27/11/2022
Ngoài サッカー, trong tiếng Nhật môn bóng đá còn tên gọi khác không?
Có. Bóng đá chữ Kanji là 蹴球 (しゅうきゅう)
Âm Hán Việt là XÚC CẦU
蹴球 XÚC CẦU= 蹴 XÚC+ 球 CẦU
XÚC蹴=足 TÚC+就 TỰU
Xúc và Túc gần âm nhau nên có thể coi là chữ hài thanh: chỉ âm là chữ túc, chỉ ý là chữ tựu.
Túc nghĩa là chân, tựu có nghĩa là tiếp xúc, đến, tụ tập (trong tiếng Việt có các từ “tề tựu, tựu trường, thành tựu...”).
Còn chữ 球là vật tròn, trái bóng.
Như vậy: 蹴球= 足 + 就+ 球: Môn tiếp xúc bóng và đá bằng chân.
26/11/2022
Về Mondai 2: (N3)
- Đổi những từ viết bằng Hiragana sang Kanji tương ứng với cách đọc và nghĩa phù hợp trong mạch câu văn
- Số lượng: 06 câu
- Lưu ý:
1) Trong đáp án có những chữ Kanji gần giống nhau, cần loại trừ bằng cách xét đến bộ thủ làm ý.
2) Trong đáp án có 2 Kanji cùng cách đọc như từ cho sẵn trên câu hỏi, cần nắm nghĩa của câu dẫn để chọn Kanji đúng văn cảnh.
- Thời gian: 02 phút/06 câu.
Đọc đề, suy nghĩ, phán đoán, loại trừ: 15 giây
Khoanh tròn: 05 giây
- Số câu đúng lý tưởng: Từ 05 câu.
25/11/2022
Trong thế giới chữ Kanji, cùng có ý nghĩa gốc là “NHÌN” cùng cách đọc âm Kun là “MIRU”nhưng nghĩa tình thái khác sau, sẽ sản sinh ra các chữ Kanji khác nhau.
1) 見(み)る 目立つ。目に止まる。現れる。KIẾN(ケン)
2) 視(み)る 真っ直ぐ視る。注意して視る。THỊ(シ)
3) 看(み)る 手をかざして看る。よくみる。KHÁN(カン)
4) 診(み)る 細かいところまですみずみまでみる。CHẨN(シン)
5) 察(み)る すみずみまでみる。SÁT(サツ)
6) 覧(み)る 高い所から下を覧る。LÃM(ラン)
7) 監(み)る 上から下のものをみて、みさだめる。GIÁM(カン)
8) 観(み)る 多くのものを比べて観る。批評する。QUAN(カン)
NHÌN thêm còn có:
9) 眺(なが)める 右に左にと広く見渡す。THIẾU(チョウ)
10) 望(のぞ)む 遠くの見えにくいものをもとめみる。VỌNG(ボウ)
Nguồn tham khảo: Internet
23/11/2022
Về chữ 葉 trong chữ 言葉
言葉 Từ vựng=言 (lời nói)+葉 (chiếc lá)
Chữ ngôn 言 là hình cái miệng với lời nói đang được nói ra.
Cùng so sánh cây cối với con người để thấy nhiều nét tương đồng và lý giải vì sao trong chữ “từ ngữ” lại có “chiếc lá”.
Về cấu tạo, bộ phận:
Rễ cây: Phần nằm sâu dưới lòng đất, cũng giống như suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của con người ẩn sâu trong tim, là những thứ vô hình đều không nhìn thấy được.
Thân cây: Chuyển tiếp giữa gốc và cành lá như thân người để nâng đỡ cơ thể người.
Lá cây: Phần tỏa ra bên ngoài, nhìn thấy được, là các điểm tiếp xúc với không khí và môi trường để thực hiện quá trình quang hợp, hô hấp, giúp cây phát triển.
Lời nói con người cũng tương tự. Nó là phương tiện, cách thức để giao lưu, tiếp xúc, truyền đạt, tương tác với thế giới và xã hội bên ngoài.
Về quá trình phát triển:
Ở giai đoạn đầu sau khi gieo hạt, cây tập trung phát triển nhiều nhất cho bộ rễ. Con người lúc nhỏ là lúc nuôi dưỡng cảm xúc, tinh thần, hình thành suy nghĩ.
Ở giai đoạn phát triển lá bắt đầu mọc thành tán rộng lớn hơn, có nhiều điểm tiếp xúc với môi trường hơn. Còn con người, thời kỳ phát triển là lúc tăng cường, mở rộng các hành động hướng ngoại thông qua giao tiếp trong các mối quan hệ bạn bè, gia đình, người thân, đối tác trong công việc qua đó thể hiện sự yêu thích, đam mê, nhu cầu, năng lực.... của bản thân.
Về cảm xúc:
Đơn giản là bộ rễ của cây khỏe mạnh, thân cây và cành lá sẽ xanh tươi, mượt mà.
Cũng giống như nếu tâm hồn được nuôi dưỡng tốt, lời nói sẽ vui vẻ, tích cực, dễ thu hút được mọi người.
Tham khảo: https://shizen-kome.com/ida/index-1526
16/11/2022
Về Mondai 1:
- Cách đọc những từ được viết bằng Kanji
- Số lượng 8 câu
- Lưu ý các từ có trường âm, âm đục, xúc âm, hoặc từ có cách đọc đặc biệt
- Thời gian làm bài: Không quá 02 PHÚT cho 8 câu
=> 15 giây/ câu. Trong đó đọc đề, phán đoán: 10 giây; khoanh tròn 5 giây
- Số lượng đúng lý tưởng: từ 6/8 trở lên
P/s: Mỗi Kanji là một điều thú vị.
13/11/2022
Về chữ HÔN 昏・婚
Hôn: 昏
Giáp cốt văn là hình mặt trời đi xuống dưới độ cao bằng cánh tay người, chỉ bóng tối đã đến.
Tiếng Việt có chữ hoàng hôn. Hoàng là màu vàng. Hoàng hôn nghĩa là lúc sắc vàng (hoàng) và sắc tối (hôn) hòa lẫn với nhau. Nghĩa gốc là buổi chiều tà, lúc trời nhá nhem tối.
Nghĩa phát triển: Không sáng sủa, không minh mẫn, choạng vạng, choáng váng, ngu dốt.
Trong các chữ như: Hôn mê, hôn quân.
Hôn: 婚
婚=女+昏
Gồm chữ 昏 (phân tích ở trên) chỉ âm đọc và bộ nữ女 chỉ ý: Việc cưới vợ, kết hôn.
Phân tích thêm: Lấy lại nghĩa gốc của chữ hôn: buổi chiều tà, là lúc giao hòa giữa ngày và đêm, rộng ra là giao hòa giữa âm và dương.
Tham khảo: Tìm về cội nguồn chữ Hán – Lý Lạc Nghị.
05/11/2022
ĐÁO ĐỂ nghĩa là gì?
Phân tích từng chữ thành phần ta có:
① Đáo: 到
到 ĐÁO=至CHÍ+刂ĐAO
Chữ 至CHÍ là hình mũi tên cắm ngược ý là đã đi hết tầm xa nhất của mũi tên rồi cắm xuống đất.
Chí có 2 nét nghĩa chính:
Một là: ĐẾN, TỚI, ĐẾN ĐÍCH như trong đông chí, hạ chí.
Hai là: HẾT CỠ, TẬN CÙNG như trong chí lý, chí công vô tư.
Từ hình thái chữ 至CHÍ, phân tích thành:
Bộ nhất:一 nét nhất ở trên chỉ trời
Bộ tư: 厶 chỉ người (hoặc có tài liệu gọi là bộ khư)
Bộ thổ: 土 đất
(Chế) để dễ nhớ là : Con người, ai rồi cũng ĐẾN lúc gần đất xa trời.
Quay lại chữ Đáo 到: Có thể hiểu hài thanh: phần âm bộ đao, phần ý của chữ chí.
Đáo 到: Đến nơi, đến chốn, đến tận cùng.
② ĐỂ:底
底 ĐỂ=广 NGHIỄM+氏 THỊ +一NHẤT
Bộ nghiễm: 广 mái nhà
Bộ thị: 氏 người
Bộ nhất: 一số một
Người sống chung dưới 1 mái nhà thì sẽ có cùng nguồn gốc, chung nền tảng.
Nghĩa của chữ ĐỂ là ĐẾ, ĐÁY, NỀN, NỀN TẢNG.
Như vậy: Nghĩa gốc của “ĐÁO ĐỂ” theo từ điển Hán Nôm là:TỚI ĐÁY, TỚI CÙNG, TỚI HẾT, TRIỆT ĐỂ, THẤU SUỐT.
Ngày nay, từ này được dùng:
Nghĩa tích cực: xinh đáo để, ngoan đáo để tức là xinh tận cùng, xinh hết mức, xinh cùng cực.
Nghĩa tiêu cực: quá quắt, không chịu nhường nhịn, không chịu thua kém ai.
04/11/2022
Chữ Hán hình thành từ rất xa xưa lịch sử, và người Nhật mượn lại hình thái để tạo ra 2 bảng chữ viết là Hiragana và Katakana. Đến hiện tại chúng ta là những người đi sau- tìm hiểu dựa trên những sách vở và ghi chép, đôi khi không thể hiểu và lí giải hết được nguyên cả quá trình phát triển của chữ mấy nghìn năm. Có thể khi các cụ ra chế biến chữ họ nghĩ và dựa vào những quy ước nào đó mà hiện tại mình áp dụng vào để giải thích nó rất khó hiểu, thậm chí không hiểu gì.
Chính vì vậy, học Kanji cũng có nhiều “trường phái” khác nhau. Giải thích chữ này người này cho là đúng- trên nền tảng kiến thức, hiểu biết của người đó. Còn có người khác lại cho rằng cách đó chưa hay, chưa đạt, cách này mới dễ nhớ…..Nó giống như niềm tin vào tôn giáo vậy: ai theo phái nào thì theo. Vấn đề quan trọng nhất là tôn trọng những suy nghĩ khác mình và học những điều tốt với mình. Mục đích cuối cùng là để mình tiến bộ hơn.
Có nhiều chữ mình học, rồi thời gian sau học lại (khi đã có đủ kiến thức về chữ) mới thấy cách giải thích của CHÍNH MÌNH trưởng thành lên rất nhiều.
30/10/2022
Morning cả nhà, cuối tuần nên post lại sẽ hơi dài.
Hôm nay là 2 chữ khá khoai chuối và dễ nhầm: 惑 và 感
HOẶC 惑
惑=或+心/HOẶC= HOẶC + TÂM
Là chữ hài thanh, thành phần chỉ âm là chữ HOẶC, chỉ ý là bộ TÂM.
Phân tích thành phần chỉ âm: chữ HOẶC或 trước.
HOẶC或
Tham khảo từ điển Mazi phân tích gồm bộ qua戈 bộ khẩu口, bộ nhất一.
“Mồm 口chỉ nói qua戈 loa thì nội dung khá là nghi hoặc 或”.
Cách giải thích này đơn giản, gần gũi. Nếu không cần tìm hiểu sâu hơn về chữ thì đến đây là ứng dụng được luôn để nhớ và viết.
Tuy nhiên, xét về nguồn gốc thì sẽ có cách phân tích khác.
或= bộ qua戈 (là một loại vũ khí) +bộ vi口 (phạm vi) + bộ nhất一 (số 01, nhất định).
Lý giải: “Nhất định一 cầm vũ khí 戈đánh giặc để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ口”.
Do việc giặc kéo đến lúc nào không ai đoán biết nên nghĩa gốc của 或 chính là tinh thần đề phòng, lúc nào cũng trong trạng thái cảnh giác cao và sẵn sàng để chuẩn bị chiến đấu.
((Cách giải thích này phù hợp với cả các từ khác trong hệ thống gồm: QUỐC 國-(phồn thể), VỰC 域– chữ thứ 342 Soumatome Kanji N2)).
Nghĩa mở rộng từ nghĩa gốc: Sự không chắc chắn, cảnh giác, nghi hoặc.
Quay lại chữ 惑=或+心Nhấn mạnh cảm giác luôn đề phòng, nghi ngờ, nghi hoặc.
CẢM 感
感=咸+心/ CẢM= HÀM+TÂM
Là chữ hài thanh. Thành phần chỉ âm là chữ HÀM, chỉ ý là bộ TÂM.
Phân tích thành phần chỉ âm: Hàm咸 trước:
Hàm 咸
咸 = Bộ Tuất 戌(một loại vũ khí) + bộ khẩu口.
Lý giải: Dù vũ khí 戌kề cận nhưng vẫn không mở miệng口. Tức là giữ ở bên trong mà không nói ra.
Như vậy 咸 có nghĩa là bên trong. Tiếng Việt của mình có chữ “bao hàm”, “hàm ý” đều lấy nghĩa này.
感=咸+心:Cảm là suy nghĩ cảm nhận từ bên trong tim.
P/s: Mỗi Kanji là một điều thú vị
27/10/2022
Học tiếng Nhật, chắc ai cũng biết 合格nghĩa là đỗ kỳ thi (Từ mới bài 32 giáo trình Minano).
Hôm nay mình cùng phân tích chữ Hán này nhé.
合格=合+各
Hợp:合
Giáp cốt văn vẽ hình cái nắp đậy khít cái miệng nồi nên có nghĩa là hợp, khít, vừa vặn.
Về sau chữ viết biến đi nên có thể phân tích cho dễ nhớ bằng cách: “Dưới mái nhà 𠆢, mọi người chung một 一 tiếng nói 口thì sẽ hòa HỢP 合.
Cách: 格
Là chữ hài thanh gồm bộ mộc (木)chỉ ý và chữ cách (各) chỉ âm đọc.
Cách (各)nghĩa là mỗi, mọi, các.
Mộc (木)nghĩa là cây.
Cách (格) nghĩa gốc là những cành cây mọc ra từ thân cây.
Mỗi cành cây khác nhau sẽ mọc ở những độ cao khác nhau.
Nên từ nghĩa gốc “cành cây mọc từ thân” có các nghĩa phát triển là “vạch, mức, tầng, mức độ”.
Mở rộng ra chỉ cho ý nghĩa “tiêu chuẩn, quy cách” (Ý là có đạt đến một độ cao, hoặc mức độ đó hay không).
Như vậy: 合格 nghĩa là phù hợp với, đạt đến một tiêu chuẩn, quy cách nào đó.
P/S: Mỗi Kanjj là một điều thú vị.
25/10/2022
Học Kanji mấy (mươi) năm, nhưng có rất nhiều thanh niên chưa biết viết chữ “Việt Nam” bằng Kanji. Mặc dù tách riêng 2 chữ này thì chắc chắn đã gặp không ít lần.
Có ai dơ tay điểm danh không?
24/10/2022
Trả lời 3 câu hỏi thường gặp khi học Kanji.
Q1: Học 1,000 Kanji (đến N3) mất bao lâu?
A1: Với tốc độ vừa học vừa tìm hiểu nguồn gốc, nghĩa gốc, nghĩa phát triển, cách đọc, ví dụ chứa từ… sẽ mất khoảng 30 buổi.
Mỗi buổi 90’/ tuần 3 buổi => 2.5~3.0 tháng.
Q2: Điều quan trọng nhất khi học Kanji là gì?
A2: Là bộ thủ
Kanji luôn đi theo hệ thống. Mỗi chữ cùng hệ thống sẽ có bộ thủ chứa nghĩa và bộ thủ chứa âm.
Ví dụ: 各、格、絡、客、洛、落、路
Như vậy để phân biệt cần xác định thành phần chỉ âm, chỉ ý trong từng chữ.
Q3: Nên học Kanji cuốn chiếu hay học song song cùng từ vựng, ngữ pháp, được hiểu…
A3: Nên học cuốn chiếu.
Lý do:
1. Trình độ Kanji không phụ thuộc vào trình độ Tiếng Nhật. Người học N5, có thể học Kanji N4, N3 là bình thường.
2. Học xong Kanji, nhìn sang từ vựng và đọc hiểu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều do đã nắm cơ bản và với số lượng từ nhất định.
P/s: Mỗi Kanji là một điều thú vị.
21/10/2022
Trước mình học Kanji đúng theo kiểu học chữ nào biết chữ đấy. Thậm chí phần này, các thầy cô giáo còn khoán luôn cho học sinh tự học.
(Do hồi sinh viên, mình học tiếng Nhật như một ngoại ngữ 2- ở trung tâm tiếng Nhật Núi Trúc - Kim Mã- Hà Nội).
Đến khi mình học đủ nhiều, tầm khoảng N3, thì mình bắt đầu biết thắc mắc. Tại sao chữ đó lại có nét đó, tại sao nhiều chữ giống nhau vậy, tại sao lắm chữ thấy rất quen mà không thể nhớ nó nghĩa là gì…….?
Mình bắt đầu tìm kiếm và hiểu ra “à, hóa ra có cái vụ chiết tự chữ để nhớ”. Ban đầu mình sướng lắm, vì nhiều chữ thấy đúng thế thật. Ví dụ họ chiết chữ Nam là gồm bộ điền và bộ lực. Làm ruộng là công việc trên đồng ruộng và cần nhiều sức lực, nên thường đàn ông con trai sẽ đảm nhiệm. Mình thấy ngon ngon, tâm đắc lắm. Quyết “chiết” cho hết hơn ngàn chữ Kanji cho đã.
Nhưng có những chữ lại chẳng biết chiết làm sao cho được. Lần mò mãi với key “chiết tự chữ ….” để mò cho ra, tra Mazi ngày kia hóng để kiếm được cách giải thích cho thỏa mãn.
Cày nát rồi cũng vẫn buồn dưn dứt vì phần lớn là người ta chế ra câu chuyện để nhớ cho nhanh nên vẫn làm mình đau đáu câu hỏi vậy thật sự thì chữ đó là cái gì vậy?
Mỗi khi tìm được nguồn gốc của chữ, hay ít nhất là cách giải thích gần nhất với những bộ thủ thành phần mà không phải chế, cảm giác chỉ muốn giữ chữ đó là của mình. Như kiểu chính mình là người “đẻ “ ra ấy. Vừa muốn chiếm hữu vừa muốn chia sẻ đi “khoe “ .
Một chữ là bị mê, lại muốn nhiều hơn nên lắm khi mình hay đùa là bản thân bị “say chữ”.
Đến giờ nhiều lúc vẫn bị say.
19/10/2022
1. Bối: 貝
Tượng hình 2 vỏ sò tách đôi. Người xưa lấy bối làm đơn vị tiền tệ.
Lấy nghĩa “tiền” để giải thích các chữ Hán khác chứa bộ bối.
2. Mãi: 買
目 罒+貝: Nhìn , quan sát kỹ rồi mới trả tiền MUA.
3. Viên: 員
口+貝:Người nhân viên thì cái miệng là đáng tiềnnhất (truyền đạt, báo cáo, trình bày….)
4. Phụ: 負
Nhân nằm+貝: Con người còng lưng gánh vác việc kiếm tiền.
5. Bần: 貧
分+貝:Phân chia tiền bạc cho nhiều người nên bị nghèo.
6. Tư: 資
次+貝: Tiền là thứ quan trọng thứ nhất trong ĐẦU TƯ.
7. Phiến: 販
返+貝:Tiền để dùng trong 2 quá trình trái ngược là MUA và BÁN.
8. Tắc: 則
刂+貝:Mọi người phải tuân theo QUY TẮC, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc xử phạt.
9. Hóa: 貨
化+貝:Dùng tiền để (trao) đổi HÀNG HÓA.
10. Trách: 責
主+貝:Làm chủ phải có TRÁCH NHIỆM với đồng tiền.
P/s: Mỗi Kanji là một điều thú vị
11/10/2022
Khóc vì mấy chữ Kanji bọ có đáng không em?
10/10/2022
PHẢN: 反 gồm bộ HÁN ⺁và bộ HỰU又
Bộ HÁN: sườn núi, vách núi.
Bộ HỰU: tay.
Nghĩa gốc: Tay càng bám vào sườn núi thì càng bị rơi ngược trở lại.
Lấy nghĩa: NGƯỢC, TRÁI NGƯỢC, NGƯỢC LẠI để giải thích nghĩa trong hệ thống
返=辶+反:Đi, di chuyển 辶 NGƯỢC LẠI反
販=貝+反:Buôn bán là dùng tiền 貝 để thực hiện 2 quá trình TRÁI NGƯỢC 反nhau: mua đi và bán lại.
坂:土+反: Hình thái nghiêng của đất 土 mà khi di chuyển thường bị rơi NGƯỢC LẠI 反
P/S: Mỗi Kanji là một điều thú vị
06/10/2022
相=木+目:Trèo lên cây để nhìn, quan sát xung quanh. Lấy nghĩa: “nhìn, quan sát, để mắt tới” khi giải thích các từ liên quan.
相: Ngoài âm Hán là TƯƠNG còn có âm là TƯỚNG. Tướng là người mà biết NHÌN, QUAN SÁT thời cuộc để hành động.
箱=竹+相:Cái hộp/thùng là vật làm từ tre,trúc và yêu cầu lúc nào cũng phải QUAN SÁT, ĐỂ MẮT tới.
想=相+心:Luôn ĐỂ MẮT hướng về và lưu tâm đến những thứ mình đang suy nghĩ, cảm tưởng.
P/s: Mỗi Kanji là một điều thú vị.
03/10/2022
3 sự thật ố dề về số KHÔNG (零)
1) Âm Hán Việt là LINH. Đây là chữ Hài Thanh. Gồm chữ VŨ (雨) làm ý và chữ LỆNH (令 )làm âm. Nên có một cách đọc là れいngoài cách đọc ゼロ.
2) LINH có 4 nét nghĩa chính lấy ý nghĩa từ chữ VŨ:
2.1) (mưa) Rơi, đổ 零落:れいらく
2.2) (mưa) Lác đác, ít ỏi 零細:れいさい
(tiếng Việt có chữ linh tinh).
2.3) (mưa) Tràn 零れる:こぼれる
2.4) Số không零:れい
3) LINH là cách đọc liền số lẻ dưới 10 sau hàng trăm. Ví dụ 205 đọc là “Hai linh năm”.
P/s: Mỗi Kanji là một điều thú vị.
01/10/2022
Nay cuối tuần nên mình viết bài hơi dài xíu.
Kanji nó lạ lắm. Lạ ở chỗ làm người học dễ rơi vào tình trạng SAY CHỮ. Tức là học xong 1 lại muốn tìm hiểu 2,3,4,5,6 chữ khác.
Ví dụ hệ thống chữ: 青・晴・精・情・静・清
Trước đến giờ mình đã học:
青 : THANH nghĩa là màu xanh.
晴: Bộ Nhật (日) +青=> Trời trong xanh, trời nắng.
Đến đây là oách rồi, ngon lắm, vỗ đùi đánh đét cái khen mình “CHIẾT TỰ” giỏi ghê.
Nhưng đến khi mình khôn hơn và có nhu cầu cần tìm hiểu thì mình thắc mắc 2 câu hỏi NHỎ:
Câu 1: Tại sao 青 lại thể hiện màu xanh, mà không phải màu khác đi?
Câu 2: Nếu lấy nghĩa “xanh” thì 精・情・静・清 giải thích có đến độ “đáo để” được hay không?
Câu trả lời bên dưới như sau:
Câu 1: Đây là hình vẽ trong Kim Văn của chữ THANH. Dưới là cái chậu đất (với chất đất), trên là hình cái cây với những lá trên ngọn mọc dài và to hơn những lá phần gốc. => Với chất đất thì quá trình cây phát triển tốt, và XANH TƯƠI.
(Ai đã từng phân tích bộ dưới là NGUYỆT hay NHỤC thì có gì đó đi xa quá với nguồn gốc của chữ rồi nhé. Tất nhiên, mỗi người sẽ có một cách riêng tách chữ để dễ nhớ).
Mở rộng với nghĩa gốc, mình có thể hiểu và cảm nhận với tầng nghĩa mở rộng là: yên bình, sạch, đẹp…
Câu 2:
精= 米+青:Hạt gạo là kết TINH của quá trình phát triển của cây lúa (lấy nghĩa gốc).
情= Tâm đứng+青:TÌNH là những thứ tốt đẹp ở trong tâm (lấy nghĩa mở rộng).
静= 青+ 争(tranh giành, giữ lấy): Giữ bằng được sự yên bình, TĨNH lặng (lấy nghĩa mở rộng).
清: Thủy+青: Dùng nước để làm cho THANH sạch, đẹp (lấy nghĩa mở rộng).
Nếu các bạn có những thắc mắc NHỎ mà chưa tìm thấy câu trả lời thỏa đáng. Hãy theo dõi trang fanpage để update bài viết của mình nhé.
28/09/2022
Q1: Gà có trước hay trứng có trước?
A1: Gà là câu trả lời cuối cùng của em!
Q2: Trong tiếng Nhật, Hiragana, Katakana, Kanji chữ nào có trước?
A2: Ét O Ét. Em cần gọi điện cho người thân ah.
Người thân: Theo tớ nghĩ, Kanji là người Nhật mượn sau này của người Trung Quốc thôi. Chứ trước đó người Nhật đã có bộ Hiragana rồi.
Dẫn chương trình nghĩ: Ban đầu anh cũng như 2 chú cho đến khi anh nhìn ảnh dưới anh em ah.
26/09/2022
Mai một nghĩa là gì?
MAI: 埋 (Chữ thứ 229 Soumatome N2)
Giáp cốt văn vẽ hình cái cây cắm/ trồng vào chậu đất. Về sau chữ viết biến đi có thể phân tích gồm bộ thổ (土)và chữ lý (里).
Chữ Lý có 3 nét nghĩa chính. Tuy nhiên trong chữ này Lý có nghĩa là bên trong, phía trong.
=> Mai: Chôn vùi trong đất
埋める:うめる:Chôn, lấp
埋伏:まいふく:mai phục
埋葬:まいそう:Mai táng
MỘT: 没
Triện văn vẽ hình dòng nước với cánh tay bị hút dần vào xoáy nước.
=> Một: Chìm dần vào trong lòng nước.
Mai một nghĩa gốc là: Chôn, vùi, lấp, chìm
Nghĩa phát triển: Mất dần, chìm dần, không còn ai biết đến
P/s: Mỗi chữ Kanji là một điều thú vị
25/09/2022
Chữ cam: 甘
Có 2 nét nghĩa: vị ngọt và sự cam chịu.
Phân tích nét nghĩa đầu tiên: vị ngọt:
Bên ngoài vẽ hình cái miệng và chữ nhất bên trong. Mình có thể hiểu vị ngọt (甘) là vị đầu tiên (一) lưỡi mình cảm nhận được khi ăn thức ăn ở trong miệng (口).
甘い: あまい: Ngọt
Phân tích nét nghĩa thứ 2: sự cam chịu:
Chữ vẫn vẽ hình cái miệng (口) và một (一) vật được giữ bên trong. Ý nghĩa là ngậm và giữ trong miệng. Cho dù không thích vẫn phải chấp nhận, giữ lại.
甘心: かんしん:can tâm
P/s: Mỗi chữ Kanji là một điều thú vị.
25/09/2022
Học Kanji, các bạn đã bao giờ bắt gặp những chữ gồm những bộ rất quen thuộc, viết không khó, đọc không khó, nhưng bạn lại không thể trả lời được TẠI SAO mặt chữ đấy lại gắn liền với ý nghĩa đấy chưa ah?
Ví dụ chữ: TẾ (細)-chữ thứ 219 Soumatome N3
細い:ほそい:Nhỏ
細かい:こまかい:Chi tiết
細胞: さいぼう: Tế bào
Câu hỏi: Vậy bộ mịch (糸)và bộ điền (田)sao lại ra nhỏ, mỏng, chi tiết??????
Trước mình thắc mắc cũng chỉ đến đây rồi thôi, mình nghĩ bỏ công tìm hiểu thêm thà nhớ luôn còn nhanh hơn.
Nhưng như vậy sẽ dễ quên khi số lượng chữ Kanji cần học ngày càng nhiều.
Câu trả lời là:
Mịch (糸) là chữ tượng hình vẽ hình sợi tơ. Bản thân bộ mịch đã bao hàm ý nhỏ, mỏng.
Còn (田) không phải bộ Điền.
Trong giáp cốt văn vẽ đỉnh đầu. Hai nét bên trong giao nhau thể hiện cái thóp trước trên đầu. Khi đứa trẻ mới chào đời, Thóp là chỗ xương chưa che kín hết hộp sọ. Thóp sẽ dần đóng kín khi trẻ đến 1 tuổi. (Google để biết thêm nhé ah).
Như vậy: tế thể hiện ý nghĩa sợi tóc tơ (糸) mọc trên đầu (田) của đứa trẻ mới sinh. Tóc tơ thường rất mỏng, mềm, nhỏ.
P/s: Mỗi chữ Kanji là một điều thú vị.
22/09/2022
Chữ Quý: 季
Có 2 nét nghĩa: thứ nhất là đứa con cuối trong gia đình, thứ hai là mùa, mùa vụ.
Cùng phân tích nét nghĩa thứ 1: con út
Chữ gồm bộ hoà (禾)chỉ cây lúa, mở rộng ra là đồ ăn, lương thực và bộ/chữ tử (子)chỉ đứa con, đứa trẻ. Hiểu là đứa út (季) trong nhà là đứa trẻ (子) luôn được nhường nhịn cho nhiều phần cơm/ đồ ăn (禾) hơn.
Nét nghĩa thứ 2: mùa, mùa vụ (nghĩa chính trong tiếng Nhật)
Chữ gồm bộ hoà (禾) là cây lúa. Nhưng đây là cây lúa chín, vì nét trên cùng là nét viết xiên, chỉ bông lúa chín đã cúi đầu.
Bộ dưới là bộ/chữ tử (子) nghĩa gốc của chữ này là đứa con, đứa bé. Tuy nhiên nó cũng có nghĩa là giống, hạt giống.
Ghép 2 bộ, ta có thể giải thích: mùa là một quãng thời gian tính từ khi mình gieo hạt (子)đến khi cây lúa chín, ngả bông (禾)
雨季:うき:mùa mưa
四季:しき:bốn mùa
気候:きこう:thời tiết
P/s: Mỗi chữ Kanji là một điều thú vị.