CÁ NHÂN HÓA GIÁO DỤC!
May Sóc Montessori Education
May Sóc is a bilingual authentic Montessori education environment following AMI standards.
Operating as usual
Khóa đào tạo giáo viên Montessori 12-18 đầu tiên trong lịch sử AMI!
Trường Hershey Montessori, khu học xá Huntsburg là một trong những môi trường trang trại đầu tiên trên thế giới được thiết kế đặc biệt để làm cho tầm nhìn của Maria Montessori đối với thanh thiếu niên trở thành hiện thực. Trong 20 năm, đây là ngôi nhà của cộng đồng trẻ thanh thiếu niên nội trú và bán trú Hershey, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Với động vật nuôi, vườn hữu cơ, một trang trại cư trú “Ngôi nhà trang trại”, nông trại mía, ao, nhà kính, 98 mẫu rừng, chuồng trại với xưởng gỗ, gốm sứ, xưởng làm nến, và các lớp học Montessori được thiết kế tinh xảo, đây là địa điểm hoàn hảo để được đắm mình trong “một ngôi trường của trải nghiệm trong tất cả các yếu tố của đời sống xã hội.” Huntsburg cách Cleveland, Ohio 45 dặm về phía đông, một trung tâm truyền sinh khí cho nghệ thuật, công nghiệp, âm nhạc, sân khấu, và thể thao.
Có nhiều ngôi trường như trường Hershey Montessori, đã và đang được thành lập ở nhiều nơi trên thế giới, tiên phong trong việc tạo ra một môi trường giáo dục Montessori cho trẻ em trong độ tuổi thanh thiếu niên từ 12 tới 18 tuổi. Sau nhiều năm nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển, AMI và tổ chức liên kết của mình, Hiệp hội giáo viên Montessori Bắc Mỹ - NAMTA đã dần hoàn thiện môi trường giáo dục Montessori dành cho độ tuổi từ 12-18. Khóa đào tạo giáo viên 12-18 lần đầu tiên trong lịch sử AMI sẽ được khai giảng vào mùa hè năm 2020 là kết quả của một dự án nghiên cứu hơn 20 năm bắt đầu từ năm 1998. Trường Hershey Montessori tại Ohio Hoa Kỳ và trường The Montessori Centre for Work and Study, Rydet tại Thụy Điển sẽ là hai địa điểm đào tạo tại chỗ của khóa học này.
Có ba mẹ nào muốn tham gia hành trình này cùng đội các ba mẹ ở May Sóc không ạ?
Nguồn:
AMI
NAMTA
The Montessori Adolescent Initiative
International Montessori Training Institute
Hershey Montessori School
The Montessori Centre for Work and Study, Rydet
Môi trường Montessori cho trẻ 0-12/15 tháng
Môi trường Montessori (physical) cho bé từ 0 - 12/15 tháng tuổi. Video tập trung vào góc 0-5 tháng.
Nguồn: Montessori Institute of San Diego
Ho Chi Minh City 3-6 Diploma Course
Khóa đào tạo giáo viên Montessori 3-6 của Association Montessori Internationale (AMI) đầu tiên tại Việt Nam.
Sau một hành trình rất dài phổ biến phong trào Montessori tại Việt Nam với nhiều khóa đào tạo Trợ tá giáo viên Montessori 3-6 bắt đầu từ năm 2013, AMI cùng với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ chính thức mở khóa đào tạo Giáo viên Montessori 3-6 AMI đầu tiên tại Việt Nam.
Association Montessori Internationale (AMI) là tổ chức uy tín nhất, chính thống nhất, lâu đời nhất trên thế giới do chính bà Montessori sáng lập (1929), điều hành, và trực tiếp đào tạo ra bao thế hệ Giảng viên, Giáo viên Montessori từ những ngày đầu.
Các khóa đào tạo Giáo viên Montessori 3-6 của AMI đều đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu mà AMI quy định, trong đó tiêu chuẩn về thời gian như sau: Tối thiểu 400 giờ đào tạo trong lớp học bao gồm các bài giảng, tối thiểu 140 giờ thực hành có giám sát với các học cụ Montessori và 170 giờ quan sát và giảng dạy thực hành trong môi trường Montessori. Coi thêm thông tin tại đây: https://montessori-ami.org/sites/default/files/downloads/qualifications/AMIMontessoriDiplomaChildrensHouse3-6_0_0_0_0.pdf?fbclid=IwAR3UiAwEe1174WD10PQlX8yTCNR5bPERz8PmO2obpHr26vuUie_93sPZ-R8
Một số thông tin về khóa học như sau:
Ngôn ngữ truyền tải: Tiếng Anh và tiếng Việt (Khóa học AMI duy nhất trên thế giới có thể học bằng tiếng Việt)
Thời gian: 16/09/2019 - 25/09/2020
Khóa học hợp tác với Trung tâm đào tạo trực thuộc AMI, Montessori Northeast (MCTNE), Hartford, USA
Địa điểm: Trung tâm Đào tạo Quốc tế - CIE (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM)
Học phần 1: 16 tháng 9 – 21 tháng 12, 2019 (14 tuần)
Lý thuyết, Thực hành cuộc sống, Cảm giác
Học phần 2: 15 tháng 6 – 25 tháng 9, 2020 (14 tuần)
Ngôn ngữ, Toán, Thi viết, Thi vấn đáp, và Lễ tốt nghiệp
Thời gian học: Thứ 2 – 6, 9:00 sáng tới 5:00 chiều, nghỉ giải lao 60 phút.
Có thể có lịch học bổ sung: Tối đa 2 thứ 7 trong một tháng; từ 9:00 sáng tới 4:00 chiều, nghỉ trưa 12:00 tới 1:00 chiều.
(Lịch học trên chưa bao gồm thời gian quan sát và thực tập)
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: Trung tâm Đào tạo Quốc tế - CIE (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM).
Nguồn: https://montessori-ami.org/training-programmes/courses/ho-chi-minh-city-3-6-diploma-course-0
montessori-ami.org Satellite Course in Collaboration with the AMI affiliated training center Montessori Northeast (MCTNE), Hartford, USAModule 1: September 16 – December 21, 2019 (14 Weeks)Theory, Practical Life and SensorialModule 2: June 15 – September 25, 2020 (14 weeks)Language, MathematicsWritten Exams, Orals...
Mình đã hứa với một người bạn Thái Lan là sẽ chia sẻ thông tin về khóa học này. Mình cũng biết rất nhiều bạn yêu Montessori ở Việt Nam đã chờ đợi mòn mỏi một khóa đào tạo Giáo viên Montessori 3-6 của AMI kể từ khi khóa Trợ tá Montessori 3-6 AMI đầu tiên được tổ chức tại Sài Gòn cách đây 6 năm do cô Nghiêm Phương Mai nỗ lực đưa về.
Đây là khóa đào tạo giáo viên Montessori từ một tổ chức uy tín nhất, chính thống nhất, lâu đời nhất trên thế giới do chính bà Montessori sáng lập, điều hành, và trực tiếp đào tạo ra bao thế hệ Giảng viên, Giáo viên Montessori từ những ngày đầu.
Thái Lan đã trải qua cải cách giáo dục quan trọng kể từ khi thông qua Đạo luật cải cách năm 1999. Montessori đã được nghiên cứu và giới thiệu như một Dự án thí điểm Phát triển Tiềm năng của Trẻ em tại 7 trường chính phủ có quy mô nhỏ vào năm 2004. Năm sau, 60 quan chức và các nhà giáo dục tư nhân Thái Lan đã tham dự Đại hội Montessori quốc tế lần thứ 25 tại Sydney, Australia, ngay sau đó là chuyến thăm của Chủ tịch AMI, André Roberfroid tới Thái Lan.
Năm 2006 Hiệp hội Montessori Thái Lan (MAT) được thành lập và Khóa đào tạo Giáo viên Montessori 3-6 AMI đầu tiên được tổ chức tại đây. Khóa học này được hỗ trợ bởi sự đóng góp đáng kể từ các trường AMI ở Hoa Kỳ.
Văn phòng Giáo dục Cơ bản, Bộ Giáo dục Thái Lan và Hiệp hội Montessori Quốc tế (AMI) cam kết nhìn thấy ngày càng nhiều trẻ em hơn được tiếp cận với giáo dục Montessori và công nhận rằng nền tảng của việc đạt được mục tiêu này là cung cấp các khóa Đào tạo giáo viên Montessori chất lượng cao. Hai bên sẽ hợp tác với nhau để cung cấp các khóa đào tạo giáo viên Montessori, phát triển chuyên môn Montessori, hướng dẫn và hỗ trợ cho việc thực hiện giáo dục Montessori theo tiêu chuẩn cao nhất, hướng dẫn và hỗ trợ liên quan tới học liệu và cung cấp môi trường học tập tối ưu, nhận dạng đào tạo giảng viên AMI tiềm năng để cung cấp chương trình đào tạo Montessori đang diễn ra trong khu vực ASEAN.
Với mục tiêu trên, các khóa đào tạo giáo viên Montessori 3-6 tại Thái Lan dành cho học viên trong khối ASEAN có học phí rất rẻ, chỉ 140,000 THB tương đương $4400 USD. Học phí này chỉ bằng 1/3 học phí của AMI tại các nước phát triển. Rẻ hơn mức học phí của rất nhiều khóa học của AMI tổ chức tại Ấn Độ. Và Thái Lan thì lại rất gần Việt Nam.
Khóa đào tạo Giáo viên Montessori 3-6 AMI tại Thái Lan tiếp theo sẽ bắt đầu từ năm 2019 tới 2021. Sau đây là lịch học cụ thể:
Lịch học tại trung tâm đào tạo (19 tuần):
+ Block 1: 27 Tháng 9 – 25 Tháng 10, 2019
+ Block 2: 23 Tháng 3 – 10 Tháng 4 & 20 Tháng 4 – 7 Tháng 5, 2020
+ Block 3: 25 Tháng 9 – 23 Tháng 10, 2020
+ Block 4: 22 Tháng 3 - 9 Tháng 4 & 19-30 Tháng 4, 2021
Lịch quan sát và Thực tập dạy (8 tuần) vào các tháng:
Tháng 11, 12 năm 2019
Tháng 1, 2, 6, 7, 8, 11, 12 – năm 2020
Tháng 1, 2 năm 2021
Các bạn cần liên hệ đăng ký khóa học và chuyển học phí (nếu được nhận) trước ngày 31/08/2019.
Thông tin liên hệ:
The Montessori Teacher Training Centre of Thailand, Plearnjit Road, Phon, Khonkaen, Thailand,
Telephone: (66) 0870035018 or (66) 089437712
Email: [email protected]
Mọi thông tin trên đây được lấy và tổng hợp từ trang web của Hiệp hội Montessori Thái Lan (MAT) montessoriassothailand.org
PS: Nếu bạn có thắc mắc, vui lòng để lại comment dưới đây, không inbox ạ vì sẽ có nhiều câu hỏi trùng nhau. Mình sẽ trả lời mọi câu hỏi nếu mình biết câu trả lời.
Lựa chọn trường Montessori
Những tiêu chí để lựa chọn một trường Montessori - Simone Davies
Sự Bình thường hóa và Sự Lệch hướng
Sự quan sát và Người giáo viên
Montessori - Sự quan sát và Người giáo viên
Nguồn: http://montessoriguide.org
“With Observation we are Montessori teachers. Without Observation we are conventional teachers with really cool manipulatives” (Ginni Sackett)
Tạm dịch: “Với Quan sát, chúng ta là giáo viên Montessori. Nếu không có Quan sát, chúng ta là những giáo viên truyền thống với những học cụ thật tuyệt”
Trong hội nghị Montessori thế giới lần thứ 9 tổ chức tháng 5 năm 1951 ở London (lần cuối cùng Montessori phát biểu trước một hội nghị Montessori quốc tế, hiện tại được tổ chức 4 năm 1 lần), bà đã có lời phát biểu đáng chú ý:
"Hành động của các bạn, các quý bà và các quý ông, trong việc trao cho tôi niềm vinh dự này, đã đem đến cho tôi một sự so sánh đơn giản và không khách sáo. Các bạn có từng để ý điều xảy ra khi bạn cố gắng chỉ một thứ cho con cún của bạn không? Con cún không nhìn về hướng mà bạn đang chỉ, mà chỉ nhìn về bàn tay mở ra và ngón tay của bạn. Tôi không thể không nghĩ rằng các bạn đang hành động một cách nào đó giống như vậy trong việc tập trung sự chú ý quá nhiều vào tôi. Tôi đang chỉ ra - như là tôi chưa từng dừng việc chỉ này trong 40 năm qua - tới một người bên ngoài tôi, và các bạn đang nói như là, “Cô ấy có một ngón tay thật đẹp! Cô ấy có đang đeo một cái nhẫn thật đẹp!”. Niềm vinh dự lớn lao nhất và lòng biết ơn sâu sắc nhất các bạn có thể trao cho tôi là chuyển sự chú ý từ tôi sang hướng mà tôi đang chỉ tới, Đứa Trẻ - The Child. " (E. M. Standing, Maria Montessori Her Life and Work, p.78, 1957 )
Sự Bình thường hóa và Sự Lệch hướng
(Normalization and Deviation)
1. Giới thiệu
Chúng ta đã vẽ một bức tranh về sự phát triển con người phổ quát; quá trình tự nhiên, bình thường mà tất cả mọi người trải qua trong cuộc hành trình của họ đến tuổi trưởng thành. Chúng ta đã nói về cách đứa trẻ xây dựng trí óc và tính chất con người của mình thông qua các tương tác của em với môi trường và cách các giai đoạn nhạy cảm hướng dẫn em ấy trong việc tìm kiếm những trải nghiệm cụ thể cần thiết cho sự phát triển. Chúng ta đã thiết lập rằng trẻ em trên toàn thế giới theo cùng những mẫu hình phát triển cơ bản và từng đứa trẻ trở thành một cá nhân của thời gian và địa điểm của em, không bao giờ tồn tại trước đây và không bao giờ trở lại. Mỗi đứa trẻ đi vào thế giới với một kế hoạch phổ quát cho sự phát triển; nếu kế hoạch phát triển đó được hỗ trợ, em ấy sẽ phát triển thành một đứa trẻ khỏe mạnh, đẹp đẽ - khỏe mạnh và đẹp theo cách riêng của em ấy.
2. Những ảnh hưởng của môi trường
Mặc dù tất cả trẻ sơ sinh đều có chung một kế hoạch phát triển, đến năm 3 tuổi sự khác biệt giữa các trẻ em là vô cùng lớn. Sự phát triển không phải lúc nào cũng theo kế hoạch. Trẻ nhỏ thấm hút những kinh nghiệm sẽ hỗ trợ sự phát triển của chúng, nhưng trẻ nhỏ cũng hoàn toàn dễ bị tổn thương bởi những kinh nghiệm trong môi trường có thể cản trở sự phát triển của các em, cả về thể chất, và như bạn sẽ thấy, tâm lí.
Sự hiểu biết của chúng ta về tác động môi trường đối với sự phát triển của con người là tương đối gần đây. Cách đây không lâu trong lịch sử nhân loại, chúng ta đã từng nghĩ rằng trẻ em được sinh ra theo số phận của chúng, và một số chỉ may mắn, và một số thì không. Một số người trong chúng ta đã nghĩ rằng sinh khiếm khuyết có nghĩa là trẻ bị nguyền rủa, hoặc cha mẹ em đã làm các vị thần tức giận. Bây giờ chúng ta biết điều kiện môi trường bất lợi có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất. Chúng ta biết rằng trẻ sơ sinh bị thiếu chân tay không chỉ là "không may mắn", đây có thể là một kết quả bi thảm của ngộ độc thuốc giảm đau, thuốc an thần (được phát hiện 1961, khi các phụ nữ mang thai uống đã làm cho thai nhi biến dạng, dị tật) trong môi trường của chúng. Chúng ta biết được rằng trong khi mang thai, sự thiếu hụt vitamin, lạm dụng rượu và ma túy hoặc hút thuốc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất và sự phát triển trí óc của trẻ. Chúng ta cũng đã biết rằng sự can thiệp đúng có thể sắp xếp lại nhiều phát triển không đúng kiểu. Một sự hở hàm ếch có thể được tái tạo lại bằng phẫu thuật. Một chân tay giả có thể cung cấp sự độc lập cho một đứa trẻ được sinh ra mà không có chân. Một đứa trẻ sinh ra chậm phát triển về trí óc có thể học cách sống một cuộc sống hạnh phúc và hữu ích. Chúng ta cũng biết rằng những trường hợp này không bao giờ là lỗi của trẻ, và tất cả trẻ em xứng đáng, như quyền khai sinh của chúng, được chấp nhận hoàn toàn, được yêu thương, và được hỗ trợ cho tiềm năng tối đa của các em.
Những tiến bộ trong sự hiểu biết của chúng ta về phát triển thể chất đã mở cánh cửa hướng tới hiểu rõ hơn về tác động môi trường đối với sự phát triển tâm lí của trẻ em. Chúng ta đang bắt đầu hiểu cách trí óc và cơ thể được kết nối, đặc biệt là trong sáu năm đầu đời, và cách nhận biết và hỗ trợ sự tích hợp thể chất và sự phát triển trí óc là điều cần thiết trong công việc với trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, người lớn chúng ta thường thất bại để hỗ trợ sự phát triển đó. Chúng ta không thể bảo vệ hoàn toàn đứa trẻ khỏi những thăng trầm của cuộc sống. Tai nạn, sự thất bại, và sự thụt lùi xảy ra trong dòng chảy của cuộc sống. Cuộc sống, bởi bản chất của nó, là không thể đoán trước, và vì vậy ngay cả đứa trẻ được nuôi dưỡng kỹ nhất cũng tìm thấy những trở ngại trong con đường của em mà có thể thay đổi tiêu cực tới sự phát triển của em. Có những trở ngại tới từ những người lớn có ý định tốt, có những trở ngại từ người lớn bỏ bê hoặc thụ động, những trở ngại trong môi trường, và thậm chí những trở ngại từ bên trong chính đứa trẻ, dưới hình thức bệnh tật hoặc di truyền. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét ảnh hưởng của các chướng ngại vật đối với sự phát triển tâm lí, và thấy, cũng giống như với phát triển thể chất, cách can thiệp đúng đắn có thể mang đứa trẻ trở lại con đường khỏe mạnh, xinh đẹp của sự phát triển tuổi thơ bình thường.
(Còn nữa)
Những chướng ngại vật (đối với sự phát triển tâm lí) và ảnh hưởng của chúng
Những lệch hướng và cách chúng biểu lộ
“Chúng cho tôi thấy điều gì”
“Sự bình thường đích thực”
Những điều kiện cần thiết cho sự bình thường hóa
Sự chuyển đổi từ lệch hướng sang bình thường
Câu chuyện của Vivek
Kết quả của sự phát triển bình thường
PS: các phần sau của bài viết mình xin gửi riêng cho những bạn quan tâm tới chủ đề này. Vui lòng cung cấp địa chỉ email để mình tổng hợp gửi 1 lần.
Dịch bởi May Sóc Children’s House
Tự do và Kỷ luật
Các khái niệm về Tự do và Kỷ luật là những khái niệm rất quan trọng đối với phụ huynh và giáo viên. Chúng là trung tâm của công việc của chúng ta với trẻ em. Sự hiểu biết của chúng ta về hai khái niệm này, có lẽ quan trọng hơn bất kỳ thứ nào khác, chính là điều thiết yếu quyết định mức độ mà chúng ta có thể hỗ trợ sự phát triển của trẻ.
Kinh nghiệm và sự hiểu biết về Tự do và Kỷ luật của chúng ta tạo nên bối cảnh bảo vệ mối quan hệ của chúng ta với trẻ em. Nó ảnh hưởng đến các quan sát của chúng ta, diễn giải của chúng ta và những phản ứng chủ động của chúng ta. Nó ảnh hưởng đến cách chúng ta chuẩn bị môi trường, cách chúng ta tương tác hàng ngày với trẻ, thậm chí hạnh phúc của chúng ta trong công việc.
Thái độ của chúng ta đối với Tự do và Kỷ luật ảnh hưởng trực tiếp đến cốt lõi của những động lực sâu xa nhất của chúng ta. Tại sao chúng ta có phản ứng theo cách chúng ta hành động? Chúng ta là những người trưởng thành sẽ hỗ trợ sự phát triển của trẻ em hay ngăn chặn sự phát triển đó? Chúng ta có thể thay thế niềm kiêu hãnh và giận dữ bằng sự kiên nhẫn và khiêm nhường không? Sự hiểu biết về Tự do và Kỷ luật đòi hỏi chúng ta xem xét tất cả các lý do xã hội, cảm xúc và nhận thức để trả lời câu hỏi “Tại sao chúng ta thực hiện những lựa chọn chúng ta làm (trong hành động, cách phản ứng, cách đối xử… với trẻ)?”
1) Cách hiểu truyền thống thông thường về Kỷ luật
Khi chúng ta nghe từ "kỷ luật", nó thường được kết nối với hành vi. Cho dù ở trường hay tại nhà, ý tưởng về kỷ luật thường tập trung vào câu hỏi, "Làm thế nào để chúng ta làm cho trẻ biết cách cư xử đúng đắn?"
• Cách ly tạm thời.
• Nêu tên lên bảng.
• Gửi đến văn phòng (hiệu trưởng).
• Không được nghỉ giải lao (phạt). Hoặc theo hướng được coi là “tích cực” (thưởng) –> Được “Giải lao” nếu trẻ biết cư xử.
• Úp mặt xuống bàn, úp mặt vô tường
• Phân loại. Ví dụ, trẻ em bắt đầu mỗi ngày được trong nhóm"màu xanh" và với
mỗi lần vi phạm chuyển sang nhóm “màu vàng” và cuối cùng là nhóm “màu đỏ”.
• Tét đít
• Thưởng ngôi sao, tiền bạc, hoặc 1 chuyến đi chơi tới chỗ trẻ thích (Disneyland) để trẻ có hành vi “tốt”
Khái niệm "biết cách cư xử" của xã hội thường có nghĩa là, "làm những gì người lớn nói." Nghe. Làm theo hướng dẫn. Ngồi yên. Chú ý. Giữ yên lặng. Cư xử tử tế. Khi đứa trẻ không “biết cách cư xử”, thì kỷ luật là cần thiết. Kỷ luật này xảy ra khi người lớn tức giận hoặc thất vọng vì đứa trẻ không làm những gì người lớn nói. Niềm kiêu hãnh cũng góp phần; "Cô/Bố/Mẹ là người lớn, và con phải lắng nghe Cô/Bố/Mẹ." Người lớn cần phải "giữ trên cơ”.
Montessori đã viết, "Cái được gọi là kỷ luật trong các trường truyền thống không phải là hoạt động, mà là bất động và im lặng. Đó không phải là kỷ luật, mà chỉ là một cái gì đó mưng mủ bên trong đứa trẻ, đang dấy lên những cảm xúc nổi loạn của mình. ”(Montessori, Creative Development in the Child Vol. 2, p.41.)
Một cách tiếp cận khác với kỷ luật, một số người lớn có ý tốt cố gắng tạo động lực cho trẻ em bằng phần thưởng, ví dụ, ý tưởng “tặng nghỉ giải lao”, giải lao thêm nếu tất cả trẻ đều làm bài tập về nhà. Thưởng cho trẻ em là phương pháp kiểm soát hành vi phổ biến. Chỉ cần search và lướt qua các blog internet bạn ngay lập tức tìm thấy những nhận xét tương tự như này, "Có gì sai với các ngôi sao vàng? Xét cho cùng, chúng ta dành cuộc sống trưởng thành của mình làm việc để làm hài lòng những người quyền lực hơn ở trên chúng ta; tại sao không đào tạo trẻ em để làm như vậy? ” Hoặc rất nhiều người chỉ trích các triết lý dạy học cho rằng “Các giáo viên nên bị tước quyền khen thưởng những hành vi tốt và phạt những hành vi xấu của học sinh”. Hiểu biết của xã hội về kỷ luật được giới hạn ở cách người lớn thúc đẩy hành vi của trẻ em, bằng hình phạt hoặc phần thưởng.
Nghe có vẻ rất quen thuộc, đúng không ạ? Đây là cách hầu hết xã hội chúng ta nhìn vai trò của người lớn và trẻ em, và đây có lẽ là thái độ đối với kỷ luật mà hầu hết chúng ta đã được nuôi dưỡng. Nó vẫn là thái độ phổ biến hiện nay, và như khi Montessori đã viết:
“Theo như tâm lý trẻ em đã biết thì chúng ta có nhiều định kiến hơn là khôn ngoan. Tới tận bây giờ chúng ta vẫn muốn thống trị trẻ em từ bên ngoài với cây gậy thay vì ... hướng dẫn chúng bên trong như một con người.
Đây là lý do tại sao trẻ em đã luôn đi ngang qua chúng ta mà chúng ta không thể biết gì về chúng. Nhưng nếu chúng ta đặt sang một bên các thủ thuật mà chúng ta đã cố gắng sử dụng để bẫy trẻ và những bạo lực mà chúng ta đã thực hiện để có kỷ luật, trẻ em sẽ tự tỏ mình với chúng ta ” (Montessori, “Quotations on Freedom,” AMI Communications, 1985, No.1, p. 16).
2) Cách hiểu truyền thống thông thường về Tự do
Xã hội chúng ta hiểu gì về khái niệm “tự do?” Tự do nghĩa là bạn được làm bất cứ điều gì bạn muốn! Tự do là đối lập của Kỷ luật. Trẻ em phải tuân thủ các quy tắc của chúng ta cho đến khi chúng 18 tuổi, sau đó chúng được tự do làm bất cứ điều gì chúng muốn. Điều gì chúng ta thấy khi những đứa trẻ 18 tuổi này cuối cùng được tự do làm những gì chúng muốn? Uống rượu, sử dụng ma túy, đua xe, bỏ học, thậm chí hiếp dâm những người quen (trẻ hàng xóm..). Tất nhiên, điều đó cũng xảy ra ở trường trung học phổ thông và thậm chí là trung học cơ sở. Ngay cả trường tiểu học, sau giờ tan học, những đứa trẻ vội vã ra khỏi cổng trường, cuối cùng thoát khỏi sự hạn chế của kỷ luật.
Trong các trường Montessori, chúng ta nghe thấy nhiều thái độ tiết lộ khác về tự do- “Tôi biết đây là trường Montessori, và bọn trẻ được cho là phải làm việc, nhưng các cô không thể để chúng chơi sao? Chúng ta không thể để trẻ em tự do sao?"
Thái độ này phản ánh sự sợ hãi các quy tắc trong việc nuôi dạy con cái thời hiện đại mà gợi lại từ kỷ luật nghiêm ngặt mà cha mẹ của những phụ huynh này đã sử dụng. Những bậc cha mẹ mới này muốn nuôi dạy con cái của họ một cách khác biệt, vì vậy họ cho trẻ em của họ tự do, và không đè nặng chúng với trách nhiệm hoặc quy tắc. Tương tự như vậy, nhiều trường mầm non và các giáo viên mẫu giáo được dạy chỉ cần “làm theo chỉ dẫn của trẻ” và để các em dẫn dắt quá trình học tập theo mối quan tâm của chúng. Điều này nghe có hơi quen thuộc không? Có phải họ đang làm theo những gì Montessori khuyên? Không phải là họ đã “gạt bỏ những thủ thuật và bạo lực sai lầm để có kỷ luật” sao? Đúng ra chúng ta phải thấy được những đứa trẻ “tiết lộ bản chất thật của chúng” chứ?
Nhưng trong thực tế, chúng ta thấy gì ở những đứa trẻ có cha mẹ chỉ “để chúng được tự do,” và trong lớp học nơi giáo viên chỉ đơn giản là làm theo sự dẫn dắt của trẻ em? Chúng ta thấy những đứa trẻ không biết kiểm soát, bỏ rơi và không quan tâm tới đồ đạc học cụ của chúng, và các lớp học trở nên hỗn loạn kiểu bát nháo. Đây có phải là bản chất thật sự của trẻ em? Cha mẹ và giáo viên đã " đi theo đứa trẻ" ngay trên rìa của vách đá! Sau đó kết quả là những bậc cha mẹ và giáo viên thất vọng, và cuối cùng họ cũng phải dùng đến cùng một loại kỷ luật mà họ đã thề sẽ tránh.
Chúng ta phải làm sao? Những ý tưởng lẫn lộn và mâu thuẫn của xã hội về tự do và kỷ luật là không giống với tất cả mọi thứ chúng ta đã học về sự khám phá của Montessori về bản chất thực sự của thời thơ ấu.
Suy nghĩ truyền thống thông thường về tự do và kỷ luật định nghĩa chúng là các lực bên ngoài quản lý trẻ em. Người lớn kỷ luật trẻ em. Người lớn cho trẻ em tự do. Đứa trẻ là thụ động, và sức mạnh nằm ở người lớn. Đây là thế giới quan mà chúng ta phải giải quyết. Suy nghĩ truyền thống thông thường về Tự do và Kỷ luật là không hoạt động, là không phù hợp. Để thay đổi thế giới quan, chúng ta phải thay đổi định nghĩa về Tự do và Kỷ luật của chúng ta. Khi chúng ta định nghĩa lại suy nghĩ của mình, chúng ta có thể thay đổi được sự mâu thuẫn và sự mệt mỏi trong mỗi chúng ta để hiểu và hỗ trợ (trẻ). Hiểu biết thực sự về Tự do và Kỷ luật mang chúng ta tới gần hơn việc trở thành kiểu người lớn có thể hỗ trợ sự phát triển của trẻ với sự kiên nhẫn, kiến thức, và tình thương.
(Còn nữa)
Phần 2:
Một cách hiểu khác về Kỷ luật
Phần 3:
Một cách hiểu khác về Tự do
PS: các phần sau của bài viết mình xin gửi riêng cho những bạn quan tâm tới chủ đề này. Vui lòng cung cấp địa chỉ email để mình tổng hợp gửi 1 lần.
Dịch bởi May Sóc Children’s House
"Làm sao chúng ta có thể nói đến Dân chủ hay Tự do khi ngay từ lúc khởi đầu của cuộc đời chúng ta đã khuôn đúc đứa trẻ khiến nó trải qua sự hà khắc, để tuân phục một kẻ độc tài (người lớn)? Làm sao chúng ta có thể mong đợi có Dân chủ khi chúng ta nuôi dưỡng những kẻ nô lệ? Tự do đích thực bắt đầu từ lúc khởi sự cuộc đời, không phải ở giai đoạn làm người lớn. Những con người này (đứa trẻ) đã bị cắt giảm năng lực, bị biến thành thiển cận, mất sinh lực bởi sự mệt mỏi về tâm thần, với cơ thể đã trở nên méo mó, với ý chí (will) đã bị bẻ gãy bởi người lớn là những kẻ đã nói:" Ý (will) của ngươi phải tan biến mất và ý (will) của ta phải thắng thế!" - làm sao chúng ta lại có thể mong đợi rằng, khi cuộc sống học đường đã kết thúc, họ (những đứa trẻ) sẽ chấp nhận và sử dụng được các quyền của tự do?" (Maria Montessori, Giáo dục vì một Thế giới mới, p.115-116)
Một dân tộc có thể chỉ cần 24 năm để tiến tới một xã hội văn minh, dân chủ và tự do đích thực. Thế giới này có thể chỉ cần 24 năm để tiến tới một nền hòa bình vĩnh cửu. Hãy nhìn xem chúng ta đã mất bao nhiêu năm và sẽ còn tiếp tục mất bao nhiêu năm nữa?
Tất cả "người lớn" chúng ta của ngày hôm nay đều đã từng là những Đứa trẻ! Chúng ta của thì hiện tại bị ảnh hưởng bởi cách chúng ta bị đối xử khi còn là trẻ em. Chúng ta sẽ tiếp tục lặp lại vòng luẩn quẩn này mãi?
Tự do và Kỷ luật
Môi trường Montessori Toddler dành cho trẻ 15 - 30 tháng
Xin gửi tới các ba/mẹ một vài hình ảnh của lớp học Toddler. MS sẽ cập nhật thông tin chi tiết các đợt nhập học tại post này và hình ảnh khác của lớp học trong album này: https://www.facebook.com/pg/MaySocHOC/photos/?tab=album&album_id=1931525986918431
Lịch nhập học 2018
Đợt 1 Tháng 03/2018
Đợt 2 Tháng 06/2018
Đợt 3 Tháng 09/2018
Đợt 4 Tháng 12/2018
Vui lòng inbox để biết thêm thông tin.
Không gian lớp học Toddler của các bạn 15-30 tháng
Hành trình xây dựng môi trường tiểu học Montessori của May Sóc Children's House
May Sóc Toddler (15 - 30/34 tháng)
Xin gửi tới các ba/mẹ một vài hình ảnh của lớp học Toddler. MS sẽ cập nhật thông tin chi tiết các đợt nhập học tại post này và hình ảnh khác của lớp học trong album này: https://www.facebook.com/pg/MaySocHOC/photos/?tab=album&album_id=1931525986918431
Lịch nhập học 2018
Đợt 1 Tháng 03/2018
Đợt 2 Tháng 06/2018
Đợt 3 Tháng 09/2018
Đợt 4 Tháng 12/2018
Vui lòng inbox để biết thêm thông tin.
May Sóc Children’s House cần tuyển một giáo viên trợ tá cho môi trường Toddler (15-30 tháng). Yêu cầu:
- Yêu trẻ
- Có sức khỏe
- Mong muốn học tập và theo đuổi pp Montessori
- Thời gian bắt đầu làm việc từ sau tết, 26/02/2018.
- Ưu tiên bạn có chứng chỉ trợ tá Montessori
Vui lòng liên hệ qua FB May Sóc hoặc số điện thoại 0936331033 gặp Nhàn.
Cô bé Mon 12 tuổi Severn Cullis-Suzuki
Một tinh thần Montessori thực sự được nói lên bởi cô bé Mon 12 tuổi Severn Suzuki cách đây 25 năm. Và bây giờ?
https://www.youtube.com/watch?v=uZsDliXzyAY
https://www.youtube.com/watch?v=3ipOdsd1SmA
25 năm sau:
"Nhóm nghiên cứu nêu ra một số xu hướng tiêu cực đối với môi trường như lượng thải khí carbon và nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục gia tăng, lượng nước ngọt sẵn có theo đầu người giảm 26%, số vùng chết trên đại dương tăng 75%, đất rừng giảm gần 121 triệu hecta, lượng đánh bắt cá tự nhiên sụt giảm, số lượng động vật có vú, bò sát, lưỡng cư, cá và chim giảm 29%, dân số tăng 35%."
https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/15-000-nha-khoa-hoc-canh-bao-nhung-nguy-co-de-doa-nhan-loai-3669967.html
Hiện trạng Montessori trên toàn thế giới
Cách để phân biệt một trường Montessori thật sự như được đưa tin trên Global TV ở thành phố Toronto, Canada.
Phí tiền chưa phải là vấn đề, điều tệ nhất là con bạn mất đi cơ hội.
Làm việc và Chơi
Ở Việt Nam có rất nhiều tranh luận quanh "quan điểm" của Montessori về truyện cổ tích nhưng bạn đã được đọc lời của Montessori nói trực tiếp về vấn đề này?
Maria Montessori - The 1946 London Lectures Vol 17
Một đặc điểm của trẻ em dưới 6 tuổi là hầu như không thể dạy cho chúng; trẻ nhỏ không thể học hỏi từ một giáo viên. Vì chúng được coi là quá nhỏ để đi học, giáo dục của chúng thường không bắt đầu cho đến khi sáu tuổi. Một đặc điểm khác của trẻ nhỏ là chúng biết và hiểu rất nhiều; chúng có đầy đủ kiến thức. Điều này dường như là một sự mâu thuẫn, nhưng sự thật là những đứa trẻ này tự lấy kiến thức từ môi trường.
Thiên nhiên bảo vệ độ tuổi này. Đó là độ tuổi xây dựng tinh thần và trong mỗi giai đoạn xây dựng có quy luật phát triển. Chúng ta phải có ý tưởng rõ ràng về những đứa trẻ này. Để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chúng, chúng ta có thể so sánh hời hợt và nói rằng trẻ nhỏ cũng giống như những con gà đang mổ vào thức ăn của chúng (mổ từng hạt thóc trên nền đất - những hạt kiến thức chúng cần, May Sóc).
Trong một môi trường tự nhiên, mỗi loài động vật sẽ chỉ ăn những thứ nhất định dưới những điều kiện nhất định. Động vật ăn thịt sống, thí dụ, ăn các động vật khác, nhưng chúng sẽ không ăn thịt chúng nếu chúng chết. Chúng đói, nhưng nếu chúng nhìn thấy loại động vật mà chúng quen ăn nằm chết trên mặt đất, chúng sẽ không chạm vào nó. Chúng sẽ chết đói hơn là ăn nó. Chúng chỉ ăn động vật sống. Chúng tuân theo một quy luật nhất định. Trẻ em cũng tuân theo quy luật; chúng có khả năng lấy nhiều kiến thức từ môi trường, nhưng trẻ chỉ có thể nhận kiến thức thông qua hoạt động của riêng chúng. Trẻ hấp thụ chính xác những gì chúng cần - lấy dưỡng chất tinh thần của chúng từ môi trường thông qua hoạt động của mình. Bằng cách này, các cơ quan của trẻ có thể hoạt động bình thường và chúng phát triển và xây dựng một đứa trẻ bình thường.
Đứa trẻ sáu tuổi có thể đến trường. Dường như tâm trí của em mở ra một chút ở độ tuổi này và bây giờ em có thể học được một ít từ giáo viên.
Chúng ta biết rằng trẻ em từ lúc mới sinh ra lấy vào và thấm hút. Chúng thấm hút lời nói của người lớn và, khi 6 tuổi, chúng có thể lắng nghe và tái tạo lại trong đầu chúng những gì đã được nói - nếu nó được đưa ra dưới một hình thức nhất định. Người trưởng thành kể cho chúng nghe các câu chuyện, các câu chuyện cổ tích nổi tiếng. Truyện cổ tích và việc chơi là hai điều mà các nhà quan sát hiện đại đã lưu ý. Họ coi việc chơi là một bản năng quan trọng khiến trẻ em phải làm việc, bắt chước, và thích nghi với môi trường của chúng.
Đến năm thứ sáu, trí óc của đứa trẻ mở ra để nhận từ người lớn. Chúng có thể kể lại và tái tạo lại trong đầu chúng những gì chúng được kể. Sức mạnh của sự tái thiết này rất sống động mà trẻ thích và sống trong những câu chuyện kể. Trẻ làm một sự tái thiết trong trí óc của chúng; nó giống như một bài tập tinh thần. Có lẽ một bài tập như thế này là cần thiết, bởi vì thông qua nó, chúng có thể liên lạc với trí thông minh của loài người.
Trẻ em không đồng hóa mọi thứ theo cùng một cách. Phải có một số đặc điểm đặc biệt trong câu chuyện cổ tích khiến cho trẻ thích chúng. Bây giờ, mọi người biết đến tên tôi nói rằng tôi chống lại truyện cổ tích (không có thực). Rõ ràng, tôi nói rằng chúng nguy hiểm cho trí óc của đứa trẻ. Nhưng bạn phải biết rằng tôi không bao giờ khẳng định bất cứ điều gì mà tôi đã chỉ đơn thuần lý luận ra, bởi vì nếu tôi đã làm điều đó nó sẽ chỉ là một lý thuyết không quan trọng. Nó sẽ chỉ là vấn đề ý kiến và do đó không phải là một tuyên bố nghiêm túc. Những phát biểu nghiêm túc phải đến từ quan sát - đó là sự thật. Tôi chưa bao giờ đưa ra một ý kiến về chủ đề này. Vì vậy, nếu tôi chống lại truyện cổ tích, nó sẽ không phải là do một ý tưởng phi thường của tôi, mà vì một số thực tế (facts) nhất định, thực tế (facts) quan sát nhiều lần. Những thực tế (facts) này đến từ chính bản thân trẻ em và không phải từ lý luận của riêng tôi. Tôi chỉ lưu ý điều thực tế này: trẻ em đi học bắt đầu làm việc bằng tay và trở nên rất quan tâm đến những thứ của thế giới bên ngoài. Chúng tôi ghi nhận một sự thay đổi đáng ngạc nhiên ở trẻ em. Khi chúng làm việc, sự quậy phá của chúng đã biến mất mà không cần phải chỉnh sửa và sự nhút nhát, thất thường, rối loạn của chúng…, tất cả đều biến mất như phép thuật. Thực tế tuyệt vời này mang lại ý nghĩa quan trọng cho quan sát của chúng tôi. Nó đã chứng minh một thực tế sâu xa về những đứa trẻ mà chưa từng biết đến trước đây. Cùng với sự quậy phá, những đặc điểm khác cũng biến mất, thường được coi là rất tốt đối với trẻ em như, sự vâng lời cực đoan, bám mẹ, sự dè dặt ... - tất cả đều biến mất cùng với sự quậy phá. Tình yêu lớn lao đối với truyện cổ tích cũng biến mất. Vì lý do này tôi nói rằng các hoàn cảnh nhất định tương ứng thực tế với môi trường (nghĩa là biểu hiện của trẻ phụ thuộc vào môi trường sống chứ không phải bản chất của trẻ kể cả việc việc trẻ thích truyện cổ tích - May Sóc). Tôi có thể trích dẫn nhiều trường hợp trong đó giáo viên kể truyện cổ tích cho trẻ và trẻ dần dần đi xa - đặc biệt là trẻ nhỏ - cho đến khi, chỉ còn những đứa trẻ lớn nhất ở lại nghe cô kể. Các em trên sáu tuổi ở lại và phần còn lại đã đi một cách tự nhiên để làm việc. Gần đây tôi đã có kinh nghiệm ở Ấn Độ. Đó là Giáng sinh và có một phụ nữ Đan Mạch với cái tâm tuyệt vời, người đã gọi tất cả các trẻ em quanh mình để kể cho chúng nghe câu chuyện về Chúa Giêsu nhỏ; câu chuyện của cô đầy những sự tôn sùng đáng kinh ngạc. Lũ trẻ tập trung quanh cây thông Noel nhưng một lần nữa các em nhỏ lại bỏ đi. Một số trẻ lớn tuổi lịch sự ở lại phía sau - mặc dù rõ ràng là chúng muốn nó sẽ nhanh chóng và kết thúc. Ngay khi cô ấy kết thúc, chúng nhanh chóng đi ra. Điều này cho thấy rằng trẻ nghe, hoặc ít nhất là những đứa lớn hơn đã nghe, nhưng bên trong chúng có thúc đẩy quan trọng hơn của tự nhiên. Vì vậy, chúng tôi không thấy sự quan tâm hoàn toàn. Nếu trẻ được tự do làm điều gì đó khác, trẻ sẽ chọn cái gì quan trọng hơn cho sự phát triển của chúng.
Đây là kinh nghiệm của tôi đối với trẻ em. Đối với tôi, tôi thích truyện cổ tích vô cùng và tôi thích những truyện ngắn. Những câu chuyện cổ tích rất đẹp, tuyệt vời và vui nhộn. Tất cả chúng ta đều thích sân khấu hay ballet; chúng ta thích nhìn thấy mọi người trong trang phục kỳ lạ và đẹp. Chúng ta bị mê hoặc. Chúng ta có loại trí óc này. Những câu chuyện thần tiên là những tác phẩm văn học rất quan trọng. Nếu tôi có thể, tôi sẽ làm một bộ sưu tập của tất cả các câu chuyện cổ tích trên thế giới để người lớn có thể biết chúng tốt hơn. Một số câu chuyện cổ tích đặc biệt thích nghi với tâm trí của đứa trẻ, và một số về hoàng tử tìm kiếm công chúa… - phù hợp với tâm trí của trẻ em gái. Một số câu chuyện cổ tích lại có một hành động công lý là điểm chính của chúng. Chúng là những câu chuyện nhỏ xinh đẹp cho trẻ em, nhưng không thể thay thế được những nỗ lực tập trung. Chúng ta phải nghiên cứu những đặc điểm nào đóng góp nhiều nhất cho báu vật tập trung này. Chúng ta cũng có thể tìm ra những đặc điểm nào của những câu chuyện này nhập vào trí óc của một đứa trẻ và giúp phát triển trí tuệ của em.
Câu chuyện cổ tích thường ngắn, rất rõ ràng và có rất ít ký tự. Các nhân vật điển hình: trẻ em nghèo, hoặc động vật. Có một điều gì đó trong mỗi câu chuyện có thể sắp đặt người hoặc động vật một cách khác thường. Môi trường cũng vậy, nói chung thường giới hạn theo cách đó; nó có thể là cung điện, một khu rừng, hoặc đường phố…, và được chiếu sáng bởi một cái gì đó chạm vào trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng chỉ nhận được một kích thích. Loại vật liệu này thường dẫn đến công việc nội tâm của đứa trẻ để tái tạo lại một thứ có thể hiểu được.
Nếu chúng ta làm theo những đặc điểm này, chúng ta thấy rằng có thể đưa ra những ý tưởng của chúng ta cho trẻ em. Nếu chúng ta sử dụng cùng một phương pháp được sử dụng bởi truyện cổ tích, chúng ta có thể giao tiếp với trí óc của đứa trẻ. Vì vậy, thay vì chỉ đưa ra bất kỳ một bài học nào, chúng ta phải chuẩn bị những truyện ngắn theo những dòng này. Chúng phải bao gồm một vài, nhân vật rõ ràng với phẩm chất bất thường. Môi trường của các câu chuyện phải được giới hạn, nhưng đầy hấp dẫn và những điều mới, bởi vì sự quan tâm của một đứa trẻ là do sự kỳ diệu, bất thường.
Trẻ em có thể tái tạo lại mọi câu chuyện, nhưng chúng cũng giống như cái gì đó kết nối với chuyển động và môi trường thực sự. Chúng thích cái gì chúng có thể xử lý, để chúng có thể cố định ý tưởng trong trí óc của chúng. Đây có thể là một phép chiếu của một cái gì đó bên trong - cũng giống như cách chúng xây dựng bằng các khối và cát. Hãy để trẻ xây dựng một cái gì đó liên quan đến những gì chúng có trong trí óc của chúng; cung cấp cho chúng một cái gì đó mới phù hợp với tâm lý tự nhiên của chúng.
Trẻ em có khả năng tự nhiên để lấy (kiến thức) từ môi trường mà không cần có giáo viên. Chúng cũng có khả năng làm việc. Công việc kích thích trí óc của chúng. Chúng tôi đã nghiên cứu những thực tế (facts) này trước đây; bây giờ chúng tôi thấy rằng trẻ em cũng có khả năng để lấy (kiến thức) từ những câu chuyện kể bởi một người lớn. Chúng ta có thể cho chúng những câu chuyện giống như câu chuyện cổ tích và kiến thức hiện tại dưới hình thức kể chuyện. Ví dụ là, chúng ta có thể kể cho chúng lịch sử. Sự khác biệt giữa lịch sử và truyện cổ tích là lịch sử là thực tế (facts) còn truyện cổ tích là được phát minh. Lịch sử là thực tế, nhưng là thực tế ở xa (về mặt thời gian) chúng ta, và do đó có vẻ tuyệt vời. Chúng ta không thể nhìn thấy những gì đã xảy ra từ lâu; chúng ta chỉ có thể tưởng tượng nó. Lịch sử có thể là một bài tập để xây dựng trí tưởng tượng. Bạn không thể truyền đạt lịch sử qua các cảm giác - nó đòi hỏi trí tưởng tượng. Trẻ phải tái tạo lại các chi tiết bằng trí tưởng tượng của mình.
Câu chuyện về quá khứ (lịch sử) có thể chỉ là toàn những sự kiện nhàm chán, nhưng nó không nên được đưa ra theo cách này. Nó phải được đưa ra như một câu chuyện cổ tích. Các câu chuyện phải ngắn gọn, với một vài nhân vật nổi bật, và môi trường phải giới hạn, bất thường và rất rõ ràng. Các câu chuyện phải được xây dựng xung quanh một cái gì đó tuyệt vời. Lịch sử có thể cho thấy một môi trường rất khác biệt với chúng ta. Đứa trẻ sẽ không chỉ tái tạo lại câu chuyện, mà còn phát triển trí thông minh của mình. Không có trí thông minh, chúng ta không thể hiểu được bất cứ điều gì. Tất cả chúng ta sống trong một môi trường hẹp và nếu chúng ta chỉ lấy từ môi trường này, trí thông minh của chúng ta sẽ rất hạn chế. Chúng ta phải cung cấp kiến thức theo cách thức mà nó sẽ mang lại cái gì đó nhiều hơn nữa.
Chúng ta không thể làm ra các khám phá được trừ phi trước tiên chúng ta có thể tưởng tượng được những gì chúng ta đang tìm kiếm. Chúng ta không được nghĩ rằng trí tưởng tượng chỉ hoạt động thông qua truyện cổ tích. Trí năng hoạt động như một hình thức của trí tưởng tượng. Sau đó, các lý thuyết có thể được truyền cho người khác. Tất cả các lý thuyết, trên thực tế, là những thành quả của trí tưởng tượng của con người. Trí tưởng tượng là thực chất của trí thông minh của chúng ta. Tất cả lý thuyết, tất cả tiến bộ, xuất phát từ năng lực của trí óc để tái tạo lại cái gì đó. Khi Darwin xuất bản thuyết tiến hóa của ông, ông đã cho chúng ta một ví dụ về những gì trí tưởng tượng có thể làm, vì nó không phải là hoàn toàn đúng. Chúng ta không thể có tiến bộ mà không có trí tưởng tượng. Nhiều lý thuyết khoa học được hình thành trong trí tưởng tượng và tiến triển sau đó. Các lý thuyết được hình thành như những câu chuyện cổ tích trong trí tưởng tượng của chúng ta và sau đó được tái tạo lại trong trí óc của chúng ta. Mọi người có thể được đưa cho bất kỳ lý thuyết gì. Nhiều lý thuyết được chấp nhận rộng rãi sau này được coi là không đạt yêu cầu và bị loại bỏ. Chúng được nhận thông qua trí tưởng tượng. Tất cả mọi người đều có khả năng này – cả những người khám phá lý thuyết và những người tiếp nhận và tái thiết những lý thuyết đó. Vì vậy, phần cổ tích không thể bị bãi bỏ trong giáo dục - vì tại sao chúng ta không nên đặt mọi thứ vào một hình thức thú vị hấp dẫn, làm cho nó trở thành một kích thích cho trí tưởng tượng? Chúng ta không được truyền đạt (kiến thức) một cách lạnh lùng. Nếu chúng ta làm như vậy, nó sẽ trở nên nhàm chán - đặc biệt nếu nó là để được ghi nhớ. Mọi người đều có trí tưởng tượng; nó là cái gì đó tuyệt vời phản chiếu ánh sáng và các yêu cầu mở rộng. Chúng ta phải cho mọi thứ (kiến thức) theo một cách sống động. Chúng ta không được nghĩ đến những đứa trẻ nhỏ như những sinh vật chỉ hỏi những câu chuyện cổ tích. Chúng cần một cái gì đó phù hợp với chúng, vì vậy chúng ta có thể cho chúng cuộc sống. Những đứa trẻ tội nghiệp phải ngồi trong trường nghe những kiến thức thực tế (facts) và các lý luận tẻ nhạt, và phải ghi nhớ chúng, chỉ có thể có một sức mạnh tối thiểu của trí óc. Những trường học này giống như những nhà xác cho trí óc của con người. Những đứa trẻ này sẽ có những trí óc bị chết và cắt xén.
Tôi sẽ không dập tắt bất kỳ ngọn lửa, bất kỳ sự tuyệt vời, bất kỳ sự nhiệt tình nào. Ngược lại, tôi muốn soi sáng toàn bộ sự chỉ dẫn để mỗi hạt nhỏ của tri thức đều nhận được với sự hiểu biết và sự nhiệt tình. Bằng cách này, trí óc được phát triển và hoàn thiện. Sức mạnh của trí tuệ phải tăng lên khi học tập. Nó phải được nuôi dưỡng - không được chán và mệt mỏi.
Đây là điều tôi tin là sự thật. Tôi tin rằng thay đổi giảng dạy là cần thiết trong ý nghĩa tri thức phải được lấy vào thông qua trí tưởng tượng chứ không phải thông qua sự ghi nhớ. Giảng dạy phải được điều chỉnh cho mục đích này. Học sinh không được chán hoặc mệt. Chúng phải có sự nhiệt tình và sự nuôi dưỡng tinh thần to lớn hơn. Các trường học cần một cuộc sống tinh thần mới. Một đứa trẻ không thể chỉ nghe toàn bộ thời gian. Một trí óc đang bắt đầu tồn tại không thể lấy vào tất cả mọi thứ bằng cách lắng nghe.
Chúng ta phải thấy con đường mới của chúng ta rõ ràng. Chúng ta phải cung cấp cho trẻ em ở trường những điều phù hợp với sự vĩ đại của loài người, những thứ cần thiết cho sự phát triển của em. Chúng ta phải tìm kiếm để mang sự sống cho toàn bộ giáo dục. Sau đó, giáo dục sẽ là một dưỡng chất và một phương tiện để phát triển trí óc lớn hơn bao giờ hết đã được phát triển trước đó. Giáo dục trong trường học phải giúp phát triển trí thông minh của con người.
Giáo dục không phải là việc bóc lột trí óc yếu đuối, một trí óc phải nhớ những điều nhàm chán. Ngày nay, các nhà giáo dục thảo luận thời gian cần dành cho mỗi môn học. (Một giờ? Hai giờ? Hai mươi phút?) Không phải là giới hạn của việc học là quan trọng. Đây không phải là cải cách. Cải cách giáo dục là mang lại cuộc sống và cung cấp kiến thức dưới hình thức cần thiết cho cuộc sống. Khi điều này được thực hiện, học sinh có thể học hỏi nhiều hơn chúng làm ngày nay, mà không có sự mệt mỏi. Chúng ta phải mở rộng chương trình. Trí óc được mở rộng với sự nuôi dưỡng dồi dào.
Trường của chúng tôi bắt đầu với ba đến bốn giờ làm việc và vẫn duy trì mở lâu hơn và lâu hơn. Rồi trẻ em bắt đầu đến làm việc thêm vào buổi chiều. Sau đó, cả giáo viên và các em bắt đầu trở nên nhiệt tình và vẫn còn tiếp tục ở trường trong vài giờ nữa. Giáo viên và trẻ em thích nó. Sau đó các giáo viên bắt đầu tiếp tục làm việc vào các buổi tối để chuẩn bị những điều thú vị cho trẻ em vào ngày hôm sau. Họ có mệt không? Không, họ rất phấn khởi và thích thú.
Cải cách giáo dục phải là một cuộc cải cách tâm lý sâu sắc. Nó không phải là một cải cách của giáo trình mà là một cải cách tâm lý.
Dịch bởi May Sóc Children’s House
(PS: Trong mục Notes/Ghi chú còn bài Sự Xây dựng của Trí Tưởng tượng - một bài giảng của MM liên quan trực tiếp tới bài viết này)
Click here to claim your Sponsored Listing.
Câu chuyện của chúng tôi
May Sóc Children’s House, một Ngôi nhà của Trẻ Montessori - Trường Mầm non Montessori ở quận Thủ Đức, là kết quả của một hành trình dài kể từ ngày May và Sóc ra đời. Ngày ấy, chúng tôi – những bố mẹ của May và Sóc, cũng như bao ông bố bà mẹ khác, trong niềm hạnh phúc được đón đứa con đầu lòng là những băn khoăn, trăn trở về trách nhiệm nuôi dạy bỗng dưng được đặt trên vai. Bên cạnh đó, việc chứng kiến cũng như trải nghiệm một số bất cập của hệ thống giáo dục truyền thống nói chung và giáo dục mầm non nói riêng khiến chúng tôi luôn muốn tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn cho May và Sóc. Trên hành trình tìm hiểu các phương pháp giáo dục cho lứa tuổi mầm non từ 0 đến 6 (early childhood education), chúng tôi đã nhận ra những điều vô cùng quan trọng. Đầu tiên, trách nhiệm cũng như “quyền lực” giáo dục con cái – thế hệ mới của nhân loại – là của tất cả các bậc phụ huynh. Thế nhưng, điều thứ hai, phần lớn người lớn chúng ta lại có rất ít kiến thức chuyên sâu về giáo dục đặc biệt là giáo dục mầm non. Chúng ta có thể có bằng cấp rất cao ở những lĩnh vực được đào tạo, nhưng kiến thức về giáo dục trẻ em – lĩnh vực mà chúng ta có trọng trách phải làm, thì không khác số 0 là mấy. Chúng ta mặc nhiên cho rằng trách nhiệm phải tìm hiểu một cách chuyên sâu nằm ở những nhà giáo dục, ở các thầy cô giáo. Vậy mà, điều đáng tiếc nhất, có rất ít người nhận ra điều này. Phần đông, cố ý hoặc vô tình, luôn nghĩ rằng mình có đủ trình độ, mình có kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước, từ những điều đã đi sâu vào tiềm thức, từ những tìm hiểu qua sách báo, internet một cách không có hệ thống… Vâng, phần lớn chúng ta hóa ra lại là những người thiếu hiểu biết và bảo thủ nhất trong việc giáo dục con trẻ.
Trên bước đường tìm hiểu về các phương pháp giáo dục cho lứa tuổi mầm non, đã có đôi lúc chúng tôi lạc lối vào những phương pháp được quảng cáo là “giáo dục sớm”. Hệ quả của một xã hội với những áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chúng ta luôn mong muốn con mình phải giỏi hơn, tự tin hơn, được trang bị tốt hơn… thế hệ cha ông của chúng. Bố mẹ của May Sóc cũng không nằm ngoài những quy luật đó, chúng tôi đã từng lao theo những thử nghiệm được quảng cáo là để dạy con các kỹ năng mà bình thường phải thần đồng mới làm được. Rất may, quá trình tìm hiểu của chúng tôi vẫn luôn tiếp tục và việc trang bị kiến thức khiến chúng tôi nhận ra những sai lầm của mình.
Trong hành trình tìm hiểu các phương pháp giáo dục thay thế cho phương pháp giáo dục truyền thống, chúng tôi đã quyết định tìm hiểu sâu và có hệ thống về phương pháp giáo dục Montessori. Với quan điểm “Giáo dục là một sự hỗ trợ cho con người trong cuộc sống”, chúng tôi cảm nhận được tình yêu vô bờ bến, sự tôn trọng thực sự, và niềm tin vào trẻ em từ sâu thẳm con người bà Maria Montessori – người mẹ, nhà giáo dục, nhà khoa học sống cách đây cả một thế kỷ. Và, chúng tôi bị thuyết phục bởi tính khoa học trong triết lý và phương pháp giáo dục cũng như trong những học cụ dành cho trẻ mà bà, bằng cả một quá trình thực nghiệm quan sát rất dài, đã tạo ra.
Chúng tôi vô cùng sung sướng vì đã hiểu được con mình và biết được cách để hỗ trợ May và Sóc tự xây dựng cho các con những tính cách tích cực cũng như luôn tìm thấy niềm vui và tình yêu trong học tập một cách tự nhiên và khoa học nhất. Chúng tôi cũng vô cùng sung sướng vì đã xây dựng được May Sóc Children’s House như điều chúng tôi hằng ao ước – một Ngôi Nhà của Trẻ đúng nghĩa với sự chuẩn bị của những con người đầy đủ về kiến thức, tình yêu thương, nhận thức rõ về cái mình đang làm và sẽ làm. Chúng tôi cảm thấy tự hào và cam kết sẽ thực hiện theo đúng triết lý và phương pháp giáo dục Montessori.
Videos (show all)
Location
Category
Website
Address
D24 Thủ Đức Garden Homes, 27 Đường Số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Ho Chi Minh City
700000
Ho Chi Minh City
Founded in 2008, Analytics Club aims to aid students as they explore the Business Analytics field.
Chung Cư Saigon Avenue, Phường Tam Bình, TP Thủ Đức, HCM
Ho Chi Minh City
Trung tâm Tiếng Anh mang những điều ngọt ngào, tuyệt vời nhất đến với trẻ
Lầu 1, Số 2A Lương Hữu Khánh, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1
Ho Chi Minh City, 10000
456 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P25, Quận Bình Thạnh
Ho Chi Minh City, 084
Dạy tiếng Anh chất lượng, cá nhân hoá theo chuẩn CEFR, 100% giáo viên người nước ngoài, trình độ cao.
Ta Quang Buu, District 8
Ho Chi Minh City, 700000
Chia Sẻ Kiến Thức CHATGPT - AI và Xây Nhân Hiệu Đa Kênh Chuyên Nghiệp - Thu Hút Khách Hàng Tiềm Năng
69 Mai Chí Thọ
Ho Chi Minh City, 700000
Da Vinci Academy là cơ sở ĐẦU TIÊN hiện đang huấn luyện và đào tạo đầu tư tài chính tại Việt Nam
31 Đường Số 2, Phường 3, Linh Xuân, Thủ Đức
Ho Chi Minh City, 08
Đây là trang được sử dụng để truyền tải thông tin Nhà Dòng Salêdiêng Don Bosco
354 Võ Văn Kiệt, Quận 1
Ho Chi Minh City, 700000
Viet Jungle Academy -trung tâm đào tạo các kỹ năng: Trekking - Hiking - Outdoor- Camping
Căn 6 Đường 13, Khu Dân Cư Lakeview, Phường An Phú, Thành Phố Thủ Đức
Ho Chi Minh City
Queen Lizzie English house - A fun and exciting environment to help young learners absorb English