nhác thì nháp

nhác thì nháp

Share

mình hông phải người giỏi viết hay thích viết, nhưng mình có nhiều câu chuyện muốn kể ra

05/02/2024

tết là để chào nhau.

từ nhỏ, mình đã không háo hức mấy với chuyện lì xì. sau này nghĩ lại, chắc vì lúc đó may mắn không phải lo cơm áo gạo tiền, được bao nhiêu thì cũng chẳng giữ nên không quan trọng mấy.

với mình, tết là để gặp nhau. gặp những người bình thường chẳng bao giờ gặp, hoạ hoằn lắm nhắn được vài câu nhưng cuộc sống đôi bên về cơ bản là hai đường song song không dính dáng. hồi đó chỉ cần cái tin “nhớ em, ra chơi thường xuyên hơn đi” là đã đủ cho mình vui hết tết, chẳng còn nhớ năm đó “thu hoạch” được mấy trăm.

lứa choi choi trong họ lớn lên mỗi người mỗi ngã, dần dà chẳng còn mấy chủ đề chung để nói chuyện. nhưng có lẽ quan trọng hơn là, trong lúc loay hoay tìm đường cho bản thân, nhiệt thành đã dần bị thay thế bởi lãnh cảm. không chung thực tại chắc chỉ là thứ yếu, chủ yếu là, đã chẳng còn đủ thoải mái để chia sẻ cho nhau. tụi mình không nhớ nhau nữa, vì đã bận lo nghĩ và nhớ đến tỷ thứ khác trong đời.

về sau, tết chỉ còn là để thấy nhau. ở cái tuổi không đủ nhỏ để vô tư, nhưng không đủ lớn để “bàn chuyện nhà”, ngồi nhìn những cuộc trò chuyện ngày tết làm mình hay suy nghĩ. mình từng rất ghét những buổi hội họp với họ hàng vì toàn chuyện trò vô nghĩa. sau này nhận ra hình như khi thấy khó chia sẻ quá, người ta tìm thấy sự an ủi trong chuyện thấy nhau. biết ông bà vẫn còn sống, cô dì chú bác vẫn còn khoẻ, vậy là đã yên tâm.

đôi khi mình cũng thấy sợ hãi khi nghĩ đến lúc mình thay chỗ ba mẹ, ba mẹ lại thay chỗ ông bà. những trăn trở đó, may mắn là mình luôn có thể kể cho ai đó nghe. có rất nhiều chuyện trên đời thật ra không được kể ra để tìm lời giải; mà có lẽ cái cảm giác mình không một mình, cái cảm giác có ai đó ôm ấp những lo lắng, sợ hãi, tức giận của mình thay mình, có người kiên nhẫn đợi mình đến khi trời sáng hơn mới làm người ta đủ sức gắng gượng hay thậm chí đứng dậy đi tiếp sau giông bão. đôi khi thay vì cố sức làm thần biển hô mưa gọi gió, đơn thuần là làm một ngọn hải đăng cho người cần lại thiết thực hơn.

mình vẫn luôn thấy ít việt nam nhất khi đến tết, vì ở nhà không cúng không bày mấy. dù vậy, vẫn có những thứ mình gắn liền với tết - bánh chưng bánh tét, hoa mai hoa đào, liễn tre, đôi câu đối, vài quả dưa, dăm ba phong lì xì. và cũng có những thứ mình vẫn mãi gắn liền với một vài người, ngay cả khi cuộc đời tụi mình đã chẳng còn mấy liên quan tới nhau:

tàu. xoài. tuyết. trung hoa. sách. trời sao. ong. bánh vòng. thư từ. tiền mặt. biển.

dù là hứa hẹn gặp nhau vào tết, hay đơn giản chỉ để thấy nhau,
giờ với mình tết là những lời chào gần xa.

31/12/2023

cuối năm 2023, mình cứ lăn tăn mãi không biết viết gì cho đủ “sâu sắc”
rất nhiều lần, hai ba dòng suy nghĩ nhưng rồi cũng không thành được câu
nên mình quyết định nhìn lại những đoạn mình thích nhất trong năm vừa rồi (dưới bình luận)

mong bạn chào năm mới với nhiều thư thái và an yên
cảm ơn bạn,
vì đã ở đây

10/10/2023

khoảng đầu năm nay, mình bắt đầu lờ mờ nghĩ đến chuyện muốn thử chụp phim.

thật ra người chụp phim xung quanh mình không thiếu, mà phim cũng không phải quá đắt đỏ để dấn thân “thử” (tất nhiên là ở mức cơ bản thôi, còn đầu tư sâu thì muốn cỡ nào cũng có…). nhưng cũng chẳng hiểu sao, mình luôn thấy nó là một thứ gì đó khó khăn, xa xỉ - cho đến ngày mình quyết định à, sẽ mua máy film. thật ra nghĩ kỹ lại thì làm gì có gì là tự nhiên - nếu không phải mấy năm đã theo dõi ảnh mọi người chụp, thấy vài người xung quanh cũng đã bắt đầu đụng tay đụng chân, được voucher giảm giá máy (dù lúc dùng tới thì hết hạn), thì có lẽ bây giờ mình vẫn sẽ chưa bắt đầu.

nay ba mình hỏi con chuyển sang chụp phim thấy thế nào. ngoài chuyện giúp mình sống chậm hơn (dù trước giờ mình đều đã sống rất chậm) và thận trọng hơn, một phần lớn vì sao mình muốn tiếp tục với phim là đặc tính bắt chụp khoảnh khắc. dù có từ tốn cẩn thận đến mấy với khung hình, bấm máy phim tức là đã chấp nhận những rủi ro: là cọng tóc bay qua, là con chó nhổm người chạy mất, là bước chân vụt khỏi khung hình, là chiếc xe trờ tới che mất cả tấm ảnh. chụp phim cho mình cảm giác sống lại thời gian qua từng khung ảnh đó, vì từ lúc canh chụp đến ngày ảnh về tay là cả một quá trình dài.

hôm dọn nhà mình suýt mất máy phim, tiếc cái máy một mà tiếc cuộn phim đang chụp dở mười. chụp phim cũng dở khóc dở cười, có lần chụp hết cả cuộn đem rửa mới biết bị tuột phim. có lần cầm máy lỡ tay mở máy, cháy hết phim.

nhưng chụp phim vẫn sẽ luôn có một cảm giác gì đó của những tương tác vật lý mà chụp số không đem lại cho mình được. có lẽ là, mỗi lần phải nhúng phim để tráng trong phòng tối, cũng giống như một lần mình nhắm thật chặt mắt, dùng tất cả những giác quan còn lại để nhúng mình về với khoảnh khắc bấm máy vậy.

giờ cuối năm rồi, mình vẫn đang lờ mờ tập chụp máy phim.

14/04/2023

hồi bữa tự nhiên thấy hình cô giáo cũ, mình nhớ cô, nhớ năm đầu bước chân vào đại học kinh khủng. gần đây trường có nhiều chuyện xảy ra, mọi người hay nói nhau là, thấy không còn được quan tâm nữa.

dạo này có nhiều thứ làm mình bắt đầu nghĩ về chữ “quan tâm” lắm. như nào mới gọi là quan tâm? chắc nếu chỉ có mỗi thành ý thôi thì không đủ — người ta cũng hay bảo mà, quan trọng là người nhận có thấy được quan tâm không, chứ kêu tui quan tâm thì ai mà chả nói được. nhưng làm sao để biết hành động nào “đúng cách” thì khó quá trời.

hồi đó mình hay nghĩ thành tâm thì tự nhiên hành động cũng sẽ đúng thôi, dù có ngô nghê hay vụng về hơn tẹo. rồi có lần, bạn mình tặng quà là cuốn sổ đã để rất lâu ngày, không gói, để trong một cái túi giấy của trung tâm thương mại đã nhàu nát. mình trách bạn không để tâm tới mình, giận mất mấy ngày trời. là bạn không quan tâm, hay tại đối với bạn quan tâm nó hiện hữu trong chuyện tặng được món quà, chứ không phải tặng quà ra làm sao?

hồi đó mình mong tới sinh nhật, dù ghét sinh nhật từ sớm. tại mình muốn biết ai sẽ nhớ sinh nhật, chúc mừng, tặng quà cho mình. mình coi việc nhớ ngày sinh là “cột mốc” cho sự quan tâm — lâu lâu bâng quơ hỏi mà kêu không nhớ ngày, mình cũng buồn mất một khúc. nhưng lớn lên rồi, tự nhiên thấy chuyện đó không còn quan trọng nữa. 364 ngày trong năm, người ta quan tâm mình hay không, chả lẽ chỉ cân đo đong đếm bằng một lời chúc trong một ngày, giờ mình thấy vậy (dù là, có ai chúc thì vẫn rung rinh nhiều xíu xiu).

hồi đó mình hay thấy hỏi han cũng đã là quan tâm. nhưng rồi bữa bị té xe, ráng lết được tới nhà, máu cũng còn chảy nhỏ giọt. bạn cùng phòng mình hỏi bị sao, có sao không, nhưng cũng chỉ vậy, mình tự lo liệu hết. bạn cùng phòng khác của mình tối đó chạy về, hỏi mình có cần giúp gì, xe có bị sao không (tại biết mình mới mua xe). đó, nhỏ nhỏ vậy thôi nhưng mà thấy khác liền, dù mình không lý giải được tại sao cảm được một cái, còn cái kia thì không.

hồi đó mình hay bị trách là “máy móc”, là không thật tâm, là quan tâm suông cho có. nhiều lúc mình cũng tự thấy mình vậy thật, rồi hoặc là mình “bơ đi mà sống” rồi tự cho là mình cũng đã cố hết sức mà không hợp ý người ta thôi, hoặc là mình tự chì chiết bản thân sao không “tự biết” cách quan tâm người mình cần quan tâm.

hồi đó mình bị một người bảo là chưa từng thật lòng quan tâm người bạn nào trừ họ, giận kinh khủng nhưng rồi cũng thôi. vì chắc là, người đó có thấy mình quan tâm bạn mình hay không cũng không còn quan trọng nữa.

chung quy lại thì quan tâm cũng dính líu tới tình cảm, mà tình cảm phức tạp thì sao quan tâm đơn giản được. hèn chi có mỗi hai chữ mà nghĩ miết nghĩ hoài mà tới giờ vẫn chưa hiểu hết.

mình vẫn tin khi mình quan tâm ai đó thật tâm, từ sâu tận trong lòng, thì tự nhiên mình sẽ cảm nhận được, và người đó cũng sẽ cảm nhận được thôi. đừng ráng dối lòng, rằng mình có quan tâm ai đó vì “đáng lẽ mình phải quan tâm chứ”, hay “mình cố gắng nhiều vậy rồi mà, còn muốn quan tâm sao nữa”.

chuyện gì từ con tim tới con tim đều dễ cảm nhận lắm. có lẽ bài học lớn nhất của mình, là học cách nghe nó nói về sự quan tâm.

27/03/2023

hôm nay trời lạ lắm, toàn mây xanh mà cứ u u.

dạo này mình nhiều suy nghĩ lắm nhưng về những người cụ thể, nên mình hay viết vẩn vơ trong những chỗ khác: những bức thư chưa gửi. những bức thư không gửi. những cuộc đối thoại với chính mình. lâu rồi mới vào lại đây, thấy lần cuối đăng là đúng 2 tháng 2 tuần trước rồi cũng hơi giật mình bật ngửa. thật ra có mấy lần cũng đã tính đăng gì đó, mà rồi lúc về đến nhà lại quên mất cái đoạn “triết lý” cần nói thế là lại thôi.

hồi năm ngoái mình được bảo năm nay là năm mình phải tự vấn nhiều, mà đúng thiệt. mới mấy tháng đầu năm mà mình luôn thấy bị đặt vào những tình huống để nghĩ, để phản tư, để hiểu mình rồi còn hiểu người (vẫn khó lắm) nhưng mình cũng lưu giữ nhiều khoảnh khắc cuộc đời hơn, quay lại cái hồi mà mình tự cho là “trẻ trâu” bạ đâu đăng đó, thi văn ra đề gì cũng khoe lên cho cả thiên hạ coi. chỉ là, giờ mình chụp cho chính mình, quay cho chính mình, kể cho chính mình về chính mình. tại, mình dễ quên.

dễ quên, đỡ nhớ. mình hay tự nhủ thế. nhiều việc, nhiều người từng làm mình quay cuồng với cảm xúc (vui buồn giận lo đủ cả), giờ kêu kể lại mình cũng không còn quá nhớ điều gì đã xảy ra. nhưng cũng vì dễ quên, nên mình hay tự trách, dễ lo. mình có quên hỏi thăm ai không? mình có quên chuyện gì ai đó tâm sự không? mình có quên mất một kỷ niệm nào đó rất ngắn ngủi không? mình có đang sống “khoẻ” quá không, nếu “lỡ” quên mất mình đã tổn thương tới ai? mình hay lo nghĩ về những điều kiểu vậy.

hôm qua tự nhiên ngồi đọc lại mấy trang sổ viết hồi đầu năm, mới nhận ra cảm xúc của mình đã đi một quãng đường dài. hôm nay tự khen mình vì không bùng nổ mà cũng không táo bón cảm xúc, vì đã hiểu mình hơn, cũng vì để người hiểu mình hơn.

hôm nay mình lạ lắm, toàn nghĩ đâu đâu mà việc chưa xong.

13/01/2023

Hồi bữa tự nhiên có một người em làm cùng đọc bài, rồi nói mình viết tiếp đi. Nó kêu viết gì mà lâu lâu cứ nhảy ngang, nhưng vẫn hiểu được. Mình mới bảo thì đúng thiệt mà, nhảy ngang vậy mới đúng mạch suy nghĩ của chị. Cũng muốn viết lắm, nhất là qua năm mới rồi, mà mãi vẫn chưa thấy có thời gian để viết.

Nay được sấp nhỏ mời ăn cơm, mình buột miệng ”chắc cả tháng rồi chị mới ăn cơm nhà kiểu này”. Tại lúc ở một mình, mình lười dọn lười nấu lắm. Mình hay ăn đại cái gì cho xong, nhiều khi khỏi ăn luôn để khỏi nghĩ. Trưa nay may sao, được tụi nhỏ mời.

Hồi lâu có lần mình nhận được câu hỏi, muốn được nhớ nhất về điều gì. Đó giờ mình chỉ biết muốn được nhớ là một người quan tâm và để ý đến người khác thôi. Nhưng càng ngày càng thấy cái đó khó quá trời, nhiều khi mãi mà vẫn bị nói là không quan tâm. Nhiều khi khác thì không ai phản hồi những sự (cố gắng tỏ ra?) quan tâm đó.

Nên mình sợ lắm. Rồi cứ hay tự hỏi, mình quan tâm mọi người, vì mình quan tâm, hay vì mình muốn được nghĩ là một người biết quan tâm? Mình muốn được vô tư quan tâm, nhưng cũng sợ cái quan tâm đó không đúng cách, hay thậm chí là phiền người khác nữa. Nên đôi khi mình cũng rụt lại, không dám “đi” quan tâm nữa.

Vậy mà bữa giờ, đi với tụi nhỏ, mình mới thấy và cảm nhận (lại) được sự vô tư đó. Tụi nhỏ cứ mời mấy anh chị già đầu hoài, dù chẳng biết mọi người có đi không. Tụi nhỏ cũng để ý dữ lắm. ”Gắp nhiều rau vô, bả ăn rau dữ lắm.” - lúc đó, tự nhiên thấy “nhà” kinh khủng.

Chắc để mình thật sự học được cách quan tâm, và học được cách quan tâm một cách vô tư (lại) thì còn lâu lắm, nhưng mong là đâu đó trong những ngày đang học, thì tích cóp được những mẩu chuyện vui con con như này.

28/11/2022

Bữa giờ hông có bạn tàm tạm, nên tui hay phải tự chạy xe.

Tới đoạn kia tự nhiên chạy hết cây cầu thì ra ngã ba. Hồi đầu lỡ mà quên đường tui hoảng loạn lắm, quẹo trái hay quẹo phải? Lỡ quẹo sai thì chạy về phê pha luôn tại cả hai hướng đều có rào phân làn, phải chạy tít mù khơi mới quay đầu được. Sau có lần tui đi quận 1 trong 2 ngày liên tiếp, nhưng hôm trước maps chỉ quẹo trái, hôm sau maps chỉ quẹo phải.

Lúc đó tui mới vỡ ra quẹo trái hay quẹo phải gì cũng về tới nhà. Đường quẹo trái thì hay kẹt xe, nhưng mà thẳng tắp dễ chạy lắm. Đường quẹo phải thì băng qua cầu, nhưng mà được cái nhiều cây. Có vậy thôi à nhưng mà tự nhiên tui lại nghĩ tới cuộc đời. Nhiều khi có nhiều lựa chọn quá, mình thấy hoang mang, xong tự trách sao người ta chọn được rồi mà mình thì chưa. Cơ mà có khi là do đang đứng trước ngã ba dưới cầu đó thôi: quẹo trái quẹo phải gì cũng được hết, rồi cũng sẽ tới nơi mình muốn tới.

Hồi nhỏ mỗi lần phải chọn tui sợ lắm, sẽ chọn lâu ơi là lâu vì tui cứ sợ bỏ lỡ mất gì đó của những lựa chọn khác. Lớn rồi đỡ đỡ hơn xíu, nhưng mà vẫn sợ, vẫn chọn lâu. Nhỏ xíu như chọn nước trong quán cà phê thôi tui cũng sợ, nên những cái "vĩ mô" hơn, quan trọng hơn, lâu dài hơn thì thôi khỏi nói. Nhưng chỗ ngã ba dưới cầu đó đã cho tui có niềm tin hơn một xíu vào châm ngôn sống của mình, là mọi thứ xảy ra đều có lý do. Quẹo trái thì đi ngang qua hàng ăn, quẹo phải thì đi qua cây xăng. Bữa đó quẹo trái thì chắc ông trời đang nhắc mình ăn uống đủ bữa, quẹo phải thì đổ xăng cho đầy bình chớ đừng như bữa nào mém dắt bộ về. Mà lỡ đang đói nhưng quẹo phải, thì cũng ổn thôi, coi như bữa đó là dịp ăn cơm nhà.

Mong là lần tới, đứng ở ngã ba dưới cầu, tui đã bớt sợ hơn, tin mình nhiều hơn, và luôn có người đi cùng dù là quẹo trái hay quẹo phải.

15/11/2022

Hồi nhỏ người ta hay sợ bị đánh, tui thì không nhớ mấy trận đòn đau lắm (chắc cũng một phần may mắn ít bị đánh nhừ tử) mà chỉ nhớ sợ mẹ một phép vì lỗi gì cũng bắt nghỉ học. Sợ miết có một đoạn tui chán ghét luôn.

Có lần tui đi đổ rác, bình thường sẽ đi đường qua phòng khách nhưng hôm đó dở chứng tui đi đường khác, ngang qua chỗ ba mẹ tui đang nằm. Lúc đi qua thì bịch rác sượt qua ngay gần đầu ba mẹ, cái là mẹ tui nổi sùng lên rồi cho một trận.

Nhưng tui không nhớ mẹ phạt tui sao, hay tui xin lỗi kiểu gì, chỉ nhớ mẹ hỏi riết mắc cái gì mà hành xử như vậy. Thật sự là tui hông biết. Có thể có trăm vạn lý do cho việc tại sao mình (cần) làm điều "đúng" hay điều "tốt" nhưng chắc chả bao giờ có lý do hợp lý nào cho việc "xấu", việc "sai" (bỏ trong ngoặc kép tại càng sống càng thấy ranh giới đúng sai tốt xấu nhiều khi cũng khó phân định rõ ràng). Hoặc ít nhất tui đã lớn lên mà luôn tin như vậy. Nên thay vào đó, tui chọn cách tin mình là một đứa "xấu". Tin luôn là đằng nào người ta cũng sẽ nhớ việc xấu, xin lỗi cũng đâu thay đổi được gì, chả có cách nào bù đắp hết nên thôi "cải tà quy chính" cũng không để chi. Kỳ ha.

Bữa trước tui làm tổn thương một người thương. Nghĩ mình thương, nói mình thương chứ thương đúng cách chưa thì tui vẫn đang (muốn) học. Mỗi lần có chuyện gì, mẹ hay kêu nghỉ học đi vì "học chi mà không nên người". Nhưng mà học trường đời khó quá trời khó, học cách yêu thương còn khó hơn tỷ lần. Cả bao nhiêu lâu nhưng tới giờ tui vẫn chưa vượt qua hết thử thách được, cũng không dám chắc mình đã nên người. Vậy đó nhưng người ta vẫn chưa bỏ cuộc, chưa "đuổi học" tui.

Có lần tui bảo với bạn tàm tạm là muốn trở thành một người tốt và một chỗ dựa nhẹ nhàng. Bạn tàm tạm nói tui đã như vậy rồi mà. Chắc là chưa đâu, nhưng mong là tui vẫn còn cơ hội "đi học".

01/11/2022

Hồi nhỏ tui lười tắm lắm.

Mẹ tui chê dơ, tui hổng muốn bị mắng nên cũng chui vào nhà tắm rồi chui ra. Mẹ hổng thấy ngâm khăn, phát hiện tui chưa có tắm, cái bị la. Sau tui cũng giả bộ lấy khăn vô rồi đi ngâm, nhưng mà hổng tắm thì khăn đâu có ướt. Vẫn bị la. Mãi rồi tui nghĩ ra được vô dội tay dội chân, lau khăn rồi ngâm, nói mẹ là tắm rồi. Lần đó thì mẹ tui hổng phát hiện ra nữa.

Hôm bữa lúc quay đầu tui quẹt trúng đít cái xe kia, bị rơi mất miếng bọc của người ta. Lúc đó hầm xe chả có ai, mình thì tay xách nách mang, tui còn trộm nghĩ hay thôi giả vờ mình không thấy nó rơi, chắc cũng chả quan trọng lắm đâu.

Bữa khác nữa tui vứt rác trong nhà, cái ly thì vô sọt còn cái ống hút dài quá nên rớt ra ngoài. Mà hôm đó hổng phải ngày trực của tui. Tự dưng tui cũng nghĩ, hay thôi cứ kệ nó, rồi chắc cũng có người bỏ vô giùm.

Nhưng mà mới đầu nghĩ vậy thôi, sau này tui thấy dối được ai cũng không dối được mình. Đã vào tới nhà tắm, lấy khăn, xối nước, tự dưng phải giả bộ, lại tốn thêm công. Cái xe bị quẹt đít, làm tui nghĩ tới xe của bạn tàm tạm bị mẻ đầu, người ta ra dù không biết ai làm nhưng nếu để ý xe thì chắc cũng xót lắm. Cái ống hút ngoài sọt rác, nếu là tui chắc gì tui đã chịu nhặt giùm đâu. Nên may quá, tui vẫn còn khựng lại để nghĩ thêm miếng, để "vượt lười" một giây mà tránh áy náy nhiều ngày.

Hình này chụp hồi sáng nay, một ngày tui dậy sớm để đi học mà tới nơi thì bàn ghế lung tung beng. Tui tính giả bộ ra ngoài "đi học trễ" để bạn khác đẩy, nhưng mà cuối cùng cũng vẫn đẩy bàn ghế đàng hoàng.

Giờ thì vẫn lười tắm thôi, nhưng thôi ráng vượt lười.

01/10/2022

Hổm bữa tui làm cho dự án kia, tự nhiên tới chỗ này thấy đẹp.

Chỗ này khác nhà tui lắm, đi thêm xíu nữa là thấy mấy con bò lườm nguýt rõ dài. Chứ chỗ nhà tui toàn bê tông cốt thép, thấy được chó mèo đã là hay. Nhưng mà tui học được nhiều là cũng ở mấy chỗ tui lạ nước lạ cái như này.

Những người mà tui trò chuyện cùng, sau khi xong việc thì sẽ có một tờ thông tin để họ biết thêm về dự án. Ban đầu thì tui cũng đưa bình thường thôi chứ không nghĩ gì nhiều. Dự án mình làm mà, hổng lẽ mình hổng nắm thông tin? Nhưng tình cờ lúc tới chỗ này, tui lấy ra nghía thử thì cấn cấn, mà không hiểu tại sao.

Mãi tới lúc tui bắt đầu cuộc trò chuyện tiếp theo thì mới vỡ lẽ: để biết thêm thông tin về dự án, người ta cần quét mã QR hoặc lên trang web. Mà chỗ này người ta sống có điện thoại di động đã là khá rồi, nói gì đến mạng. Vậy mình phát tờ giấy đó, có ý nghĩa gì đâu.

Hồi nhỏ má tui hay dặn là cho cái người ta cần, chứ đừng cho cái mình có. Mặc dù với đa số người ở đây chắc thông tin đó cũng chẳng cần, đằng nào thì cũng đâu no cái bụng, ấm cái thân, trong khi đó mới là những vấn đề sống còn. Ý tui hổng phải là dự án đó cần đảm bảo bữa cơm manh áo cho họ, vì cái đó thì những dự án khác liên quan sẽ làm. Nhưng mà, hy vọng sau này tờ thông tin đó có thể có một phiên bản không cần đến điện thoại thông minh hay kết nối mạng. Chắc chắn khó có thể đầy đủ như thông tin trên nền tảng số, nhưng ít nhất người ta vẫn có thể biết những thông tin chính nhất nếu cần.

Dạo gần đây tui làm hơi hơi nhiều nên cũng hay nghĩ về inclusivity hay tiếng Trung là 包容性bāoróngxìng (tiếng Việt có chỗ dịch là hoà nhập, có chỗ dịch là dung hợp, nhưng mà tui vẫn chưa thấy ưng cái nào hết). Dù làm cụ thể về giới, nhưng tui mong mình giữ được cái đầu mở để thấy nhu cầu inclusivity từ nhiều góc khác nhau, như lần này là về khả năng tiếp cận chẳng hạn.

Vì dù chỉ có một người cần thôi, nếu mình cố gắng cho người ta cái họ cần hết sức có thể, thì chắc cũng có ý nghĩa hơn nhiều, ha.

24/09/2022

Tui là một đứa hổng thích rủi ro.

Tui chỉ cho mọi người thấy những gì tui chắc chắn 300% là tui sẽ làm thiệt tốt, nhưng cũng tại vậy mà nhiều khi tui bỏ qua nhiều cơ hội, hoặc cảm thấy lạc lõng ở những nơi mà ai cũng cố gắng cho người khác thấy mình đang làm được gì. Bạn tàm tạm của tui thì lại ngược hoàn toàn ở mảng này. Bản thích ngẫu hứng, tự do, thể hiện tốt hơn khi có người khác để ý, mà cũng nhờ vậy nên tui được thúc làm cái này cái kia.

Mấy dòng đầu tiên này tui muốn kể về bạn tàm tạm, đăng hình em tượng bạn tô để giải thích cái tên “nhác thì nháp”. Tui vừa (lười) nhác vừa (nhút) nhát, cũng hổng giỏi hay thích viết gì, lại còn khá lười đọc sách. Tui hay nghĩ chậm, nói nhiều, nhưng tui mê truyện, mê đi, mê nghe, mê nghĩ. Cũng nhờ đó mà tui nhận ra mình học nhiều qua những lần “bò nhai cỏ” trải nghiệm của chính bản thân đó.

Nên là, dù nhác dù nhát thì tui vẫn quyết định sẽ “nháp”. Đây hông phải là chỗ dạy học, cho lời khuyên, hay khoe trải nghiệm, mà đơn giản là một bản nháp, một work in progress để tui có chỗ chia sẻ những câu chuyện đời thường mình hay “nhai lại” mà thôi.

Nếu bạn cũng thích đọc, mời bạn tới và kể chuyện tui nghe nha. Nhác thì cứ nháp!

Want your school to be the top-listed School/college?

Website