28/11/2020
💐GIẤC NGỦ CỦA TRẺ
Giấc ngủ của trẻ là một vấn đề quan trọng và nên được cha mẹ quan tâm nhiều . Điều này là hoàn toàn hợp lý vì ngủ là một phần chủ yếu trong sự phát triển của trẻ nhỏ. Đây các vấn đề thường gặp liên quan đến giấc ngủ của trẻ:
1. Thời gian ngủ của các trẻ có giống nhau không?
Trả lời: hầu hết sẽ đa dạng ở mỗi bé. Nhiều cha mẹ thấy lúng túng tại sao lúc mới sinh con ngoan ngủ suốt ngày, nhưng lớn lớn tí tầm 3-6 tháng tuổi thì ngủ ngắn và hay khó ngủ, lăn lộn và thức nhiều về đêm. Tầm 2-3 tuổi thì một số bé có khuynh hướng "trốn ngủ", đặc biệt là cữ trưa. Nếu trẻ không có những thay đổi về giấc ngủ như vậy, có lẽ chúng ta sẽ phải lo lắng hơn bởi vì khi não bộ trẻ phát triển, quá trình ghi nhận gia tăng và giấc ngủ cũng phản ánh những thay đổi này. Thay vì, lúc mới sinh nó là 1 phần của bản năng tự nhiên (gần giống như cách sống trong bụng mẹ), khi ra môi trường ánh sáng đã giúp não trẻ bắt đầu phân biệt ngày đêm, âm thanh-tiếng cười bắt đầu giúp trẻ hiểu rằng ngủ có thể là bỏ những cuộc chơi vui... cứ như vậy mà trẻ có những thay đổi giờ ngủ khác nhau. Thực ra, để giúp trẻ vừa phát triển não bộ, vừa ngủ ngoan thì chúng ta nên sớm thiết lập luật ngủ cho trẻ.
Luật ngủ đơn giản như sau:
1. Thiết lập giờ ngủ ban đêm hầu như cố định mỗi ngày-để trẻ chấp nhận có ngày có đêm. Khi đọc sách, bạn có thể nhấn mạnh ban ngày mọi người làm gì, ban đêm mọi người cần ngủ, ngủ như thế nào, tại sao... Giờ ngủ được khuyên là không nên trễ hơn 10 giờ tối để các hormone tăng trưởng có đủ thời gian làm việc trong đêm.
2. Trước 20-30 phút giờ ngủ, kéo tất cả hoạt động trên giường, tắt TV, điện thoại, Ipad. Chỉ dành thời gian này để nói chuyện chơi, kể chuyện, đọc sách. Tất cả đều diễn ra trên giường. Điều này giúp trẻ hiểu giờ chơi và giờ ngủ là cần rạch ròi.
3. Khi đến giờ, hôn bé, chúc con ngủ ngon và tắt đèn. Nói với trẻ: chúng ta đi ngủ thôi. Cha mẹ muốn luật ngủ thành công thì cũng nên ngủ cùng bé ít nhất 3-4 tuần. Nếu cha mẹ có việc phải làm thì có thể thức dậy khi bé đã ngủ.
Số giờ ngủ của trẻ trong ngày là được khuyên là nên nằm trong vùng màu xanh đậm, và ít nhất không ra khỏi vùng màu xanh nhợt là ổn (xem hình đính kèm bài viết).
2. Trẻ có thể ngủ trong phòng điều hòa không?
TRẢ LỜI: Trẻ có thể trong phòng có đặt máy điều hòa vì điều này mang lại sự thoải mái cho trẻ và cũng có thể ngăn ngừa đột tử sơ sinh do nhiệt độ nóng. Tuy nhiên, cha mẹ nên lưu tâm những vấn đề sau:
*Không nên đặt bé ngủ dưới làn hơi điều hòa.
*Nhiệt độ trung bình được khuyên 25-26 độ, nên mở máy điều hòa trước.
Bệnh đường hô hấp thường không do nhiệt độ lạnh, mà thường do nhiễm vi khuẩn hoặc virut từ không khí hoặc bị lây từ người bị nhiễm hoặc đang mang mầm bệnh.
3. Trẻ sơ sinh quấy khóc, khó ngủ khi nằm giường nhưng lại ngủ ngon khi nằm nôi, võng. Vậy có nên để trẻ ngủ trên nôi, võng suốt đêm không?
TRẢ LỜI: Rung lắc khi nằm nôi hay võng một thời gian đủ dài có thể ảnh hưởng vùng chất xám và chất trắng do não trẻ sơ sinh chưa ổn định. Việc tổn thương này ảnh hưởng đến IQ và khả năng nhận thức của trẻ. Do đó, nằm đung đưa thì nên tránh.
Bạn có thể đặt bé nằm nôi/võng cố định, nhưng nên tránh đung đưa nôi hoặc võng cho trẻ dưới 1 tuổi khi mà não bộ chưa phát triển ổn định. Võng cũng có một nguy cơ khác là có thể làm trẻ cuộn tròn sang tư thế nằm nghiêng hoặc nằm úp, rất dễ gây đột tử cho bé hoặc cũng dễ gây té ngã.
4. Cho trẻ sơ sinh ngủ riêng giường (vẫn chung phòng) với bố mẹ ngay từ nhỏ có nên không và có tác hại gì không?
TRẢ LỜI:
Để tránh các nguy cơ đột tử, bạn có thể ngủ chung cùng bé khi bạn:
+ Không là người nghiện rượu, hoặc thuốc lá (kể cả chồng của bạn).
+ Bạn không quá mệt hoặc quá buồn ngủ do công việc
+ Bạn không đang dùng thuốc an thần, thuốc trầm cảm hoặc đang điều trị 1 căn bệnh nào đó mà phải dùng thuốc liên quan đến đến hệ thần kinh trung ương.
Tại sao cần những lời khuyên này? Vì khi bạn mất nhận thức khi nằm cùng bé thì rất nguy hiểm vì bạn có thể nằm đè lên bé làm bé ngưng đường thở. Đã có những bằng chứng lâm sàng về sự đột tử của trẻ em khi cha mẹ ngủ chung trong trang thái vô thức.
KHI BẠN QUÁ MỆT MỎI VỚI CÔNG VIỆC, BẠN PHẢI LÀM SAO?
Lời khuyên dành cho các bạn làm việc quá mệt mỏi từ công việc. Giấc ngủ của bạn có thể đến nhanh và trong vô thức. Một cách bạn có thể làm là cho bé nằm riêng trong cũi, nhưng vẫn đặt cũi nằm trong phòng của bạn. Đây là cách mà BYT Anh khuyên cha mẹ nên làm. Cách này cũng làm trẻ dễ điều tiết bản thân, đôi lúc cần 1 ít thời gian trước khi có mẹ bên cạnh làm trẻ kiểm soát tâm trạng tốt hơn. Bằng cách này bạn vừa tránh được tai nạn đột tử cho bé, mà vẫn có thể cho bé bú và quan sát bé .
TRẺ CON CÓ THỂ CHO BẠN BIẾT ĐIỀU NGUY HIỂM
Nhiều cha mẹ lo lắng trẻ không biết nói làm sao cho bạn biết trẻ đang gặp rắc rối gì đó. Tuy nhiên, thực tế trẻ dưới 1 tuổi rất nhạy cảm với mọi thứ. Do đó, trẻ có thể thông báo bạn những điều đang làm trẻ khó chịu bằng những cao độ giọng khóc khác nhau. Trẻ con khóc ở những thời điểm khác nhau, nếu bạn là người mẹ có kinh nghiệm sẽ nhận biết tiếng khóc đòi sữa sẽ khác tiếng khóc bị ướt tã gây khó chịu. Nghiên cứu cho thấy trẻ nằm chung giường thường khó cảnh báo cho cha mẹ nếu cha mẹ quá mệt mỏi hoặc mất nhận thức hơn. Tuy nhiên, trẻ lại có thể cảnh báo tốt hơn khi trẻ nằm trên cũi, nhưng chung phòng với mẹ.
CÁCH ĐẶT BÉ XUỐNG CŨI
Bạn nên đặt bé xuống cũi khi bé mệt mỏi và muốn ngủ. Không nên ru đến khi bé ngủ rồi mới đặt xuống cũi. Trẻ sẽ thức ngay sau đó vì trẻ rất nhạy cảm với thay đổi không gian và vắng hơi thở của mẹ. Bằng cách đặt bé xuống cũi trước khi bé ngủ sẽ tạo cơ hội cho bé tự rơi vào giấc ngủ. Giấc ngủ như vậy sẽ ổn định.
BOTTOM LINE: Cha mẹ có thể ngủ cùng bé nếu không có những yếu tố nguy cơ kể trên. Khi nằm trên giường, giường đủ lớn và khu vực bé ít mùng mềm. Tuy nhiên, cách tốt nhất và an toàn nhất là nên đặt bé nằm ngủ trong cũi, và đặt cũi trong phòng của bạn.
4. Có phải với trẻ sơ sinh, môi trường phải thật yên tĩnh con mới ngủ ngon?
Nhiều cha mẹ thường quan niệm: Khi trẻ sơ sinh ngủ thì nên thật yên tĩnh. Điều này chưa đúng vì thực chất khi trẻ chưa sinh ra còn trong bụng mẹ, trẻ vẫn đều đặn nghe rất nhiều âm thanh từ môi trường bên ngoài. Do đó, một không gian quá yên tĩnh đôi lúc làm bé khá khó chịu và hay khóc. Nhưng, cũng đừng quá ồn ào, gào thét cũng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của bé. Tốt nhất, đừng quá hoàn hảo, bạn chỉ nên hạn chế những âm thanh quá lớn, nhưng tiếng bước chân, tiếng nói chuyện của bạn hoặc tiếng radio/tv phòng bên cạnh không làm bé khó chịu như bạn nghĩ. Người mẹ quá nhiều áp lực rồi, hãy thả lỏng và tôi tin rằng: Con của bạn cũng muốn bạn thả lỏng, đừng cái gì cũng gồng cứng, hãy luôn là bạn!