MDVN

MDVN

Fanpage chính thức của nhóm QRVN ☑️

Operating as usual

06/10/2021

LIỆU TIỀN ĐIỆN TỬ CÓ ĐƯỢC SỬ DỤNG RỘNG RÃI ĐỂ RỬA TIỀN?

Tác giả: Mark Stein

Trong giới tiền điện tử, tui tôi coi những chuyện “FUD” là một đề tài không bao giờ cũ.
FUD là viết tắt của Sợ hãi, Không chắc chắn và Nghi ngờ. (Fear, Uncertainty, Doubt)
Đôi khi tạm lắng xuống khi sự thật hiện lên, nhưng rồi lại thường quay trở lại theo các chu kỳ tin tức, đề tài FUD luôn mang đến những cảm xúc mạnh mẽ.

Bộ trưởng Tài chính, bà Janet Yellen nói tiền điện tử là “một mối quan tâm đặc biệt” liên quan đến khủng bố và tài chính của các hoạt động phi pháp.
“Tôi nghĩ nhiều đồng tiền điện tử trong các giao dịch chủ yếu hỗ trợ cho các hoạt động phi pháp. Và tôi cũng nghĩ chúng ta phải xét nhiều cách khác nhau để hạn chế việc sử dụng và đảm bảo việc chống rửa tiền không diễn ra ở những kênh này.”
Bitcoin bị buộc tội với những cáo buộc vô căn cứ ngay từ ban đầu.

Vậy đâu là sự thật?

BÁO CÁO THỐNG KÊ HÀNG NĂM
Phần lớn giao dịch tiền điện tử là hợp pháp.
Báo cáo của Chainalysis năm 2021 cho thấy các hoạt động tội phạm chỉ chiếm 2.1% trên tổng các giao dịch tiền điện tử, tức là khoảng 21.4 tỷ đô la.
Vào năm 2020, chúng ta thấy con số này chỉ rơi vào khoảng 0.34%, tương đương 10 tỷ đô la.
Liên hợp quốc ước tính khoảng 2% đến 5% trên tổng GDP toàn cầu, tương đương 1.6 đến 4 nghìn tỷ đô la có liên quan đến các hoạt động phi pháp xoay quanh việc rửa tiền.
Điều này nghĩa là tiền pháp định tiếp tay các hoạt động phạm pháp đáng kể hơn rất nhiều so với tiền điện tử.
Đáng chú ý hơn là bất chấp sự tăng trưởng trong lĩnh vực tiền điện tử, chúng ta đang chứng kiến đà giảm rõ rệt của việc sử dụng chúng trong các hoạt động phi pháp.
Báo cáo năm 2020 của SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân Hàng và Tài Chính Quốc Tế) cho thấy “các trường hợp rửa tiền qua tiền điện tử hiện chiếm phần tương đối nhỏ so với tổng lượng tiền được rửa qua các phương pháp truyền thống khác”.
Dù tôi có thể trích lời nhiều nhà lãnh đạo để viện lẽ, nhưng thực ra cũng không cần thiết cho lắm.
Bản thân con số sẽ là một minh chứng đơn giản và dễ dàng.

SÀN GIAO DỊCH VÀ TIỀN ẨN DANH
Xấp xỉ 99% tổng các giao dịch tiền điện tử được thực hiện qua các sàn giao dịch tập trung.
Các sàn giao dịch này xác minh danh tính cùng các quy định chống rửa tiền (AML), như được thực thi bởi một ngân hàng truyền thống.
Điều này đi ngược lại với tiền đề nêu trên.

CÒN VỀ NHỮNG ĐỒNG TIỀN ẨN DANH NHƯ MONERO (XRM) VÀ ZCASH (ZEC)
Báo cáo chỉ ra thêm, “Zcash sử dụng giao thức zero-knowledge proof để nâng cao quyền riêng tư cho người dùng, tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy việc này bị lợi dụng bởi những kẻ muốn trục lợi."
Báo cáo cũng cho thấy Bitcoin đáng quan tâm hơn nhiều so với tiền ẩn danh.

VỀ TIỀN: SỰ THẬT VỀ CÁC PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN TRUYỀN THỐNG
Kho bạc chịu trách nhiệm quản lý việc rửa tiền một cách hiệu quả và quy định tài trợ khủng bố.
Cần nói thêm rằng coi tiền điện tử như “một mối quan tâm đặc biệt” là phản ứng không thành thật của giới tri thức khi đang phải đối mặt với hàng loạt những bằng chứng ngược lại.
Có rất nhiều ví dụ, một trường hợp đáng kể gần đây liên quan đến Capital One.
Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính (FinCEN) gần đây công bố hành động thực thi pháp luật 390 triệu đô đối với Captial One COF vì những hành vi vi phạm cố ý và bất cẩn đối với Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (BSA).
“Những vi phạm được nêu trong hành động thực thi pháp luật này là cực kỳ nghiêm trọng. Capital One đã cố tình lơ là nghĩa vụ của mình theo luật pháp trong một đơn vị kinh doanh có rủi ro cao.”
Thừa nhận cố tình không tuân thủ việc thực thi và quản lý chương trình chống rửa tiền (AML), Capital One thừa nhận sử cẩu thả bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế việc rửa tiền và các hoạt động phi pháp.
Với đơn vị kinh doanh “Check Cashing Group”, Capital One thừa nhận việc cố tình không tuân thủ trong việc thực thi hàng ngàn báo cáo về các hoạt động đáng ngờ (SARs), và các báo cáo giao dịch tiền tệ (CTRs).
Từ năm 2008 đến 2014, hàng triệu đô la tiền được rửa qua ngân hàng và thâm nhập vào hệ thống tài chính Hoa Kỳ từ tội phạm có tổ chức, trốn thuế, gian lận và các tội phạm tài chính khác.

Bài viết này không nhằm cung cấp bất kỳ lời khuyên nào về tài chính, pháp lý hay thuế. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân. Bạn không nên dựa vào quan điểm chủ quan, mà thay vào đó hãy tự nghiên cứu để có quan điểm cho riêng mình.

------
Nguồn: https://link.medium.com/ZQekT4RtTjb
Cảm ơn bài dịch của bạn Nguyễn Hà, đăng trong group QRVN: https://www.facebook.com/groups/vietnamquora/posts/3068339873399128/

26/05/2021

KẾT HÔN MUỘN CÒN HƠN LÀ KẾT HÔN SỚM MÀ LẤY NHẦM NGƯỜI
__________

Khi mọi người, đặc biệt là phụ nữ, đạt đến một độ tuổi nhất định từ cuối 20 đến giữa những năm 30 tuổi, thường sẽ luôn bị ám ảnh bởi những câu hỏi rằng "Tại sao vẫn chưa kết hôn?" Hoặc thậm chí tệ hơn là "Nhanh kết hôn đi để sớm có em bé", như thể đó là thứ để tạo nên giá trị của một người phụ nữ.

Giá trị của một người được tạo nên từ tất cả những gì bạn đã học được trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường và sau này là chăm chỉ làm việc và phát triển cá nhân bạn; nếu chỉ đánh giá thông qua một người chồng hoặc một người vợ thì thật là sai trái.

Tôi biết rằng cả hai phái đều cảm thấy vô cùng mệt mỏi với sự kỳ thị này rằng nếu bạn không kết hôn ở một độ tuổi nhất định thì bạn sẽ không bao giờ kết hôn được nữa, giống như một chiếc tàu đã rời bến để ra khơi vậy.

Nhưng tôi thường tự hỏi bản thân mỗi khi mọi người đưa ra câu hỏi hoặc phán xét người khác rằng liệu họ có bao giờ dừng lại và suy ngẫm rằng có lẽ sự lựa chọn của chúng ta là sống độc thân hoặc chúng ta thực sự muốn dùng thời gian của mình tìm kiếm một người phù hợp để dành trọn phần đời còn lại? Họ có bao giờ tự hỏi rằng có lẽ chúng ta không muốn có con hoặc là chúng ta không muốn kết hôn theo kiểu truyền thống, thậm chí là chúng ta không muốn kết hôn không? Họ có bao giờ nghĩ rằng chúng ta có rất nhiều lựa chọn và cơ hội để có thể kết hôn "sớm" nhưng chúng ta đã không làm như thế vì chúng ta cảm thấy chưa sẵn sàng và không chắc chắn? Tại sao luôn có giả thiết rằng chúng ta là người có vấn đề và là những kẻ không được yêu thương? Tại sao không thể coi việc quyết định kết hôn bất cứ khi nào mà chúng ta muốn là điều bình thường?

Cá nhân tôi biết rất nhiều người đã hối hận khi kết hôn ở cái tuổi vừa mới trưởng thành, tôi biết rất nhiều người đã hối hận vì chưa sẵn sàng chịu trách nhiệm cho việc có con cả về mặt tinh thần và cảm xúc, và tôi cũng biết rất nhiều người đang mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không hề hạnh phúc bởi vì họ không muốn trải qua một cuộc ly hôn điên rồ, họ thà bị gắn mác là "đã kết hôn" hơn là bị nói "đã ly hôn" ngay cả khi điều đó khiến họ đánh mất đi sự bình yên và hạnh phúc trong tâm hồn. Tại sao lại phải nói về những người này? Tại sao chúng ta không thể đánh giá và gây áp lực tương tự lên họ?

Tôi thấy bối rối với ý kiến cho rằng việc kết hôn sẽ nâng cao vị thế của bạn trong xã hội dù cho bạn đang cảm thấy khốn khổ, dù cho bạn không yêu vợ/chồng của mình hoặc dù cho bạn không phải là một bậc cha mẹ tốt. Và mọi người thực sự thúc đẩy bạn kết hôn sớm như kiểu bảo bạn đi thử chiếc bánh phô mai bà già loại đặc biệt.

Bước vào hôn nhân là bước vào một cam kết rất lớn. Và trẻ em là trách nhiệm cả đời. Tìm đúng người cần rất nhiều thời gian, có thử và có sai lầm, cần nhiều kinh nghiệm và một chút may mắn. Vì vậy, việc mọi người đưa ra quyết định kết hôn muộn là điều hoàn toàn bình thường khi họ trưởng thành và cảm thấy cần chắc chắn hơn về những điều mà họ muốn. Việc mọi người kết hôn muộn vì chưa tìm được đối tượng phù hợp để tránh chọn nhầm người và hối hận về sau cũng là một điều hoàn toàn là bình thường hết.

Kết hôn muộn còn hơn là kết hôn sớm mà lấy nhầm người, không muốn có con còn hơn là có con rồi bỏ bê chúng, hãy làm điều bạn cảm thấy đúng. Đó là thứ cam kết mà bạn không nên vội vàng. Đó là điều bạn nên nghĩ hàng trăm lần trước khi làm bởi vì không chỉ có mình bạn, mà bạn sẽ phải ở chung nhà với người khác và bạn sẽ có những người phụ thuộc vào bạn cả đời. Bạn không thể ích kỷ và cảm thấy không chắc chắn về bất kỳ điều gì trong số đó được.
__________

Nguồn:
Getting Married Late Is Better Than Marrying The Wrong Persob by in https://link.medium.com/m9xIDrUxwgb
__________

Cảm ơn bài dịch của bạn Linh Trang, đăng trong group QRVN https://www.facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2976808659218917/

06/04/2021

HỒI QUY VỀ GIÁ TRỊ TRUNG BÌNH LÀ GÌ

Một khái niệm thống kê dễ hiểu nhưng chóng quên
Tác giả: Ines Lee, 19 hours ago, 8 min read
_____________

Có lẽ chúng ta đã nghe tới một vài lập luận này, liệu bạn có thể chỉ ra sai lầm trong những ý kiến dưới đây?

Một giáo viên than thở rằng khi ông ấy khen ngợi những học sinh giỏi, vào lần kế tiếp chúng sẽ làm bài tệ hơn, còn khi mà ông phạt những học sinh kém, thì ở lần làm bài kế tiếp, chúng sẽ làm bài tốt hơn. Do đó việc áp dụng hình phạt tốt hơn so với việc khen ngợi.
Hay một vận động viên khen ngợi thứ nước tỏi ngâm mà cô ta sử dụng hôm qua để làm giảm cơn đau bàn chân của mình, thứ đã giúp đôi bàn chân của cô cảm thấy tốt hơn. Cô ta cho rằng loại nước tỏi ngâm đó thực sự hiệu nghiệm và kỳ diệu.

Một nhà phê bình phim cho rằng khi thắng giải thưởng ở Viện Hàn lâm, một giải thưởng danh giá, điều này sẽ làm sự nghiệp diễn xuất của một diễn viên đi xuống chứ không hề đi lên.
Có rất nhiều nghi vấn cho những phát biểu trên. Chắc hẳn rồi, làm sao một thứ nước tỏi ngâm đơn giản lại có thể chữa cơn đau chân cơ chứ. Bài viết này sẽ chỉ ra những điều trên thực sự có vấn đề thông qua khái niệm hồi quy về giá trị trung bình, và đưa ra những gợi ý để tránh không mắc những lỗi này.

HỒI QUY VỀ GIÁ TRỊ TRUNG BÌNH

Hãy nhìn lại điểm chung ở những điều đã xảy ra ở ba phát biểu trên, cả ba vấn đề này đều là những trường hợp "cá biệt"(tích cực hoặc tiêu cực). Chúng ta thường quan sát sự kiện xảy ra như sau(cá biệt, bình thường, bình thường, cá biệt...), điều này có thể giải thích bằng hồi quy về giá trị trung bình hay "quay ngược lại sự tầm thường". Hồi quy về giá trị trung bình đề cập đến ý tưởng rằng các sự kiện hiếm khi xảy ra thường được theo sau bởi một sự kiện bình thường hơn. Theo thời gian, các kết quả này sẽ hồi quy tại điểm giá trị trung bình.

Khái niệm trên được đề xuất bởi Sir Francis Galton khi ông nhận ra những cặp bố mẹ có chiều cao cao hơn trung bình sẽ có con thấp hơn họ một chút, trong khi ngược lại, bố mẹ có chiều cao thấp sẽ có con cao hơn họ một chút. Một cách trực quan hơn, nếu chúng ta vẽ biểu đồ có trung tung là chiều cao của bố mẹ, trục hoành là chiều cao của con cái, sau đó kẻ đường hồi quy qua các điểm thì sẽ được đường thẳng có hệ số góc nhỏ hơn 1.

Ý tưởng trên không chỉ đúng với mối liên hệ giữa chiều cao của bố mẹ và con cái, mà hiện tượng này xảy ra ở khắp mọi nơi. Ví dụ như khi chúng ta quay lại một quán ăn mà có món ăn rất ngon chúng ta đã thử lần đầu, ta thường cảm thấy lần này không ngon bằng lần trước.

Một ví dụ khác ở khía cạnh xác suất giải thích hiện tượng này đó là khả năng nhận được mặt ngửa hoặc sấp liên tục trong nhiều lần khi tung đồng xu rất khó xảy ra. Có nhiều nguyên nhân khiến việc một món ăn trở nên kém hấp dẫn trong lần thử tiếp theo như chất lượng đồ ăn, quán ăn có đông hay không, thái độ nhân viên phục vụ hay là tâm trạng của bạn ngày hôm đó, rất khó để những thứ như vậy xảy ra chính xác trong lần này.

SỰ NGỤY BIỆN

Quy luật trong thống kê cho rằng bất cứ khi nào tương quan giữa hai biến là không hoàn hảo, chúng sẽ có xu hướng hồi quy về giá trị trung bình. Nhưng điều này thì sao?

Hồi quy về giá trị trung bình là một thứ dễ hiểu nhưng cũng khiến chúng ta nhanh quên nó. Bởi vì các hiện tượng thường xảy ra theo trình tự(cá biệt, bình thường, cá biệt, bình thường..), não chúng ta thường có xu hướng vẽ lên mối quan hệ hai hiện tượng này.

Chúng ta cho rằng các hiện tượng cá biệt đó dẫn tới những hiện tượng tầm thường(thắng giải Oscar xong thì diễn xuất tệ hơn).

Nói tóm lại, khi quên mất quy luật hồi quy về trung bình., ta thường đi tới kết luận sự việc xảy ra bởi các nguyên nhân cụ thể, trong khi sự thật là những điều này thường chắc chắn xảy ra bất kể nguyên nhân nào. Nói cách khác, các hiện tượng bình thường vẫn sẽ xảy ra dù chúng ta loại bỏ những hiện tượng cá biệt xảy ra trước đó.

Cùng quay lại với 3 ý kiến ban đầu, liệu rằng chúng ta có thể rút ra được điều gì bằng cách sử dụng hồi quy về giá trị trung bình?

Người giáo viên cho rằng khen thưởng học sinh sẽ khiến kết quả trở nên tệ hơn vào lần kế tiếp. Nhưng nếu xem xét kỹ hơn, chúng ta có thể nhận thấy giáo viên này đã quá tin vào hệ thống thưởng/phạt của mình.

Như Danniel Kahneman đã lưu ý trong cuốn sách 'Suy nghĩ, nhanh và chậm", thành công = tài năng + may mắn. Thành phần may mắn trong phương trình này khiến cho việc thành công liên tục trở nên khó khăn hơn rất nhiều dù bạn có rất nhiều tài năng(hay không có). Vì may mắn là đại lượng ngẫu nhiên, nên đôi khi dù bạn không học tốt, nếu đủ may mắn vẫn sẽ có được kết quả học tập khả quan.

Phương trình 'thành công = tài năng + may mắn" khiến phần lớn các trường hợp sẽ hồi quy về một mức nào đó. Kết quả học tập kỳ này bết bát sẽ dẫn tới một kết quả học tập tốt hơn ở kỳ tới, bất kể có bị phạt hay không(nếu đủ may mắn), hay kết quả học tập tốt ở kỳ trước có thể dẫn tới việc học tập có thể thấp hơn ở kỳ này(nếu không đủ may mắn). Hệ thống thưởng/phạt có thể chẳng hiệu nghiệm như người giáo viên nghĩ.

Người vận động viên cho rằng nước ngâm tỏi giúp chân cô ta đỡ đau hơn. Giả sử rằng ngày hôm nay chân cô cực kỳ đau, cô cố mọi cách để làm cho bớt đau lại, trong đó có cách ngâm chân vào thứ nước tỏi kỳ diệu đó ngày trước khi đi ngủ. Sáng hôm sau cô tỉnh dậy với đôi bàn chân đỡ đau hơn, có thể thứ nước đó đã có công dụng. Tuy nhiên hồi quy về giá trị trung bình cho chúng ta thấy được sự hợp lý hơn. Bởi vì cơn đau về mặt thể chất thường theo chu kỳ tự nhiên, theo sau một ngày đau đớn thường là một ngày ít đau đớn hơn, cơn đau có thể biến mất nhờ vào chu kỳ vốn có của nó.

Khi quan sát các sự kiện cá biệt, chúng ta thường quên mất sự kiện đó hiếm gặp như thế nào. Và khi theo sau những sự kiện cá biệt đó là những sự kiện bình thường, ta thường cố giải thích tại sao những điều bình thường đó lại xảy ra mà quên mất những điều bình thường đó thực sự 'bình thường". Để tránh những lỗi ngụy biện như thế này, đầu tiên chúng ta tránh dùng những sự kiện đã xảy ra trước đó để giải thích cho một sự kiện. Sau đó chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi sau:

1. Liệu có điều gì đó khác thường với vấn đề này hay đó là điều mà bạn kỳ vọng xảy ra?

2. Liệu có những sự kiện cá biệt nào xảy ra trước đó làm sự kiện bình thường này trở nên khác thường hay không?

3. Liệu sự kiện bình thường này vẫn sẽ xảy ra khi bạn loại bỏ sự kiện xảy ra trước đó?

Câu hỏi thứ nhất giúp chúng ta xem xét tới khả năng xảy ra của một sự kiện thông thường. Câu hỏi thứ hai giúp chúng ta nghĩ về mối liên quan giữa kết quả xảy ra thay vì quan sát đơn lẻ. Câu hỏi thứ ba giúp chúng ta nghĩ tới những khả năng không xảy ra. Bằng cách tự hỏi bản thân ba câu hỏi trên, chúng ta sẽ tránh những suy nghĩ sai lầm về các vấn đề, con người hay hệ thống.
______________

Vui lòng giữ nguyên credit sau:

Link bài viết gốc: https://towardsdatascience.com/what-is-regression-to-the-mean-f86f655d9c42

Cảm ơn bài dịch của bạn Vu Thanh Dat, đăng trong group QRVN:
https://www.facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2941312309435219/

29/12/2020

BỨC TRANH 450 NĂM TUỔI NÀY ẨN CHỨA HƠN 100 CÂU TỤC NGỮ ẨN MÀ CHÚNG TA VẪN SỬ DỤNG CHO ĐẾN NGÀY NAY

Tác giả: Kamna Kabir

---------------------------------

Netherlandish Proverbs (tạm dịch: Những câu tục ngữ Hà Lan) là một bức tranh sơn dầu trên gỗ sồi được vẽ bởi Pieter Bruegel the Elder vào năm 1559. Kiệt tác này bao hàm khoảng 112 câu tục ngữ và thành ngữ tiếng Anh; một vài trong số đó vẫn đang được sử dụng phổ biến.

100 năm trước khi tác phẩm của Bruegel ra đời, những người Hà Lan đã yêu thích tục ngữ và thường dùng chúng trong ngôn ngữ của họ. Desiderius Erasmus, nhà triết học và học giả người Hà Lan là người đầu tiên xuất bản Adagia - một tuyển tập phong phú bao gồm các câu tục ngữ và thành ngữ.

Brugel đã thực hiện một số bức tranh miêu tả những câu tục ngữ và thành ngữ ẩn. Song, đây là một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của ông - The Netherlandish Proverbs được ca ngợi bởi sự miêu tả có trật tự và những khung cảnh tích hợp.

1️⃣ Diễn giải biểu tượng của những câu tục ngữ Hà Lan

Bức tranh còn có tên gọi The Dutch Proverbs, The Blue Cloak, or The Topsy Turvy World (Những câu tục ngữ Hà Lan, Chiếc áo choàng xanh hay Một thế giới đảo lộn) miêu tả các nhân vật trong một không gian toàn cảnh ẩn chứa hơn 100 câu tục ngữ.

The Blue Cloak, tên gọi gốc của tác phẩm, nằm ở trung tâm bức tranh và được khoác lên một người đàn ông bởi vợ của ông ta - ẩn ý cho việc bà đang ngoại tình. Ngôi làng được đặt ở gần biển với những túp lều đổ nát và phía xa là mặt biển rộng mở trong ánh nắng ngày cuối hè.

Dụng ý của Bruegel không chỉ dừng lại ở việc minh hoạ các câu tục ngữ; ông còn muốn vạch trần sự điên rồ của con người và những nguy cơ mà sự điên rồ đó dẫn đến tội lỗi. ‘Một thế giới đảo lộn’ được thể hiện qua hình ảnh quả địa cầu bị lộn ngược và chúng ta sống ở một thế giới mà không gì giống như nó vốn có.

Những màu đỏ và xanh rực rỡ trên nền bức tranh thiết lập nhịp độ tiến triển theo quan điểm biểu tượng học và phân định ranh giới giữa những cảnh điên rồ, tội lỗi. Thế giới màu xanh - đầy dại dột và hỗn loạn - được đặt ở bên trái bức tranh, trong khi màu đỏ nói chung biểu thị cho sự lừa dối và phản bội. Đức Chúa Giêsu, trong bộ lễ phục màu xanh, là nạn nhân của sự bội bạc và điên rồ của một tu sĩ - kẻ đã đặt Người lên một chiếc ghế đỏ.

2️⃣ Một số tục ngữ và thành ngữ nổi bật trong bức tranh

Những câu tục ngữ được ẩn trong khung cảnh có phần kỳ cục nhưng giàu tính sáng tạo.

▪️ The world is turned upside down: Thế giới bị đảo lộn (phía trên bên trái bức tranh) - mọi thứ đều sai trật tự và diễn ra theo cách trái ngược với lẽ thường.

▪️ She put a blue cloak on her husband: Người phụ nữ khoác chiếc áo choàng xanh lên chồng mình (ở giữa, phía dưới bức tranh) - bà đang ngoại tình sau lưng ông.

▪️ To confess to the Devil: Xưng tội với quỷ dữ (chính giữa bức tranh) - ám chỉ việc chia sẻ bí mật với kẻ thù.

▪️ To tie a flaxen beard to the face of Christ: Gắn bộ râu lanh lên khuôn mặt của Đức Chúa Giêsu - che giấu tội lỗi dưới danh nghĩa tôn giáo và Chúa.

▪️ The pig is stabbed through the belly: Con lợn bị đâm xuyên bụng (chính giữa bức tranh) - những hành động không thể vãn hồi.

▪️ To be unable to see the sunshine on the water: Không thể nhìn thấy ánh mặt trời trên mặt nước (ở giữa bức tranh) - tỏ ra ghen tị với thành công của người khác.

▪️ To be a pillar-biter: Trở thành một kẻ cắn cột trụ (phía dưới, bên trái bức tranh) - gây ra tội lỗi dưới vỏ bọc tôn giáo.

(ND) Một số tài liệu dịch nghĩa “a pillar-biter" là một kẻ đạo đức giả.

▪️ To play on the pillory: Chơi trên một cái giàn gông (ở giữa, phía trên bức tranh) - thu hút sự chú ý đến những hành vi ngốc nghếch và đáng xấu hổ.

“Bức tranh tục ngữ" này là sự kết hợp cổ điển giữa văn học và hội họa. Chính trí tưởng tượng mạnh mẽ của Brugel về những ý tưởng đạo đức và tôn giáo trong thời đại của ông đã mang lại giá trị vượt thời gian cho tác phẩm.

-------------------------------

Đề nghị giữ nguyên credit dưới đây khi chia sẻ bài viết!!!

Bài đăng gốc: https://link.medium.com/RBllOE2bAcb

Cảm ơn bài dịch của bạn Khuynh Anh được đăng tại group QRVN:

https://www.facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2868679336698517

20/10/2020

TẠI SAO TRIẾT HỌC KHÔNG ĐƯỢC DẠY Ở TRƯỜNG?

Author: Jon Hawkins

--------------------------

Và dưới đây lại là những kĩ năng mà chốn học thuật không thể cung cấp cho học sinh.

--------------------------

Khi lên sáu, tôi thường hay tưởng tượng mấy mảnh ngũ cốc Cheerios đang la hét thảm thiết trong tô, cầu xin tôi đừng ăn nó khi tôi đang dùng bữa sáng.

Khi tôi lên chín, tôi đã bắt đầu hỏi những câu hỏi sâu hơn về ý nghĩa cuộc đời – tại sao chúng ta lại tồn tại, và tại sao lại tồn tại một cái gì đó thay vì chẳng có gì tồn tại cả?

Khi học tiểu học, những câu hỏi kiểu như vậy đã bị phớt lờ. Chúng bị gắn mác là vô nghĩa hay chỉ là thứ tò mò vớ vẩn của trẻ con. Những câu hỏi này còn bị cho là giả tưởng – vốn chẳng hơn gì những câu hỏi về các nhân vật trong chương trình ti vi, hay những người bạn tưởng tượng của tôi.

Nhưng, tôi đã khá nông cạn, rằng với tuổi lên chín, những câu hỏi như vậy không hề vô nghĩa chút nào. Thay vào đó, nó còn phản ánh những câu hỏi mà nhiều vĩ nhân trên thế giới đã luôn trăn trở hàng trăm năm qua.

Tưởng tượng của tôi về mấy mẫu ngũ cốc Cheerios, không hẳn là một khẳng định quái kì. Nó phản ánh niềm tin thuộc về Toàn tâm luận (Panspychism): niềm tin rằng mọi thứ tồn tại trong thực tại, từ sợi nguyên bào trong não bạn đến hạt cà phê, đều có ý thức hay khía cạnh tinh thần.

Hóa ra, tôi đã thắc mắc một trong số những câu hỏi lớn về cuộc đời mà vẫn còn bỏ ngõ.

Và khi 9 tuổi, tôi đã suy tư như một Triết gia.

“Nghĩa vụ đầu tiên của một người, đó là phải biết tự suy tư cho chính mình” ― Jose Marti

🔸 Sự tò mò trẻ con của bạn có tiềm năng nhiều đến vô biên

Trong một buổi phỏng vấn với The Panpsycast, Giáo sư Stephen Mumford đã khẳng định rằng:

“Triết học có cái nền nhà thấp, nhưng trần nhà thì lại vô cùng cao lớn”

Với câu nói như vậy, ông ấy ý muốn nói là, ai cũng có thể tiếp cận và học tập Triết học. Ai cũng có khả năng suy nghĩ về ý nghĩa của thực tại – dù cho những suy tư này chỉ ở mức độ trẻ con.

Dù cho khi bạn chỉ mới lên 6 tuổi và học tiểu học, hay sau này trở nên khôn ngoan hơn khi trưởng thành. Năm này qua tháng nọ, chúng ta đều ngồi lại bên nhau và tự hỏi:

▫️ Cái gì khiến cho một thứ đúng đắn hay sai trái? (Câu hỏi này thuộc về một nhánh Triết học được gọi là Đạo đức học – Morality)

▫️ Tại sao lại tồn tại thứ gì đó thay vì chẳng tồn tại gì cả? (Thuộc về nhánh Triết học Siêu hình học – Metaphysics)

▫️ Chuyện gì xảy ra sau cái chết. (Thuộc về một nhánh gọi là Triết học Hiện sinh – Existentialism)

Dù bạn có để ý hay không thì khi nghĩ đến những câu hỏi tương tự: bạn đã học tập Triết học rồi.

Và, theo như Mumford đã chỉ ra: những loại câu hỏi kiểu này có những tiềm năng vô hạn. Hàng thế kỉ trôi qua, các câu hỏi này đã được tranh luận và diễn giải bởi một số những vĩ nhân có tầm ảnh hưởng hàng đầu thế giới.

Kể cả câu hỏi “Có đúng không khi hi sinh một người để cứu năm người” đã được đẩy đến giới hạn lý thuyết của nó. Hàng trăm, nếu không nói là đến hàng ngàn bài nghiên cứu, báo chí và sách vở bàn luận về câu hỏi này.

Và những câu hỏi rủi ro này mang lại những giá trị vô biên. Nói ngắn gọn, nó cho chúng ta thấy sự thật về thực tại là gì, và cái gì là quan trọng. Nó còn khuyến khích một sự chuyển dịch về giá trị, và giúp người khác sống trọn vẹn mỗi ngày.

Rồi, nhưng dù vậy tại sao Triết học vẫn không được dạy ở trường?
Tại sao, những giá trị của Triết học bị xã hội phớt lờ đi?

Có một vài lý do Triết học không được cho phép dạy tại chốn học thuật:

1️⃣ Chân lý, bằng mọi giá

Nhiều Triết gia có tầm ảnh hưởng luôn bắt đầu nhắm đến một tôn chỉ chủ chốt:

Họ muốn khám phá ra chân lý

Dù chủ đề thảo luận là gì, Triết học được biết là phải tìm ra chân lý bằng bất cứ giá nào.

Và họ sẽ làm bất kì cái gì và làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để tìm cho ra câu trả lời – bất kể chuyện gì.

Đương nhiên, điều này rất là rắc rối bởi một số sự suy xét triết học này là nguy hại đối với những người xung quanh. Ví dụ một số như:

▫️ Những Triết gia tranh luận rằng “Phụ nữ chuyển giới không nên được phân loại là phụ nữ”, khiến cho các thành phần thuộc nhóm này vốn đã bị xã hội chèn ép lại còn thêm yếu thế.

▫️ Peter Singer cho rằng ấu dâm có thể, ít nhất là trong lý thuyết, chấp nhận được theo phương diện đạo đức. Điều này gây nên làn sóng phẫn nộ và tức giận ở các nạn nhân của nạn ấu dâm.

Trường học đáng ra phải là một nơi an toàn. Bây giờ trong năm 2020, hệ thống giáo dục ít quan tâm hơn về chân lý, mà chú trọng nhiều hơn về chất lượng cuộc sống, đảm bảo những trải nghiệm và cung cấp sự bảo hộ.

Rất rõ ràng, rằng những suy xét Triết học kiểu này không thể có chỗ trong lớp học – vì chúng có thể sẽ khơi mào nạn bắt nạt và làm nặng thêm sự yếu thế, dù cho chúng có cần để tìm ra chân lý.

“Hòa bình, nếu có thể. Chân lý, bằng mọi giá.” — Martin Luther

2️⃣ Cách Mạng

Theo Ask Philosophy, môn Triết bị tránh né trong trường vì nó có thể khơi mào một cuộc Cách mạng.

Trường học, và những công việc làm công ăn lương mà hệ thống giáo dục dẫn dắt chúng ta vào, vô cùng cứng nhắc. Chúng khuyến khích ta làm như đã được bảo, tuân thủ nguyên tắc luật lệ và coi những lời giáo viên nói như là sự thật.

Triết học, là con kì đà cản mũi đối với hệ thống này.

Triết học nhắc bạn phải thắc mắc về tính đúng đắn của mọi thứ - từ những thứ bạn được bảo ban, cho đến cấu trúc xã hội mà bạn đang sinh sống.

Triết học khuyên bạn phải đặt câu hỏi và thách thức những gì giáo viên nói, thậm chí hỏi tại sao giờ ăn trưa lại đặt là 12:30 phút chứ không phải giờ khác.

Hệ thống trường học muốn duy trì cấu trúc và trật tự - vì lý do này mà tuân thủ luật lệ thì được thưởng, còn hỏi han một cách đầy ưu tư như Triết học sẽ bị trừng phạt.

🔸Những kĩ năng cuộc đời mà các trường học nên dạy

Có vẻ như, việc phân đôi này của tôi đã sai lầm. Chúng ta không cần phải chọn giữa việc học Triết hay sự Toàn trị hay Cách mạng.

Có một vùng xám ở giữa, và đây là cách mà những trường dạy Triết học đã tham khảo.

Những ngôi trường này đặt nên luật lệ với Triết học trong lớp. Họ có những buổi tranh luận để tìm ra chân lý – đồng thời với việc duy trì các nội dung bị cấm, luật lệ và giới hạn. Việc không làm ai đó bị tổn thương hay áp chế cũng được thực thi.

Ví dụ về ấu dâm ở trên, thì việc tranh luận liệu ấu dâm có phù hợp đạo đức hay không được xem là đi quá giới hạn: chẳng có giá trị gì khi tìm ra chân lý của việc này, bù lại cái giá phải trả cho sự áp chế và bất công là quá lớn.

Và tôi tin rằng, đây sẽ là hình thức được ưa chuộng của Triết học trong thế kỉ 21 này.

Vì đã học qua môi trường học tập Triết học như vậy tại Đại học, khá rõ rằng hình thức Triết học như thế này mang lại những giá trị to lớn.

1️⃣ Những quan điểm độc nhất

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, tin rằng thế giới này xoay quanh chúng.
Nhưng Triết học có thể dạy cho chúng rằng, mọi người trên thế gian đều có những quan điểm cá nhân độc nhất: mỗi chúng ta là những thực thể có ý thức độc nhất vô nhị với trải nghiệm hoàn toàn khác nhau, mang theo bên mình những chân lý khác biệt.
Khi bạn bắt đầu kiếm tìm chân lý, mọi quan điểm được đưa ra bởi mỗi người nên được xem như ngang hàng – vì mỗi quan điểm như vậy đều là những chìa khóa tiềm tàng mở ra những sự thật khách quan.

Có thể so sánh việc này giống như trong tòa án: chúng ta đều phải xem lời khai của các nhân chứng đều có tầm quan trọng như nhau, vì mỗi người đều có những khía cạnh độc nhất và chúng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra nguyên nhân của một vụ án.

Triết học, vì thế, dạy cho chúng ta cách ngồi xuống, lắng nghe, và tôn trọng giá trị của những trải nghiệm, cuộc đời người khác.

Triết học giúp cho trẻ em đạt được trạng thái Sonder (State of Sonder - sự thức tỉnh rằng ngoài mình còn có những cuộc đời khác). Hơn là ái kỉ về bản thân và tự cho rằng chỉ có ý kiến của chúng, quan điểm của chúng và trải nghiệm của chúng mới là quan trọng.

2️⃣ Triết học dạy ta những điều mà Google không thể

Trái ngọt của Triết học đó chính là tư duy phản biện. Thay vì chấp nhận mọi thứ mà ta được bảo ban, nó muốn ta phải tự suy nghĩ cho chính mình.

Và trong thế kỉ 21 này, điều này thực sự rất được ưa chuộng: kể cả trong thế giới việc làm hay trong cuộc sống hằng ngày.

Trước hết, nó giúp bạn đánh giá khách quan và khám phá ra những điều mà bạn bị dối trá, hay bạn là nạn nhân của thứ Triết học giả tạo.

Nhưng quan trọng hơn, Triết học cho ta những kĩ năng phản biện để suy nghĩ một cách logic và độc lập mà không cần ai giúp hay có những kiến thức gì trước đó.

Theo The Guardian, đây là những kĩ năng mà rất ít người có. Thực tế thì người ta không suy nghĩ tích cực đâu – họ chỉ tìm câu hỏi trên Google rồi chấp nhận mọi câu trả lời được ghi trên đó.

Bên cạnh đó, Triết học còn dạy bạn những điều mà Google không thể.

Khi bạn đã có được “chiếc mũ Triết gia”, bạn sẽ bắt đầu tự hỏi về tính hiệu quả của mọi thứ. Và điều này sẽ mở khóa cho bạn khả năng để trả lời với những thứ tiềm tàng nội tại, tự làm chủ tư duy của mình – hơn là phụ thuộc vào thứ gì đó có vẻ như còn không phải là chân lý.

Đây là kĩ năng rất đáng có trong thế giới việc làm. Dù sao thì, không ai muốn thuê một con robot không tư duy chỉ suốt ngày làm và chấp nhận nghe theo những gì mà nó được giao cho.
Lời kết

Lý do sự hạn chế giảng dạy Triết học trong chương trình đào tạo của trường học đã rõ. Giáo viên muốn duy trì quyền lực và cấu trúc hà khắc trong lớp, Triết học lại là thứ gây phương hại đến điều này.

Nhưng tôi tin rằng sự lựa chọn một trong hai giữa Triết học và Bá Quyền là một sai lầm. Như đã nói vẫn còn có vùng xám chen giữa – và bằng cách chú ý hơn, chúng ta có thể học tập Triết học mà không gây nên hiệu ứng áp chế bất kì một nhóm người nào trong xã hội.

Một số trường học còn giảng dạy Triết học tham khảo mô hình này.

Triết học rất đáng – thay vì là khuyến khích bạn nghe rồi làm những gì được bảo, hay do cảm tính mách bảo thì nó mời gọi bạn tự ưu tư cho bản thân mình. Kể cả trong thế giới thực hay thế giới làm việc, thì tự nghĩ cho mình rất là quan trọng.

Chính vì vậy, tôi mời bạn thử thách bản thân với một vài suy xét Triết học. Bằng cách nào đây? Bắt đầu bằng cách mà tôi đã tự làm như hồi 9 tuổi. Tự nghĩ cho mình và đặt câu hỏi – không quan trọng suy nghĩ của bạn có rộng lớn đến đâu.

Làm vậy sẽ khiến bạn tiến gần hơn đến với chân lý của thực tại, và xa rời khỏi dối trá cũng như thứ triết học ngụy tạo.

“Một cuộc đời không được khám phá là một cuộc đời không đáng sống” – Socrates

-----------------------------------------

Đề nghị giữ nguyên credit dưới đây khi chia sẻ bài viết!!!

Bài đăng gốc: https://link.medium.com/MnqucwW7Bab

Cảm ơn bài dịch của bạn Lê Cường được đăng tại group QRVN:

https://www.facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2804897126410072

Want your school to be the top-listed School/college?