24/10/2024
Sinh hoạt chuyên đề: “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”
Chiều ngày 24/10/2024 Liên đội tổ chức Sinh hoạt chuyên đề: “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”. Tại buổi sinh hoạt các em được Thầy giáo Tổng phụ trách đội tổ chức buổi sinh hoạt với các nội dung sau:
- Chuyên mục: CÂU CHUYỆN ĐẸP
✅ Vào ngày 12/10/2024, nhận được tin báo phát hiện một thi thể trên sông Kim Sơn, với chức trách là Tổ trưởng tổ bảo vệ ANTT, đồng chí Ninh đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các tổ viên của thôn, phối hợp lực lượng dân quân thường trực xã Ân Nghĩa nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
👮♀️ Nhận định tình hình, thi thể trên rất có thể liên quan đến trường hợp bà H. (thôn Phú Ninh) đã bị mất liên lạc với gia đình nhiều ngày nay, anh đã nhanh chóng báo cáo vụ việc lên cấp trên, đồng thời cùng Tổ công tác trực tiếp đến nhà bà H. để nắm tình hình. Vừa nhác thấy bóng dáng lực lượng bảo vệ ANTT cơ sở đến, ông Đ (SN 1968 - là chồng đã ly hôn của bà H.) sống cùng nhà với bà H. đã nhanh chóng tẩu thoát bằng cửa sau trốn vào trong rừng.
✅ Xác định rất có thể ông Đ. là nghi phạm có liên quan đến sự mất tích bí ẩn của bà H. nên Tổ công tác đã tổ chức truy lùng đối tượng. Nhờ sự thông thuộc, am hiểu địa bàn, đồng chí Ninh đã hỗ trợ, phối hợp Công an xã Ân Nghĩa phong tỏa các lối ra vào khu vực và thiết lập những chốt chặn góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn đối tượng tẩu thoát khỏi địa phương.
⏰ Sau nhiều giờ truy lùng, phát hiện nghi phạm đang trốn trong nhà hoang cách hiện trường khoảng 02 km, đồng chí Trần Đình Ninh cùng đồng chí Nguyễn Sơn Tây - tổ viên Tổ bảo vệ ANTT thôn Phú Ninh đã mưu trí, dũng cảm xông vào khống chế, bắt giữ nghi phạm là ông Đ mà không để xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào.
👮♀️ Tại cơ quan điều tra, đối tượng Đ. đã thừa nhận hành vi giết chết bà H. vì mâu thuẫn tình cảm, sau đó đã ném xác nạn nhân xuống sông Kim Sơn hòng phi tang. Hiện vụ việc đã được chuyển giao cho cơ quan CSĐT công an tỉnh thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Qua sự việc này, có thể thấy rõ vai trò quan trọng của lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở trong việc hỗ trợ lực lượng Công an truy bắt tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên. Họ không chỉ là cầu nối giữa người dân và chính quyền, lực lượng công an mà còn là những "người lính" âm thầm góp phần vào sự bình yên, an toàn của khu dân cư. Tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm và quyết tâm trong bảo đảm ANTT của những thành viên lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở như đồng chí Trần Đình Ninh xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh./.
- Chuyên mục cuốn sách hay: CHU VĂN AN, NGƯỜI THẦY MẪU MỰC
Cuốn sách “Chu Văn An – Người thầy mẫu mực”. Đây là một trong Bộ truyện tranh lịch sử do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức.
Bộ truyện tranh này tái hiện lịch sử dân tộc từ thời dựng nước cho đến cuối thế kỉ XX. Những sự kiện, địa danh và nhân vật tiêu biểu qua các thời kì lịch sử được minh họa bằng những hình ảnh sinh động, hấp dẫn.
Qua từng câu chuyện, các em học sinh sẽ hiểu biết thêm về quá khứ dựng nước và giữ nước của dân tộc trong suốt hàng ngàn năm. Thấm nhuần những giá trị lịch sử do cha ông dày công hun đúc, các em sẽ càng thấu hiểu những nét văn hóa, phẩm chất và vẻ đẹp của con người Việt Nam. Hơn thế nữa, lòng tự hào về truyền thống quê hương cùng sự tri ân các anh hùng dân tộc chính là hành trang hữu ích giúp các em tiến bước vững vàng trên con đường hội nhập mai sau.
Cuốn sách “Chu Văn An – Người thầy mẫu mực” nói về một vị quan cuối đời Trần, cũng là một nhà giáo lỗi lạc, một thầy thuốc hết lòng vì nhân dân. Ông sinh năm 1292, mất năm 1370. Khi đỗ Thái học sinh, Chu Văn An trở về quê nhà mở trường dạy học và có nhiều học trò đỗ đạt. Học trò của ông gồm đủ các thành phần, từ con nhà danh gia vọng tộc cho đến con em bình dân. Đối với ông, việc học mới là việc trọng nên bất kể cậu học trò nào tỏ ra kiêu căng, ỷ thế con nhà giàu, con quan lại ham chơi đều được ông dạy bảo nghiêm khắc.
Sau, ông được vua Trần Minh Tông triệu vào cung và phong cho làm Tư nghiệp (hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám, kết hợp với việc dạy cho Thái tử Trần Vượng. Đến đời vua Dụ Tông, thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng "Thất trảm sớ" xin chém bảy tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều Ẩn (người hái củi ẩn dật) dạy học, viết sách cho tới khi mất.
Hi vọng cuốn truyện tranh lịch sử này sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp cho các em học sinh và các em sẽ luôn tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
- Chuyên mục: MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG
Giới thiệu về các tấm gương người tốt việc tốt, nhắc được của rơi trả cho người mất tại Liên đội.