Llwyn đi du học

Llwyn đi du học

Viết về trải nghiệm của một du học sinh bình thường. Những câu chuyện, những bài học đầu đời mà một đứa học sinh ngáo ngơ ở nơi đất lạ.

Operating as usual

Photos from Llwyn đi du học's post 26/11/2023

TONE! -EP.04: ATTITUDES OF PLEASURE

09/11/2023

DEAR / WEEK 29: Vocab

Hổng biết có ai từng bị lạc rồi dính mấy chuyến xe bus dài 2, 3 tiếng đồng hồ chưa!!!?

Hôm nay tui bị google map dẫn ra khỏi thành phố, đi xe bus của county mà lòng bồi hồi lo sợ, đường về nhà chưa bao giờ xa đến như thế. Nhiều lúc muốn theo bản năng nhảy xuống bắt tàu hay gọi Uber về luôn cho lẹ, nhưng cái sương giá lạnh bên ngoài sao bằng máy sưởi mở hết công suất trên xe bus. Đành ngồi, phó mặc cho số phận luôn.

NHưng!!!
Từ vựng của tuần này vẫn ra đều đều nhá. Từ của tuần 29 chính là: highbrow - dịch ra là lông mày cao đó.
"Highbrow" dùng để chỉ những người thông minh, chắc cũng hao hao như người Việt mình nói bạn nào trán cao là sáng sủa hơn cả đường băng sân bay. Mà sờ lại trán tui cũng cao nè, đủ để đè lên 4 cái ngón tay của tui mỗi khi sầu não tới.

Từ đồng nghĩa tiêu biểu: scholar, intellectual, bookish
Dòm vậy nghĩa là nó được dùng như cả noun hoặc adjective luôn. Ví dụ nè:

"Prompting AI is a highbrow activity, not everyone can do it effectively."
"This movie is so complicated and sophisticated; this is for the highbrow."

---
Trước khi cơn say xe lại ập đến thì tui tranh thủ chia sẻ cái website tự học xin xò nè. Hình như lâu rồi tui hông có chia sẻ mấy kênh tự học. Đây, mỗi ngày mở email lên, là học được một điều mới.

Muốn trở nên highbrow hơn, thì mình xài Highbrow: họ sẽ customise khóa học theo chủ đề mình chọn, rồi gửi lesson qua email mình mỗi ngày. Tất tần tật mọi thứ trên đời luôn, từ việc nhỏ xinh như là học viết nhật kí cho đến những chủ đề khô khan như là tài chính cá nhân, rồi bất động sản. Mỗi ngày học một cái gì mới cho cuộc đời mình nó vui, chứ giờ nhiều khi đi làm về, thấy ngày nào mình cũng y như nhau, kiếm chuyện, vậy mà nó làm mình tích cực dữ lắm à.

Link nè: (disclaimer là tui hẻm có quảng cáo nha)
https://gohighbrow.com/

p/s: nhờ ngắm Hermione từ bé mà giờ tui mê đắm mê đuối vẻ đẹp tri thức nhá, vẻ đẹp của những người highbrow

Photos from Llwyn đi du học's post 05/11/2023

WEEK 28: TONE! - EP.01

Loa loa loa, new series cứu cánh cho ai đang ngập lụt trong mấy tiết ELA trong trường được lên sàn rồi đây!!!

Khi đọc một bài viết nào đó thường phải tự cảm nhận (tui có blog vụ này rồi đó) nên thường mình dễ bị hoang mang không biết là nên cảm nhận bài viết theo hướng nào. Cái này gọi là vague feeling á, nên một cách để mình hiểu rõ được tông giọng của tác giả, cũng như cái mood, thì mình cần nhiều từ vựng hơn để miêu tả nó, vậy thì sẽ dễ hiểu sâu bài đọc hơn. Ví dụ liền nè:

Đọc một đoạn nào đó, mình thấy buồn buồn, nhưng không thể khi viết bài luận chỉ gì mỗi từ chung chung là "sad" được. Vì sao á? Vì buồn cũng có nhiều sắc thái lắm đúng hông, cũng có nhiều nguyên nhân để buồn nữa, nên việc biết thêm những từ đồng nghĩa, nhưng khác mức độ sẽ giúp mình phân biệt được những cảm xúc khác nhau, như buồn vì cô đơn có "depressed", "alienated", "isolated", "dull" hay buồn trong sự mất mát có "miserable", "mournful", "sorrowful", "dismal" và thậm chí là cái buồn vì cuộc đời khắc khổ như "tragic", "bitter", "pathetic", "dreadful".

Lặp từ hay dùng sai từ là một lỗi mà du học sinh tụi mình rất dễ bị mắc phải, hồi đi học, bài viết tui chuyên bị mất điểm vụ này, nên ngẫm cả tháng nay, tui muốn làm mấy bài chia sẻ cách diễn đạt văn, bắt đầu trước nhất bằng việc lấp thêm từ vựng. Bên cạnh những bài chia sẻ những cách tả mood/tone, tui cũng sẽ up thêm cách thay thế xài mấy từ "show", "use" mà tụi mình cứ lỡ xài hoài khi đang phân tích bài viết.

Hi vọng, sau khi kinh qua series mới này, các bạn sẽ có cho mình một bí kíp võ công thâm sâu hơn, đĩnh đạt vượt qua sự bí tắc khi học Ngữ Văn bằng tiếng Anh nha. Diễn đạt đỉnh cao hơn nè, rồi dễ khai triển ý hơn.

----------
Sau đây tui sẽ hướng dẫn cách xài mấy bài viết TONE! sắp tới nhá.

ĐỌC SAO CHO ĐÚNG CÁCH?
Step 1: đọc định nghĩa trước
Cái tông chính của EP.01 này là rational. Thú thật là tui cũng không hiểu cách xài cũng như từ này cho lắm. Nhưng tui cũng đoán chắc có nghĩa là nghe logic, có lý trí - nhưng lại có rất nhiều từ dính dáng tới cái tông giọng chung là rational này.

Step 2: TỰ tra nghĩa tiếng Việt (nếu cần) của những từ được học trong bài
Dòng chữ dưới cùng bên trái sẽ tổng hợp hết tất cả những từ vựng mới cần học hôm nay. Thật ra mình không khiến khích tra nghĩa từng từ và nhớ cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Nhưng nếu thích bạn có thể tra nghĩa của từng từ để nắm bắt cách xài của riêng từng từ.

Step 3: Coi ví dụ
Vì bài đầu tiên nên tui sẽ có một mẩu văn ngắn ví dụ cái tông (cái tone) của một đoạn văn nhỏ ứng với sắc thái của từ nêu ra.

Step 4: Coi summary
Tui sẽ luôn làm cái summary ở cuối bài, gộp những từ có nghĩa hao hao nhau vào một khung. Hiểu được các sắc thái khác nhau của từng từ, và những từ có thể thay thế cho nhau, để dành xài sau này. (khúc này khuyến khích học thuộc nè)

Hết dòi đó!!

----------
Phụ thuộc vào bản quyền của tài liệu mình đang giữ, đôi khi sẽ không có đoạn văn ví dụ, mình sẽ ghi hướng dẫn thêm sau, nên cấu trúc bài viết cũng sẽ khác chút.

Nếu không hiểu chỗ nào, thì cứ comment bên dưới nha. Mình sẽ trả lời nhanh nhất có thể trong hiểu biết của mình.

Disclaimer: Mình không phải giảng viên hay người chuyên dạy tiếng anh đâu, mà chỉ là một du học sinh có kinh nghiệm học cấp 3 ở Canada được miễn thi IELTS bằng điểm ELA 30-1 khi nộp college. Có gì sai sót thì mong mọi người bỏ qua nha hay cho mình biết để sửa nha.

02/11/2023

DEAR / WEEK 28: Vocab

BEEP! BEEP! THROW (someone) UNDER THE BUS 🚌🚌

Khi mà mình đẩy người ta xuống gầm xe buýt á, nghĩa là mình đang đổ lỗi cho người ta, hay đang đang đẩy người khác vào nguy hiểm, hay tình huống khó xử á.

Fun fact là từ cụm này được "ông bà ta" sử dụng nhiều vào năm 2008 (hơn cả thập kỉ trước rồi đó), mấy tờ báo dùng cụm "under the bus" rất nhiều để miêu tả những người chính trị gia làm ngơ, làm mặt "hổng có quen" với những nhân vật bất ngờ bị vướng vào những lùm xùm scandal, mặc dù trước đó họ cùng một đảng, một "thuyền" với nhau. Thuật ngữ "under the bus" tự nhiên cũng thành cliché thời bấy giờ luôn.

Ví dụ nhẹ nhàng hén:
E.g. The reason why don't like to work on a group project is that I am always the person who gets thrown under the bus when something goes wrong.
---
😊

p/s: có ai để ý cái design quá là hùa vào không khí Halloween mới qua của tui hông?!!

31/10/2023

Tháng mới, series ELA mới nhá!! ❄️🀩⛄





Photos from Llwyn đi du học's post 30/10/2023

WEEK 28: FUNFACT - HAPPY HALLOWEEN 🎃👻

Chời ơi tui đợi ngày này lâu lắm ròi nè, thả ga ăn đồ ngọt, đổ đầy kẹo lên nền rồi nhảy lên một núi bánh kéo mới xin.

E hèm, nhưng mà năm nay không có đi Treat or Trick được mà ngược lại thành người lớn tặng kẹo cho mấy bé nhỏ rồi. Nhưng mà có mấy loại bánh nước chỉ bán mỗi mùa Halloween thui á, có ai biết hơm!!! Không kịp uống, chưa kịp ăn, mà qua mùa thì uổng lắm nha!! Cho nên là tui mới thống kê lẹ lẹ cho mấy bạn nào muốn mua ăn thử cho biết nà!! Giá cả phải chăng lun.

26/10/2023

DEAR / WEEK 27: Vocab

Tụi mình có nói quá "toot the horn" rồi thì bây giờ mình học cái từ cũng có nghĩa hao hao mà dân miền Tây tụi tui hay nói là "nổ". Theo nghĩa hoa mỹ hơn là khoe khoang mà kiểu nói lố lên xíu cũng được, hao hao như từ "khua chiêng múa trống" để gây sự chú ý hay ủng hộ.

E.g.: After COVID-19, the government hopes to mitigate the economy by drumming up support for local businesses.

TAMSUDUHOC / WEEK 27: Lần đầu bị sốc vì người Việt không hiểu mình nói gì?!!

Trước khi sang Canada, tôi là một đứa chưa bao giờ đi máy bay, chưa bao giờ ra khỏi cái miền Tây, cho nên chưa bao giờ cảm thấy "chất giọng miền Tây" là một thứ gì đó mà các tỉnh thành khác cũng e dè. Đi du học ở bên Canada, vô tình mình làm quen được rất nhiều bạn bè Việt Nam đến từ cả 3 vùng miền. Vì mình luôn nghe danh giọng Nghệ An, ,giọng Phú Yên, giọng Sài Gòn, giọng Hải Phòng, sẽ có khác chút, nhưng chưa bao giờ, CHƯA BAO GIỜ, mình nghĩ giọng miền Tây cũng có cái "khó hiểu", cũng có từ vựng riêng mà các bạn "nghe hẻm có hiểu".

Giờ trưa, cả đám chơi board game với nhau, mà mình mới qua chưa hiểu luật, nên mình hỏi theo thói quen "Em chơi ăn chè được không?" - Thâm tâm con người tôi tưởng là từ "ăn chè" được xài rộng rãi bốn phương, ai dè mấy bạn từ bắc đến trung đều dòm lạ lẫm. Trong cái ngày đó, lần đầu tiên trong cuộc đời mình nhận thức được "cái cốt miền Tây" nó rõ ràng trong máu mình như vậy. Một bữa trưa mà nói toàn mấy từ lạ lẫm, "ô kê con gà đen nha", "bá cháy bọ chét thiệt chứ", "gì mà nổ banh nhà lầu vậy" - cuối cùng mấy ngày sau đó mấy bạn trong nhóm cứ đòi phổ cập giọng miền Tây cho cả đám, hoặc là sẽ túm lại gọi tên một thứ gì đó, rồi mỗi đứa mỗi miền sẽ nêu ra, như là "cái bọc ni-lông / cái bao / cái bóng" - nguyên đám cứ ghiền trò mới này cũng cỡ ba tháng trời.

Túm lại là đi du học cũng vui, không những được rành thêm Tiếng Anh, mà còn biết thêm Tiếng Việt nữa, được người xứ Nghệ phổ cập cho tiếng Quảng với tiếng Nghệ, chưa kể các bạn du học sinh từ các quóc gia khác nữa, tiếng Dubai, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Ấn, tiếng Tây Ban Nha, vân vân mây mây.

Không biết tại sao mình lại yêu Việt Nam thêm nhiều lắm, và khi tiếp xúc, va chạm với ngôn ngữ khác, nền văn hóa, ẩm thực của nước khác, mình mới nhận ra là mình Việt Nam dữ quá, không "rửa phèn" được, nó ngấm vô máu, vô xương tủy rồi. Bây giờ khi chuyển ra ở riêng, mấy tuần đầu cũng tập tành ăn khoai tây nghiền, rau củ bỏ lò, taco với quesadilla, rồi mù tạt dijon hay spice của Ấn Độ, đổi thử ăn olive ngâm, hoặc kim chi, cá khô rong biển rồi cá hồi áp chảo - ăn một vòng trái đất rồi cũng quành về nấu thịt kho, canh cải với cơm trắng.

Đúng là, không bỏ được. Nhưng mà nếu tò mò, thì mình cứ mạnh dạn thử tìm đến hương vị mới, mà con người tụi mình ngộ lắm, đôi khi làm này làm kia chán chê rồi, lại cứ quành về cái nguyên bản nhất với mình, cái thân thuộc nhất. Hồi lên Sài Gòn học hè vẽ, tôi cũng nôn nao, nghe giọng Sài Gòn hay quá cũng vô thức đổi theo, về nhà sau 3 tháng tu luyện thì về quê nói chuyện, ba mẹ nghe không ra. Hồi còn học Tiếng Anh cấp 2, bắt đầu thấy mình giỏi rồi nên luyện giọng Anh, giọng Mỹ, về sau có thầy người Úc dạy, lại tập tành thử giọng Úc, có một chút chê giọng Việt-Anh. Thế là, tôi cứ đem giọng Anh-Anh đi thi đấu, dù trong lớp nói không ai nghe hiểu, bị bạn góp ý, nhưng vì nghe rất sang, đi thi này nọ lên mic nghe rất sướng, nên tôi cũng chẳng chịu đổi. Tự nhiên sang Canada, cái lại thấy giọng accent nào cũng không quan trọng nữa, cái lại muốn nói giọng Việt-Anh cho người ta biết mình là người Việt, muốn người ta biết mình là người Việt, tại các bạn cùng lớp nói là "Tao nghe accent của mày là ra Asian accent, nhưng tao không biết mày đến từ nước nào." Mới đầu, cũng ngại vụ accent lắm, tại sợ người ta chê cười, nhưng mà giờ mình lại tự hào, lại thương cái giọng mình, tự nhiên giờ lại muốn khoe cái Vietlish accent của mình - lâu lâu chỉ mấy đứa bạn Tây nói theo để giải trí, "tếu tếu", vui vui vậy mà.

p/s: hình như nói lạc đề rồi. Thôi kể cho vui vậy thôi, thông cảm nha~~
---
😊

22/10/2023

TAMSUDUHOC / WEEK 26: Tự nhiên ngồi nhớ hồi học high school BÙNG CHOÁY

Thế là cũng hơn một tháng nhập học ở Canada rồi, hẻm biết là lứa các em sang đây du học có bị sốc văn hóa hay bị sốc môi trường dữ không. Nói thiệt là tôi cũng không cảm thấy bị khác biệt nhiều quá, vì mình cứ đơ ra đó, mình náo nức lắm, nên cái gì cũng thấy thú vị, cũng thấy hay.

Nghĩ cả buổi trước khi đăng bài hôm nay, tôi tự nhiên muốn nhớ lại những cảm giác mới lạ khi bắt đầu quen với lối dạy học bên này. Chắc các bạn cũng sẽ cảm nhận hao hao, tựa tựa như tôi, tất nhiên, mỗi trường cũng sẽ có những nét đặc trưng riêng, nhưng để tôi kể coi có nghe quen quen không há.

Nếu được dùng cụm từ để mô tả cái cảm nhận riêng ở mỗi môn học thì sao nhỉ? - Hôm nay nói Văn học đi nè.

Ngữ Văn - English Language Arts (ELA) - "Sự hoang mang thích thú"

Cứ mỗi lần vô lớp ELA là tôi cứ hát mãi điệp khúc "hoang mang" hà, tôi nhớ lắm lắm luôn cái cách mà cô Ngữ Văn ở Việt Nam chậm rãi mà truyền cảm, đọc nguyên một dề cảm nhận cô giảng vô tập. Hồi đó thì thấy viết nhiều quá, lại thêm mấy câu thơ dẫn chứng dài ngoằn nghèo, lại khó hiểu. Bây giờ thì hay rồi, thầy kêu "tự cảm nhận", mình đọc Tiếng Anh thì hiểu nghĩa vậy thôi, nhưng mấy cái phép tu từ hay biện pháp nghệ thuật này kia miêu tả cái gì của nhân vật, tự nghị luận ra cái tự nhiên "hổng có quen".

Đến giờ viết "Tập làm văn" trong lớp ELA, tôi cứ nhìn cái máy tính (đa số là không có viết tay nha (*)), ngồi nửa buổi mà không biết viết gì, lần đầu tiên được cho cái quyền "tự hiểu", lần đầu tiên được khuyến khích "cứ viết theo ý con" - hai cái cảm giác mà ở Việt Nam tôi khao khát biết chừng nào, mà cũng từng là lý do tôi biện minh cho cái sự dở văn của mình.

Hoang mang, vật vã, bất lực - dùng từ sai chỗ, văn phong dài dòng, viết lố trang, phân tích chưa rõ,... Lúc đó, tự nhiên thấy mình dở, cứ mò mò trong phòng viết viết, rồi phân tích này kia với mấy cây viết màu rồi giấy note dán lên đầy sấp truyện, thể hiện là mình có cố gắng, mình cũng nỗ lực lắm, mong thầy thương mình, đừng chấm mình thẳng tay quá.

Đúng cho câu "cần cù bù thông minh", cứ ngồi phân tích rồi đi hỏi thầy hỏi bạn thêm, cái từ từ mình cũng quen. Đương nhiên, mỗi lần đọc bài mớ mình đều hoang mang, vì ELA đâu có sách giáo khoa chuẩn, nên cũng không có sách tham khảo, đề văn cũng là do thầy "chế bất chợt" nên cũng không có văn mẫu. Tự nhiên mọi sự đều ở mình, mỗi bài văn đều là một thử thách, mà tôi cũng thích thú cái quá trình tự mở khóa từ con chữ, từng hình ảnh, từng biểu tượng, suy đoán mục đích của tác giả, đi "cãi lộn" với bạn cùng lớp, rồi hai đứa cùng đi "méc" thầy, nhờ thầy "đính chính" coi luận điểm, góc nhìn của đứa nào giống với ý đồ tác giả hơn. Nhưng không nhe, thầy không nói ai đúng ai sai, thầy cũng không bắt buộc phải nghe theo thầy, thầy kêu "Đâu bây cãi tiếp đi" rồi thầy ngồi đó nghe, thêm mắm dặm muối vô cho ý của mỗi đứa thêm mặn mà, đậm đà.

Xong xuôi, tự nhiên cái đầu tôi mở ra, thấy rõ được như mình mới "mở ra" được cái gì. Có được cái sự khai sáng đó, tôi bắt tay vào viết.

(*) khi đi học high school thường mọi bài luận văn trong ELA hay lớp Social đều sẽ làm online trên google doc, log in vào bằng tài khoản học sinh của mình. Trường sẽ phát cho mỗi bạn một cái Chrome Book để làm kiểm tra, nên yên tâm, không cần tự đem theo lap.

Hết rồi đó, tâm sự mỏng vậy thôi. Mọi người nhớ giữ ấm rồi đi chích flu shot đi nhe!!!! 🌨💨
---

19/10/2023

DEAR / WEEK 26: Vocab

Cái câu nói "Đừng đánh giá sách qua bìa" hay theo Anh văn là "Don't judge a book by its cover" thật sự rất dễ xài. Nhưng mà thật ra là nghe đi nghe lại hoài cũng thắc mắc, có cách nói nào khác không, tại vì Tiếng Việt tụi mình còn có câu "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" nè, thì coi coi có câu nào thay thế cái idiom kinh điển này hem???

Cóa nhá!!!!

Từ vựng hôm nay là câu hơi dài, nhưng rất dễ xài, và cũng rất dễ thương, cute phô mai que:

The proof of the pudding is in the eating / The proof is in the pudding (short-form) = có ngon không thì ăn rồi mới biết

Cách sử dụng thì như bao câu thành ngữ khác thôi, có thể dùm nguyên si một cụm với nhau hoặc tách ra thành một câu rồi chia thì sao cho đúng, ví dụ như nói thế này:

"A host is invited to the show but nobody knows whether she will give it a lofty rise or a study crumb. Yet the proof will be in the pudding".

Từ vựng hôm nay ngắn gọn vậy thôi, bye nhá!

p/s: hôm nay lạnh 0 độ nè, chắc mốt nổi hứng tâm sự tiếp quá

---

😊

12/10/2023

DEAR / WEEK 25: Vocab



Từ vựng tuần này là "gut feeling" hay còn gọi là linh cảm, cái cảm tính từ cái bụng của mình. Có bao giờ bạn tự hỏi là cái gut feeling này có bao đúng không?

Điều thú vị là cho dù tui là một đứa học chuyên Toán, đáng nhẽ ra phải rất là lý tính, rồi hay phân tích vấn đề đồ đó, nhưng mà càng lớn, mỗi quyết định trong đời, nhất là những cái quan trọng, đều được quyết định bởi cái "cảm xúc cồn cào ở bụng" này. Tư duy phân tóch lập luận được rèn giũa bao năm nay cuối cùng cũng chỉ như là người đầy tớ, đưa ra bao nhiêu là dẫn chứng, viễn cảnh nguyên nhân-kết quả,suy xét toàn cuộc cho dữ vô, cuối cùng, cái "cảm tính" sẽ dẹp hết sang một bên rồi, quyết định. Tiêu biểu như chuyện đi du học cũng vậy, nói thiệt cái lòng, là tui không có suy nghĩ nhiều gì nó, chỉ biết ản thân mình muốn, rất muốn, và nó mạnh mẽ dữ lắm, nên tôi cứ đi thôi. Theo một góc độ nào đó, thì có vẻ như là một quyết định bồng bột, thiếu suy nghĩ, nhưng dần già, bạn cũng sẽ nhận ra bản thân cảm tính dữ lắm, và cái bản năng của tiếng lòng là không bao giờ sai được. Đó, là theo góc độ của trỉa nghiệm cá nhân.

Theo góc nhìn khoa học thì, có gì để lý giải và minh chứng cho "gut feeling không nhỉ? Có chứ, trong một đoạn phỏng vấn nhà khoa học thần kinh Tara Swart gần đây, cô giải thích vì sao cái "gut feeling" - cũng có một cách gọi khác là "intuition", cái cảm giác thôi thúc đó thật là một cái "trí khôn thầm lặng" gói gọn hết những trải nghiệm và kiến thức mà mình từng có từ nhỏ đến lớn. Nói một cách hơi mơ hồ, IQ hay lý trí là một cái gì đó thuộc về bộ não; nhưng linh tính lại thuộc về cả não bộ và cái bụng luôn.

Nhưng mà đôi khi, gut feeling chỉ đơn giản là khoanh đại một câu trách nhiệm là mình có linh cảm là nó đúng, và đôi khi nó đúng thật, đôi khi lại không. Giờ thì ta lý giải được phần nào "cái hên" mà ta cứ nghĩ là được "trời độ" cho này rồi. Vậy nhé, bài hôm nay hết rồi, quăng nhẹ một cái ví dụ đơn giản để coi cách xài nha, à, "gut feeling" là danh từ nhá! (Đừng nhìn vào cái cái đuỏi -ing mà bị lừa nha)

e.g.: I have a gut feeling that it's gonna rain today.

p/s: Bạn nào muốn nghe thêm về cái linh tính này, thì coi ở đây nà nha.
https://www.youtube.com/watch?v=hCW2NHbWNwA

Photos from Llwyn đi du học's post 07/10/2023

FINANCE SS1-E05: SAVINGS


Ái chà chà, tui vẫn còn sung quá trời mà bây giờ đã phải kế thúc mùa một rồi. Đã nói đến tài chính cá nhân mà không đụng vô mấy cái cliché như "budgeting" hay "spending" thì đúng là quá thiếu sót rồi. Nhưng mà để xem nói làm sao để cộng đồng con dân bạn bè du học sinh cũng thích sống "frugal" - tằn tiện chi tiêu như tui đây.

Giờ vô vấn đề nha, giờ tụi mình còn trẻ, tiết kiệm tiền thì cũng không được bao nhiêu, để dành tiền mua nhà đất thì cũng chưa dám nghĩ tới bởi có phải là công dân nước người ta đây, mà chi đi du lịch để trải nghiệm cuộc sống thì lại khó khăn vấn đề visa và hải quan. Vậy, nhu cầu chi muột cuộc cho tương lai sau này thì quá mông lung, còn nhu cầu chi một cục cho sự yolo vui sống thì lại khá bất tiện, đa số tụi mình đốt tiền vào những cuộc hẹn đi ăn với đám bạn, lẩu nè, korean bbq nè, sushi nè, có thể là đi bar uống cocktail nữa. Niềm vui tuy nho nhỏ ngắn ngủi nhưng còn hơn là không có, đúng hem? Ngay giai đoạn đầu, bước vào trường học mà không cần mặc đồng phục, lại còn phải chi nhiều để định hình phong cách riêng nè; mấy bạn mới đi làm phải mua một đống đồ mới để phù hợp với yêu cầu ăn mặc tại công sở, chăm chút cho ngoại hình thêm chút để tự tin hơn trong công việc. Chư kể, nào là prom rồi lễ kỉ niệm thành lập công ty, lễ ra mắt sản phẩm, thế là phải chi biết bao nhiêu vào skincare, đồ makeup, dàu thơm, giày dép, phụ kiện. Nhọc nhằn chưa đủ lại phải nghĩ đến, tiền rent, tiền xe, tiền mortgage, tiền bảo hiểm y tế - không biết hơi đâu mà lo cho tiết kiệm.

Đi làm vất vả bao nhiều ngày đằng đẵng mà giờ lại phải sống chắt chiu, thèm cũng được ăn, thích cũng không được mua, ham lắm mà cũng phải kiềm mình lại, muốn lắm rồi cũng phải bấm bụng bỏ đi ra khỏi cửa hàng, đợi sale.

Rồi cái đoạn dialouge giữ hai con người trong mình cứ trỗi dậy hoài như thế, "Bạn xứng đáng mà" vs "Mua rồi là tuần này nhịn ăn đó", thôi thì, biết trước mình cũng phải tiết kiệm thì, đầu tháng, đẩy hết bao nhiêu % lương đó vào savings account, còn lại thì tha hồ đốt, vậy có phải thoải mái hơn nhiều không? Có nhiều cách để xác định bao nhiêu % là hợp lí, nhưng con số này luôn thay đổi theo từng chuyên gia nên mình sẽ viết riêng vào mùa sau, nhưng với mình hiện tại là 50% - chắc do là chủng Arch nên tui hay lo xa lắm, có dư dả một chút như vậy yên lòng hơn nhiều.

Chốt lại, là chi hết hay tiền kiệm, câu trả lời sẽ thay đổi tuỳ theo từng giai đoạn của cuộc đời, nhưng cá nhân mình, với tư cách là một du học sinh, bắt buộc chúng ta phải có 13k tiết kiệm. Tui chỉ nhắc nhẹ là đừng để hẳn 10k tiền cash thôi, vì lúc cần giao dịch qua ngân hàng mà số tiền như vậy là bị "red flag" liền. Đây là số tiền đủ để chứng minh tài chính nếu càn cho IRCC, đủ để chứng minh nguồn lực kinh tế khi đi thuê nhà, cũng là vừa dư ra khi phải chi những khoảng "bất ngờ từ trên trời rơi xuống" khi tụi mình quyết định chuyển ra ở riêng.

05/10/2023

Chủ đề của tháng này là "Life" - Cuộc sống. Có thể là vì thời tiết trở lạnh cùng với những kí ức hồi mới đi học cấp ba bên này, cứ đến mùa thu là cả người mình uể oải không làm gì nổi. Thế là thành ra cả ngày mình chỉ dùng để nhìn lá rơi, và suy ngẫm, hồi tưởng lại cái sự lâng lâng đầu tiên nhìn thấy lá phong đỏ, và cũng là những sang chấn tâm lí tưởng chừng như đã đánh gục mình. Tháng này cho phép mình được tâm sự những nỗi buồn thay vì chia sẻ những kí ức vui vẻ khi ở Canada. Một sai lầm của mình trước khi xách ba lô lên đó chính là chỉ đeo lên "lăng kính" mạ vàng và hồng mà quên đi thế giới này, thật ra, muôn hình vạn sắc. Vàng là vì sự hào nhoáng, khí chất của những người từng sống ở nước ngoài về , từ già đến trẻ, đều khiến mình ngưỡng mộ mà muốn được sống bên Tây một lần cho biết. Hồng là vì, ngoài những cảnh đẹp và những viễn cảnh vui vẻ, lãng mạn mình tưởng tượng, mơ mộng hằng đêm - mình chẳng mảy may gì đến những vấn nạn hay những gian truân, thử thách nào sẽ ập chọn bay đến vùng đất này. Tuy là bộc bạch những áp lực và nỗi đau của hành trình này, nhưng mình chỉ mong các bạn sẽ đồng cảm mà cảm thấy nhẹ nhõm hơn, thấy được đồng điệu và an ủi bởi vì, trên con đường này bạn không hề một mình, vẫn có mình, và cả những người con xa xứ khác, cũng đang dũng cảm vượt lên số phận mà đấu tranh, vượt lên chính mình mà trở nên tốt hơn mỗi ngày.

---

DEAR / WEEK 24: Vocab



Từ vựng hôm nay sẽ là "rough patch" - dịch thẳng ra là một miếng gồ ghề. Một cách nói hoán dụ khi bạn thấy bao nhiêu cái khó khăn, không suôn sẻ trong đời bỗng dồn lại một cục.

Khi đi du học, nhất là khi chỉ có bạn với chính bạn bước chân lên chuyến bay đầu tiên, bạn với mỗi mình bạn, bắt xe buýt đi học mỗi buổi sớm khi trời còn tối đen, lạnh ngắt, và cũng chỉ bạn ngồi với bản thân ăn bánh uống trà đêm Trung Thu, và năm nay là năm Trung Thu thứ năm, tôi gói ghém những "rough patch" của mình, chà sát cho nó phẳng lì, nhẵn bóng, pha cho mình bình trà Thái Nguyên mót được từ chỗ nào đó không nhớ và miếng bánh Trung Thu mua đại từ siêu thị Trung Quốc có vị chẳng giống gì bánh nước mình, ngắm trăng tròn, thưởng gió mát (lạnh 0 độ).

Tôi sẽ đổ thừa cho việc làm du học sinh, khiến cho cuộc đời mình có quá trời nhiều bận tâm, nhiều rối rắm. Nhớ những ngày tháng 4 gần tốt nghiệp, visa hết hạn, study permit cũng gần hết hạn, lại phải bắt đầu kiếm việc chính thức, nhưng lại sợ người ta chê mình là du học sinh, sợ khó được nhận, vừa đi tập phỏng vấn, vừa review CV với advisor trong trường, vừa đi test COVID, vừa phải đi rải resume, vì đặc thù ngành còn phải làm thêm 3-4 kiểu portfolio, nhắn tin cho alumni xin giới thiệu việc làm, email cho professor xin reference letter, lại tất bật thi IELTS, thi cuối kỳ, thi bằng chứng nhận, thi thiết kế lấy tiền thưởng, còn phải lo khai thuế đi làm, khai thuế học bổng, viết thư cảm ơn nhà tài trợ, vân vân mây mây. Tự nhiên trong một tháng thôi, mà không đêm nào ngủ được, có những đêm thức trắng để chạy đồ án, có đêm lại thức trắng chỉ vì trằn trọc, vì "sợ" đủ thứ, vì quá "nặng nề" bởi cơm, áo, gạo, tiền, bởi hiện tại, tương lai, bởi vì mình không đủ tự tin, mà người nhà mình cũng không tin tưởng mình, mà hoàn cảnh mình cũng mông lung đến mức mịt mù.

Thật may, là bây giờ đó lại là chuyện cũng một năm trước rồi. Hôm nay, tôi nhận được một tin nhắn của một người bạn rất thân từ cấp 2 ở Việt Nam, hỏi rằng, dạo này đời có gì vui? Tôi nghĩ một lúc lại trả lời lại:

- "Dạo này bình yên đến lạ."

Hi vọng rằng, các bạn cũng sẽ tìm được cái bình yên "kì ảo" đó. Nó như được hít thở một hơi thật sâu trong lồng ngực rồi thở ra thật chậm. Sau này còn là giấy tờ PR rồi lại thi quốc tịch, xin boss viết đơn chứng nhận đi làm cho mình, ký hợp đồng lao động và những cái mà mình cho là việc của người lớn, những chuyện đao to búa lớn. Không được sự chỉ dẫn của người thân phần nào làm cho mình đôi khi lạc lõng, lung lay, nhưng tôi mong rằng chúng ta cứ đi từng bước nhỏ, chậm rãi, như đang hít vào thật sâu "nội lực", giữ hơi lại, ngấm ngầm cái sự khó chịu của những đổi thay trong đời mình, cảm thấy như ngạt thở, cảm thấy như lồng ngực muốn nổ tung, cảm thấy đầu ong lên nhức nhói, khi đó, ta cứ việc thở ra thật chậm, từ tốn giải quyết từng chuyện một, tin rằng "Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi", đinh ninh "Rồi chuyện đâu cũng vào đấy".

Thật vậy đó, nên cố lên nhá!

01/10/2023
Photos from Llwyn đi du học's post 30/09/2023

FINANCE SS1-E04: DIGITAL BANK 101


SAO AI CŨNG "MÊ" NGÂN HÀNG ẢO Ở CANADA?

Tin mừng đây, bài viết hôm nay có thể sẽ ngắn hơn nha, vì mình cũng không thường sử dụng cái thẻ digital bank lắm, nhưng có rất rất nhiều người bạn của mình chuyển hẳn account từ các ngân hàng truyền thống (brick-and-mortar banks) sang các online digital bank. Nhưng, cân nhắc cân nhắc cân nhắc (cái gì quan trọng nói nhiều lần) từ benefits đến risk, và đặt lên bàn cân so sánh, THẬT KỸ, xem mình nên chọn dịch vụ tài chính nào.

Personal thought: Mình vẫn thích cái idea tài khoản chính nằm ở các major banks hơn, vì để bảo toàn cho cái peace of mind của mình. Vì hiện tại mình vẫn còn được xài free do là học sinh (free đến hết 21 tuổi) nên mình sẽ suy nghĩ lại nếu bị đóng phí bảo trì hằng tháng (cho RBC là CAD11.99 lận T^T)

Típ: Mình để ý thấy bài viết về tài chính cá nhân khá khô khan nhưng mình lại thích viết dài cho đủ ý, nên đọc hết có lẽ hơi mệt. Nếu bạn nào đọc lấy ý chính thì chỉ cần chú ý dấu (*) thôi nha, khi nào rảnh rồi chậm rãi đọc lại cũng được, thà hiểu đúng còn hơn hiểu sai mà.

Sự ra đời: Tính chất "Reverse Robinhood" trong thế giới tài chính ngân hàng ở Bắc Mỹ

Sau khi phân biệt được thẻ debit và thẻ credit thì có những "kiếp nạn" mà du học sinh thường gặp phải đó chính là:

1. Overdrafting Fee

Những bạn nhỏ (15-16 tuổi) bắt đầu sở hữu những chiếc thẻ ngân hàng đầu tiên sẽ rất hứng khởi với sự tiện lợi, và nhẹ tênh (do không có đồng xu) của chiếc thẻ này. Và việc có thể tap (quẹt thẻ) thông qua 'Interact' phần nào làm cho cảm xúc mất tiền "mất đi trọng lượng" của nó. Và khi quẹt hết số tiền trong thẻ, và quẹt LỐ, bạn sẽ bị charge overdraft fee (dao động từ $5-$35).

(*) Nói một cách ngắn gọn, đã nghèo vì hết tiền mà còn bị đóng phí phạt do xài tiền lố.

2. Credit Interest

Những cô cậu vừa lên 18 tuổi lại được một phen hí hửng khi có thể mượn trước trả sau, tap càng nhiều thì ngân hàng lại gửi cho cái email nâng limit lên để cân bằng với sức tiêu dùng (spending power). Thế là càng xài credit card càng hăng, cộng thêm việc "tư bản" ủng hộ cho chủ nghĩa tiêu dùng, lún sâu vào 'After Pay' hay 'Payday Loan' nữa thì nợ ngày càng chồng chất, nhưng không sao, mỗi tháng chỉ cần trả $10 là qua chuyện. Cái "minium pay" quá đỗi thấp làm MỜ đi cái lãi suất khổng lồ đang dồn lại 22.99%!!!

(*) Gửi tiết kiệm thì lãi suất có 1.5% mà trả nợ credit lại bị đánh đến 22.99%.

Vậy nếu không có tiền, thì thật sự là rơi vào cùng cực, vì muốn xài tiếp cũng không được, mà mượn ngân hàng thì không có credit history, xài thẻ credit thì lại dính lãi suất cao. Những phụ phí tương tự mà ngân hàng đánh vào tầng lớp trung lưu thấp và nghèo như này, dòng tiền sẽ chạy ngược vào cái perks (ưu đãi) cho người giàu, như 2% cashback (hoàn trả lại 2%), travel points (ích điểm du lịch để được ưu đãi tiền vé máy bay, khách sạn), purchase insurance (bảo hiểm khi mua hàng bằng thẻ credit).

(*) 'Reverse Robinhood' là hiện tượng mà người nghèo trả tiền cho người giàu.
Sự bức xúc từ hiện trạng này là nguyên nhân chính tạo nên nhu cầu cũng như là sự ủng hộ đối với sự thành lập của những ngân hàng điện tử (digital bank).

Những ngân hàng điện tử nổi tiếng ở Canada thường có:
- Neo Financial
- Tangerine
- EQ Bank

Châm ngôn của ngân hàng này được người người nhà nhà biết đến là "yêu dân, vì dân" cho nên ai cũng chuyển dần sang xài. Vì lãi suất tiết kiệm cao hơn, tiện lợi hơn, lại không bị đánh bất kì phí nào.

Rồi vô coi cách né cái rủi ro nè:

Sợ nhất của việc để tiền vào một ngân hàng không tồn tại (thực thể) thì chính là cái risk lớn nhất. Một khi có vấn đề gì xảy ra thì lại không biết tìm ai mà hỏi, đi đâu mà tìm. Ngoài ra, những bất lợi khác như không tồn tại cây ATM chính thống của ngân hàng hay có bị mất tiền hay không thì những ngân hàng nói trên đang khắc phục rất tốt. Vì không có trụ nên các ngân hàng này thường "bắt cầu nối" (partner) với những ngân hàng lớn nhằm bảo đảm các tài khoản được CIDC bảo hiểm.

(*) CDIC- cái mã màu tím mà ta phải CHECK trước khi mở tài khoản với bất kì ngân hàng nào. Khi tài khoản được CDIC bảo kê thì khi ngân hàng có phá sản thì ta vẫn được hoàn lại số tiền để trong ngân hàng đó.

Ở Canada thì là CDIC (Canada Deposit Insurance Corporation) với mức bảo kê là $100,000 cho một tài khoản; ở Mỹ thì có FDIC (Federal Deposit Insurance Corporation) với mức bảo kê là USD250,000 cho một tài khoản. Đó là lý do nhiều người được "cứu" sau cái vụ bankroil ồ ạt đầu năm nay của 3 ông ngân hàng lớn là Sillicon Valley, Signature Bank, và First Republic Bank.

Giờ thì khảo sát sơ bộ vài "the FACE" của ngành ngân hàng điện tử ở Canada nha:

EQ Bank:
- Rút tiền: ở mọi cây ATM trên toàn quốc mà KHÔNG BỊ MẤT PHÍ. Nếu như ngân hàng có tính phí dịch vụ vào thẻ của bạn, thì EQ Bank sẽ hoàn tiền (reimburse) lại cho bạn trong vòng 10 ngày.
- CDIC-insured, "chống lưng bởi" (backed with) Equitable Bank.
- Chequing Account: 3.0% daily interest
- Credit Account: (?)% cashback
- No hidden fee
- Overdraft fee: none, coi như mình nợ khoản bị âm.

Neo Financial
- Rút tiền: chỉ ở cây ATM "chịu" Mastercard, BỊ TÍNH PHÍ.
- CDIC-insured, "chống lưng bởi" (backed with) Concentra Bank.
- Chequing Account: 2.25% daily interest
- Credit Account: avg. 5.0% cashback (!)
- No hidden fee
- Overdraft fee: none

(!) Ghi vậy thôi, chứ những ai chỉ xài $100 cho cái thẻ Neo thì cashback cao lắm mình được nhận là 1.0% từ Walmart. Một nơi sẽ có mức cashback khác nhau và khoản limit bill để unlock cái mức đó khác nhau. Ví dụ như chi $50 tại Walkmart để được 0.5% cashback, chi tổng $100 thì được 1.0% vậy á.

Tangerine (được yêu thích nhất)
- Rút tiền: chỉ free ở cây ATM của Scotiabank, $1.50 nếu ở cây ATM khác
- CDIC-insured, "chống lưng bởi" (backed with) Scotiabank.
- Chequing Account: 2.0% daily interest
- Credit Account: avg. 6.0% cashback
- No hidden fee
- Overdraft fee: $5

Viết một hồi thấy hơi giống review, nhưng bao nhiêu thông tin cần biết mình đã liệt kê ra hết rồi. Nếu chỉ vì maintance fee thì bạn có thể đọc lại cái E03.2 của mình, có nếu muốn thử mở ngân hàng "ảo" thì hi vọng là thông tin vừa rồi có ích nha.

p/s: Một điều nữa mình mới phát hiện khi viết xong là mình chỉ tập trung vào debit card nhiều quá, nhưng để nói nhanh thì cái lợi nhất là qui trình mở thẻ đơn giản và nhanh gọn. Chỉ cần 1 đêm là mình đã có tài khoản credit NEO mở và đi vào sử dụng ngay hôm sau đó, trong khi ngân hàng mình dùng vẫn chưa giải quyết được trục trặc thẻ credit của mình trong 1 tháng trời. Một điểm cộng nữa đó, "nhanh"!!!

Want your school to be the top-listed School/college?

Website