26/02/2022
Trẻ em đi học lại, các bệnh lây nhiễm lại bắt đầu và chúng ta lo nhất về Covid-19. Có nhiều trường hợp các bé bị Covid-19, có lớp có ca dương tính cần chuyển học online để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, nhà không nên chỉ nghĩ đến Covid, mà còn một số bệnh thường gặp khác có thể gây sốt và các triệu chứng viêm nhiễm cấp cho con, nhà nhé.
Biểu hiện thường gặp của trẻ em bị Covid-19:
Vì là một nhiễm siêu vi, nên trẻ sẽ có triệu chứng như các bệnh nhiễm siêu vi khác: sốt (đôi khi sốt rất cao, dai dẳng, khó hạ sốt), mệt người, sổ mũi, ho, giảm ăn, tiêu chảy... Các triệu chứng mất mùi mất vị ở trẻ nhỏ khó đánh giá, vì trẻ càng nhỏ càng khó nói cho chúng ta biết trẻ cảm nhận mùi vị như thế nào.
Chúng ta nghe và lo sợ về những biến chứng nặng của Covid-19 ở trẻ em trong đợt bệnh cấp cũng như sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, một điều tốt lành là tỉ lệ biến chứng nặng ở trẻ em hiện ghi nhận rất thấp. Một điều có thể khiến phụ huynh không an tâm mấy là do bệnh quá mới, nên chúng ta chưa có nghiên cứu rõ ràng để đưa số liệu và giải thích kiểu hình bệnh một cách rất tự tin. Những trẻ có cơ địa thừa cân béo phì nhiều, hoặc có sẵn những bệnh nền khó khăn như tim mạch, thận, bệnh hô hấp mãn tính... có thể dễ có nguy cơ bệnh nặng hơn. Nhưng cũng như người lớn, và giống như những loại bệnh khác, mọi thứ đều có tỉ lệ nguy cơ tiềm năng, mà chúng ta hay gọi là hên xui vậy!
Nếu con bạn lỡ bị Covid-19, các bạn nên lưu ý các điểm sau:
- Thứ nhất, bạn nên bình tĩnh! Bệnh Covid-19, như đã nói là một loại bệnh siêu vi. Khả năng tự hết vẫn rất cao và khả năng biến chứng, dù có, vẫn là rất thấp.
- Thứ hai, nên hỗ trợ điều trị triệu chứng cho con, giúp con dễ chịu hơn, một cách điều độ, đừng nên quá mức.
Nếu con sốt cao, đừ người, khó chịu, nhức mỏi cơ, nhức đầu, bạn có thể cho con uống hạ sốt, giảm đau khi cần. Ví dụ như thuốc hạ sốt mình thường dùng cho bệnh nhân là Hapacol, thì khi con sốt cao trên 38.3-38.5 độ C trở lên, kèm đừ hoặc khó chịu, bạn cho con uống 1 liều, tính liều thuốc là 10-15mg/kg/ lần uống, liều tối đa 500mg/ lần uống. Các cữ cách nhau tối thiểu 4-6 tiếng. Tối đa bạn có thể cho bé uống 5 lần trong 24 giờ.
Ví dụ: 1 trẻ cân nặng 6-8kg có thể cho bé uống 1 gói Hapacol 80mg. Trẻ cân nặng 10-15kg có thể cho uống 1 gói Hapacol 150mg. Trẻ cân nặng từ 16-25kg có thể cho uống 1 gói Hapacol 250mg. Bạn cứ làm tính rồi biết liều cho con dùng phù hợp nhé.
Nếu bé uống hạ sốt xong mà vẫn sốt cao, bình tĩnh! Trẻ có thể sốt cao dai dẳng trong 2-3 ngày đầu tiên. Nếu trẻ sốt cao trên 3 ngày, nên cho trẻ được đánh giá bởi bác sĩ để xem cần làm gì hoặc cần uống thuốc gì hay không. Bạn không nên vì lo mà cho trẻ uống quá liều, hoặc quá nhiều lần hơn cần thiết. Có thể lại gây hại cho con.
Nếu con ho nhiều ở các trẻ lớn từ 2 tuổi trở lên, bạn có thể cho con uống các loại thuốc hỗ trợ để giúp cho con bớt khó chịu bởi phản ứng ho.
Nên khuyến khích trẻ ăn uống mặc dù trẻ có thể giảm thèm ăn. Cho trẻ ăn uống những gì trẻ thích. Nếu trẻ không ăn được như khi không bệnh, bạn có thể cho trẻ ăn lượng ít, thường xuyên, để đảm bảo có năng lượng tốt cho con.
Nếu có máy đo SpO2 tại nhà, bạn nên thỉnh thoảng đo SpO2 cho bé. Giá trị này là nồng độ oxy trong máu của con. Nếu bé đột nhiên thở mệt, đừ hơn, nên đo lại SpO2 cho con. Nếu SpO2 từ 94% trở xuống, có nghĩa là nồng độ oxy của con đang có thể không tốt, bạn nên xem xét cho con đến bệnh viện để được kiểm tra và hỗ trợ kịp thời.
Vẫn nên giữ vệ sinh cơ bản cho con, và giúp con thoải mái nhất có thể.
- Thứ ba, là cần theo dõi DIỄN TIẾN của bệnh. Một số trẻ bị Covid-19, có thể một hai ngày sốt cao mệt đừ, ho, nhưng ngày sau đó đã hết sốt hẳn, lanh lợi tươi tỉnh như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Một số có thể bị sốt cao nhiều ngày, có thể bị suy hô hấp – thở khó, thở nhanh mệt, có thể bị nguy hiểm khi bị biến chứng viêm phổi nặng, tổn thương đa cơ quan, viêm cơ tim... cần điều trị thuốc, nhập viện theo dõi và điều trị tích cực...Vì vậy, nếu nhà thấy con có những dấu hiệu KHÔNG TỐT như: mệt đừ nhiều, lừ đừ nhiều, ngủ li bì khó đánh thức, bỏ ăn, ói ọc nhiều liên tục, thở khó khăn, thở nhanh, thở mệt... hoặc có những dấu hiệu phụ huynh cảm thấy lo lắng, nên để trẻ được thăm khám để đánh giá tình hình và để trẻ được điều trị, hỗ trợ kịp thời, ba mẹ nhé!
- Thứ tư, là nhớ thông báo cho trường lớp, trung tâm y tế nơi bạn ở về trường hợp dương tính của con để được ghi nhận kịp thời, giúp theo dõi và giảm nguy cơ lây nhiễm cho các bạn khác.
Gần hai năm nay, chúng ta mệt mỏi về Covid-19 rất nhiều nhưng cố gắng đừng để nỗi sợ làm ảnh hưởng quá mức đến bản thân và gia đình mình, bạn nhé!
Phòng ngừa hợp lý. Bình tĩnh đối mặt với bệnh khi cần. Hỗ trợ con một cách hợp lý. Đừng lo lắng quá mức, hoảng sợ quá nhiều khi không cần thiết.
Chúng ta, cuối cùng, rồi cũng phải tiếp tục sống và mong muốn sống tốt. Các bạn ạ!
Nguồn: Bs Trần Thị Huyên Thảo