11/06/2021
CÔNG TÁC CAI NGHIỆN PHỤC HỒI NƯỚC TA HIỆN NAY
Thực tiễn công tác phòng, chống ma túy ở nước ta thời gian qua đã cho chúng ta vô số bài học quý giá trên nhiều lĩnh vực. Nhiệm vụ phòng, chống ma túy sẽ còn là sự nghiệp lâu dài, những bài học này sẽ giúp chúng ta nhìn nhận lại mình để làm tốt hơn trong tương lai.
Trước hết, phải thành thật xin lỗi các anh, chị đang công tác trong các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực cai nghiện phục hồi, đặc biệt là các anh đã phải hy sinh xương máu của mình cho sự bình yên hôm nay nếu nói rằng chỉ có công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy mới khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ, như các cụ đã nói: “mọi sự so sánh đều khập khiễng” hoặc “chỉ là tương đối”. Ý chúng tôi muốn đề cập trong bài viết là công việc cai nghiện phục hồi cho người nghiện để biến những người lệch lạc về nhân cách, phần đông trong số đó đầy mình tiền án, tiền sự trong khi các điều kiện đảm bảo còn rất thiếu thốn thì quả là công việc cực kỳ khó khăn.
Do bị ảnh hưởng sâu sắc quan điểm lỗi thời, đầy cảm tính về nghiện ma túy và người nghiện của một số nước châu Âu từ thế kỷ 19 mà trong một thời gian dài chúng ta tiếp cận vấn đề cai nghiện ma túy một cách đơn giản, hành chính và thiếu cơ sở khoa học. Cũng xuất phát từ quan điểm coi sử dụng ma túy là tệ nạn, các “con nghiện” bị xã hội lên án, kỳ thị. Bởi trong đầu mọi người luôn thường trực một ý nghĩ, họ là đối tượng của một loại tệ nạn nguy hiểm, cần phải xa lánh nên ít ai để tâm tìm hiểu lý do vì sao họ phải sử dụng ma túy và càng ít người băn khoăn liệu mình có trách nhiệm gì trong việc họ sử dụng ma túy hay không !. Với nhiều yếu thế hơn hẳn so với người bình thường, cộng với những quan điểm như vậy, người nghiện ma túy ngày càng bị đẩy ra lề xã hội. Hậu quả là, tác động tiêu cực do ma túy gây ra cho xã hội càng trầm trọng hơn. Sự đơn giản hóa trong vấn đề cai nghiện thể hiện ở chỗ cứ nghĩ cắt cơn cho họ rồi thả về là hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian của một đợt điều trị có khi chỉ là dăm bữa nửa tháng. Những lý do để
đưa họ từ một người bình thường trở thành người nghiện ma túy vẫn còn nguyên cùng với họ trên đường trở về cộng đồng. Trên lĩnh vực quản lý, đã có lúc những mô hình cai nghiện bằng cách cách ly người nghiện ra đảo được tôn thờ bởi lẽ nhiều người tin rằng cứ cho ra đảo không có ma túy chích, hút là hết nghiện. Mô hình tập trung vài ngàn người vào một trung tâm để cai nghiện nhiếu khi được quảng bá với thế giới như một cách làm mới mang tính đột phá kiểu Việt Nam, v.v… Để rồi dần dần chúng ta mới ngộ ra rằng cai nghiện ma túy là vấn đề phức tạp hơn thế nhiều. Có cách ly người nghiện giỏi lắm chỉ vài năm chứ không thể làm suốt đời. Càng tập trung đông người hiệu quả càng thấp do mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và người được hưởng dịch vụ (người đi cai nghiện) lỏng lẻo làm sao có thể làm tốt công tác tư vấn, giáo dục hành vi được. Từ thực tế này, là chỉ sau thời gian ngắn (có khi chưa đủ tính được bằng ngày) kể từ kết thúc chương trình cai nghiện họ đã lại tái nghiện. Tỷ lệ tái nghiện cao tới mức mà đôi khi chúng ta nghe những ý kiến không mấy thiện cảm từ một số tổ chức nước ngoài. Thậm chí họ còn kiến nghị chúng ta đóng cửa các trung tâm này.
Mô hình cai nghiện tại gia định, cộng đồng cũng không ít khó khăn do việc tổ chức thực hiện thiếu nhiều điều kiện đảm bảo. Thay vì chỉ tổ chức cai cho những người mới nghiện, những người có sự hỗ trợ rất mạnh mẽ từ phía gia đình thì nhiều địa phương lại đưa những người tái nghiện nhiều lần vào cai theo cách này.
Bỏ qua những phản ánh và kiến nghị thiếu cơ sở thực tiễn, xuất phát từ những góc nhìn phiến diện (thiên về bảo vệ quyền lợi của người nghiện mà tảng lờ quyền được bảo vệ khỏi bị người nghiện xâm hại của hàng triệu con người), v.v.. chúng ta tin tưởng và sẽ vẫn tin tưởng vào tính nhân văn của công việc mình làm. Tuy chưa đạt được mục đích cao nhất là làm đại số đông người nghiện vĩnh viễn từ bỏ nghiện ma túy sau một hai năm cai nghiện song việc tập trung cai nghiện cho gần 40 nghìn lượt người mỗi năm cũng đáp giải quyết nhiều bức xúc trong xã hội. Trật tự an toàn xã hội được cải thiện do ít hơn hành vi vi phạm pháp luật gây ra bởi người nghiện. Xã hội tiết kiệm được khoản tiền đáng kể do người nghiện dùng để mua ma túy, v.v… Mặc dù vậy chúng ta cũng không khỏi băn khoăn với mức độ thành công đối với sản phẩm đầu ra của mình. Đó là tỷ lệ tái nghiện còn rất cao sau một thời gian người nghiện được trao chứng chỉ hoàn thành cai nghiện. Chúng ta cũng cần xem lại xem có gì không ổn trong việc khoán chỉ tiêu cho các địa phương trong quá trình xây dựng kế hoạch cai nghiện, để quan tâm đến các giải pháp nâng cao hiệu quả của chúng.
Cũng may, theo thời gian, và cũng nhờ tiếp cận những quan điểm mới của thế giới về lĩnh vực nghiện, chúng ta càng ngộ ra sự ấu trĩ, nóng vội trong suy nghĩ và cách làm của mình. Đặc biệt khi tiếp cận các bằng chứng khoa học về nghiện, các giả thuyết về mối liên quan giữa yếu tố di truyền với hành vi sử dụng ma túy, v.v… Từ khi thế giới coi nghiện ma túy là một loại bệnh, người nghiện ma túy là một loại bệnh nhân thì ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức. Trung tâm cai nghiện được coi là Cơ sở chữa bệnh, giáo dục, lao động – xã hội. Người nghiện đã nhận được Xã hội đã bớt kỳ thị người nghiện hơn.
Năm 2000 với việc Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy, thời gian cai nghiện bắt buộc tại trung tâm đã được quy định rõ là từ 1 đến 2 năm. Đây là một tín hiệu rất mừng cho thấy các nghiên cứu khoa học về nghiện đã được quan tâm hơn và dần thay thế cách làm cũ. Theo đó, để quá trình hồi phục các chức năng của não do tổn thương ma túy gây ra cần phải tới 2 năm. Và cũng cần phải có ngần ấy thời gian mới đủ thực hiện các quy trình giáo dục, củng cố các kỹ năng phục vụ việc chống tái nghiện khi họ trở về cộng đồng. Việc quy định mốc tối thiểu 1 năm chẳng qua là để giải quyết khó khăn cho một số địa phương chưa có đủ chỗ để tiếp nhận người nghiện mà thôi.
Rồi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan đưa ra Quy trình cai nghiện 5 giai đoạn trong việc điều trị cho người nghiện he**in cũng là một mốc đánh dấu sự thay đổi về nhận thức. Cùng với đó, công tác bồi dưỡng năng lực chuyên môn và các chính sách khuyến khích cán bộ tâm huyết vào công tác tại các trun tâm cai nghiện cũng được quan tâm hơn. Còn nhớ, có giai đoạn, một nghiên cứu về công tác tổ chức, cán bộ làm việc cho thấy gần 50% trong số học chưa được qua bất cứ lớp đào tạo chuyên môn nào. Như thế chất lượng cai nghiện không thấp mới là lạ!. Nhờ việc tiếp thu kinh nghiệm của một số nước tiên tiến, hoạt động cai nghiện đã chú ý giải quyết đồng thời nhiều nhu cầu của người nghiện thay vì chỉ chú ý đến hành vi sử dụng ma túy của người nghiện như trước đây. Việc chú ý đến giáo dục hành vi, sửa đổi nhân cách thông qua các hoạt động tư vấn, lao động trị liệu, v.v… theo mô hình DAYTOP của Hoa Kỳ là rất cần thiết. Rất tiếc, do nhiều nguyên nhân mô hình không thu được hiệu quả đúng như mong muốn. Một mô hình điều trị nghiện he**in thực sự đáp ứng rất nhiều nhu cầu về tâm lý, thể chất của người nghiện và đang được đánh giá cao ở nhiều nơi trên thế giới chỉ thu được kết quả hạn chế ở nước ta do áp dụng một cách què quặt, méo mó, chạy theo hình thức.
Cùng với đó là chủ trương đa dạng hóa, xã hội hóa công tác cai nghiện. Trong quá trình quản lý người nghiện sau cai, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đã có sự tham gia của tổ chức đoàn thể xã hội. Nhất là từ khi Chính phủ có chủ trương triển khai mô hình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone thì càng thêm nhiều sự lựa chọn. Những đối tượng tái nghiện nhiều lần có thể chọn giải pháp này để giảm tại căng thẳng cho các cơ quan chính quyền. Những định hướng mới này chắc chắn sẽ tạo động lực mới và cải thiện chất lượng công tác điều trị cho người nghiện ma túy trong thời gian tới ở nước ta.
Chúng ta đang sống trong bối cảnh diễn biến tình hình ma túy rất phức tạp. Nhiều loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp đang có chiều hướng lan rộng và tác động mạnh đến nhiều đối tượng trong xã hội. Việc các cơ quan chức năng đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đổi mới các phương pháp cai nghiện là điều rất mừng. Điều này đáp ứng nhu cầu cả người nghiện và các thành viên khác trong xã hội. Song thiết nghĩ đã đến lúc cần có các phương án đối phó với các loại ma túy mới, nhất là quy trình điều trị cho người nghiện các chất ma túy tổng hợp./.
- Theo: Đại tá Tạ Đức Ninh
Văn phòng Thường trực phòng, chống ma túy – Bộ Công an