18/09/2024
ĐÀ NẴNG: KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố đang có những tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, các mục tiêu an sinh xã hội của thành phố được duy trì thực hiện.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng
Theo Cục Thống kê thành phố, tính chung 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao nhất của 7 tháng kể từ năm 2019 đến nay. Trong đó, có 3/4 nhóm ngành chính đạt tăng trưởng dương, gồm: sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 15,6%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7%. Một số nhóm ngành có mức tăng trưởng khá như: vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên tăng 86,4%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại tăng 80,2%; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, tàu vũ trụ tăng 50,3%... Nhu cầu tiêu dùng, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân tăng cao trong trong tháng 7, tháng cao điểm của mùa du lịch hè. Các hoạt động thương mại, du lịch diễn ra sôi động với nhiều chương trình kích cầu được triển khai đồng loạt, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến với Đà Nẵng nên ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng 2024 ước đạt 79.675,3 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu du lịch lữ hành tăng 57,6%.
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,87 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 3,7%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 768,4 triệu USD, tăng 24,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2024 tiếp tục duy trì xuất siêu gần 334,3 triệu USD.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20-7-2024 đạt 14.378 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 3.479 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 10.898 tỷ đồng. Trong tổng thu ngân sách Nhà nước, hoạt động thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (88,4%) và là cơ sở để thực hiện cân đối các nguồn chi trong năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 17.486 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.
An sinh xã hội được bảo đảm
Trong tháng 7-2024, thành phố tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm, giải quyết việc làm cho 183 lao động. Tổng nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm là 3.499 tỷ đồng, trong đó cho vay đến cuối tháng 6-2024 là 836 tỷ đồng với 12.295 dự án, góp phần giải quyết việc làm cho 12.336 lao động, bình quân mỗi lao động được vay hơn 67 triệu đồng. Tổng các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố ước tạo việc làm cho 3.030 lao động, trong đó, có 3.030 vị trí việc làm tăng thêm. Đồng thời, thành phố thẩm định và có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho 7.923 trường hợp với số tiền chi trả hơn 179 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố phối hợp với Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tổ chức Ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên và người lao động, với sự tham gia của 128 đơn vị tuyển dụng, kết quả ngày hội có 693 lao động được kết nối giới thiệu việc làm. Tại Đà Nẵng, tỷ lệ tốt nghiệp kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là 97,98%.
Trong tháng 7, thành phố thực hiện giải quyết trợ cấp hằng tháng và một lần cho 101 trường hợp người có công với cách mạng và thân nhân; trong đó, trợ cấp hằng tháng 20 trường hợp và trợ cấp 1 lần 81 trường hợp; trợ cấp khó khăn đột xuất cho 29 trường hợp với số tiền 87 triệu đồng. Nhìn chung, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được giữ vững; bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, không xảy ra điểm nóng, phức tạp gây dư luận xấu trong xã hội.
Đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư
Đầu tháng 7 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu đoàn công tác thành phố Đà Nẵng tới Hàn Quốc làm việc với các địa phương, doanh nghiệp Hàn Quốc. Qua đó, mở rộng mối quan hệ hợp tác, cụ thể hóa các hoạt động thu hút đầu tư với các thành phố Daegu, Busan, Tập đoàn Samsung Electronics, Công ty TNHH Dentium, Công ty KP Aero… Ngay sau chuyến công tác của thành phố, ngày 2-8, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam dẫn đầu chuyến thăm và làm việc của đoàn tại Đà Nẵng.
Đây cũng là những bước tiến tiếp theo của Đà Nẵng trong việc phát triển ngành công nghệ cao, công nghiệp vi mạch bán dẫn thông qua đẩy mạnh hợp tác. Ngay sau khi thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC) và tổ chức thành công sự kiện “Meet Danang 2024” vào ngày 26-1, lãnh đạo thành phố đã tổ chức chuyến công tác đến Hoa Kỳ để làm việc với các tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết kế vi mạch, bán dẫn như: Synopsys, Nvidia, Marvell, Qualcomm, Intel… vào tháng 2-2024. Hiện thành phố đang xây dựng đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành vi mạch, bán dẫn Đà Nẵng.
Từ ngày 1-1-2024 đến ngày 15-7-2024, thành phố thu hút được 28,28 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: có 42 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới đạt 23,98 triệu USD; có 15 lượt dự án điều chỉnh tăng, giảm vốn với tổng vốn đạt 3,58 triệu USD; có 8 lượt mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo ngành, trong 7 tháng năm 2024, các dự án đăng ký mới chủ yếu tập trung ở ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 28,6%); ngành thông tin và truyền thông (chiếm 21,4%); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (chiếm 19%)…
Nhiều giải pháp được triển khai
Về các giải pháp thu ngân sách, ông Phạm Đức Thường cho biết, Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho biết, ngành thuế đã và đang thực hiện ký kết quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa, xác định các nội dung công việc cụ thể của từng đơn vị, chế độ báo cáo, cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phối hợp, chống thất thu ngân sách. Đơn cử, quy chế phối hợp với Sở Giao thông vận tải ký kết vào ngày 1-7 vừa qua về quản lý thuế với hoạt động kinh doanh vận tải thì sở sẽ chia sẻ với với cơ quan thuế khi có đề nghị liên quan đến dữ liệu giám sát hành trình đối với các phương tiện vận tải bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; phương thức tính tiền cước vận chuyển của các loại hình vận tải đã đăng ký với sở, qua đó hạn chế tối đa thất thu thuế. Tuy tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng vượt so với cùng kỳ, nhưng số thu xuất, nhập khẩu thấp cho thấy thị trường còn gặp khó, một số doanh nghiệp nhập khẩu lớn qua cảng Đà Nẵng có số thu giảm. Từ giữa quý 2 đến nay, hoạt động xuất, nhập khẩu có tín hiệu tích cực hơn nên ngành hải quan đang triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách.
Ông Quách Đăng Hòa, Cục trưởng Cục Hải quan cho biết, đơn vị đang xây dựng và sớm triển khai chương trình chống thất thu ngân sách Nhà nước năm 2024, trong đó chú trọng các giải pháp thu hồi nợ đọng, thực hiện thu đúng, thu đủ, nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước, không để phát sinh nợ mới; tăng cường quản lý và chống thất thu về giá, tăng cường công tác kiểm tra gian lận về phân loại và số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Cục tăng cường các giải pháp thu hút doanh nghiệp làm thủ tục xuất, nhập khẩu thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số. Kết quả đến ngày 30-6, tổng số doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Cục Hải quan Đà Nẵng là 2.409 doanh nghiệp, tăng 17,11% so với năm 2023; trong đó, doanh nghiệp ngoài địa bàn là 1.604 doanh nghiệp, chiếm 66,58%.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sở đã tham mưu UBND thành phố thực hiện các thủ tục liên quan để thành lập Cụm công nghiệp Hòa Liên và triển khai thực hiện thủ tục đưa Cụm công nghiệp Hòa Liên đi vào vận hành, khai thác; ban hành Bộ Tiêu chí lựa chọn Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hoà Nhơn. Đối với Cụm công nghiệp Hoà Nhơn, thành phố đang nghiên cứu thực hiện thủ tục mời nhà đầu tư quan tâm. Thời gian tới, ngành công thương tiếp tục tham mưu UBND thành phố hoàn thành thủ tục chọn nhà đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm - giai đoạn 2; tiếp tục có đề xuất đối với thu tục chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án KCN Hòa Ninh; tiếp tục duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, theo dõi trật tự xây dựng tại Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các KCN.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê, đề xuất thành phố tập trung các nguồn lực để đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới, góp phần tăng sức cạnh tranh của điểm đến để thu hút khách du lịch; xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ các thị trường quốc tế; nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Thành phố tiếp tục tập trung giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình và tiến độ thực hiện hợp đồng; hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, dự án theo đúng kế hoạch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, giá trị các công trình, hạ tầng kỹ thuật. Thành phố cần tập trung nguồn lực để tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đa dạng hóa đối tác và hình thức đầu tư.
MAI QUẾ