon của trái cây, kèm theo nét đặc trưng như chấm muối ớt khi ăn trái cây mà ở một số quốc gia không có thì đó cũng là trải nghiệm thú vị đối với du khách”
Thế mới thấy câu nói đi một ngày đàng học một sàng khôn luôn có lý do của nó, như sự bồi tụ của dòng sông, qua mỗi một chương trình học tập, tập huấn, kiến thức của sinh viên trong khoa cũng được bồi đắp và trở nên phong phú hơn mỗi ngày, dòng chảy của tri thức chảy mãi không ngừng và đưa các em tới nhiều vùng đất để phát huy và khiến chúng trở nên màu mỡ.
Khoa Ngữ văn TBN-Italia xin dành lời tri ân chân thành nhất tới các thầy cô, các khách mời, các đoàn thể công ty đã dành sự quan tâm và hỗ trợ tới khoa để chương trình tập huấn lần này được diễn ra thành công và gặt hái được những kết quả tốt đẹp.